Cấp lại giấy phép tài nguyên nước là một trong những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện nếu cá nhân tổ chức đang sở hữu giấy tờ này nằm trong trường hợp phải cấp lại. Theo quy định thì hồ sơ, thủ tục cấp lại giấy phép tài nguyên nước mới nhất có thông tin gì?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp phải cấp lại giấy phép tài nguyên nước mới nhất:
Giấy phép tài nguyên nước được hiểu đơn giản là chứng thư pháp lý được cơ quan có thẩm quyền cấp cho các cá nhân tổ chức có yêu cầu để ghi nhận những điều kiện mà các đối tượng này đủ tiêu chuẩn thực hiện khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước và tiến hành một số hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. The quy định có những loại giấy phép liên quan đến giấy phép tài nguyên nước như: Giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước biển.
Theo ghi nhận Điều 15 Nghị định 02/2023/NĐ-CP thì giấy phép tài nguyên nước cần chứa đựng các thông tin quan trọng và chính xác liên quan đến nội dung về chủ thể cũng như thông tin xoay quanh tài nguyên nước, cụ thể:
– Cung cấp đầy đủ và chính xác về tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép trong giấy phép được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;
– Ngoài ra cũng không thể thiếu tên, vị trí công trình thăm dò, khai thác nước;
– Liên quan đến nguồn nước thăm dò, khai thác;
– Còn phải kể đến các nội dung thể hiện rõ quy mô, công suất, lưu lượng, thông số chủ yếu của công trình thăm dò, khai thác nước; mục đích sử dụng đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước;
– Để hỗ trợ quá trình quản lý hoạt động được cấp phép ghi nhận trong giấy phép thì nội dung về chế độ, phương thức khai thác, sử dụng nước cũng được ghi nhận;
– Thông thường giấy phép chỉ có thời hạn nhất định và đối với giấy phép tài nguyên nước cũng vậy, nên thời hạn của giấy phép cũng là nội dung quan trọng;
– Ghi nhận thêm các yêu cầu, điều kiện cụ thể đối với từng trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước do cơ quan cấp phép quy định nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác liên quan;
– Đặc biệt cũng không thể thiếu về quyền, nghĩa vụ của chủ giấy phép.
Đến nay, việc ghi nhận sự tồn tại giấy phép tài nguyên nước và bắt buộc những cá nhân tổ chức có giấy chứng nhận này đem lại ý nghĩa quan trong đến nguồn tài nguyên quý của quốc gia nên khi sử dụng mà giấy chứng nhận nằm trong trường hợp phải cấp lại thì cần phải tuân thủ thủ tục này. Căn cứ theo Điều 27 thì Giấy phép được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
+ Loại giấy phép này trong thời gian sử dụng bị mất, bị rách nát, hư hỏng;
+ Thông tin của chủ giấy phép có sự thay đổi như đổi tên, nhận chuyển nhượng, bàn giao, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức nhưng không có sự thay đổi các nội dung khác của giấy phép.
– Thời hạn ghi trong giấy phép được cấp lại là thời hạn còn lại theo giấy phép đã được cấp trước đó.
2. Hồ sơ, thủ tục cấp lại giấy phép tài nguyên nước mới nhất:
2.1. Hồ sơ cấp lại giấy phép tài nguyên nước gồm có những tài liệu gì?
Tại Điều 33 Nghị định 02/2023/NĐ-CP có quy định về hồ sơ cấp lại giấy phép tài nguyên nước nên các đối tượng có yêu cầu cấp lại giấy phép tài nguyên nước cần lưu ý và thực hiện theo hướng dẫn sau:
– Cá nhân soạn thảo đơn đề nghị cấp lại giấy phép. Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép tài nguyên nước được lập theo Mẫu 09 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;
– Việc chứng minh đề nghị cấp lại giấy phép là hợp pháp thì cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị thêm tài liệu chứng minh lý do đề nghị cấp lại giấy phép (đối với trường hợp đổi tên, nhận chuyển nhượng, bàn giao, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức);
Xét đến trường hợp cấp lại giấy phép do chuyển nhượng, hồ sơ còn phải bao gồm giấy tờ chứng minh việc chuyển nhượng công trình, việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng nước và các tài liệu có liên quan.
2.2.Trình tự thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép tài nguyên nước:
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP thì trình tự thực hiện thủ tục gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước:
– Bước 1. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
+ Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện từ qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung hoàn thiện mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và thông báo rõ lý do.
– Bước 2. Thẩm định hồ sơ đối với trường hợp cấp lại giấy phép:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện để cấp lại giấy phép thì trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trường hợp không đủ điều kiện, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và thông báo lý do.
– Bước 3. Trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phép:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân để nhận giấy phép.
3. Quy định về thẩm quyền cấp lại giấy phép tài nguyên nước mới nhất:
Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép tài nguyên nước thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp sau đây:
– Tiến hành các hoạt động để khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;
– Cơ quan này thực hiện việc thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;
– Bên cạnh đó còn kể đến việc khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;
– Hồ chứa, đập dâng thủy lợi khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên và có dung tích toàn bộ từ 03 triệu m3 trở lên; công trình khai thác, sử dụng nước khác cấp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng khai thác từ 5 m3/giây trở lên;
– Hồ chứa, đập dâng thủy lợi không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản này có dung tích toàn bộ từ 20 triệu m3 trở lên;
– Việc cấp lại giấy phép tài nguyên nước được diễn ra khi khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kw trở lên;
– Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên;
– Khai thác, sử dụng nước biển cho mục đích sản xuất bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng từ 1.000.000 m3/ngày đêm trở lên.
Cũng trong quy định tại Điều 28 của Nghị định này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các trường hợp không quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản 1 Điều này.
Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các trường hợp không quy định tại điểm b, điểm h khoản 1 Điều này.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Nghị định số 02/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.