Bộ luật hàng hải năm 2015 đã có quy định về việc bắt buộc phải sử dụng hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài ở một số khu vực bắt buộc phải có hoa tiêu hàng hải. Cùng bài viết tìm hiểu về hoa tiêu hàng hải là gì? Quy định về dịch vụ hoa tiêu hàng hải?
Mục lục bài viết
1. Về hoa tiêu hàng hải:
Tại Khoản 1 Điều 249
“1. Hoa tiêu hàng hải là người cố vấn cho thuyền trưởng điều khiển tàu phù hợp với điều kiện hàng hải ở khu vực dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải. Việc sử dụng hoa tiêu hàng hải không miễn trách nhiệm chỉ huy tàu của thuyền trưởng.”
Hoa tiêu hàng hải được xác định là cá nhân, đạt đủ các tiêu chuẩn và được cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của hoa tiêu hàng hải. Các cá nhân này đóng vai trò cố vấn cho thuyền trưởng về việc di chuyển của tàu sao cho phù hợp với điều kiện hàng hải ở các khu vực, vùng mà tàu đi qua. Hoa tiêu hàng hải do thuyền trưởng chọn để đi cùng tàu, do đó, chính trong thời gian dẫn tàu, hoa tiêu hàng hải thuộc quyền chỉ huy của thuyền trưởng tàu được dẫn, và thuyền trưởng cũng có quyền đình chỉ hoạt động của hoa tiêu đó và yêu cầu thay thế hoa tiêu hàng hải khác.
Hoa tiêu hàng hải là một chủ thể không thể thiếu đối với các vùng hoa tiêu bắt buộc. Hoa tiêu như một người chỉ đường cho thuyền trưởng, để thuyền trưởng biết được các điều kiện tại vùng biển mà họ đi qua từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn cho việc di chuyển tàu sao cho hợp lý. Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 43/2018/TT- BGTVT thì có tám vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc, tức các tàu thuyền phải có hoa tiêu hàng hải chỉ dẫn khi đi qua các vùng biển này.
2. Điều kiện hành nghề của hoa tiêu hàng hải:
Điều kiện hành nghề của hoa tiêu hàng hải đó chính là cá nhân là công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời có chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải và chịu sự quản lý của một tổ chức hoa tiêu hàng hải. Trong quá trình dẫn tàu, thì hoa tiêu hàng hải chỉ được phép dẫn tàu trong vùng hoa tiêu hàng hải phù hợp với giấy chứng nhận vùng hoa tiêu hàng hải mà họ được cấp.
Khi thực hiện dẫn tàu, hoa tiêu có quyền và nghĩa vụ của hoa tiêu hàng hải riêng biệt. Cụ thể thì hoa tiêu hàng hải có quyền từ chối dẫn tàu khi thuyền trưởng cố ý không thực hiện chỉ dẫn, khuyến cáo hợp lý của hoa tiêu, khi từ chối dẫn tàu, hoa tiêu hàng hải đồng thời phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải và tổ chức hoa tiêu hàng hải biết về việc từ chối dẫn tàu đó. Trong suốt quá trình dẫn tàu, hoa tiêu hàng hải phải thường xuyên chỉ dẫn cho thuyền trưởng biết về điều kiện hàng hải ở khu vực dẫn tàu; khuyến cáo thuyền trưởng về các hành động không phù hợp với quy định bảo đảm an toàn hàng hải và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của hoa tiêu hàng hải khi dẫn tàu, hoa tiêu là người am hiểu, có kiến thức cũng như kinh nghiệm về khu vực dẫn tàu, do đó, họ phải chỉ dẫn, đưa ra những khuyến cáo phù hợp để thuyền trưởng có thể di chuyển tàu một cách chính xác, tránh gặp tai nạn hoặc sự cố bất ngờ. Hoa tiêu cũng phải cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thực tế của tuyến dẫn tàu, cung cấp về các đặc tính điều động của tàu và các thông tin khác có liên quan đến hoạt động hàng hải trên tuyến dẫn tàu.
Bên cạnh việc chỉ dẫn cho thuyền trưởng thì hoa tiêu hàng hải còn phải thực hiện việc thông báo cho Cảng vụ hàng hải về tình hình dẫn tàu của họ và phải thực hiện thông báo trong những trường hợp họ phát hiện được những thay đổi có tính chất nguy hiểm về hàng hải khi dẫn tàu. Hoa tiêu hàng hải phải thực hiện chăm chỉ, tháo vát nghĩa vụ của mình.
