Pháp luật quy định như thế nào về cai nghiện ma túy? Hồ sơ quản lý người nghiện ma tuý tại nơi cư trú (cộng đồng)?
Ma túy đang là hiểm họa chung của toàn nhân loại, tác hại của nó vô cùng lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như an sinh xã hội. Vậy pháp luật quy định như thế nào về cai nghiện ma túy? Đối tượng nào bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở bắt buộc? Trình tự, thủ tục, hồ sơ quản lý của người nghiện ma túy tại nơi cư trú? Bài viết dưới đây của công ty Luật Dương Gia sẽ giải đáp những câu hỏi trên.
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
– Luật phòng, chống ma túy 2021;
–
– Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật phòng, chống ma túy, luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Mục lục bài viết
1. Quy định pháp luật về cai nghiện ma túy:
1.1. Thế nào là cai nghiện ma tuý?
Căn cứ theo quy định tại khoản 13 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021 thì “Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này.”
1.2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
– Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
+ Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
+ Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
+ Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
– Cơ quan chịu trách nhiệm lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
+ Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Trường hợp người nghiện ma túy do cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bổ sung 2020 thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó;
+ Hồ sơ đề nghị gồm có biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; bản tường trình của người nghiện ma túy hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan;
+ Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thu thập các tài liệu và lập hồ sơ
1.3. Người nghiện ma tuý chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện có bị quản lý tại nơi cư trú không?
– Người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hoàn thành việc cai nghiện hoặc chấp hành xong quyết định.
– Người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định.
– Các nội dung quản lý sau cai nghiện ma túy bao gồm:
+ Lập danh sách người bị quản lý sau cai nghiện ma túy;
+ Tư vấn, giúp đỡ, phòng, chống tái nghiện ma túy;
+ Theo dõi, phát hiện, ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
– Ngoài ra Nhà nước cũng có đề ra các phương án hỗ trợ xã hội trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bao gồm:
+ Hỗ trợ học văn hóa đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi;
+ Hỗ trợ học nghề, vay vốn, tìm việc làm và tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng.
– Người ra quyết định quản lý và hỗ trợ xã hội sau khi cai nghiện ma túy là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
(Điều 40 Luật phòng chống ma túy 2021)
– Như vậy người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hoàn thành việc cai nghiện hoặc chấp hành xong quyết định.
2. Hồ sơ quản lý người nghiện ma tuý tại nơi cư trú (cộng đồng):
– Căn cứ Điều 77 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định về việc lập hồ sơ, thủ tục đề nghị quản lý sau cai nghiện ma túy như sau:
Bước 1: Tiếp nhận
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người nghiện ma túy trình báo về việc hoàn thành cai nghiện tự nguyện, hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người sau cai nghiện ma túy cư trú hoặc nơi phát hiện hành vi vi phạm (đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định) lập hồ sơ, đưa vào danh sách quản lý sau cai nghiện ma túy.
+ Công an cấp xã giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp lập hồ sơ quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ:
– Hồ sơ quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú gồm:
+ Văn bản đề nghị của Trưởng cơ quan Công an cấp xã gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp theo Mẫu số 50 Phụ lục II Nghị định này;
+ Bản lý lịch tóm tắt của người bị đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện theo Mẫu
+ Giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện;
+ Giấy xác nhận hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế
+ Giấy xác nhận đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Lưu ý: Chậm nhất là mười lăm ngày trước khi hết thời hạn đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm thông báo cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập hồ sơ, đại diện gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em ruột), người đại diện theo pháp luật của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi biết ngày người cai nghiện hết thời hạn chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày về địa phương, người đã chấp hành xong quyết định phải trình báo Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an cùng cấp nơi mình cư trú.
3. Trách nhiệm của gia đình người nghiện ma túy, cộng đồng:
– Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm sau đây:
+ Hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.
+ Phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.
– Cộng đồng nơi người nghiện ma túy cư trú có trách nhiệm sau đây:
+ Động viên, giúp đỡ người nghiện ma túy;
+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.