Hiện nay như chúng ta đã biết thì hiệp định thương mại đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình thúc đẩy quan hệ hữu nghị và kinh tế của các nước phát triển hơn, hiện nay khi nói tới các hiệp định thương mại chung ta phải kể tới hoạt động của Hiệp định VN-EAEU FTA. Vậy chúng ta đã hiểu về hiệp định này như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hiệp định VN-EAEU FTA là gì?
Chắc hẳn chúng ta ít nhất đã nghe một vài lần về hiệp định VN-EAEU FTA hiệp định này trong tiếng Anh được gọi là Vietnam-Eurasian Economic Union Free Trade Agreement, viết tắt là VN-EAEU FTA.
Hiện nay hiệp định VN-EAEU FTA hay còn gọi là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu, được kí kết ngày 29/5/2015 tại Kazakhstan giữa Việt Nam và các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á Âu. Hiệp định VN-EAEU FTA chính thức có hiệu lực từ ngày 05/10/2016.
2. Nội dung, tinh thần của hiệp định VN-EAEU FTA:
2.1. Những nội dung chủ yếu của hiệp định:
1. Đạt được sự tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại hàng hóa giữa các bên thông qua, nhưng không hạn chế ở, việc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan và đơn giản hóa thủ tục hải quan.
2. Đạt được sự tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại dịch vụ giữa các bên.
3. Tạo ra sự thuận lợi, thúc đẩy và tăng cường cơ hội đầu tư giữa các bên thông qua việc phát triển hơn môi trường đầu tư thuận lợi.
4. Hỗ trợ hợp tác thương mại và kinh tế giữa các bên.
5. Bảo hộ đầy đủ và hiệu quả sở hữu trí tuệ và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
6. Thiết lập một khuôn khổ nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực đã được thỏa thuận trong Hiệp định và tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các bên.
Như vậy ta thấy hiệp định có các nội dung hướng tới mục tiêu rất rõ ràng và được ghi nhận để thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia khi tham gia với nhau.
Ủy ban Hỗn hợp VN-EAEU FTA:
Các bên trong Hiệp định thành lập một Ủy ban Hỗn hợp bao gồm đại diện của mỗi bên, và được đồng chủ tọa bởi hai đại diện – một đại diện từ phía Việt Nam và một đại diện từ phía Liên minh Kinh tế Á Âu hoặc một Quốc gia Thành viên của Liên minh Kinh tế Á Âu.
Ủy ban Hỗn hợp có những chức năng sau:
a) Xem xét các vấn đề liên quan đến việc thực thi và triển khai Hiệp định;
b) Giám sát công việc của tất cả các ủy ban và các cơ quan khác được thành lập theo Hiệp định;
c) Xem xét các phương thức tăng cường mối quan hệ giữa các bên;
d) Xem xét và đề xuất sửa đổi Hiệp định với các bên;
e) Thực hiện các công việc khác ở những vấn đề có liên quan trong phạm vi của Hiệp định VN-EAEU FTA mà các bên có thể thống nhất. (Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính)
Như vậy từ các nội dung trên cho ta thấy Hiệp định thương mại tự do VN – EAEU khá toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực, cụ thể với các nội dung chính là như về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại điện tử, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.
2.2. Nội dung quan trọng nhất của Hiệp định:
Trong đó, nội dung quan trọng nhất của Hiệp định là các cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa của cả hai bên, cụ thể:
1- EAEU sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi thuế quan, đặc biệt đối với một số nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh của chúng ta, như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ;
2- Việt Nam cũng mở cửa đối với nhiều mặt hàng cho EAEU, như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Trong đó, đặc biệt hạng mục “mua sắm chính phủ” được mở để có thể bổ sung phát triển thêm.
Như vậy với các nội dung này, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu là hiệp định với nội dung để thúc đẩy kinh tế thương mại của các quốc gia tham gia hiệp định nay.
3. Tác động của Hiệp định VN – EAEU FTA tới Việt Nam:
3.1. Tác động tích cực:
Tác động tích cực ở đây chúng tôi muốn nói tới các doanh nghiệp Việt Nam rất kỳ vọng vào VN – EAEU FTA bởi ba lý do: Một là, EAEU là một thị trường rộng lớn song hiện vẫn tương đối đóng với hàng hóa nước ngoài. Dù đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng mức thuế suất thuế nhập khẩu trung bình vào Nga vẫn còn cao, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, vì thế thông qua VN – EAEU FTA có thể khai thông hàng rào thuế quan cao này.
Bên cạnh đó với việc ký kết VN – EAEU FTA, hàng hóa Việt Nam được kỳ vọng sẽ có lợi thế đặc biệt trong việc thâm nhập vào thị trường các nước EAEU.
Với cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và EAEU tương đối bổ sung cho nhau, mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của mỗi bên chứ không cạnh tranh trực tiếp nên những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA sẽ được giảm bớt.
3.2. Khó khăn và thách thức:
Với việc thực thi VN – EAEU FTA, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức:
Thứ nhất, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường cho các nước EAEU theo VN – EAEU FTA và chắc chắn là các sản phẩm thế mạnh của Liên minh, như phụ tùng – thiết bị – máy móc, kim loại, phân bón, dầu thô, khí hóa lỏng,… sẽ vào thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh hơn.
Thứ hai, EAEU là thị trường khu vực hiện tại vẫn tương đối “đóng” với hàng hóa nước ngoài. Đây là khó khăn chính của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Khái niệm “đóng” ở đây bao gồm cả hai nghĩa:
1- “Đóng” do thuế quan với hàng hóa nhập khẩu còn tương đối cao;
2- “Đóng” do rất nhiều những rào cản phi thuế khác, như yêu cầu về chất lượng sản phẩm tương đối cao; quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và còn thiếu rõ ràng, không nhất quán ngay giữa các nước EAEU.
Thứ ba, các khó khăn khác, như phương tiện thanh toán (nhất là trong bối cảnh Nga bị cấm vận như hiện nay khiến Việt Nam phải tìm cách thanh toán bằng nội tệ)(2), ngôn ngữ tiếng Nga không thông dụng, thiếu thông tin về đối tác bạn hàng, khoảng cách địa lý);…
Ngoài ra còn có những khó khăn và thách thức nhất định đối với việc xuất khẩu một số mặt hàng cụ thể như thủy sản vào Liên minh. Ngành thủy sản Việt Nam luôn xác định đây là thị trường đầy tiềm năng, Nga và các nước trong EAEU có sức tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, các quy định tiếp cận hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS) của Nga và khối Á – Âu rất chặt chẽ.
Trong khi đó, sự hiểu biết của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về quy định của Nga về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật chưa tốt. Thêm vào đó, mặc dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam tuy đã quen với việc xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn khác, như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu nhưng thị trường Á – Âu lại có hệ thống kiểm soát chất lượng khác do có sự kế thừa từ Liên Xô trước đây(3).
4. Vai trò của hiệp định VN-EAEU FTA:
Đối với cả hai phía, VN – EAEU FTA đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi:
Thứ nhất, đối với Việt Nam, đây là FTA đầu tiên chúng ta ký với một số nước trong không gian hậu Xô-viết. Còn đối với EAEU, Việt Nam là nước đầu tiên ngoài khối mà Liên minh này đàm phán, ký kết FTA.
Thứ hai, qua đàm phán, hai bên hiểu rõ những mong muốn và sự quan tâm của mỗi bên trong từng lĩnh vực, hiểu được những yêu cầu cần thiết mà mỗi bên đặt ra cho nhau. Sự quan tâm của hai bên về những thế mạnh của nhau là cơ sở để hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Thứ ba, các thành viên của EAEU, đặc biệt là Liên bang Nga có thế mạnh về khoa học – công nghệ và cơ khí chế tạo. Nếu các dự án đầu tư trong lĩnh vực này của Liên minh hoạt động tại Việt Nam, chúng ta có thể tranh thủ được cơ hội để tiếp thu công nghệ và tiếp cận với dự án đầu tư có trình độ tiên tiến trên khu vực và thế giới.
Ngược lại, Việt Nam có thế mạnh đầu tư trong một số lĩnh vực về chế biến, sản xuất hàng dệt may, giày dép và chế biến thủy sản. Liên minh kinh tế Á – Âu không chỉ nhập khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam mà còn mong muốn chúng ta đặt các nhà máy sản xuất chế biến tại các nước EAEU. Các sản phẩm được sản xuất tại các nhà máy này sẽ có khả năng vươn ra thị trường các nước xung quanh.
Nếu cơ hội này được khai thác tốt, hợp tác thương mại đầu tư của Việt Nam với các nước EAEU sẽ có quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn trong thời gian tới.