Hiện nay, nhiều đối tượng do không có hiểu biết pháp luật, coi thường pháp luật mà đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức thì hình phạt được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức:
Hình phạt áp dụng đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 2 Điểm 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Khoản 2 Điều 174 là khung tăng nặng thứ nhất, quy định chế tài lựa chọn mức hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù khi có một trong những tình tiết sau:
+ Phạm tội có tổ chức: Là trường hợp đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (Khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015). Như vậy, giữa những người đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ, vừa có sự phân hóa vai trò, phân công nhiệm vụ tương đối cụ thể rõ rệt giữa người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trường hợp phạm tội có tổ chức thường là nhóm tội phạm được hình thành với phương thức hoạt động có tính lâu dài, bền vững giữa họ luôn có sự chuẩn bị chu đáo đầy đủ về mọi mặt cho việc thực hiện và che giấu tội phạm, hình thức thực hiện với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Với những đặc điểm như vây, phạm tội có tổ chức có khả năng phạm tội nhiều lần liên tục gây ra nhiều hậu quả rất nguy hiểm cho xã hội.
Tương tự các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức là trường hợp đồng phạm của tội là đảo chiếm đoạt tài sản có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, không cần thiết mỗi trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều có đủ những người đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức nhưng trong đó nhất định phải có người tổ chức và người thực hành mới thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức.
Thông thường, người thực hành trong đồng phạm phải tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm, tức là thực hiện đồng thời cả hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên trong trường hợp có nhiều người cùng thực hiện hành vi mô tả trong cấu thành tội phạm (tức là có nhiều người cùng thực hành) thì không đòi hỏi mỗi người phải thực hiện trọn vẹn hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà có thể mỗi người chỉ thực hiện một phần hành vi nhưng đòi hỏi hành vi tổng hợp của họ phải là hành vi có đủ dấu hiệu của CTTP, tức là có người thực hiện hành vi lừa dối và người thực hành khác thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và hành vi tổng hợp của những người đồng thực hành có đủ dấu hiệu hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ: A, B và C có sự bàn bạc cấu kết với nhau làm giấy tờ giả để thành lập công ty kinh doanh nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó A là người tổ chức lên kế hoạch phân công cho B,C trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. B là người lập các giấy tờ và con dấu giả để tạo hồ sơ giả của Công ty. Còn C là người trực tiếp gặp gỡ những người có nhu cầu góp vốn kinh doanh và đưa ra những thông tin giả dối về việc kinh doanh của công ty làm cho mọi người tin tưởng ký kết hợp đồng góp vốn và giao tiền cho C. Số tiền mà A, B, C chiếm đoạt được là 1,5 tỷ đồng. Như vậy hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của A,B,C thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức vì có sự câu kết giữa những người đồng phạm, trong đó A là người tổ chức còn B,C là những người đồng thực hành, B là người thực hiện hành vi gian dối là lập các giấy tờ giả mạo về Công ty, C vừa thực hiện hành vi gian dối là đưa ra những thông tin không đúng sự thật về việc kinh doanh của Công ty và vừa trực tiếp nhận tiền của những người bị hại. Như vậy, tổng hợp hành vi của B và C đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối.
2. Khách thể, chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu do vậy khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu về tài sản, đây là quan hệ xã hội chủ yếu bị hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm hại do đặc điểm của tội phạm này là chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản nên đây là điểm khác so với các tội xâm phạm sở hữu khác, chẳng hạn như tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và các tội này ngoài khách thể của tội phạm là quan hệ sở hữu thì người phạm tội còn nhằm đến khách thể quan trọng khác đó là quyền được bảo vệ về tính mạng sức khỏe (quyền nhân thân) của người bị hại. Quan hệ sở hữu là quan hệ trong đó người sở hữu tài sản có quyền chiếm hữu sử dụng và định đoạt tài sản và phải được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Cá nhân tổ chức xâm phạm trái phép đến quan hệ này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối tượng tác động của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tài sản bao gồm: … vật, tiền giấy tờ có giá và các quyền tài sản? Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp quyền tài sản đều là đối tượng tác động của hành vi xâm phạm sở hữu tài sản mà phải được thể hiện dưới dạng vật chất, tài sản đó phải đang nằm trong sự quản lý của chủ tài sản bởi đặc trưng của hành vi chiếm đoạt là hành vi làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng chiếm hữu quản lý tài sản trên thực tế.
Cần lưu ý rằng một số tài sản đặc biệt như: tài nguyên khoáng sản, các chất ma túy, vũ khí quân dụng không phân là đối tượng của hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại điều này, vì đây là những tài sản đặc biệt, có công dụng tính năng đặc biệt được pháp luật bảo vệ một cách nghiêm ngặt nên sẽ là đối tượng tác động của những hành vi phạm tội khác được quy định trong BLHS năm 2015 như tội chiếm đoạt chất ma túy Điều 252, tội vi phạm các quy định về nghiên cứu thăm dò khai thác tài nguyên Điều 227 BLHS năm 2013…
Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Theo quy định của luật hình sự Việt Nam, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự Điều 12 BLHS năm 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng tội đặc biệt nghiêm trọng đối với một số tới phạm cụ thể được nhà làm luật liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015.
