Khái quát chung về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị? Các hình thức công khai trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị?
Tham nhũng là một trong những vấn nạn xảy ra trong bộ máy chính quyền của hàng loạt các quốc gia mà việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang là thách thức mà các nước đang phải đối mặt. Mỗi quốc gia sẽ có các biện pháp, chính sách, phù hợp với chế độ, cách thức tổ chức bộ máy nhà nước sao cho công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Theo pháp luật phòng, chống tham nhũng Việt Nam, một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đó là phải công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trên cơ sở nhận thấy được tầm quan trọng của biện pháp này, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc các thông tin pháp lý xoay quanh vấn đề công khai, minh bạch, đặc biệt là các hình thức công khai trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
–
1. Khái quát chung về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị?
Theo từ điển Tiếng Việt: Công khai là việc không giữ kín, mà để cho mọi người đều có thể biết (công: mọi người; khai: mở)”.
Minh bạch là rõ ràng, rành mạch (minh: sang; bạch: trắng)”
Xét về khía cạnh ngôn ngữ, mặc dù công khai, minh bạch có nội hàm cụ thể khác nhau song giữa hai thuật ngữ này có điểm chung là biểu hiện sự rành mạch, rõ ràng, cụ thể về một vấn đề nào đó được công bố rộng rãi cho mọi người đều biết hoặc mọi người có thể dễ dàng tiếp cận về thông tin, về nội dung của vấn đề này. Công khai là hình thức công bố thông tin rộng rãi ra công chúng, còn minh bạch là sự chuẩn xác, rõ ràng về nội dung thông tin.
Với khái niệm của cụm từ “công khai”, “minh bạch” như trên thì ta có thể xác định các tiêu chí để xác định, đánh giá tính công khai, minh bạch, bao gồm:
Một là, nội dung rõ ràng, cu thể, rành mạch.
Hai là, được công bố rộng rãi cho mọi người biết. Việc công bố thông tin cho mọi người được biết là một yêu cầu cơ bản và không thể thiếu được trong việc xác định, đánh giá tính công khai, minh bạch.
Ba là, thông tin thuận tiện cho mọi người đễ dàng tiếp cận, truy cập. Cùng với quyền được biết của người dân, doanh nghiệp thì đi liền với đó phải có cơ chế để các chủ thể này có thể tiếp cận được thông tin. Vì vậy, trong việc đánh giá tính công khai, minh bạch thì việc đưa ra các kênh để thông tin được công khai bằng nhiều cách khác nhau nhằm đảm bảo sự tiếp cận thông tin dễ dàng cho người dân.
Bốn là, thông tin phải tin cậy được, phải lường trước được và có thể dự đoán được. Việc đưa ra thông tin phải đảm bảo nguồn thông tin chính xác, thông tin được xây dựng trên kết quả kết tinh trí tuệ, công sức của Nhà nước, người dân và phù hợp với quy luật, nhu cầu của xã hội chứ không phải sản phẩm mang ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước có thâm quyên. Người cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đấy đủ, khách quan của thông tin do mình cung cấp. Hơn nữa, nội dung các thông tin này phải dự liệu được những tình huống có thể phát sinh trên thực tế và dự liệu được các giải pháp xử lý những tình huống này.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức được xác định ở đây là cơ quan, đơn vị, tổ chức khu vực nhà nước bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.
Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp thông tin, giải trình về tổ chức bộ máy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Như vậy, từ khái niệm và sự phân tích ở trên về công khai, minh bạch, công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đáp ứng 4 tiêu chí về nội dung cũng như hình thức.
Nội dung công khai, minh bạch: theo quy định tại Điều 10 Luật phòng chống tham nhũng được nêu rõ:
– Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung sau đây:
+ Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân;
+ Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác;
+ Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn;
+ Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp trên mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch.
– Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác ngoài nội dung công khai, minh bạch trên còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.
Việc thực hiện tốt các nội dung công khai minh bạch sẽ mang đến ý nghĩa cực kỳ to lớn.
Ý nghĩa của công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức:
– Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sẽ giúp giảm thiểu tình trạng quan liêu, tham nhũng, lạm quyền và làm cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có hiệu quả hơn, mang tính chất phục vụ nhân dân nhiều hơn.
– Ngoài ra việc công khai, minh bạch còn đem lại ý nghĩa, lợi ích cho cả nhà nước và người dân, thể hiện cụ thể ở các khía cạnh: (i) Tạo dựng và thúc đẩy niềm tin vào các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước; (ii) Nâng cao chất lượng của các chính sách công; (iii) Đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả trong phân bổ và chi tiêu ngân sách; (iv) Gia tăng trách nhiệm của các các bộ công chức, viên chức, người hoạt động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức; (v) Gia tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; (vi) Giảm thiểu tệ nạn tham nhũng.
2. Các hình thức công khai trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị?
Trên cơ sở nội dung công khai, pháp luật quy định 8 hình thức công khai theo Điều 11 Luật Phòng chống tham nhũng bao gồm:
– Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Đây là hình thức công khai mang tính nội bộ, bản chất công khai ở đây không mang tính sâu rộng về không gian, hình thức này thường áp dụng với các hình thức công khai khác.
– Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Tính công khai của hình thức này không cao, bởi lẽ, việc niêm yết tại trụ sở của cơ quan nhưng phần lớn người được đến cơ quan chỉ là cán bộ, công chức mà không có người ngoài.
– Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan: Hình thức này thường xác định rõ chủ thể cần gửi thông báo, thường được thể hiện dưới dạng
– Phát hành ấn phẩm: Ấn phẩm là sản phẩm được làm bởi công nghệ in ấn hoặc có thể phát hành dưới dạng truyền thông, chúng có nội dung, hình ảnh, thông tin cần công khai, minh bạch gửi tới cộng đồng. Ấn phẩm có thể thể hiện dưới dạng sách báo, tài liệu, biểu mẫu,…
– Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng: Phương tiện thông tin đại chúng là phương tiện được cơ quan báo chí sử dụng để cung cấp, truyền dẫn thông tin tới đông đảo công chúng bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/Cổng thông tin điện tử. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải đảm bảo theo quy định của luật báo chí.
– Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử: Đây là hình thức tận dụng thủ tục điện tử trong việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Điều này đòi hỏi mọi cơ quan, đơn vi, tổ chức đều cần có trang thông tin điện tử phục vụ cho hoạt động của mình cũng như để công khai, minh bạch hoạt động đó.
– Tổ chức họp báo. Đây là hình thức khá đặc trưng, tính công khai lớn, được thực hiện với nội dung: Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí. Bên cạnh đó, Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đột xuất đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình mà dư luận xã hội quan tâm, trừ trường hợp pháp luật về báo chí có quy định khác.
– Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Đây là hình thức dựa trên quyền, nhiệm vụ, quyền hạn để yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin, ví dụ: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật; Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
Trường hợp luật khác không quy định về hình thức công khai thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện một hoặc một số hình thức công khai trên (trừ cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân) theo quy định tại Điều 11 Luật Phòng chống tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thực hiện thêm hình thức công khai: Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân để phù hợp hơn với những đặc điểm hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.