Khái quát về chào bán chứng khoán ra công chúng? Hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp?
Nhằm mục đích để thu hút đầu tư và mở rộng nguồn vốn; doanh nghiệp lên sàn sẽ có hình thức chào bán cổ phiếu. Việc chào bán không chỉ ở phạm vi hẹp mà đối tượng hướng đến là thị trường cổ phiếu đại chúng. Trong bối cảnh phát triển của thị trường chứng khoán trên thế giới. Và ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu một cách toàn diện các vấn đề lý luận và thực tiễn về chào bán chứng khoán ra công chúng là hết sức cấp thiết.
Chào bán cổ phiếu ra công chúng là động lực thúc đẩy sự phát triển của tổ chức phát hành, đồng thời đây là cơ hội của các nhà đầu tư muốn thử sức trên thị trường. Ngoài ra, chào bán cổ phiếu ra công chúng có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển thị trường chứng khoán nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Với những vai trò quan trọng đó thì pháp luật đã đưa ra các quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Khái quát về chào bán chứng khoán ra công chúng:
1.1. Chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp:
Pháp luật về chào bán chứng khoán ra công chúng về cơ bản được hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật được nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng trên thị trường sơ cấp.
Theo luật chứng khoán năm 2019 ta có thể hiểu chào bán ra công chúng là chào bán chứng khoán cho một số lượng lớn các nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc sử dụng các phương thức quảng cáo hoặc mời chào có tính chất rộng rãi ra công chúng khi chào bán.
1.2. Đặc trưng của chào bán ra công chúng:
Chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp có những đặc điểm cơ bản sau đây:
– Thứ nhất: Việc chào bán chứng khoán ra công chúng có quy mô rộng (tính chất rộng rãi). Tính quy mô được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể như: chào bán chứng khoán cho số lượng lớn nhà đầu tư; khối lượng chào bán lớn; sử dụng phương quảng cáo hoặc mời chào rộng rãi trong chào bán ra công chúng.
– Thứ hai: Về nguyên tắc, việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi chào bán chứng khoán ra công chúng là thủ tục pháp lý bắt buộc. Do đó, việc chào bán chỉ được thực hiện sau khi chủ thể phát hành đã đăng ký chào bán với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý thị trường chứng khoán.
– Thứ ba: Các chủ thể chào bán chứng khoán ra công chúng rất đa dạng, có thể là doanh nghiệp, Chính phủ hay Chính quyền địa phương.
– Thứ tư: Mục đích của chào bán chứng khoán ra công chúng là huy động vốn trung và dài hạn.
– Thứ năm: Chào bán chứng khoán ra công chúng phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy trình do pháp luật quy định.
– Thứ sáu: Việc chào bán thường được tiến hành thông qua tổ chức trung gian là các công ty bảo lãnh phát hành hoặc đại lý phát hành chứng khoán.
– Thứ bảy: Việc chào bán thực hiện trên phạm vi rộng lớn; thu hút số lượng lớn nhà đầu tư bỏ vốn để mua chứng khoán trong đợt phát hành.
– Thứ tám: Tổng giá trị chứng khoán đã chào bán thường phải đạt tới mức độ nhất định nhằm tập trung được lượng vốn lớn, giúp chủ thể phát hành thực hiện được dự án mở rộng quy mô kinh doanh hoặc đầu tư mới.
Ngày nay, trong thực tiễn, đối với nền kinh tế và xã hội, chào bán chứng khoán ra công chúng có ý nghĩa quan trọng. Việc chào bán chứng khoán ra công chúng sẽ đem lại nguồn vốn cần thiết để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Còn đối với thị trường chứng khoán, chào bán chứng khoán ra công chúng là một hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của thị trường chứng khoán.
Ta có thể nói, chào bán chứng khoán ra công chúng là nguồn cung hàng hóa cho thị trường sơ cấp. Chứng khoán sau khi được chào bán ra công chúng thường được giao dịch rộng rãi, có thế mua đi bán lại dễ dàng, nghĩa là đã tạo ra tính thanh khoản cho thị trường thứ cấp. Khi đó, thị trường chứng khoán mới có thể phát huy vai trò là một kênh huy động và phân bổ nguồn vốn chủ yếu của nền kinh tế.
Đối với tổ chức phát hành là doanh nghiệp thì chào bán chứng khoán ra công chúng được coi là một kênh huy động vốn có ý nghĩa rất quan trọng để giúp doanh nghiệp giải quyết nhu cầu về vốn mà tránh được việc phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng của các định chế tài chính. Thêm vào đó, chào bán chứng khoán ra công chúng còn có thể làm tăng giá trị của doanh nghiệp.
Sau khi chào bán chứng khoán ra công chúng, tính thanh khoản của chứng khoán thường sẽ tăng lên cùng với uy tín của công ty khiến cho giá bán chứng khoán trên thị trường tăng mạnh đem đến những lợi nhuận cho công ty. Như vậy, giá trị thực của công ty sẽ được xác định bởi số lượng và giá chứng khoán được giao dịch trên thị trường.
2. Hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp:
Hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng bao gồm chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng, chào bán thêm cổ phiếu hoặc quyền mua cổ phần ra công chúng và các hình thức khác.
Quy định về hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng theo Điều 10 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán như sau:
“Điều 10. Hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng
1. Chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng bao gồm:
a) Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành;
b) Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành;
c) Kết hợp hình thức quy định tại các điểm a, b khoản này;
d) Chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.
2. Chào bán thêm chứng khoán ra công chúng bao gồm:
a) Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
b) Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chào bán thêm chứng chỉ quỹ ra công chúng để tăng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư.
3. Cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng.
4. Tổ chức phát hành chào bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác ra công chúng.”
Ta nhận thấy, theo Điều 14 Luật Chứng khoán 2019 và Điều 10 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, chào bán chứng khoán bao gồm các hình thức sau:
– Chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng sẽ bao gồm:
+ Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành.
+ Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành.
+ Kết hợp hình thức giữa việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành.
+ Chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.
– Chào bán thêm chứng khoán ra công chúng sẽ bao gồm:
+ Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
+ Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chào bán thêm chứng chỉ quỹ ra công chúng để tăng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư.
– Cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng.
– Tổ chức phát hành chào bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác ra công chúng.
Trên thực tế, khi có nhu cầu mở rộng nguồn vốn và thu hút đầu tư, doanh nghiệp có thể chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua các hình thức trên theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Như vậy, ta nhận thấy, việc chào bán cổ phiếu ra công chúng là một trong hai phương thức được pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán điều chỉnh cũng như ban hành các quy định cụ thể. Trong thực tiễn, các tổ chức thường tiến hành chào bán cổ phiếu ra công chúng nhằm huy động vốn kinh doanh hoặc tăng vốn điều lệ của đơn vị phát hành. Ngoài ra, còn nhằm hoán đổi cổ phần với chủ thể khác hoặc thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần các tổ chức cũng tiến hành chào bán cổ phiếu ra công chúng. Căn cứ vào mức độ, nhu cầu của tổ chức phát hành cổ phiếu mà chào bán cổ phiếu ra công chúng có thể được phân thành hai hình thức cụ thể được pháp luật quy định như sau: Chào bán lần đầu ra công chúng và chào bán thêm ra công chúng. Bên cạnh đó, cũng căn cứ vào loại chứng khoán được phát hành có thể chia chào bán chứng khoán ra công chúng làm ba loại: chào bán cổ phiếu ra công chúng, chào bán trái phiếu ra công chúng và chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng.