Hiện nay, thực trạng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đang ngày càng gia tăng, phế liệu trở thành nguyên liệu sản xuất quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp như thép, điện tử ... Dưới đây là quy định của pháp luật về hồ sơ và thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Mục lục bài viết
1. Hồ sơ nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 27 Điều 3 của Văn bản hợp nhất Luật bảo vệ môi trường năm 2022 có đưa ra khái niệm cụ thể về phế liệu. Theo đó có thể hiểu, phế liệu là khái niệm để chỉ các loại vật liệu được thu hồi, phân loại và lựa chọn từ những loại vật liệu và các loại sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoặc tiêu dùng, các loại phế liệu đó được sử dụng để làm nguyên vật liệu cho một hoặc nhiều quá trình sản xuất khác nhau trên thực tế. Như vậy có thể nói, việc nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất được xem là việc dùng các loại phế liệu tại một quốc gia khác nhập khẩu về quốc gia sở tại, từ đó làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Phế liệu nhập khẩu được xem là kết quả của quá trình thương mại giữa các quốc gia với nhau.
Pháp luật hiện nay cũng đã có những quy định cụ thể về thành phần hồ sơ trong quá trình nhập khẩu phế liệu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Căn cứ vào Công văn 2188/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu chất thải và chống buôn lậu, gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu, có quy định về những loại giấy tờ hải quan khi thực hiện thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất như sau:
– Hóa đơn thương mại: 01 bản chụp;
– Vận đơn trong trường hợp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất bằng đường biển: 01 bản chụp;
– Giấy xác nhận chữ ký nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất: 01 bản sao có thực hiện thủ tục chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền;
– Hợp đồng ủy thác trong trường hợp thực hiện hoạt động nhập khẩu ủy thác các loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất: 01 bản chụp;
– Kết quả giám định, kết quả phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu từ các tổ chức giám định đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ tài nguyên và môi trường chỉ định theo quy định của pháp luật: 01 bản chụp;
– Trong trường hợp kết quả giám định, kết quả phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu được cấp trên cổng thông tin một cửa quốc gia thì người khai hải quan sẽ không cần phải nộp các loại giấy tờ và chứng từ này theo quy định của pháp luật.
2. Thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất:
Để có thể nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, các tổ chức và cá nhân cần phải thực hiện thủ tục nhập khẩu phế liệu theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ vào quy định tại Mục II Công văn 2188/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu chất thải và chống buôn lậu, gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu, có quy định cụ thể về trình tự và thủ tục hải quan đối với các loại hàng hóa nhập khẩu được xác định là phế liệu được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, trình tự và thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất sẽ trải qua các bước như sau:
Bước 1: Các tổ chức và cá nhân có nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất sẽ cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ và tài liệu cần thiết để thực hiện thủ tục khai hải quan tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã được phân tích cụ thể trong phần viết nêu trên. Thành phần hồ sơ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì vậy người thực hiện thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cần phải đặc biệt lưu ý.
Bước 2: Đăng ký tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật. Cơ quan hải quan không chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan đối với các loại hàng hóa được xác định là phế liệu nếu như các doanh nghiệp nhập khẩu không khai thông tin giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu trên tờ khai hải quan hoặc các doanh nghiệp có khai thông tin giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu trên tờ khai hải quan, tuy nhiên không có hiệu lực, không còn hạn ngạch nhập khẩu, không gửi kèm theo các loại giấy tờ, các loại chứng từ và tài liệu thuộc hồ sơ hải quan theo quy định của pháp luật thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (riêng kết quả giám định, phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu sẽ nộp sau khi được Tổ chức giám định được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định cấp để quyết định thông quan).
Bước 3: Kiểm tra hồ sơ hải quan. Cụ thể bao gồm các hoạt động kiểm tra như sau: Kiểm tra thông tin về giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, kiểm tra giấy xác nhận ký quỹ bảo hiểm nhập khẩu phế liệu theo quy định của pháp luật, kiểm tra kết quả giám định và phân tích chất lượng nhập khẩu phế liệu, kiểm tra vận đơn và xử lý kết quả kiểm tra hồ sơ.
Bước 4: Kiểm tra thực tế hàng hóa. Sau đó, kết thúc việc kiểm tra thực tế, công chức hải quan sẽ lập phiếu ghi kết quả kiểm tra, từ đó ra văn bản cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
3. Các trường hợp miễn kiểm tra chất lượng trong quá trình nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất:
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 6 Điều 60 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, có quy định về việc áp dụng biện pháp áp dụng biện pháp miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, cụ thể như sau:
Các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đáp ứng được đầy đủ các điều kiện dưới đây theo quy định của pháp luật sẽ được miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu trong thời hạn của giấy xác nhận đã cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
– Phế liệu nhập khẩu có cùng tên gọi, phế liệu đó có cùng kiểu loại, có cùng đặc tính kỹ thuật và xuất xứ của cùng một nhà cung cấp tại một quốc gia xuất khẩu nhất định, vật phế liệu nhập khẩu đã có kết quả chứng nhận, kết quả giám định chất lượng của các tổ chức chứng nhận, các tổ chức giám định nước ngoài, được thừa nhận theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Sau 05 lần nhập khẩu phế liệu liên tục, phế liệu nhập khẩu có chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu đó phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đáp ứng được đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ tài nguyên và môi trường ra văn bản xác nhận miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu đối với các loại phế liệu đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2022 Luật Bảo vệ môi trường;
– Công văn 2188/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu chất thải và chống buôn lậu, gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu;
– Thông tư
– Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
– Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.