Skip to content
 1900.6568

Trụ sở chính: Số 89, phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Đình, thành phố Hà Nội

  • DMCA.com Protection Status
Home

  • Trang chủ
  • Về Luật Dương Gia
  • Lãnh đạo công ty
  • Đội ngũ Luật sư
  • Chi nhánh 3 miền
    • Trụ sở chính tại Hà Nội
    • Chi nhánh tại Đà Nẵng
    • Chi nhánh tại TPHCM
  • Pháp luật
  • Văn bản
  • Giáo dục
  • Bạn cần biết
  • Liên hệ Luật sư
    • Luật sư gọi lại tư vấn
    • Chat Zalo
    • Chat Facebook

Home

Đóng thanh tìm kiếm

  • Trang chủ
  • Đặt câu hỏi
  • Đặt lịch hẹn
  • Gửi báo giá
  • 1900.6568
Trang chủ Văn bản pháp luật

Hiến pháp 1946 được Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thông qua ngày 09/11/1946

  • 28/10/202028/10/2020
  • bởi Công ty Luật Dương Gia
  • Công ty Luật Dương Gia
    28/10/2020
    Theo dõi chúng tôi trên Google News

    Hiến pháp 1946 được Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thông qua ngày 09/11/1946

      HIẾN PHÁP

      NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ (QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ THÔNG QUA NGÀY 9-11-1946)

      LỜI NÓI ĐẦU

      Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hoà.

      Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới.

      Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.

      Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:

      – Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

      – Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

      – Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

      Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại.

      Chương 1:

      CHÍNH THỂ

      Điều thứ 1

      Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà.

      Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.

      Điều thứ 2

      Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia.

      Điều thứ 3

      Cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh.

      Quốc ca là bài Tiến quân ca.

      Thủ đô đặt ở Hà Nội.

      hien-phap-1946

      Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568

      Chương 2:

      NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CÔNG DÂN

      Mục A: NGHĨA VỤ

      Điều thứ 4:

      Mỗi công dân Việt Nam phải:

      – Bảo vệ Tổ quốc

      – Tôn trọng Hiến pháp

      – Tuân theo pháp luật.

      Điều thứ 5

      Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính.

      Mục B: QUYỀN LỢI

      Điều thứ 6

      Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá.

      Điều thứ 7

      Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình.

      Điều thứ 8

      Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung.

      Điều thứ 9

      Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện.

      Điều thứ 10

      Công dân Việt Nam có quyền:

      – Tự do ngôn luận

      – Tự do xuất bản

      – Tự do tổ chức và hội họp

      – Tự do tín ngưỡng

      – Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.

      Điều thứ 11

      Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam.

      Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.

      Điều thứ 12

      Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm..

      Điều thứ 13

      Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm.

      Điều thứ 14

      Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng.

      Điều thứ 15

      Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình.

      Học trò nghèo được Chính phủ giúp.

      Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước.

      Điều thứ 16

      Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam.

      Mục C: BẦU CỬ, BÃI MIỄN VÀ PHÚC QUYẾT

      Điều thứ 17

      Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín.

      Điều thứ 18

      Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền.

      Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

      Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử.

      Điều thứ 19

      Cách thức tuyển cử sẽ do luật định.

      Điều thứ 20

      Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra, theo Điều thứ 41 và 61.

      Điều thứ 21

      Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70.

      Chương 3:

      NGHỊ VIỆN NHÂN DÂN

      Điều thứ 22

      Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

      Điều thứ 23

      Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài.

      Điều thứ 24

      Nghị viện nhân dân do công dân Việt Nam bầu ra. Ba năm bầu một lần.

      Cứ 5 vạn dân thì có một nghị viên.

      Số nghị viên của những đô thị lớn và những địa phương có quốc dân thiểu số sẽ do luật định.

      Điều thứ 25

      Nghị Viên không phải chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân.

      Điều thứ 26

      Nghị viện nhân dân tự thẩm tra xem các nghị viên có được bầu hợp lệ hay không.

      Điều thứ 27

      Nghị viện nhân dân bầu một Nghị trưởng, hai Phó nghị trưởng, 12 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết để lập thành Ban thường vụ.

      Nghị trưởng và Phó nghị trưởng kiêm chức Trưởng và Phó trưởng Ban thường vụ.

