Hiện nay, hộ kinh doanh được quy định một cách cụ thể và rõ ràng trong Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Việc đăng ký thành lập hộ kinh doanh đang rất được ưa chuộng vì ưu điểm nhanh gọn trong thủ tục thành lập và số vốn cần ít. Vậy hộ kinh doanh được đăng ký bao nhiều ngành nghề?
Mục lục bài viết
1. Hộ kinh doanh được đăng ký bao nhiều ngành nghề?
Căn cứ Điều 89 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:
– Hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.
– Cơ quan đăng ký hộ kinh doanh cấp huyện sẽ ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh đó trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì hộ kinh doanh được quyền kinh doanh kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, trong suốt quá trình hoạt động, đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện đó.
– Nếu như trong quá trình hoạt động kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy nhiên không đáp ứng đủ các điều kiện đó thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra Thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó sẽ thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành xử lý.
Từ quy định trên có thể thấy pháp luật không hạn chế số lượng ngành nghề mà hộ kinh doanh được phép đăng ký. Do đó, hộ kinh doanh hoàn toàn có quyền được đăng ký những ngành nghề mà pháp luật không cấm và có đủ điều kiện để được kinh doanh những ngành nghề nào có điều kiện.
2. Những ngành, nghề nào hiện nay bị cấm?
Theo quy định tại Điều 6
– Kinh doanh các chất ma túy.
– Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật.
– Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên.
– Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người.
– Kinh doanh mại dâm.
– Kinh doanh pháo nổ.
– Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
– Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Hộ kinh doanh không được phép đăng ký những ngành nghề trên.
3. Quy định chung về hộ kinh doanh:
– Chủ thể của hộ kinh doanh:
Hộ kinh doanh là do một cá nhân hoặc các thành viên trong một hộ gia đình đăng ký thành lập, chịu trách nhiệm trên toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Nếu như trường hợp thành lập hộ kinh doanh bởi các thành viên trong một gia đình thì có thể được ủy quyền cho một thành viên đứng ra làm đại diện hộ kinh doanh. Và như vậy, một cá nhân đứng ra đăng ký hộ kinh doanh hay người đại diện hộ kinh doanh theo ủy quyền của các thành viên gia đình được coi là chủ hộ kinh doanh.
– Quy mô của hộ kinh doanh:
Hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh nhỏ: có một địa điểm kinh doanh và sử dụng không quá 10 lao động.
Trường hợp hộ kinh doanh có sử dụng 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
– Trách nhiệm của chủ hộ kinh doanh:
Theo quy định, chủ hộ kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm vô hạn trong quá trình hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trách nhiệm vô hạn được hiểu là nếu tài sản kinh doanh không đủ để trả nợ thì hộ kinh doanh phải lấy cả tài sản không đầu tư vào hộ kinh doanh để trả nợ.
Trường hợp hộ kinh doanh đăng ký thành lập theo hộ gia đình thì tất cả các thành viên trong hộ gia đình phải liên đới chịu trách nhiệm. Khi tài sản chung của hộ gia đình không đủ để trả nợ thỉ các thành viên của hộ gia đình phải lấy cả tài sản riêng để trả nợ và phải trả cho các thành viên khác của hộ gia đình.
Trường hợp hộ kinh doanh đăng ký thành lập do một nhóm người làm chủ thì tất cả các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của hộ kinh doanh.
Lưu ý: Đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Về mức thu nhập thấp sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của từng địa phương quy định.
4. Hồ sơ, thủ tục thành lập hộ kinh doanh mới nhất:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (theo mẫu).
– Giấy tờ pháp lý gồm căn cước công dân/hộ chiếu của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
– Trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì cần có biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh (bản sao).
– Đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì cần có văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh (bản sao).
– Văn bản uỷ quyền kèm giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người nhận uỷ quyền thự hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ như trên, cá nhân, hộ gia đình sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền, theo đó:
– Nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện đến Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh.
– Nộp online trên hệ thống Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (tùy từng địa bàn).
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận đủ hồ sơ trên, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong vòng 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ của cá nhân không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo đến cho cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
5. Sau khi thành lập, hộ kinh doanh phải nộp những loại thuế, phí nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hộ kinh doanh cá thể cần phải nộp các khoản thuế phí sau:
Lệ phí môn bài: Cách kê khai thuế môn bài
Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân:
Số thuế phải nộp = doanh thu tính thuế giá trị gia tăng/ doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x tỷ lệ thuế giá trị gia tăng/ tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân.
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế được tính gồm thuế của toàn bộ:
+ Tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền.
+ Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân).
+ Các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định.
+ Doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Tỷ lệ thuế: được áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn Phụ lục I của Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Ngoài các loại thuế nêu trên, hộ kinh doanh cá thể còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên… nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: