Sơ lược về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương? Khái quát nội dung, giới thiệu về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có thành viên là Việt Nam và 10 nước ở khu vực Thái Bình Dương gồm: Ốt–xtrây–li–a, Bru nây, Ca–na–đa, Chi–lê, Nhật Bản, Ma–lai–xi–a, Mê–hi–cô, Niu Di–lân, Pê–ru, Xinh–ga–po.
Vào năm 2002, bốn nước gồm: Bru–nây, Chi–lê, Niu Di–lân, Xinh–ga po đã phát động thành lập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định P4). Do quy mô của 04 nền kinh tế này đều nhỏ, nên từ năm 2002 đến năm 2008, Hiệp định P4 gần như không có gì nổi bật cũng như bị lãng quên bởi các nền kinh tế lớn trong khu vực. Ngày 22/9/2008, Hoa Kỳ bất ngờ tuyên bố tham gia vào Hiệp định P4 kèm theo đề nghị bỏ qua khuôn khổ cũ của Hiệp định P4 và các bên sẽ đàm phán một Hiệp định hoàn toàn mới, với tên gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – Hiệp định TPP. Do đó, ngày nay, Hiệp định TPP vẫn luôn được xem là tiền thân của Hiệp định CPTPP.
Trải qua hơn 30 phiên đàm phán ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, 12 nước thành viên TPP (gồm: Bru–nây, Chi–lê, Niu Di–lân, Xinh–ga–po, Hoa kỳ, Ốt–xtrây–lia, Pê–ru, Ma–lai–xi–a, Mê–hi–cô, Ca na-đa, Nhật Bản và Việt Nam) đã kết thúc cơ bản toàn bộ các nội dung đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng tổ chức tại Át–lan–ta, Hoa Kỳ vào tháng 10/2015. Đến ngày 04/02/2016, Bộ trưởng của 12 nước đã tham dự Lễ ký để xác thực lời văn Hiệp định TPP tại Niu Di–lân và dự kiến hiệu lực thực thi cho Hiệp định này từ năm 2018 .
Hiệp định TPP được nhận định là chiến lược kinh tế quan trọng của 12 nước thành viên. Các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực Thái Bình Dương, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật của các quốc gia hướng tới mục tiêu cao nhất là tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên; tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động; xây dựng một sân chơi tự do thương mại mới cho Châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ngày 30/01/2017, sự kiện Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định TPP khiến cho Hiệp định này đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Với mong muốn hiện thực hóa sân chơi tự do thương mại mới
khu vực, Nhật Bản – thành viên lớn thứ hai – là quốc gia tiên phong tái triển khai Hiệp định TPP mà không có Hoa Kỳ. Nỗ lực của Nhật Bản đã tạo ra kỳ vọng cho 10 quốc gia thành viên còn lại về tương lai của TPP (10 nước thành viên còn lại là Bru–nây, Chi–lê, Niu Di–lân, Xinh–ga–po, Ốt–xtrây–lia, Pê–ru, Ma–lai–xi–a, Mê–hi–cô, Ca–na–đa và Việt Nam).
Tháng 5/2017, tại cuộc họp bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại (MRT) của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), các Bộ trưởng, Thứ trưởng (thay mặt Bộ trưởng) của 09 nước (là Nhật Bản, Bru–nây, Chi–lê, Xinh–ga–po, Ốt–xtrây–lia, Pê–ru, Ma–lai–xi–a, Ca na–đa và Việt Nam) đã đồng quyết về việc phải hiện thực hóa những lợi ích của Hiệp định TPP và nhất trí sẽ tiến hành nghiên cứu các kịch bản phù hợp về một Hiệp định TPP–11 không Hoa Kỳ.
Ngày 10/11/2017, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng tổ chức bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, 11 nước thành viên Hiệp định TPP đã ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP và tiếp tục ký kết để Hiệp định CPTPP có hiệu lực mà không có Hoa kỳ. Toàn bộ nội dung đàm phán còn lại trong CPTPP được các nước hoàn thành vào cuối tháng 01/2018 tại Tô–ki–ô, Nhật Bản. Đến ngày 08 tháng 3 cùng năm đó, các Bộ trưởng của 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP đã chính thức tham gia Lễ ký Hiệp định này tại thành phố San–ti–a–gô, Chi–lê.
Sau Lễ ký, 07 nước thành viên đầu tiên đã thực hiện phê chuẩn Hiệp định, gồm Mê–hi–cô, Nhật Bản, Xinh–ga–po, Niu Di–lân, Ca–na–đa, Ốt–xtrây lia và Việt Nam. Trong đó, Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực thực thi với 06 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn vào ngày 30/12/2018. Riêng với Việt Nam, Hiệp định CPTPP có hiệu lực kể từ ngày 14/01/2018 .
Mặc dù xét trên bình diện về quy mô thị trường, sức mạnh kinh tế lẫn kim ngạch thương mại đa phương, Hiệp định CPTPP không thể bằng Hiệp định TPP vì thiếu đi nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Hoa Kỳ nhưng CPTPP lại được đánh giá là toàn diện và khả thi hơn TPP.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP gần như giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP, đặc biệt là toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường trong TPP. Hiệp định CPTPP vẫn duy trì nền tảng là các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của TPP. Tuy nhiên, để tăng tính khả thi, CPTPP đã tạm gác lại những nội dung còn có ý kiến khác nhau và tạm hoãn những điều kiện cao có thể gây xung đột lợi ích giữa các nước thành viên hay những điều khoản khó khăn khi thực thi.
Hiệp định CPTPP được kết cấu gồm 07 Điều và 01 Phụ lục, thể hiện 02 mục đích chính:
Thứ nhất, quy định về mối quan hệ giữa Hiệp định CPTPP với Hiệp định tiền thân TPP.
Thứ hai, triển khai các nội dung có liên quan đến đến hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.
Việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP phần nào đã giúp các nước thành viên còn lại giải tỏa được sức ép từ những điều khoản khó khăn của TPP. Tuy nhiên, vì các cam kết trong TPP đã toàn diện nên 11 nước thành viên Hiệp định CPTPP không sửa đổi hay hủy bỏ dù cho đó là những điều khoản khó khăn khi thực thi mà thay vào đó đã thống nhất sẽ tạm hoãn một số nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ cho tất cả 11 nước thành viên.
Nhóm nghĩa vụ được tạm hoãn này gồm 20 nhóm, phân bổ tại nhiều chương của Hiệp định CPTPP:
* Chương Sở hữu trí tuệ: 11 nghĩa vụ. * Chương Mua sắm của Chính phủ: 2 nghĩa vụ.
* Các Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và chống tham nhũng: 7 nghĩa vụ .
Các nội dung liên quan đến cam kết lao động cũng như bảo vệ quyền của người lao động được khẳng định tại Chương 19 về lao động của Hiệp định CPTPP viện dẫn theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Chương này cũng đưa ra mối liên hệ giữa việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO với các điều kiện thương mại và các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng.
Đối với Việt Nam, việc tham gia Hiệp định CPTPP là một quá trình dài với với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kết quả đạt được, về cơ bản, đã bảo đảm được các lợi ích cốt lõi của đất nước cũng như dành được nhiều ưu đãi thương mại và các quyền lợi khác cho Việt Nam. Trong khoảng thời gian kể từ thời điểm Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tham gia đàm phán Hiệp định TPP cho đến khi Quốc hội quyết nghị phê chuẩn gia nhập Hiệp định CPTPP là một trường những cuộc đàm phán và ký kết, thậm chí có những giai đoạn tưởng chừng như đã phải dừng tham gia. Tuy nhiên, Việt Nam đã bước vào quá trình đấy bằng sự chuẩn bị tích cực, chủ động và bám sát vào những định hướng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự điều hành của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền.