Khái niệm phụ cấp thâm niên? Hồ sơ, thủ tục hưởng phụ cấp thâm niên lần đầu? Đối tượng và mức hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo?
Trong quá trình làm việc, chúng ta thường đề cập đến tiền lương là yếu tố tiên quyết hàng đầu để lựa chọn công việc, lương là khoản tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc. Ngoài lương ra, người lao động nói chung hay viên chức nói riêng đều có quyền lợi liên quan đến các khoản phụ cấp tùy thuộc vào quy định của pháp luật cũng như các chế độ của công ty hay cơ quan sử dụng viên chức. Trong số các loại phụ cấp đó có phụ cấp thâm niên của viên chức cũng là phụ cấp quan trọng trong quá trình làm việc của viên chức. Vậy hồ sơ, thủ tục hưởng phụ cấp thâm niên lần đầu như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ đi vào tìm hiểu những quy định liên quan để người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua điện thoại: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Khái niệm phụ cấp thâm niên:
Phụ cấp được hiểu là một khoản hỗ trợ do bên người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động trong quá trình làm việc, phụ cấp là khoản bù đắp các yếu tố về lao động như điều kiện lao động, mức độ phức tạp của nghề nghiệp, điều kiện đặc thù công việc, điều kiện sinh hoạt, làm việc….
Theo Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành thì có các khoản phụ cấp sau:
– Phụ cấp chức vụ, chức danh;
– Phụ cấp trách nhiệm;
– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– Phụ cấp thâm niên;
– Phụ cấp khu vực;
– Phụ cấp lưu động;
– Phụ cấp thu hút;
– Các phụ cấp khác có tính chất tương tự.
Theo đó thì các khoản phụ cấp này cùng với lương phải được đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả các khoản phụ cấp này theo quy định của
Cụ thể đối với các khoản phụ cấp trên thì phụ cấp thâm niên được hiểu là một loại phụ cấp được ghi nhận trong trong hợp đồng lao động cùng với các chế độ phụ cấp nêu trên, đây là loại phụ cấp sẽ có khi người lao động có thâm niên làm việc theo đúng quy định đã thỏa thuận thì sẽ được hưởng mức phụ cấp thâm niên này.
Nhiều người lao động khi làm việc cho người sử dụng lao động với thời gian gắn bó lâu dài, cống hiến cho người sử dụng lao động thì họ xứng đáng được hưởng quyền lợi và sự ghi nhận về sự tận tâm trong quá trình làm việc lâu dài của họ. Phụ cấp thâm niên được xem như một khoản phụ cấp khuyến khích của người sử dụng lao động dành cho người lao động nhằm mục đích tạo động lực cho người lao động làm việc hiệu quả hơn và tiếp tục gắn bó, phát triển hơn nữa trong công việc.
Thâm niên, hay còn gọi là kinh nghiệm làm việc của người lao động gắn liền với công việc kể từ khi họ bắt đầu vào ngành, vào nghề. Bất kể công việc nào cũng đều cần kinh nghiệm để đạt được hiệu suất công việc cao nhất, hoàn thành công việc tốt để tránh xảy ra rủi ro cho người sử dụng lao động. Bởi thế mà người có thâm niên lâu năm luôn cùng với năng lực làm việc tốt có thể nắm bắt công việc dễ dàng hơn, làm việc với hiệu suất cao hơn…
Cũng bởi các lý do này mà phụ cấp thâm niên là một khoản cần thiết để khuyến khích tinh thần làm việc cũng như ghi nhận sự gắn bó lâu dài của người lao động đối với người sử dụng lao động. Bên cạnh tiền lương và các khoản phụ cấp khác thì khoản phụ cấp thâm niên cũng là một chế độ níu chân người lao động ở lại với ngành, để người lao động có thể làm việc tích cực, hiệu quả và gắn bó với nghề hơn.
– Phụ cấp thâm niên được quy định cả đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đối với viên chức là giáo viên, thu nhập của viên chức chưa thật sự cao, nhiều giáo viên yêu ngành mến trẻ cũng đã rút khỏi ngành vì lý do thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống mặc dù nghề giáo là cao quý và đi đầu trong sự nghiệp trồng người. Vì thế mà đối với nghề giáo, khoản phụ cấp thâm niên nhằm mục đích khuyến khích viên chức gắn bó lâu dài với nghề là cần thiết.
Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo đã quy định rõ về các đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên và hồ sơ cũng như thủ tục để hưởng phụ cấp thâm niên.
2. Hồ sơ hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo lần đầu:
Để được hưởng phụ cấp thâm niên lần đầu thì cần phải có đầy đủ hồ sơ sau đây:
– Tờ khai quá trình công tác, giảng dạy của viên chức nhà giáo từ khi bắt đầu công tác giảng dạy;
– Hợp đồng làm việc; Quyết định tuyển dụng, quyết định công nhận hết thời gian tập sự, quyết định nâng bậc lương gần nhất của viên chức nhà giáo.
– Sổ bảo hiểm xã hội đã được chốt của viên chức nhà giáo, nếu trường hợp chưa có sổ thì phải có xác nhận quá trình đóng bảo hiểm của cơ quan bảo hiểm xã hội huyện nơi viên chức tham gia bảo hiểm xã hội.
– Biên bản họp xét hưởng phụ cấp thâm niên, công văn đề nghị và danh sách đề nghị hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của nhà trường.
3. Thủ tục để hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo lần đầu:
– Bước 1: Nhà trường tổ chức họp xét hưởng phụ cấp thâm niên;
– Bước 2: Viên chức chuẩn bị hồ sơ đầy đủ các giấy tờ nêu trên;
– Bước 3: Tiến hành nộp hồ sơ tại Bộ nội vụ huyện nơi viên chức đang công tác;
– Bước 4: Bộ nội vụ sẽ tiến hành xem xét hồ sơ tham mưu UBND huyện ra Quyết định, thời gian không quá 7 ngày. Sau thời gian này, nếu đồng ý với hồ sơ hưởng phụ cấp thâm niên, Chủ tịch UBND huyện ký quyết định lương.
– Bước 5: Sau khi UBND huyện ký Quyết định phòng Nội vụ huyện phôtô Quyết định và đóng dấu sau đó sẽ gửi lại các đơn vị liên quan.
Trên đây là hồ sơ chi tiết để hưởng phụ cấp thâm niên lần đầu, viên chức cần có đầy đủ các hồ sơ nêu trên và thực hiện theo thủ tục các bước trên để được phê duyệt và hưởng phụ cấp thâm niên đúng thời hạn, hưởng đúng quyền lợi theo quy định của pháp luật.
4. Đối tượng và mức hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo:
– Theo Điều 2 Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo thì đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm các đối tượng sau:
+ Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.
+ Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập đủ điều kiện để nhận phụ cấp thâm niên.
Như vậy, để có thể nhận được phụ cấp thâm niên, viên chức nhà giáo phải thuộc một trong các đối tượng nêu trên cũng như đáp ứng điều kiện về thời gian công tác theo quy định thì sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên.
– Mức hưởng phụ cấp thâm niên được quy định tại Điều 4 Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo thì viên chức nhà giáo sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên.
Theo đó thì khi Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục đủ thời gian tối thiểu 5 năm, tức nhà giáo có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng (cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có. Phụ cấp thâm niên sẽ tăng thêm tỷ lệ thuận với số năm làm việc, từ năm thứ 6 trở đi thì cứ đủ thêm 1 năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Theo hướng dẫn của Nghị định 77 này thì khoản phụ cấp thâm niên mà nhà giáo được hưởng vẫn được dùng để tính tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Khoản phụ cấp thâm niên này được trả cùng kỳ với kỳ trả lương.
Theo đó cách tính mức phụ cấp thâm niên hàng tháng sẽ được tính như sau:
Mức phụ cấp thâm niên = (Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng) x Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định tại từng thời kỳ x Mức % phụ cấp thâm niên được hưởng.
Như vậy, qua các phân tích ở trên có thể thấy rằng, để được hưởng phụ cấp thâm niên lần đầu, viên chức nhà giáo cũng như các cán bộ, công chức, viên chức khác cần phải đáp ứng các điều kiện về vị trí làm việc cũng như thời gian làm việc. Về thời gian làm việc tối thiểu để được hưởng phụ cấp thâm niên lần đầu là đủ 05 năm, đây là thời gian tối thiểu bắt buộc, khi đủ thời gian này, viên chức sẽ được xét để làm thủ tục hưởng phụ cấp thâm niên lần đầu. Viên chức gắn bó với ngành càng lâu thì mức phụ cấp thâm niên càng tăng, ngoài các khoản lương và phụ cấp khác thì phụ cấp thâm niên là một khoản khá đáng kể để tăng thu nhập của viên chức, giữ viên chức gắn bó với ngành và tâm huyết cống hiến cho ngành nói riêng và cho đất nước nói chung.