Khi thí sinh chuẩn bị thi tuyển, xét tuyển thì phải thực hiện nộp hồ sơ dự tuyển vào trường mà mình có mong muốn theo học. Vậy hồ sơ và thủ tục đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp:
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH quy chế và chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp, cao đẳng quy định hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp, bao gồm những giấy tờ sau:
– Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp (phiếu theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH);
– Các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của mỗi trường (Bản sao có chứng thực).
2. Thủ tục đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp:
Thủ tục đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp bao gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp
– Đối với phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp: người đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp nộp hồ sơ bằng một trong các hình thức sau:
+ Đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp và nộp Phiếu đăng ký dự tuyển tại trường:
++ Trung học cơ sở;
++ Trung học phổ thông;
++ Trung tâm giáo dục thường xuyên;
++ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên;
++ Sở lao động – thương binh và xã hội của địa phương;
++ Nộp trực tiếp tại trường đăng ký dự tuyển.
+ Đăng ký trực tuyến (online) trên:
++ Trang thông tin điện tử về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Địa chỉ đăng ký trực tuyến tại: http://tuyensinh.gdnn.gov.vn;
++ Trang thông tin điện tử của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của địa phương;
++ Các trang thông tin điện tử của các trường.
+ Đăng ký trực tuyến (online) qua Ứng dụng “Chọn nghề” được cài đặt trên những thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng).
– Đối với những loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường: người đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp nộp trực tiếp cho trường đăng ký dự tuyển hoặc gửi qua đường bưu điện theo yêu cầu của trường dự tuyển.
Bước 2: công bố phương thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp
Các trường công bố phương thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp và lệ phí tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
3. Tổ chức phúc tra:
3.1. Thời hạn phúc tra:
– Hội đồng tuyển sinh trường trung cấp nhận đơn đăng ký phúc tra về kết quả xét tuyển của thí sinh trong thời hạn là 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả xét tuyển và trúng tuyển. Hội đồng tuyển sinh trường trung cấp phải trả lời thí sinh chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận đơn;
– Thí sinh có đơn khiếu nại về điểm thi, nộp phí theo quy định của trường trung cấp. Nếu sau khi phúc khảo phát hiện sai sót trong quá trình chấm thi thì Hội đồng tuyển sinh phải hoàn trả khoản phí này cho thí sinh.
3.2. Tổ chức phúc tra:
– Việc tổ chức phúc tra tiến hành dưới sự điều hành trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh. Những thành viên đã tham gia quá trình nhập điểm và kiểm dò ở những lần trước không thuộc thành phần tham gia phúc tra; thời gian, vị trí làm việc sẽ do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quy định;
– Trước khi tiến hành phúc tra, Ban thư ký (gồm ít nhất 02 người) tiến hành các việc sau đây:
+ Kiểm tra sơ bộ tình trạng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp của thí sinh, nếu phát hiện có hiện tượng bất thường trong hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp của thí sinh thì lập biên bản và báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường;
+ Lập biên bản bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh những hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh đăng ký phúc tra.
– Khi tiến hành phúc tra, nhóm phúc tra (gồm ít nhất 02 người) tiến hành các việc sau đây:
+ Kiểm tra tình trạng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp của thí sinh;
+ Đối chiếu kết quả xét tuyển, thi tuyển do trường thông báo tới thí sinh đăng ký phúc tra với hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp của thí sinh;
+ Báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh sau khi tiến hành đối chiếu kết quả xét tuyển, thi tuyển của các thí sinh đăng ký phúc tra.
– Xử lý kết quả phúc tra:
+ Nếu kết quả xét tuyển, thi tuyển sau khi đã phúc tra giống với dữ liệu trong hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp của thí sinh thì giao kết quả cho Trưởng Ban phúc tra ký xác nhận kết quả chính thức;
+ Nếu kết quả xét tuyển, thi tuyển sau khi đã phúc tra có sự chênh lệch với dữ liệu trong hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp của thí sinh thì rút hồ sơ đăng ký dự tuyển giao cho Trưởng Ban phúc tra xem xét và thực hiện điều chỉnh đúng với hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp của thí sinh, lập biên bản và lưu hồ sơ tuyển sinh;
+ Trong trường hợp phúc tra kết quả xét tuyển, thi tuyển mà thí sinh chuyển từ diện không trúng tuyển trở thành trúng tuyển (và ngược lại), Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh tiến hành xác định các nguyên nhân sai sót, nếu thấy có biểu hiện và bằng chứng vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
– Kết luận phúc tra:
+ Kết quả phúc tra đã được Trưởng Ban phúc tra ký xác nhận là kết quả chính thức;
+ Kết quả được điều chỉnh do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quyết định và thông báo đối với thí sinh đăng ký phúc tra.