Căn cứ vào quy định của BLHS năm 2015 thì chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và không ở trong tình trạng được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015, người từ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với mọi trường hợp phạm tội.
Do chủ thể của tội lừa chiếm đoạt tài sản là chủ thể thường nên không có ngoại lệ đối với người nước ngoài, người không có quốc tịch khi thực hiện hành vi lừa đảo trên lãnh thổ Việt Nam, trừ người được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.
Ngoài ra khi nghiên cứu về chủ thể của tội phạm này cũng cần chú ý tới đặc điểm nhân thân của người phạm tội như nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật, tiền án tiền sự… Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
3. Mặt khách quan, mặt chủ quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Mặt khách quan của tội hòa đảo chiếm đoạt tài sản:
* Dấu hiệu hành vi khách quan:
Theo quy định của BLHS thì hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện dưới hai hành vi thực tế là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt.
– Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội.
Trên thực tế hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hợp thành bởi hai yếu tố:
Thứ nhất, đưa ra những thông tin gian dối, hành vi này thể hiện là hành động có chủ đích của người phạm tội, được thực hiện bằng lời nói hành động hoặc những biểu hiện khác nhằm cung cấp thông tin sai lệch về sự việc như nói có thành không, ít thành nhiều, xấu thành tốt, giả thành thật.
Thứ hai, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhầm lẫn tin tưởng vào những thông tin không đúng sự thật ấy mà trao tài sản cho người phạm tội. Khi giao tài sản chủ tài sản không biết mình bị lừa dối, họ có thể phát hiện ra ngay sau khi trao tài sản. Cần lưu ý thêm rằng nếu ngay sau khi trao tài sản người quản lý tài sản phát hiện và đã thực hiện một số hành động để bắt giữ mà người phạm tội lại sử dụng các thủ đoạn khác như dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản bằng được thì sẽ bị xử lý về tội phạm khác.
Mặt chủ quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Tội phạm là một thể thống nhất giữa mặt khách quan và một chủ quan. Nếu một khách quan là biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm thì mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của tội phạm bao gồm: Lỗi, động cơ, mục đích phạm tội.
* Dấu hiệu lỗi: Lỗi của tội là đảo chiếm đoạt tài sản được biểu hiện như sau:
+ Về lý trí: Người phạm tội khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội thấy trước hậu quả là hành vi của mình sẽ gây thiệt hại về tài sản cho người khác, xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu hợp pháp của chủ tài sản.
+ Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra mà cụ thể là mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác.
* Động cơ của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể có một hoặc nhiều động cơ khác nhau nhưng chủ yếu là động cơ vụ lợi do tham lam, do điều kiện hoàn cảnh để thỏa mãn nhu cầu cá nhân… tức là người phạm tội muốn thu về mình những lợi ích vật chất nên đã thôi thúc họ thực hiện hành vi phạm tội. Động cơ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do vậy không có ý nghĩa trong việc định tội mà chỉ có ý nghĩa trong việc xem xét mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt.
* Mục đích của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản tức là người phạm tội khi thực hiện hành vi đã đặt kết quả trong ý thức chủ quan của người đó là phải đạt được việc dịch chuyển tài sản đang thuộc sự quản lý của người khác thành tài sản của mình.
Nếu một người thực hiện hành vi lừa dối để nhận được tài sản của người khác với mục đích sử dụng mà không nhằm mục đích chiếm đoạt thì người đó không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có thể bị truy cứu trách nhiệm về một tội khác nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của tội đó.
Ví dụ: A có hành vi gian dối là sử dụng giấy đăng ký xe mô tô của B để nhận chiếc xe của B với mục đích để được sử dụng chiếc xe do được sự đồng ý của B. Tuy nhiên A nhận xe của B chỉ nhằm mục đích sử dụng và sẽ trả lại cho B nếu B yêu cầu mà không nhằm mục đích chiếm đoạt hoặc không sử dụng xe vào mục đích phạm tội thì hành vi của A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 176 BLHS năm mà không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015.
Người phạm tội có thể có có mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt tài sản hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ: A muốn chiếm đoạt tài sản là chiếc xe mô tô của C và rủ B cùng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản C. Do trước đó B có mâu thuẫn với C và nên B đồng ý giúp sức cho A thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của C. Sau khi A đưa ra thông tin gian dối là mượn xe của C để đưa mẹ đi bệnh viện cấp cứu do tin tưởng A nên C đã giao tài sản cho A. Sau khi mượn được xe của C thì B đã giúp A mang chiếc xe đã bán được 50 triệu đồng.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017