      Điều thứ 28

      Nghị viện nhân dân mỗi năm họp hai lần do Ban thường vụ triệu tập vào tháng 5 và tháng 11 dương lịch.

      Ban thường vụ có thể triệu tập hội nghị bất thường nếu xét cần.

      Ban thường vụ phải triệu tập Nghị viện nếu một phần ba tổng số nghị viên hoặc Chính phủ yêu cầu.

      Điều thứ 29

      Phải có quá nửa tổng số nghị viên tới họp, hội nghị mới được biểu quyết.

      Nghị viện quyết nghị theo quá nửa số nghị viên có mặt.

      Nhưng muốn tuyên chiến thì phải có hai phần ba số nghị viện có mặt bỏ phiếu thuận.

      Điều thứ 30

      Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe.

      Các báo chí được phép thuật lại các cuộc thảo luận và quyết nghị của Nghị viện.

      Trong những trường hợp đặc biệt, Nghị viện có thể quyết nghị họp kín.

      Điều thứ 31

      Những luật đã được Nghị viện biểu quyết, Chủ tịch nước Việt Nam phải ban bố chậm nhất là 10 hôm sau khi nhận được thông tri. Nhưng trong hạn ấy, Chủ tịch có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại. Những luật đem ra thảo luận lại, nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch phải ban bố.

      Điều thứ 32

      Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý.

      Cách thức phúc quyết sẽ do luật định.

      Điều thứ 33

      Khi nào hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý, Nghị viện có thể tự giải tán. Ban thường vụ thay mặt Nghị viện tuyên bố sự tự giải tán ấy.

      Điều thứ 34

      Khi Nghị viện nhân dân đã hết hạn hoặc chưa hết hạn mà tự giải tán thì Ban thường vụ giữ chức quyền cho đến khi bầu lại Nghị viện nhân dân mới.

      Điều thứ 35

      Hai tháng trước khi Nghị viện nhân dân hết hạn, Ban thường vụ tuyên bố cuộc bầu cử lại. Cuộc bầu cử mới phải làm xong trong hai tháng trước ngày Nghị viện hết hạn.

      Khi Nghị viện nhân dân tự giải tán, Ban thường vụ tuyên bố ngay cuộc bầu cử lại. Cuộc bầu cử mới làm xong trong hai tháng sau ngày Nghị viện tự giải tán.

      Chậm nhất là một tháng sau cuộc bầu cử, Ban thường vụ phải họp Nghị viện nhân dân mới.

      Trong khi có chiến tranh mà nghị viện hết hạn thì Nghị viện hoặc Ban thường vụ có quyền gia hạn thêm một thời gian không nhất định. Nhưng chậm nhất là sáu tháng sau khi chiến tranh kết liễu thì phải bầu lại Nghị viện.

      Điều thứ 36

      Khi Nghị viện không họp, Ban thường vụ có quyền:

      a) Biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ. Những sắc luật đó phải đem trình Nghị viện vào phiên họp gần nhất để Nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ.

      b) Triệu tập Nghị viện nhân dân.

      c) Kiểm soát và phê bình Chính phủ.

      Điều thứ 37

      Phải có quá nửa tổng số nhân viên bỏ phiếu thuận, những nghị quyết của Ban thường vụ mới có giá trị.

      Điều thứ 38

      Khi Nghị viện không họp được, Ban thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến.

      Điều thứ 39

      Đầu mỗi khoá họp, sau khi Ban thường vụ báo cáo công việc, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm Ban thường vụ có thể nêu ra, nếu có một phần tư tổng số nghị viên yêu cầu. Toàn Ban thường vụ phải từ chức nếu không được tín nhiệm. Nhân viên Ban thường vụ cũ có thể được bầu lại.

      Điều thứ 40

      Nếu chưa được Nghị viện nhân dân đồng ý hay trong lúc Nghị viện không họp mà chưa được Ban thường vụ đồng ý thì Chính phủ không được bắt giam và xét xử những nghị viên.

      Nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện.

      Trong trường hợp phạm pháp quả tang, Chính phủ có thể bắt giam nghị viên ngay nhưng chậm nhất là 24 giờ phải thông tri cho Ban thường vụ. Ban thường vụ hoặc Nghị viện sẽ định đoạt.

      Khi một nghị viên mất quyền ứng cử thì đồng thời mất cả tư cách nghị viên.

      Điều thứ 41

      Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức.

      Điều thứ 42

      Phụ cấp của các nghị viên sẽ do luật định.

      Chương 4:

      CHÍNH PHỦ

      Điều thứ 43

      Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà.

      Điều thứ 44

      Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Phó chủ tịch và Nội các.

      Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng.

      Điều thứ 45

      Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viện bỏ phiếu thuận.

      Nếu bỏ phiếu lần đầu mà không đủ số phiếu ấy, thì lần thứ nhì sẽ theo đa số tương đối.

      Chủ tịch nước Việt Nam được bầu trong thời hạn 5 năm và có thể được bầu lại.

      Trong vòng một tháng trước khi hết nhiệm kỳ của Chủ tịch, Ban thường vụ phải triệu tập Nghị viện để bầu Chủ tịch mới.

      Điều thứ 46

      Phó chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chọn trong nhân dân và bầu theo lệ thường.

      Nhiệm kỳ của Phó chủ tịch theo nhiệm kỳ của Nghị viện.

      Phó chủ tịch giúp đỡ Chủ tịch.

      Khi Chủ tịch từ trần hay từ chức thì Phó chủ tịch tạm quyền Chủ tịch. Chậm nhất là hai tháng phải bầu Chủ tịch mới.

      Điều thứ 47

      Chủ tịch nước Việt Nam chọn Thủ tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu được Nghị viện tín nhiệm, Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách. Thứ trưởng có thể chọn ngoài Nghị viện và do Thủ tướng đề cử ra Hội đồng Chính phủ duyệt y.

      Nhân viên Ban thường vụ Nghị viện không được tham dự vào Chính phủ.

      Điều thứ 48

      Nếu khuyết Bộ trưởng nào thì Thủ tướng thoả thuận với Ban thường vụ để chỉ định ngay người tạm thay cho đến khi Nghị viện họp và chuẩn y.

      Điều thứ 49

      Quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà:

      a) Thay mặt cho nước.

      b) Giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân.

      c) Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ.

      d) Chủ toạ Hội đồng Chính phủ.

      đ) Ban bố các đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị.

      e) Thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự.

      g) Đặc xá.

      h) Ký hiệp ước với các nước.

      i) Phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước.

      k) Tuyên chiến hay đình chiến theo như Điều 38 đã định.

      Điều thứ 50

      Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc.

      Điều thứ 51

      Mỗi khi truy tố Chủ tịch, Phó chủ tịch hay một nhân viên Nội các về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một Toà án đặc biệt để xét xử.

      Việc bắt bớ và truy tố trước Toà án một nhân viên Nội các về thường tội phải có sự ưng chuẩn của Hội đồng Chính phủ.

      Điều thứ 52

      Quyền hạn của Chính phủ:

      a) Thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện.

      b) Đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện.

      c) Đề nghị những dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt.

      d) Bãi bỏ những mệnh lệnh và nghị quyết của cơ quan cấp dưới, nếu cần.

      đ) Bổ nhiệm hoặc cách chức các nhân viên trong các cơ quan hành chính hoặc chuyên môn.

      e) Thi hành luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước.

      g) Lập dự án ngân sách hàng năm.

      Điều thứ 53

      Mỗi Sắc lệnh của Chính phủ phải có chứ ký của Chủ tịch nước Việt Nam và tuỳ theo quyền hạn các Bộ, phải có một hay nhiều vị Bộ trưởng tiếp ký. Các vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện.

      Điều thứ 54

      Bộ trưởng nào không được Nghị viên tín nhiệm thì phải từ chức.

      Toàn thể Nội các không phải chịu liên đới trách nhiệm về hành vi một Bộ trưởng.

      Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các. Nhưng Nghị viện chỉ có thể biểu quyết về vấn đề tín nhiệm khi Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc một phần tư tổng số Nghị viện nêu vấn đề ấy ra.

      Trong hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận lần thứ hai phải cách cuộc thảo luận lần thứ nhất là 48 giờ. Sau cuộc biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức.

      Điều thứ 55

      Các Bộ trưởng phải trả lời bằng thư từ hoặc bằng lời nói những điều chất vấn của Nghị viện hoặc của Ban thường vụ. Kỳ hạn trả lời chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được thư chất vấn.

      Điều thứ 56

      Khi Nghị viện hết hạn hoặc tự giải tán, Nội các giữ chức quyền cho đến khi họp Nghị viện mới.

      Chương 5:

      HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH

      Điều thứ 57

      Nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã.

      Điều thứ 58

      Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra.

      Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Uỷ ban hành chính.

      Ở bộ và huyện, chỉ có Uỷ ban hành chính. Uỷ ban hành chính bộ do Hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Uỷ ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra.

      Điều thứ 59

      Hội đồng nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên.

      Uỷ ban hành chính có trách nhiệm:

      a) Thi hành các mệnh lệnh của cấp trên.

      b) Thi hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân địa phương mình sau khi được cấp trên chuẩn y.

      c) Chỉ huy công việc hành chính trong địa phương.

      Điều thứ 60

      Uỷ ban hành chính chịu trách nhiệm đối với cấp trên và đối với Hội đồng nhân dân địa phương mình.

      Điều thứ 61

      Nhân viên Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính có thể bị bãi miễn.

      Cách thức bãi miễn sẽ do luật định.

      Điều thứ 62

      Một đạo luật sẽ định rõ những chi tiết tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính.

      Chương 6:

      CƠ QUAN TƯ PHÁP

      Điều thứ 63

      Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà gồm có:

      a) Toà án tối cao.

      b) Các toà án phúc thẩm.

      c) Các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp.

      Điều thứ 64

      Các viên thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm.

      Điều thứ 65

      Trong khi xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với thẩm phán nếu là việc đại hình.

      Điều thứ 66

      Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước Toà án.

      Điều thứ 67

      Các phiên toà án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt.

      Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư.

      Điều thứ 68

      Cấm không được tra tấn, đánh đập, ngược đãi những bị cáo và tội nhân.

      Điều thứ 69

      Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp.

      Chương 7:

      SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

      Điều thứ 70

      Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:

      a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.

      b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.

      c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

      Tải văn bản tại đây

      Duong Gia Facebook Duong Gia Tiktok Duong Gia Youtube Duong Gia Google

        Liên hệ với Luật sư để được hỗ trợ:

      •   Tư vấn pháp luật qua Email
         Tư vấn nhanh với Luật sư
      -
      CÙNG CHUYÊN MỤC
      • Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995 về phòng chống cháy nhà
      • Luật phá sản là gì? Nội dung và mục lục Luật phá sản?
      • Mẫu GCN người vào Đảng trong thời gian tổ chức đảng xem xét kết nạp
      • Thông tư liên tịch 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018
      • Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ
      • Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 ngày 14/06/2019 của Quốc hội
      • Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/09/2020 của Bộ Giáo dục và đào tạo
      • Nghị định 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 của Chính phủ
      • Thông tư 79/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 của Bộ Công an
      • Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ
      • Nghị định 37/2022/NĐ-CP ngày 06/06/2022 của Chính phủ
      • Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ
      BÀI VIẾT MỚI NHẤT
      • Viết đoạn văn đóng vai lão Hạc kể lại câu chuyện bán chó
      • Cảm nhận về Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng)
      • Đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật học sinh, sinh viên?
      • Soạn bài Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân – Lớp 6 Chân trời sáng tạo
      • Đóng vai Giôn-xi kể lại câu chuyện Chiếc lá cuối cùng
      • Nam Á có mấy miền địa hình? Nêu rõ đặc điểm các miền?
      • Toán Vừa gà vừa chó bó lại cho tròn 36 con 100 chân chẵn
      • Thuyết minh về tác phẩm Bình Ngô đại cáo chọn lọc siêu hay
      • Cảm nhận về nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt
      • Viết 4-5 câu kể về buổi đi chơi cùng người thân ý nghĩa
      • Như thế nào được coi là người tham gia giao thông có văn hóa?
      • Kết bài Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) hay nhất
      LIÊN KẾT NỘI BỘ
      • Tư vấn pháp luật
      • Tư vấn luật tại TPHCM
      • Tư vấn luật tại Hà Nội
      • Tư vấn luật tại Đà Nẵng
      • Tư vấn pháp luật qua Email
      • Tư vấn pháp luật qua Zalo
      • Tư vấn luật qua Facebook
      • Tư vấn luật ly hôn
      • Tư vấn luật giao thông
      • Tư vấn luật hành chính
      • Tư vấn pháp luật hình sự
      • Tư vấn luật nghĩa vụ quân sự
      • Tư vấn pháp luật thuế
      • Tư vấn pháp luật đấu thầu
      • Tư vấn luật hôn nhân gia đình
      • Tư vấn pháp luật lao động
      • Tư vấn pháp luật dân sự
      • Tư vấn pháp luật đất đai
      • Tư vấn luật doanh nghiệp
      • Tư vấn pháp luật thừa kế
      • Tư vấn pháp luật xây dựng
      • Tư vấn luật bảo hiểm y tế
      • Tư vấn pháp luật đầu tư
      • Tư vấn luật bảo hiểm xã hội
      • Tư vấn luật sở hữu trí tuệ
      LIÊN KẾT NỘI BỘ
      • Tư vấn pháp luật
      • Tư vấn luật tại TPHCM
      • Tư vấn luật tại Hà Nội
      • Tư vấn luật tại Đà Nẵng
      • Tư vấn pháp luật qua Email
      • Tư vấn pháp luật qua Zalo
      • Tư vấn luật qua Facebook
      • Tư vấn luật ly hôn
      • Tư vấn luật giao thông
      • Tư vấn luật hành chính
      • Tư vấn pháp luật hình sự
      • Tư vấn luật nghĩa vụ quân sự
      • Tư vấn pháp luật thuế
      • Tư vấn pháp luật đấu thầu
      • Tư vấn luật hôn nhân gia đình
      • Tư vấn pháp luật lao động
      • Tư vấn pháp luật dân sự
      • Tư vấn pháp luật đất đai
      • Tư vấn luật doanh nghiệp
      • Tư vấn pháp luật thừa kế
      • Tư vấn pháp luật xây dựng
      • Tư vấn luật bảo hiểm y tế
      • Tư vấn pháp luật đầu tư
      • Tư vấn luật bảo hiểm xã hội
      • Tư vấn luật sở hữu trí tuệ
      Dịch vụ luật sư uy tín toàn quốc


      Tìm kiếm

      Duong Gia Logo

      •   Tư vấn pháp luật qua Email
         Tư vấn nhanh với Luật sư

      VĂN PHÒNG MIỀN BẮC:

      Địa chỉ: 89 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Đình, thành phố Hà Nội, Việt Nam

       Điện thoại: 1900.6568

       Email: dichvu@luatduonggia.vn

      VĂN PHÒNG MIỀN TRUNG:

      Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hoà Xuân, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

       Điện thoại: 1900.6568

       Email: danang@luatduonggia.vn

      VĂN PHÒNG MIỀN NAM:

      Địa chỉ: 227 Nguyễn Thái Bình, phường Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

       Điện thoại: 1900.6568

        Email: luatsu@luatduonggia.vn

      Bản quyền thuộc về Luật Dương Gia | Nghiêm cấm tái bản khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản!

      Chính sách quyền riêng tư của Luật Dương Gia

      • Chatzalo Chat Zalo
      • Chat Facebook Chat Facebook
      • Chỉ đường picachu Chỉ đường
      • location Đặt câu hỏi
      • gọi ngay
        1900.6568
      • Chat Zalo
      Chỉ đường
      Trụ sở chính tại Hà NộiTrụ sở chính tại Hà Nội
      Văn phòng tại Đà NẵngVăn phòng tại Đà Nẵng
      Văn phòng tại TPHCMVăn phòng tại TPHCM
      Gọi luật sư Gọi luật sư Yêu cầu dịch vụ Yêu cầu dịch vụ
      • Gọi ngay
      • Chỉ đường

        • HÀ NỘI
        • ĐÀ NẴNG
        • TP.HCM
      • Đặt câu hỏi
      • Trang chủ