Hàng nguy hiểm, chất cháy nổ là gì? Yêu cầu đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm? Hồ sơ cấp phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ?
Theo quy định về pháp luật thì những mặt hàng, các chất có tính nguy hiểm luôn được quan tâm và có biện pháp phòng tránh cụ thể nhất, đặc biệt là trong vận hành trong công đoạn vận chuyển và bảo quản. Bởi lẽ, đối với những mặt hàng này nếu chỉ sơ sót nhỏ xay ra cũng dẫn đến hậu quả thiệt hại về tài sản và nguy hiểm đến tính mạng con người. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành những hàng hóa, các chất mang tính nguy hiểm về cháy nổ để mọi công dân có thể phân biệt và cẩn trọng hơn trong quá trình làm việc.
Cơ sở pháp lý:
–
– Nghị định số Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
– Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa
1. Hàng nguy hiểm, chất cháy nổ là gì?
Hàng nguy hiểm (Dangerous Goods – DG) có thể là bất kỳ loại sản phẩm hoặc chất gì, có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia và cần được xử lý đúng cách trong quá trình bảo quản cũng như vận chuyển.
Hàng nguy hiểm cho được phân chia thành 9 nhóm, mỗi nhóm có thể có phân nhóm nhỏ. Tiêu chuẩn phân chia dưới đây dành cho hàng không, và cũng có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác.
Loại 1: Thuốc nổ (Explosives)
– Các vật và chất có nguy cơ nổ lớn
– Các vật và chất có nguy cơ phóng lửa nhưng không có nguy cơ nổ lớn
– Các vật và chất có nguy cơ cháy và hoặc nguy cơ tạo áp lực hơi nhỏ hoặc nguy cơ phóng lửa nhỏ hoặc cả hai nhưng không có nguy cơ nổ lớn
– Các vật và chất không có nguy cơ đáng kể
– Các chất rất kém nhạy, có nguy cơ nổ lớn
– Các chất cực kỳ kém nhạy, không có nguy cơ nổ lớn
Loại 2: Chất khí (Gases)
– Khí dễ cháy (Flammable gas)
– Khí không dễ cháy, không độc (Non-flammable, non-toxic gas)
– Khí độc (Toxic gas)
Loại 3: Chất lỏng dễ cháy (Flammable Liquid)
Loại 4: Chất rắn dễ cháy; các chất có khả năng tự bùng cháy; các chất khi tiếp xúc với nước, tỏa ra khí dễ cháy (Flammable Solids; Self-reactive substances; and Desensitized Explosives)
– Chất rắn dễ cháy (Flammable Solids)
– Các chất có khả năng tự bốc cháy (Substances Liable to Spontaneous Combustion)
– Các chất khi tiếp xúc với nước, tỏa ra khí dễ cháy (Substances Which, in contact with water, emit flammable gases)
Loại 5: Chất ô-xy hóa và chất pe-rô-xit hữu cơ (Oxidizing substances and Organic Peroxides)
– Chất oxi hoá (Oxidizing substances)
– Chất hữu cơ có chứa oxi (Organic Peroxides)
Loại 6: Chất độc và chất lây nhiễm (Toxic and Infectious substance)
– Chất độc (Toxic): thuốc trừ sâu, hàn the
– Chất lây nhiễm (Infectious substance): gồm các loại virus gây bện với con người hay động vật, như bệnh tai xanh ở lợn, virus H5N1 ở gia cầm, virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19… cùng các bệnh cần phải xét nghiệm ở phòng thí nghiệm
Loại 7: Vật liệu phóng xạ (Radioactive Material): một số trang thiết bị y tế (máy chiếu, chụp, …) một số thiết bị trong ngành khai thác dầu khí, … đều có chứa chất này, nếu tiếp xúc quá nhiều sẽ gây tác hại đến sức khỏe.
Loại 8: Chất ăn mòn (Corrosive): axit, pin, bình ắc quy…
Loai 9: Hàng nguy hiểm khác (Miscellanous Dangerous Goods): các chất có thể gây nguy hiểm khác nằm ngoài 8 danh mục trên, chẳng hạn như đá khô (carbon dioxide – dry ice)
2. Yêu cầu đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
– Về cơ bản, các loại hàng hóa nguy hiểm được chủ yếu vận chuyển bằng đường biển và đường thủy. Nhìn chung, những phương tiện mặt hàng nhạy cảm này phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt sau đây:
+ Đủ điều kiện tham gia vận chuyển và giao thông theo quy định của pháp luật
+ Phải dán đầy đủ biểu trưng của tất cả các loại hàng hóa nguy hiểm, nhãn hóa chất nguy hiểm chứa bên trong phương tiện đó. Vị trí dán thông dụng là ở hai bên và phía sau của phương tiện vận chuyển.
