Giao dịch bảo đảm được xem là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ, và bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của bên có quyền. Dưới đây là những hình thức thể hiện của giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện nay.
Mục lục bài viết
1. Hình thức của giao dịch bảo đảm theo quy định mới nhất:
Hiện nay, căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, không có bất cứ điều luật nào đưa ra khái niệm cụ thể về giao dịch bảo đảm là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu, giao dịch bảo đảm là những giao dịch được thực hiện dựa trên các biện pháp bảo đảm tài sản do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Giao dịch được bảo đảm chính là giao dịch độc lập, hiệu lực của giao dịch bảo đảm không phụ thuộc vào các giao dịch khác. Nhiều người hiện nay đặt ra thắc mắc về hình thức của những giao dịch bảo đảm. Có thể nói, hình thức của hợp đồng dân sự nói chung và hình thức của giao dịch bảo đảm nói riêng là phương tiện thể hiện ý chí của các chủ thể xác lập về sự thỏa thuận và cam kết của các bên. Hình thức của những giao dịch bảo đảm không chỉ thể hiện ý chí của các bên chủ thể mà nó còn là một hình thức của chứng cứ trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên khi tham gia giao dịch bảo đảm đó, nếu như có mâu thuẫn và tranh chấp xảy ra. về bản chất thì có thể nói, giao dịch bảo đảm cũng là một hình thức của hợp đồng dân sự, vì thế giao dịch bảo đảm cũng sẽ được coi là một giao dịch dân sự thuần túy, do đó, muốn xác lập và ghi nhận thỏa thuận thì các bên chủ thể nhất thiết phải thông qua một trong hai hình thức cơ bản, là bằng miệng hoặc bằng văn bản. Nhằm tạo điều kiện cho các bên chủ thể xác lập dễ dàng và tham gia các hợp đồng dân sự và các giao dịch dân sự ở nước ta, pháp luật hiện nay quy định các bên có thể giao kết hợp đồng bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng với đó thì, pháp luật cũng quy định có những hợp đồng cần phải được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cần phải tiến hành thủ tục tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên khi xảy ra tranh chấp. Căn cứ theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hình thức của giao dịch dân sự, cụ thể như sau:
– Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Đối với những giao dịch dân sự được thể hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, thì sẽ được coi là giao dịch thể hiện dưới hình thức bằng văn bản;
– Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cần phải thực hiện thủ tục đăng ký thì cần phải tuân thủ đầy đủ quy định đó.
Như vậy có thể nói, dưới góc độ là một giao dịch dân sự, các giao dịch bảo đảm có thể được xác lập theo một trong những hình thức dưới đây:
– Xác lập giao dịch bảo đảm bằng hình thức văn bản;
– Xác lập giao dịch bảo đảm bằng hình thức lời nói (hay còn gọi là hình thức miệng);
– Xác lập giao dịch bảo đảm bằng hành vi cụ thể.
2. Quy định về những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 292 của Bộ luật dân sự năm 2015, hiện nay pháp luật có quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm;
– Cầm cố tài sản, đây được xem là hình thức bảo đảm mà bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho bên nhận cầm cố nhằm mục đích đảm bảo thực hiện nghĩa vụ căn cứ theo quy định tại Điều 309 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Thế chấp tài sản, đây là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà bên thế chấp dùng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp căn cứ theo quy định tại Điều 317 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Đặt cọc, là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ khi bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác theo quy định của pháp luật để bên nhận đặt cọc cầm dưỡng trong một khoảng thời hạn nhất định nhằm mục đích bảo đảm cho quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng trên thực tế căn cứ theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Ký cược, là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với việc bên thuê tài sản được xác định là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc một khoản kim khí quý, đá quý hoặc những vật có giá trị khác phù hợp với quy định của pháp luật trong một khoảng thời hạn nhất định nhằm mục đích bảo đảm cho việc trả lại tài sản đã thuê căn cứ theo quy định tại Điều 329 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Ký quỹ, là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc các loại tài sản khác phù hợp với quy định của pháp luật vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng nhằm mục đích bảo đảm cho hoạt động thực hiện nghĩa vụ căn cứ theo quy định tại Điều 330 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Bảo lưu quyền sở hữu, là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo đó thì quyền sở hữu tài sản hợp pháp có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán và thực hiện đầy đủ thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng mua bán căn cứ theo quy định tại Điều 331 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Bảo lãnh, là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với việc bên bảo lãnh cam kết và thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, nếu hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh vẫn không thể thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên căn cứ theo quy định tại Điều 335 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Tín chấp, là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của các tổ chức chính trị xã hội đối với các cá nhân và hộ gia đình nghèo khi họ vay một khoản tiền tại các tổ chức tín dụng này để nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phù hợp với quy định của pháp luật căn cứ theo quy định tại Điều 344 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Cầm giữ tài sản, là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với việc bên cầm giữ đang nắm giữ một tài sản hợp pháp được xác định là đối tượng của hợp đồng song vụ trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng sự thỏa thuận của các bên căn cứ theo quy định tại Điều 346 của Bộ luật dân sự năm 2015.
3. Có được bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp khác nhau không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, có quy định về vấn đề bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm khác nhau, cụ thể như sau:
– Một nghĩa vụ hoàn toàn có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm khác nhau theo quy định của pháp luật, trong trường hợp nghĩa vụ bị vi phạm mà bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm vẫn không có thỏa thuận về việc lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm nào thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm để áp dụng hoặc áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;
– Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản khác nhau theo quy định của pháp luật, phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng loại tài sản trong số các tài sản bảo đảm sẽ được xác định theo sự thỏa thuận của các bên, trong trường hợp các bên không có thoả thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó cũng có thể được dùng để bảo đảm thực hiện cho toàn bộ nghĩa vụ.
Như vậy có thể nói, trong một giao dịch dân sự thì một nghĩa vụ có thể được bảo đảm bằng nhiều biện pháp bảo đảm khác nhau. Và trong trường hợp, nghĩa vụ này bị vi phạm mà không có thoả thuận của các bên về việc lựa chọn biện pháp bảo đảm nào để áp dụng trên thực tế thì việc xác định biện pháp bảo đảm sẽ do bên nhận bảo đảm thực hiện, và bên nhận bảo đảm có thể áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.