Các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp? Hộ kinh doanh cá thể đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế ở đâu? Thủ tục đăng ký thuế cho hộ kinh doanh?
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi hoạt động kinh doanh đều phải tiến hành đăng ký thuế và nộp thuế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Vậy, Hộ kinh doanh cá thể đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế ở đâu?
Cơ sở pháp lý: Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1.Các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp?
Căn cứ theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC, quy định về các đối tượng phải nộp thuế khi kinh doanh có thể hiểu: hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả cá nhân của các nước có chung đường biên giới đất liền với việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu là những đối tượng phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Như vậy, hộ kinh doanh cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ, hộ kinh doanh phải tiến hành đăng ký, khai thuế, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Hộ kinh doanh cá thể phải nộp 3 loại thuế sau: Lệ phí môn bài nộp theo mức thu nhập tháng; thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Các loại thuế phí này nộp căn cứ vào doanh thu hàng năm.
Ngoài ra, hộ kinh doanh còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên… nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này.
Đối với ba loại thuế chính, hộ kinh doanh phải nộp như thế nào?
Thứ nhất, đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế Giá trị gia tăng
Thuế thu nhập cá nhân và thuế Giá trị gia tăng của hộ kinh doanh được tính theo phương pháp khoán. Hộ kinh doanh khai thuế khoán ổn định 01 lần/năm theo tờ khai (ban hành kèm theo Công văn số 16906/BTC-TCT )do cơ quan thuế cung cấp, cụ thể như sau:
Trường hộ hộ kinh doanh không sử dụng hóa đơn quyển của cơ quan thuế, chỉ phát sinh thuế GTGT và thuế TNCN thì hộ kinh doanh khai thuế theo Mẫu số 01a/CNKD
Trường hợp hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn quyển của cơ quan thuế, chỉ phát sinh thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng thì hộ kinh doanh khai thuế theo Mẫu số 01b/CNKD
Các trường hợp khác thì hộ kinh doanh thực hiện khai thuế theo Mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo
Đối với ngành nghề kinh doanh thì hộ kinh doanh khai theo danh mục ngành nghề cấp 4 tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có sử dụng hóa đơn thì doanh thu và mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh là doanh thu và mức thuế không bao gồm doanh thu và thuế do sử dụng hóa đơn.
Thứ hai, về lệ phí môn bài.
Mức thu lệ phí môn bài áp dụng cho hộ kinh doanh sẽ căn cứ theo quy định tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ và Thông tư số 65/2020/TT-BTC ngày 09/07/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí môn bài, cụ thể xác định như sau:
Các trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không thường xuyên; không có địa điểm kinh doanh cố định; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài.
Còn đối với hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp lệ phí môn bài thì mức thu cụ thể như sau:
– Hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: Mức thu sẽ là 1.000.000 đồng/năm;
– Hộ kinh doanh có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: mức thu sẽ là 500.000 đồng/năm;
– Hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: Mức thu sẽ là 300.000 đồng/năm.
Lưu ý: Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài, thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu về doanh thu kinh doanh để xác định tổng doanh thu kinh doanh từ các nguồn, các địa điểm kinh doanh (trừ hoạt động cho thuê tài sản) để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm kinh doanh.
2. Hộ kinh doanh cá thể đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế ở đâu?
Hộ kinh doanh nộp thuế đối với cơ quan thuế cấp nào thì nộp thuế môn bài tại cơ quan thuế cấp đó,
Trường hợp hộ kinh doanh không có địa điểm cố định như kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động, hộ xây dựng, vận tải, nghề tự do thì hộ kinh doanh nộp thuế môn bài tại cơ quan thuế nơi cư trú hoặc nơi được cấp đăng ký kinh doanh.
