Chuyển quyền sở hữu chứng khoán là một trong những thủ tục được quy định rất chặt chẽ trong pháp luật về chứng khoán. Dưới đây là quy định về hồ sơ chuyển quyền sở hữu do biếu, tặng cho chứng khoán:
Mục lục bài viết
1. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu do biếu, tặng cho chứng khoán:
Căn cứ Điều 27 Quyết định số 08/QĐ-HĐTV năm 2023 quy định về hồ sơ chuyển quyền sở hữu do biếu, tặng cho chứng khoán gồm:
– Văn bản đề nghị chuyển quyền sở hữu chứng khoán của bên tặng cho và bên được tặng cho (theo mẫu số 16A/ĐKCK);
– Bản sao giấy tờ thể hiện thông tin nhận diện của các bên;
– Hợp đồng tặng cho chứng khoán;
(Lưu ý: nếu như bên tặng cho và/hoặc bên được tặng cho là cá nhân thì hợp đồng tặng cho phải có sự xác nhận của cơ quan công chứng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
– Trường hợp bên được tặng cho là cá nhân thì cần tài liệu chứng minh đã nộp thuế thu nhập cá nhân từ được tặng cho chứng khoán (bản sao). Ví dụ Tờ khai/Thông báo nộp thuế thu nhập cá nhân có xác nhận của cơ quan thuế và văn bản xác nhận đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước;
– Yêu cầu chuyển khoản chứng khoán (theo mẫu số 21/LK Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán do Hội đồng thành viên VSDC ban hành);
– Văn bản của TVLK bên chuyển quyền sở hữu mở tài khoản gửi VSDC xác nhận về số dư chứng khoán lưu ký bên chuyển quyền sở hữu và cam kết phong tỏa trong quá trình làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
2. Những trường hợp nào được chuyển quyền sở hữu chứng khoán:
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 119/2020/TT-BTC quy định các trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán bao gồm:
– Giao dịch tặng cho, thừa kế chứng khoán theo quy định;
– Giao dịch chứng khoán lô lẻ theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
– Thông qua việc chuyển quyền sở hữu theo bản án, quyết định của tòa án, quyết định của trọng tài hoặc quyết định của cơ quan thi hành án;
– Thông qua giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông sáng lập trong thời gian hạn chế chuyển nhượng;
– Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;
– Góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp;
– Tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập;
– Giải thể doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định pháp luật;
– Thông qua việc tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty; tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của cán bộ, công nhân viên được mua ưu đãi theo quy định pháp luật về cổ phần hóa; tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông, mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty theo quy định;
– Thông qua chào mua công khai hoặc chuyển nhượng vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch theo phương thức đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ theo quy định của pháp luật; chuyển quyền sở hữu do cổ đông của công ty đại chúng chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua hình thức đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán;
– Thông qua chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá trên thị trường tiền tệ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước; chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
– Nhà đầu tư ủy thác chuyển quyền sở hữu chứng khoán của mình sang công ty quản lý quỹ trong trường hợp công ty quản lý quỹ nhận quản lý danh mục đầu tư ủy thác bằng tài sản; công ty quản lý quỹ chuyển quyền sở hữu chứng khoán được ủy thác sang nhà đầu tư ủy thác trong trường hợp có thay đổi điều khoản tương ứng trong hợp đồng ủy thác đầu tư; công ty quản lý quỹ chuyển quyền sở hữu chứng khoán được ủy thác sang nhà đầu tư ủy thác hoặc công ty quản lý quỹ khác trong trường hợp chấm dứt hợp đồng quản lý danh mục đầu tư; công ty quản lý quỹ giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động hoàn trả nhà đầu tư ủy thác tài sản hoặc chuyển danh mục tài sản sang công ty quản lý quỹ khác quản lý; chuyển quyền sở hữu giữa các công ty quản lý quỹ quản lý tài sản của cùng một nhà đầu tư ủy thác theo yêu cầu của nhà đầu tư đó.
– Và các trường hợp khác theo quy định.
3. Quy định về nguyên tắc khi chuyển quyền sở hữu chứng khoán:
Căn cứ Điều 24 Quyết định số 08/QĐ-HĐTV 2023 quy định nguyên tắc trong việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán như sau:
– Việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán phải căn cứ vào kết quả giao dịch mua, bán của nhà đầu tư do SGDCK cung cấp đối với các ứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSDC thực hiện giao dịch mua, bán qua hệ thống giao dịch chứng khoán.
– VSDC chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với các trường hợp theo quy định nếu như các chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSDC nhưng không thể thực hiện qua hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc các giao dịch không mang tính chất mua bán.
– Phải cung cấp Văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có ý kiến về việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán của tổ chức phát hành, công ty đại chúng nếu như chuyển quyền sở hữu chứng khoán của tổ chức phát hành, công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành, pháp luật khác quy định phải có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
4. Mẫu văn bản đề nghị chuyển quyền sở hữu chứng khoán do biếu, tặng cho chứng khoán:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Kính gửi: Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam
Căn cứ vào ….
Chúng tôi đề nghị Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán theo các nội dung sau:
Bên chuyển quyền sở hữu:
– Họ và tên:…….
– Số ĐKSH:……….do……….cấp ngày…..
– Địa chỉ:………
– Quốc tịch:……..
– Số tài khoản lưu ký:………….
– Nơi mở tài khoản lưu ký:……..
Bên nhận chuyển quyền sở hữu:
– Họ và tên:……….
– Số ĐKSH:……….do……….cấp ngày…..
– Địa chỉ:………
– Quốc tịch:…………
– Số tài khoản lưu ký:………
– Nơi mở tài khoản lưu ký:…………..
Số lượng chứng khoán chuyển quyền sở hữu:
STT | Mã CK | Mệnh giá | Loại CK | Số lượng | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Lý do đề nghị chuyển quyền sở hữu: …….
Chúng tôi cam kết thông tin trên đây là trung thực, chính xác và việc chuyển quyền sở hữu này được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật liên quan và chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đề nghị chuyển quyền này.
…., ngày …. tháng …. năm….
Bên nhận chuyển quyền sở hữu (Chữ ký, họ tên, con dấu) | Bên chuyển quyền sở hữu (*) (Chữ ký, họ tên, con dấu) |
Lưu ý: Loại CK: (1) CK tự do chuyển nhượng
(2) CK chuyển nhượng có điều kiện
(*): Đối với trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán do “TCPH thu hồi/Công đoàn của TCPH mua lại, thu hồi của người lao động nghỉ việc”: Trường hợp không lấy được chữ ký xác nhận của người lao động nghỉ việc vì lý do khách quan,TCPH gửi kèm theo Giấy đề nghị chuyển quyền sở hữu này các tài liệu sau:
– Danh sách người lao động không lấy được chữ ký có chữ ký xác nhận của Người đại diện theo pháp luật, đóng dấu của TCPH;
– Văn bản của TCPH nêu rõ lý do không lấy được chữ ký xác nhận của người lao động và cam kết thực hiện việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán theo đúng quy định pháp luật đồng thời chịu trách nhiệm đối với các tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại phát sinh (nếu có).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Chứng khoán năm 2019 số 54/2019/QH14 mới nhất;
– Thông tư số 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán;
– Quyết định số 08/QĐ-HĐTV ban hành quy chế về hoạt động đăng ký và chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.