4. Xác định thí sinh trúng tuyển:
– Căn cứ số lượng chỉ tiêu được xác định theo quy định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng, cử tuyển (nếu như có); căn cứ thống kê kết quả tuyển sinh; căn cứ vào quy định khung điểm ưu tiên (nếu như có), Ban thư ký Hội đồng tuyển sinh dự kiến một số các phương án tuyển chọn để trình Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh xem xét, quyết định. Những trường có thể xây dựng tiêu chuẩn trúng tuyển chung của trường hoặc theo mỗi ngành, nghề đào tạo của trường và do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quy định.
– Khi số thí sinh trúng tuyển đến trường không đủ, trường có thể hạ tiêu chuẩn tuyển chọn hoặc thực hiện tuyển bổ sung bằng những lần tuyển sinh tiếp theo cho đến khi đủ chỉ tiêu. Việc hạ tiêu chuẩn tuyển chọn và tuyển sinh các đợt tiếp theo sẽ do Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội tuyển sinh quy định trên cơ sở ý kiến của những thành viên Hội đồng tuyển sinh và phải thông báo công khai ở trên trang thông tin điện tử của trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.
– Nếu số thí sinh đến trường nhập học đủ so với chỉ tiêu đã xác định ở ngay đợt tuyển sinh tiếp theo thì trường trung cấp không được nhận thêm hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp dù vẫn còn các đợt tuyển sinh như đã thông báo trước đó và phải thực hiện thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và những phương tiện thông tin đại chúng khác. Tiêu chuẩn tuyển chọn ở tất cả những đợt tuyển sinh của trường không nhất thiết phải bằng nhau và phải do Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quyết định trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng tuyển sinh.
– Đối với những ngành, nghề không tuyển đủ chỉ tiêu, sau khi đã xác định được tiêu chuẩn tuyển chọn ở mức cho phép theo yêu cầu đào tạo của trường trung cấp mà vẫn còn thiếu số lượng, trường trung cấp được phép lấy thí sinh dự tuyển vào trình độ trung cấp vào trường mình nhưng không trúng tuyển vào các ngành, nghề khác, đồng thời đạt yêu cầu và tiêu chuẩn tuyển chọn theo các quy định của ngành, nghề còn thiếu số lượng và tự nguyện vào học ngành, nghề đó. Nếu như số người đạt đủ tiêu chuẩn tuyển chọn lớn hơn so với chỉ tiêu thì lấy theo tiêu chuẩn tuyển chọn từ cao xuống thấp cho đến khi mà đủ số lượng theo một quy trình công khai.
– Căn cứ những phương án xác định tiêu chuẩn tuyển chọn của Ban thư ký Hội đồng tuyển sinh đề xuất, trên cơ sở các ý kiến của các thành viên Hội đồng tuyển sinh thì Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quyết định, chịu trách nhiệm và ký duyệt những điều kiện trúng tuyển. Tiêu chuẩn trúng tuyển, danh sách các thí sinh trúng tuyển phải công bố công khai ở trên trang thông tin điện tử của trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.
5. Triệu tập thí sinh trúng tuyển:
– Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trực tiếp xét duyệt về danh sách thí sinh trúng tuyển do Ban thư ký trình và ký giấy triệu tập các thí sinh trúng tuyển tới nhập học. Trong giấy triệu tập cần phải ghi rõ kết quả dự tuyển vào trình độ trung cấp của thí sinh và những điều kiện cần thiết đối với thí sinh khi nhập học.
– Trước khi vào học chính thức, học sinh, sinh viên phải được tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện do Hội đồng khám sức khỏe của trường tổ chức. Nếu như trường không thành lập Hội đồng khám sức khoẻ thì thí sinh sẽ được kiểm tra sức khỏe tại cơ sở y tế có đủ điều kiện chứng nhận sức khỏe theo đúng quy định của ngành y tế. Giấy chứng nhận sức khỏe sẽ do cơ sở y tế cấp hoặc do Hội đồng khám sức khỏe của trường cấp được bổ sung vào trong hồ sơ quản lý học sinh, sinh viên.
– Những thí sinh đến nhập học chậm sau 15 ngày so với ngày yêu cầu có mặt ghi ở trong giấy triệu tập trúng tuyển thì trường trung cấp có quyền từ chối không tiếp nhận. Nếu như đến chậm trong những trường hợp bất khả kháng thì các trường xem xét quyết định tiếp nhận vào học hoặc là bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học khóa học kế tiếp sau. Các trường hợp bất khả kháng như:
+ Do ốm, đau, tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên.
+ Do thiên tai có giấy xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH quy chế và chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp, cao đẳng.