Trường hợp hộ kinh doanh ở địa bàn xa kho bạc nhà nước hoặc kinh doanh lưu động, không thường xuyên thì cơ quan thuế tổ chức thu thuế và nộp vào ngân sách nhà nước. Chậm nhất không quá 3 ngày kể từ ngày thu được tiền cơ quan thuế phải nộp tiền thuế đã thu vào ngân sách nhà nước; riêng đối với miền núi, hải đảo, vùng đi lại khó khăn chậm nhất không quá 6 ngày kể từ ngày thu được tiền thuế.
Trường hợp, hộ kinh doanh nhập khẩu phí mậu dịch, nhập khẩu tiểu ngạch biên giới không áp dụng hình thức thông báo nộp thuế phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng ngay khi nhập khẩu.
Khi thực hiện thủ tục nộp thuế hộ kinh doanh được cơ quan thuế hoặc cơ quan kho bạc nhà nước cấp biên lai thu thuế hoặc chứng từ xác nhận việc đã thu thuế cho người nộp thuế bằng biên lai, chứng từ do Bộ tài Chính thống nhất phát hành.
Trường hợp hộ kinh doanh buôn chuyến thì hộ kinh doanh phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo từng chuyến hàng đối cơ quan thuế nơi mua hàng trước khi vận chuyển hàng đi.
3.Thủ tục đăng ký thuế cho hộ kinh doanh?
Về hồ sơ:
Trường hợp 1: Người nộp thuế là hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế
Trường hợp hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh, trừ trường hợp hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, hồ sơ đăng ký bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT và các bảng kê
– Bản sao không yêu cầu chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao không yêu cầu chứng thực Thẻ căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực, Hộ chiếu còn hiệu lực
Trường hợp hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, hồ sơ đăng ký thuế bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT và các bảng kê
– Bản sao Giấy chứng minh thư biên giới, Hộ chiếu
– Bản sao Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới,
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật của nước có chung biên giới
Trường hợp đại diện hộ kinh doanh đã được cấp mã số thuế cá nhân, khi phát sinh hoạt động kinh doanh, hồ sơ đăng ký thuế gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT và các bảng kê . Trên tờ khai ghi mã số thuế của đại diện hộ kinh doanh đã được cấp;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
Trường hợp 2: Người nộp thuế là hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh đăng ký thuế thông qua hồ sơ khai thuế, chưa có mã số thuế thì phải gửi kèm theo hồ sơ khai thuế lần đầu một trong các hồ sơ, tài liệu sau:
Trường hợp, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh, trừ trường hợp hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, hồ sơ gồm các giấy tờ tài liệu như:
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh không yêu cầu chứng thực;
– Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực hoặc bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực không yêu cầu chứng thực
Trường hợp hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu cần chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ như:
– Bản sao Giấy chứng minh thư biên giới, Hộ chiếu không yêu cầu chứng thực
– Bản sao Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới, hoặc Giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh khác được cấp theo quy định của pháp luật của nước có chung biên giới không yêu cầu chứng thực
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp không yêu cầu chứng thực đối với cá nhân kinh doanh;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật của nước có chung biên giới không yêu cầu chứng thực đối với hộ kinh doanh.
Về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ:
Hộ kinh doanh thực hiện đăng ký thuế tại Chi cục Thuế nơi đặt trụ sở chính.
Về trình tự giải quyết :
Cơ quan thuế sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ kinh doanh khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định của pháp luật, thời gian giải quyết tối đa không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế.
Trường hợp nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc cần bổ sung các giấy tờ thì cơ quan thuế phải thông báo ngay bằng văn bản cho hộ kinh doanh để hộ kinh doanh kịp thời bổ sung các tài liệu còn thiếu, nếu cơ quan thuế từ chối đăng ký thuế cho hộ kinh doanh phải trả lời bằng văn bản lý do từ chối hồ sơ đăng ký thuế và nêu rõ căn cứ pháp lý.
Tóm lại, đối với từng loại thuế và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể thì hộ kinh doanh đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế ở các địa điểm khác nhau theo đúng quy định của pháp luật.