Điều kiện hoạt động và tổ chức hành nghề kiến trúc? Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề kiến trúc?
Hoạt động kiến trúc hiện nay được thực hiện chủ yếu bởi các tổ chức hành nghề kiến trúc. Ngay từ tên gọi, thì có thể nhận thấy tổ chức hành nghề kiến trúc tiến hành thực hiện các hoạt động liên quan đến lĩnh vực kiến trúc. Các tổ chức đủ điều kiện luật định và đáp ứng điều kiện về hình thức tổ chức thì mới được coi là tổ chức hành nghề kiến trúc. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về hình thức tổ chức của tổ chức hành nghề kiến trúc và các quyền, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề kiến trúc.
Dịch vụ Luật sư
1. Điều kiện hoạt động và tổ chức hành nghề kiến trúc
Điều kiện hoạt động và hình thức tổ chức hành nghề kiến trúc được quy định chi tiết tại Điều 33 Luật Kiến trúc năm 2019.
Cụ thể thì điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề kiến trúc gồm các hoạt động sau:
– Được thành lập theo quy định của pháp luật. Các tổ chức ra đời từ hoạt động thành lập của con người, để hợp pháp thì các tổ chức này phải được thành lập theo trình tự, thủ tục do luật định. Khi được thành lập theo quy định của pháp luật thì mới đảm bảo năng lực của pháp luật của các tổ chức hành nghề luật sư. Đồng thời việc tuân theo quy định pháp luật về thành lập giúp cho các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý tốt các tổ chức hành nghề kiến trúc sư.
– Có cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc hoặc chủ trì thiết kế kiến trúc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc (điểm b, Khoản 1). Là tổ chức hành nghề kiến trúc thì đương nhiên trong các tổ chức này phải có những cá nhân làm việc trong lĩnh vực kiến trúc và thỏa mãn những điều kiện luật định về năng lực. Pháp luật quy định như vậy nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề, đảm bảo yêu cầu về chuyên môn hóa. Nếu không có điều kiện về chủ thể có chuyên môn về kiến trúc thì bất kì ai cũng có thể tiến hành thành lập tổ chức hành nghề kiến trúc, khi đó chất lượng kiến trúc sẽ không đạt được yêu cầu cũng như mục đích của nó.
– Thông báo thông tin về việc thành lập tổ chức hành nghề kiến trúc và thông tin các cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc hoặc chủ trì thiết kế kiến trúc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc này cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức hành nghề kiến trúc có trụ sở hoạt động (điểm c, Khoản 1). Hoạt động thông báo này để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết được việc thành lập và tiến hành các hoạt động quản lý cần thiết đối với hoạt động của các tổ chức hành nghề. Quy định này đã thể hiện rõ nét vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kiến trúc.
Tại Khoản 2, 3 Điều 33 Luật Kiến trúc năm 2019 quy định về hình thức tổ chức hành nghề kiến trúc như sau:
“2. Tổ chức hành nghề kiến trúc gồm văn phòng kiến trúc sư, tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp khác được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này,
3. Văn phòng kiến trúc sư do kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc thành lập và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.”
Như vậy, theo quy định trên thì tổ chức hành nghề kiến trúc được thể hiện dưới hình thức là văn phòng kiến trúc sư, tổ chức sự nghiệp hoặc doanh nghiệp hành nghề kiến trúc. Về bản chất thì văn phòng kiến trúc sư cũng được tổ chức dưới loại hình doanh nghiệp, nhưng có thể hiểu văn phòng kiến trúc sư sẽ hoạt động chỉ chuyên môn về kiến trúc, còn doanh nghiệp hành nghề kiến trúc sẽ thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, trong số đó có hoạt động kiến trúc. Dù được tổ chức dưới hình thức nào thì tổ chức hành nghề kiến trúc cũng phải đảm bảo những tiêu chí về điều kiện hành nghề được liệt kê ở trên.
2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề kiến trúc
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề kiến trúc được quy định tại Điều 34 Luật Kiến trúc năm 2019. Và tại quy định của Khoản 1 điều này quy định về quyền của tổ chức hành nghề kiến trúc như sau:
– Quyền thực hiện dịch vụ kiến trúc: các tổ chức hành nghề kiến trúc được thành lập và hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Mà để có lợi nhuận thì các chủ thể này sẽ tiến hành cung cấp các dịch vụ kiến trúc cho các đối tượng có nhu cầu. Loại hình dịch vụ kiến trúc được quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Kiến trúc năm 2019, gồm bảy loại hình. Tổ chức hành nghề kiến trúc có thể cung cấp tất cả hoạt một số loại hình dịch vụ kiến trúc. Khi cung cấp dịch vụ kiến trúc, thì các tổ chức hành nghề kiến trúc phải tuân theo quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của mình.
– Quyền được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Kiến trúc là sản phẩm của lao động trí tuệ, đó chính là sự sáng tạo của con người. Do đó, các tổ chức hành nghề kiến trúc sẽ được pháp luật bảo vệ trước những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với những kiến trúc thuộc sở hữu của tổ chức đó. Đây là quyền cơ bản có các tổ chức này. Bên cạnh đó, khi pháp luật bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy cho sự sáng tạo, tạo ra các sản phẩm kiến trúc mới, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức hành nghề kiến trúc nói riêng và lĩnh vực kiến trúc nói chung.
– Quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ được giao (điểm c, Khoản 1) .Hoạt động cung cấp dịch vụ kiến trúc được thực hiện dựa trên yêu cầu của các chủ thể có nhu cầu- các khách hàng. Để quá trình kiến trúc đạt được mục đích thì tổ chức hành nghề phải biết được các thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của mình, từ đó mới tiến hành lập, xây dựng hồ sơ kiến trúc hợp lý. Do đó, pháp luật quy định điều này hoàn toàn hợp lý, thể hiện sự chủ động của tổ chức hành nghề kiến trúc trong cung cấp dịch vụ kiến trúc cũng như nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư.
– Quyền yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng thiết kế kiến trúc được duyệt. Thiết kế kiến trúc được duyệt là kiến trúc đã thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, tính hợp lý,… Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải nghiêm túc thực hiện các thiết kế này. Điều này thể hiện sự tôn trọng của các chủ thể này đối với tổ chức hành nghề kiến trúc và cũng đề cao vai trò của tổ chức hành nghề kiến trúc trong hoạt động xây dựng công trình. Nếu có sự thay đổi khác với thiết kế kiến trúc được duyệt phải có sự xem xét lại một cách kỹ lưỡng và được sự đồng ý của tổ chức hành nghề kiến trúc cũng như các cơ quan hữu quan thì mới được phép thực hiện.
– Quyền từ chối thực hiện yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư, yêu cầu ngoài nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và hợp đồng, yêu cầu thay đổi thiết kế kiến trúc không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (điểm đ, Khoản 1). Quyền năng này cũng như quyền yêu cầu thực hiện đúng với kiến trúc đã được duyệt. Các tổ chức hành nghề kiến trúc phải luôn đặt sứ mệnh, đạo đức nghề nghiệp của mình lên hàng đầu, từ chối các hành vi làm sai lệch thiết kế kiến trúc hay hành vi không phù hợp với pháp luật, không phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật trong kiến trúc.
– Quyền từ chối nghiệm thu công trình, hạng mục công trình không đúng thiết kế kiến trúc được duyệt (điểm e, Khoản 1). Khi các chủ đầu tư, nhà thầu dù đã được yêu cầu thực hiện theo thiết kế kiến trúc nhưng cố tình không thực hiện thì các tổ chức này có quyền từ chối nghiệm thu đối với các trường hợp này. Việc này thể hiện sự độc lập của các tổ chức hành nghề kiến trúc trong hoạt động xây dựng.
Nghĩa vụ của các tổ chức hành nghề kiến trúc được quy định tại Khoản 2 Điều 34, cụ thể bao gồm:
– Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký. Đây là tiêu chí chung đối với các doanh nghiệp, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam. Các ngành, nghề đã đăng ký là các ngành nghề mà tổ chức đáp ứng các điều kiện để thành lập. Đối với các ngành, nghề không đăng ký mà cố tình thực hiện chính là sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ra hậu quả đối với xã hội.
– Thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật (điểm b, Khoản 2). Quy định này xuất phát từ nghĩa vụ dân sự nói chung, đó chính là tôn trọng hợp đồng, thực hiện theo đúng quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng. Đảm bảo cho quan hệ hợp đồng được thực hiện theo đúng mục đích khi tiến tới hình thành quan hệ hợp đồng đó.
– Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật (điểm c, Khoản 2). Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nhằm chia sẻ rủi ro cho các tổ chức hành nghề kiến trúc, do đó, mà pháp luật quy định phải mua bảo hiểm.
– Chịu trách nhiệm về chất lượng công việc theo hợp đồng đã giao kết, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, tổ chức quản lý không phù hợp hoặc vi phạm hợp đồng gây thiệt hại (điểm d, khoản 2). Nghĩa vụ này xuất phát từ việc vi phạm các quy định cấm trong hoạt động kiến trúc cũng như vi phạm hợp đồng. Chủ thể nào có hành vi vi phạm sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi vi phạm của mình gây ra. Quy định này vừa đề cao trách nhiệm của các tổ chức hành nghề kiến trúc trong thực hiện hợp đồng với khách hàng và cũng nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng.