Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là thời hạn (khoảng thời gian) mà theo đó các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện xử phạt vi phạm hành chính với cá nhân, tổ chức. Vậy hết thời hiệu xử phạt có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không?
Mục lục bài viết
1. Hết thời hiệu xử phạt có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không?
1.1. Quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, Điều này quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây có thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm:
– Vi phạm hành chính về kế toán;
– Vi phạm hành chính về hóa đơn;
– Vi phạm hành chính về phí, lệ phí;
– Vi phạm hành chính về kinh doanh bảo hiểm;
– Vi phạm hành chính về quản lý giá;
– Vi phạm hành chính về chứng khoán;
– Vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ;
– Vi phạm hành chính về xây dựng;
– Vi phạm hành chính về thủy sản;
– Vi phạm hành chính về lâm nghiệp;
– Vi phạm hành chính về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước;
– Vi phạm hành chính về hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác;
– Vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường;
– Vi phạm hành chính về năng lượng nguyên tử;
– Vi phạm hành chính về quản lý, phát triển nhà và công sở;
– Vi phạm hành chính về đất đai;
– Vi phạm hành chính về đê điều;
– Vi phạm hành chính về báo chí;
– Vi phạm hành chính về xuất bản;
– Vi phạm hành chính về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa;
– Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả;
– Vi phạm hành chính về quản lý lao động ngoài nước.
– Riêng đối với vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định của pháp luật về quản lý thuế.
– Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nêu trên được quy định như sau:
+ Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu sẽ được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
+ Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu sẽ được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
– Lưu ý rằng, trong thời hạn nêu trên mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại bắt đầu kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
1.2. Có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khi đã hết thời hiệu xử phạt:
Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Điều này quy định rằng không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:
– Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm có:
+ Thực hiện hành vi vi phạm hành chính ở trong tình thế cấp thiết;
+ Thực hiện hành vi vi phạm hành chính là do phòng vệ chính đáng;
+ Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do có sự kiện bất ngờ;
+ Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do có sự kiện bất khả kháng;
+ Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính là người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
+ Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính. Độ tuổi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm a khoản 1 của Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020, cụ thể người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về các vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về tất cả những vi phạm hành chính.
– Không xác định được các đối tượng vi phạm hành chính;
– Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã nêu ở mục trên hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo các quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020;
– Cá nhân vi phạm hành chính đã chết, mất tích;
– Tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản ở trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;
– Chuyển hồ sơ vụ vi phạm mà có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020.
Điều này cũng quy định đối với trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã nêu ở trên (trừ trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020), người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng sẽ vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu như những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc nếu những tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định về hình thức xử phạt là tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đã được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó. Trong quyết định phải ghi rõ các lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; những biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn phải thực hiện. Việc tịch thu những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khi người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, qua quy định trên có thể khẳng định được rằng mặc dù đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nhưng người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính vẫn phải ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
2. Các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính:
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020, các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính bao gồm có:
– Buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu;
– Buộc phải phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
– Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
– Buộc phải đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;
– Buộc phải tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có những nội dung độc hại;
– Buộc phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
– Buộc phải loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
– Buộc phải thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đã thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
– Những biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
Lưu ý rằng, khi áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính cần tuân thủ đúng các nguyên tắc sau:
– Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt thì những cá nhân, tổ chức có vi phạm hành chính có thể sẽ bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả vừa nêu trên;
– Biện pháp khắc phục hậu quả sẽ được áp dụng độc lập trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã nêu ở mục trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020.