Hình thức công dân tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Bài tập học kỳ Luật Hành chính 8 điểm.
Hình thức công dân tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Bài tập học kỳ Luật Hành chính 8 điểm.
I. LỜI MỞ ĐẦU
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do đó chỉ khi nào người dân thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động quản lý của nhà nước thì việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền mới thực sự thành công. Việc mở rộng hình thức tham gia của công dân vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước không chỉ đòi hỏi từ sự hội nhập mà quan trọng hơn là từ chính yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, dân chủ hóa đời sống xã hội và của bản thân Nhà nước. Mở rộng sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động quản lý nhà nước sẽ đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ, ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện hiện nay.
II. NỘI DUNG CHÍNH
1. Tìm hiểu một số khái niệm:
a. Quản lý hành chính nhà nước
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành pháp là quản lý hành chính nhà nước.
Quản lý hành chính nhà nước là một hình thức hoạt độn của Nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính Nhà nước, có nội dung là đảm bảo sự chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước,nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa – xã hội và hành chính – chính trị. Nói cách khác, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành – điều hành của nhà nước.
b. Công dân.
Công dân là sự xác định một thể nhân về mặt pháp lý thuộc về một nhà nước nhất định. Nhờ sự xác định này con người được hưởng chủ quyền của nhà nước và được nhà nước bảo hộ quyền lợi khi ở trong nước cũng như ở nước ngoài; đồng thời cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định đối với nhà nước. Theo Điều 49 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, khái niệm công dân gắn liền với khái niệm quốc tịch. Quốc tịch là mối liên hệ pháp lý giữa một con người với một nhà nước nhất định. Mối liên hệ pháp lý này được biểu hiện bằng tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân được Nhà nước quy định trong các văn bản pháp luật.
2. Các hình thức công dân tham gia vào quản lý hành chính nhà nước và ý nghĩa của từng hình thức đó trong việc phát huy dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước.
a. Cơ sở:
– Với bản chất dân chủ sâu sắc, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được nhà nước xã hội chủ nghĩa ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Nhà nước xã hội chủ nghĩa do chính nhân dân lao động tự tổ chức để thực hiện quyền lực của mình. Nó là một tổ chức được lập ra nhằm phát huy tài năng, sức lực của người lao động trong việc gánh vác các công việc của nhà nước và xã hội nhằm phục vụ lợi ích của chính họ. Ghi nhận nội dung này, Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) nếu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568