+ Đối với phương tiện vận chuyển bằng đường thủy chuyên chở hàng hóa nguy hiểm, chất cháy nổ
+ Động cơ của phương tiện vận chuyển phải được cách ly an toàn với khoang chứa hàng hóa nguy hiểm, vật liệu dễ gây cháy nổ, ban ngày phương tiện đó phải cắm cờ báo hiệu chữ “B”, ban đêm phải có đèn báo hiệu phát sáng màu đỏ trong suốt quá trình vận chuyển. Quy cách cắm cờ, bật đèn báo phải tuân theo quy định của Bộ Giao thông – Vận tải
+ Ống xả của động cơ phải được đặt ở vị trí kín đáo hoặc được che chắn để tránh các rủi ro về cháy nổ
+ Đảm bảo hệ thống điện (kể cả bình ắc quy) không có rò rì, phát sinh tia lửa. Dây dẫn điện phải đảm bảo tiết diện thiết kế tiêu chuẩn và độ cách điện tốt để tránh bị rò rỉ điện
+ Kết cấu của khoang chứa hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ và các khu vực lân cận phải làm bằng vật liệu khó bắt cháy cháy hoặc chống cháy, không phát sinh tia lửa do ma sát
+ Có mái che mưa nắng
+ Đối với chất lỏng dễ gây cháy nổ (xăng, dầu…), phương tiện chuyên chở phải có dây tiếp điện xuống đất, tránh gây ra tia lửa điện dễ gây cháy nổ. Riêng đối với xe bồn vận chuyển khí đốt hóa lỏng phải thực hiện theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6484:1999 về khí đốt hóa lỏng (LPG) – xe bồn vận chuyển – yêu cầu an toàn về thiết kế, chế tạo và sử dụng do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành
+ Trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo điều kiện an toàn về kỹ thuật và môi trường theo quy định
Yêu cầu của cơ quan nhà nước đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, chất cháy nổ
– Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, chất cháy nổ phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
– Người làm việc, người phục vụ trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, chất cháy nổ phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Vận chuyển của cơ quan nhà nước đối với hàng hóa nguy hiểm, các chất dễ cháy, nổ qua công trình hầm, phà
– Các loại chất dễ gây cháy nổ như thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất khác không được vận chuyển đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên.
– Không vận chuyển cùng lúc hành khách, người tham gia giao thông cùng các loại hàng hóa nguy hiểm, chất dễ gây cháy nổ (thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác) trên cùng một phương tiện dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm
– Các loại hàng hóa nguy hiểm do Bộ quản lý chuyên ngành theo quy định
Như vậy, đối với các mặt hàng dễ gây cháy nổ thì mọi vấn đề liên quán đối với hàng hóa đều phải tuân theo quy định pháp luật. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành các văn bản, thông tư và nghị định liên quan để yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện trong việc sử dụng, vận chuyển các chất, hàng hóa dễ gây cháy nổ phải đáp ứng đủ điều kiện mà cơ quan đưa ra và phải được kiểm tra một cách nghiêm ngặt để tránh các tình trạng vượt biên, vận chuyển trái phép
3. Hồ sơ cấp phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang kinh doanh cửa hàng xăng dầu, muốn xin giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ thì phải chuẩn bị những loại giấy tờ trong hồ sơ như thế nào để có thế làm thủ tục cấp được giấy phép, thời hạn giấy phép là trong vòng bao lâu.
Luật sư tư vấn:
Khi vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ cá nhân tổ chức phải làm thủ tục xin cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ. Theo đó bên bạn phải tuân thủ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ, gồm:
Văn bản đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo Mẫu số PC02;
+ Bản sao chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thể hiện rõ việc tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động kinh doanh hoặc vận tải hàng hóa nguy hiểm;
+ Bảng kê danh mục, khối lượng và tuyến vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (ga đi, ga đến); danh sách người áp tải hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
+ Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp đối với hợp đồng vận chuyển hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ bằng đường sắt giữa người thuê vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
+ Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
+ Phương án làm sạch phương tiện và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận chuyển theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường.
Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện theo các điều kiện và xem xét, cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo Mẫu số PC05 và biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện theo Mẫu số PC01.
Trường hợp không cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Cơ quan thực hiện
– Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn được phân công, phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy
– Công an cấp huyện cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy
Về thời hạn giấy phép
Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có hiệu lực trên toàn quốc và có giá trị một lần đối với phương tiện có hợp đồng vận chuyển theo chuyến; có giá trị không quá 24 tháng đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo kế hoạch hoặc hợp đồng vận chuyển và không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường , Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Như vậy, đối với các chất, hàng hóa được quy định theo pháp luật thuộc các loại chất mang tính nguy hiểm dẫn đến cháy nổ thì khi cá nhân, tổ chức muốn vận chuyển hàng hóa cần phân loại mặt hàng, sau đó trình lên cơ quan có thẩm quyền nộp hồ sơ để xin vận chuyển hàng hóa, các chất nguy hiểm như cháy nổ để đảm bảo về quy định pháp luật, an toàn cả về tài sản cũng như tính mạng người, tổ, đội tham gia vận chuyển