Trong lĩnh vực xây dựng, khi cá nhân/tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Khi xử phạt vi phạm hành chính, các hình thức xử phạt và khắc phục hậu quả như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hình thức xử phạt trong xây dựng:
Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng quy định các hình thức xử phạt trong xây dựng, bao gồm các hình thức xử phạt sau:
1.1. Hình thức xử phạt chính:
1.1.1. Cảnh cáo:
Hình thức xử phạt này được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong xây dựng không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định của pháp luật thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản. Các tình tiết giảm nhẹ bao gồm:
– Người vi phạm hành chính trong xây dựng đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
– Người vi phạm hành chính trong xây dựng đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực trong việc giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;
– Vi phạm hành chính trong xây dựng khi tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của những người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
– Vi phạm hành chính trong xây dựng do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
– Người vi phạm hành chính trong xây dựng là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế về khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
– Vi phạm hành chính trong xây dựng vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
– Vi phạm hành chính trong xây dựng do trình độ lạc hậu.
Tất cả những người có thẩm quyền xử phạt trong xây dựng đều có quyền áp dụng hình thức xử phạt này.
1.1.2. Phạt tiền:
– Mức phạt tiền tối đa trong xây dựng được quy định như sau:
+ Trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng;
+ Trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng.
– Mức phạt tiền trong xây dựng là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, trừ mức phạt đối với những trường hợp sau:
+ Cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng vi phạm quy định về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng;
+ Cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản;
+ Cá nhân vi phạm quy định về nhà ở có yếu tố nước ngoài trong quy định về quản lý giao dịch nhà ở;
+ Cá nhân vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội;
+ Cá nhân vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư.
– Mức xử phạt tiền tối đa đối với những người có thẩm quyền xử về xây dựng được quy định như sau:
+ Thanh tra viên xây dựng (hoặc thanh tra viên Giao thông vận tải – Xây dựng): xử phạt tiền tối đa là 1.000.000 đồng;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng): xử phạt tiền tối đa là 100.000.000 đồng;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng: xử phạt tiền tối đa 500.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; tối đa là 210.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà;
+ Chánh Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng): xử phạt tiền tối đa 100.000.000 đồng;
+ Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng: xử phạt tiền tối đa 300.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà; tối đa là 1.000.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: xử phạt tiền tối đa 10.000.000 đồng;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: xử phạt tiền tối đa 200.000.000 đồng;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: xử phạt tiền tối đa là 300.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà; tối đa là 1.000.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản.
1.2. Hình thức xử phạt bổ sung:
1.2.1. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc là đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng:
Những người có thẩm quyền xử phạt sau đây được áp dụng hình thức xử phạt này:
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng);
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng;
– Chánh Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng);
– Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
1.2.2. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:
Những người có thẩm quyền xử phạt sau đây được áp dụng hình thức xử phạt này:
– Thanh tra viên xây dựng (hoặc thanh tra viên Giao thông vận tải – Xây dựng): tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong xây dựng có giá trị không vượt quá 2.000.000 đồng.
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng): tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong xây dựng có giá trị không vượt quá 200.000.000 đồng;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong xây dựng có giá trị không vượt quá 1.000.000.000 đồng đối với những hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; đến 420.000.000 đồng đối với những hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà
– Chánh Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng): tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong xây dựng có giá trị không vượt quá 200.000.000 đồng.
– Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (không tính giá trị của tang vật, phương tiện).
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (không tính giá trị của tang vật, phương tiện).
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (không tính giá trị của tang vật, phương tiện).
2. Biện pháp khắc phục hậu quả trong xây dựng:
Căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu, những biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu: cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong xây dựng phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi phạm hành chính của mình gây ra; nếu như cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thực hiện. Tất cả những người có thẩm quyền xử phạt đều được áp dụng hình thức xử phạt này.
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường: cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong xây dựng phải thực hiện biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nếu như cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện. Tất cả những người có thẩm quyền xử phạt đều được áp dụng hình thức xử phạt này.
– Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong xây dựng phải phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép được cấp; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện. Người có thẩm quyền xử phạt là thanh tra viên xây dựng (hoặc thanh tra viên Giao thông vận tải – Xây dựng) không được được áp dụng hình thức xử phạt này.
– Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng: người có thẩm quyền xử phạt sau đây không được được áp dụng hình thức xử phạt này:
+ Thanh tra viên xây dựng (hoặc thanh tra viên Giao thông vận tải – Xây dựng).
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng: người có thẩm quyền xử phạt sau đây không được được áp dụng hình thức xử phạt này:
+ Thanh tra viên xây dựng (hoặc thanh tra viên Giao thông vận tải – Xây dựng).
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.