Hoa tiêu hàng hải thực hiện đầy đủ, chính xác lệnh điều động của Giám đốc Cảng vụ hàng hải và hoa tiêu hàng hải cũng không được gây khó khăn, sách nhiễu hoặc các hành vi tiêu cực khác đối với doanh nghiệp, tàu thuyền có yêu cầu cung cấp hoa tiêu. Đây là nghĩa vụ thuộc về phẩm chất và sự chuyên nghiệp của một hoa tiêu hàng hải. Do hoạt động của hoa tiêu hàng hải liên quan đến nhiều chủ thể như doanh nghiệp cung cấp hoa tiêu hàng hải, Cảng vụ hàng hải, chủ thể có yêu cầu cung cấp hoa tiêu, mà nếu các hoa tiêu hàng hải không thực hiện đúng theo yêu cầu, gây những khó khăn, sách nhiễu đến những chủ thể đó sẽ tạo ra sự bất mãn đối với các chủ thể còn lại và thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong nghề nghiệp của hoa tiêu.
Trong thời gian dẫn tàu hoa tiêu không được sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất kích thích bị cấm. Việc sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất kích thích bị cấm sẽ dẫn đến việc hoa tiêu không giữ được sự tỉnh táo, nhanh nhẹn để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ dẫn đường của mình. Việc dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải kết thúc sau khi tàu đã thả neo, cập cầu cảng, hoặc kết thúc khi tàu đến vị trí thỏa thuận an toàn hoặc kết thúc khi có hoa tiêu hàng hải khác thay thế. Hoa tiêu hàng hải chỉ được phép rời tàu khi có sự đồng ý của thuyền trưởng.
3. Về dịch vụ hoa tiêu hàng hải:
Dịch vụ hoa tiêu hàng hải, hiểu đơn giản là dịch vụ cung cấp các hoa tiêu hàng hải phù hợp cho tàu thuyền có yêu cầu hoa tiêu hàng hải. Dịch vụ hoa tiêu hàng hải được cung cấp bởi Tổ chức hoa tiêu hàng hải. “Tổ chức hoa tiêu hàng hải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dẫn tàu thuyền đến, rời cảng biển, hoạt động trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam.” (Điều 248 Bộ luật hàng hải năm 2015). Như vậy, theo quy định thì chỉ có tổ chức hoa tiêu hàng hải mới được cung cấp dịch vụ hoa tiêu.
Tổ chức hoa tiêu hàng hải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp
Tổ chức hoa tiêu hàng hải hoạt động trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải trên tuyến dẫn tàu được giao, tức họ không có quyền từ chối cho cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu. Đồng thời, tổ chức hoa tiêu cũng phải bảo đảm chất lượng dịch vụ, cũng như đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật. Tại các tổ chức hoa tiêu hàng hải thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, quy định cụ thể tại Điều 103 của Nghị định số 58/2017/NĐ- CP như tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu, lập kế hoạch dẫn tàu hàng ngày trên cơ sở yêu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu; gửi kế hoạch dẫn tàu của ngày kế tiếp để Cảng vụ hàng hải lập kế hoạch điều động tàu vào, rời cảng, quá cảnh hoặc di chuyển trong vùng nước cảng biển; triển khai thực hiện kế hoạch điều động tàu của Cảng vụ hàng hải; xác báo lại cho người làm thủ tục về địa điểm và thời gian dự kiến hoa tiêu lên tàu; bố trí hoa tiêu dẫn tàu phù hợp với khả năng chuyên môn của hoa tiêu,….
Khi sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải, tàu thuyền phải trả phí dịch vụ hoa tiêu. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã quy định biểu khung phí dịch vụ hoa tiêu tại Thông tư số 54/2018/TT- BGTVT. Biểu khung này quy định về giá tối thiểu và giá tối đa đối với dịch vụ hoa tiêu trên từng tuyến dẫn đối với từng khu vực biển và được áp dụng riêng đối với tàu Việt Nam và tàu nước ngoài.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015;
–
– Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam;
– Thông tư số 43/2018/TT- BGTVT ngày 01 tháng 08 năm 2018 do Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam.
– Thông tư số 54/2018/TT- BGTVT ngày 14 tháng 11 năm 2018 do Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.