Di chúc được lập ra là để thể hiện ý chí của cá nhân nhằm mục đích định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Di chúc cần có đầy đủ các phần nội dung và đáp ứng đúng quy định về hình thức nhằm đảm bảo tính hợp pháp. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về hình thức của di chúc và các nội dung cơ bản của di chúc.
Mục lục bài viết
1. Quy định về hình thức của di chúc:
Theo quy định tại Điều 627, 628
1.1. Di chúc bằng văn bản:
Di chúc bằng văn bản bao gồm các loại di chúc sau đây:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
– Di chúc bằng văn bản có công chứng.
– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Điều kiện có hiệu lực của di chúc bằng văn bản:
– Di chúc của các chủ thể là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc theo quy định pháp luật.
– Di chúc của các chủ thể người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp một người quyết định lập di chúc bằng văn bản và không có người làm chứng thì di chúc này cần phải có đầy đủ nội dung của một di chúc thông thường theo quy định tại Điều 631
Cần lưu ý rằng di chúc không được viết tắt, cũng không được viết hay chú thích bằng ký hiệu. Chủ thể lập di chúc, nếu có sửa chữa, tẩy xóa một nội dung nào của di chúc thì phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa đó để xác minh việc họ tự sửa chữa, tẩy xóa chứ không phải do người khác thực hiện. Quy định này đã đảm bảo tính hợp pháp và chính xác của của di chúc.
1.2. Di chúc bằng miệng:
Các chủ thể là người để lại di sản thừa kế có thể lập di chúc miệng trong các trường hợp sau:
– Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
– Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy, theo quy định tại Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc miệng chỉ được thừa nhận là hợp pháp khi nó được lập trong trường hợp một người đang bị cái chết đe dọa về tính mạng, không có đủ thời gian cũng như điều kiện để lập di chúc bằng văn bản.
Điều kiện có hiệu lực của di chúc bằng miệng:
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu các chủ thể là người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, các chủ thể là người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ vào di chúc đó. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Khác với việc lập di chúc bằng văn bản, di chúc miệng không có hiệu lực ngay mà theo quy định pháp luật hiện hành, nếu một người vẫn còn sống, minh mẫn và sáng suốt sau ba tháng kể từ thời điểm người này lập di chúc miệng thì nội dung di chúc miệng đã được lập sẽ bị hủy bỏ, đương nhiên di chúc bằng miệng nêu trên sẽ hết hiệu lực.
2. Quy định về nội dung của di chúc:
Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất: Cần có thông tin người lập di chúc bao gồm:
– Ngày, tháng, năm tiến hành lập di chúc.
– Họ, tên và nơi cư trú của chủ thể là người lập di chúc.
Các chủ thể là người lập di chúc cần kê khai chính xác phần lý lịch của bản thân, đảm bảo không có bất cứ sai lệch nào về thông tin, làm ảnh hưởng đến tính hợp pháp của di chúc.
Thứ hai: Thông tin về các tài sản thừa kế bao gồm:
– Tài sản thừa kế là toàn bộ những tài sản chung và tài sản riêng của người lập di chúc bao gồm thông tin cụ thể và các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp các tài sản.
– Đối với tài sản là bất động sản cụ thể như là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền trên đất thì sẽ có thông tin về vị trí thửa đất, số tờ bản đồ, số thừa, diện tích đất, nguồn gốc sử dụng đất,…
– Đối với tài sản là động sản như xe ô tô, xe máy thì phải nêu được thông tin về biển số xe, số giấy đăng ký ô tô, ngày tháng năm cấp đăng ký xe, số loại, màu sơn, số khung, số máy, loại xe….
– Đối với tài sản là thẻ tiết kiệm thì phải nêu được thông tin về ngân hàng nơi lập thẻ tiết kiệm, số tiền tiết kiệm, kỳ hạn gửi tiết kiệm, lãi suất gửi tiết kiệm…
Thứ ba: Thông tin người, cơ quan tổ chức hưởng thừa kế bao gồm:
– Phần thông tin của người, cơ quan, tổ chức mà người lập di chúc muốn để lại tại sản phải ghi đầy đủ, chi tiết theo đúng quy định pháp luật.
– Nội dung về lý lịch của các chủ thể là người được hưởng tài sản phải ghi rõ bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân với ngày cấp, cơ quan cấp, địa chỉ thường trú.
– Hưởng di sản thừa kế là cơ quan tổ chúc phải ghi rõ tên, địa chỉ đang hoạt động cùng với nội dung thừa kế.
Thứ tư: Phần ý nguyện của người lập di chúc bao gồm:
– Phần ý nguyện là phần nếu các chủ thể là người để lại di chúc có gì muốn dặn dò thêm người nhận di chúc.
– Có thể có phần này hoặc không có phần này.
Thứ năm: Thông tin phần di sản dùng vào việc thờ cúng (nếu có)
– Trong trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
– Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
– Đối với trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
– Còn trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Thứ sáu: Phần di sản tặng, cho (nếu có)
– Việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác phải được ghi rõ trong di chúc.
– Chủ thể là người được tặng cho một phần di sản là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Đối với trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
– Đối với người được tặng cho một phần di sản không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần di sản đó, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.
Thứ bảy: Thông tin người làm chứng (nếu có):
Mọi chủ thể đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc không được làm chứng cho việc lập di chúc.
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc không được làm chứng cho việc lập di chúc.
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không được làm chứng cho việc lập di chúc.
Đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì chủ thể là người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc và phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Thứ tám: Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
– Đối với trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng.
– Các chủ thể là người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
– Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Với di chúc có công chứng, chứng thực thì các chủ thể là người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc. Và, khi muốn công chứng di chúc thì các chủ thể là người lập di chúc bắt buộc phải tự mình đến tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu công chứng di chúc mà không được ủy quyền cho người khác.