Pháp luật không có những điều khoản trực tiếp quy định cụ thể, riêng biệt về quan hệ nhân thân, tài sản đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài phải áp dụng các quy định pháp luật chung về điều kiện, căn cứ ly hôn.
Nếu kết hôn là cơ sở pháp lý để hình thành các quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng thì ly hôn chính là cơ sở pháp lý để làm thay đổi hay chấm dứt các quan hệ đó. Luật HN&GĐ không có những điều khoản cụ thể, riêng biệt quy định về quan hệ nhân thân, tài sản đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài phải áp dụng các quy định pháp luật chung về điều kiện, căn cứ ly hôn.
Mục lục bài viết
1. Quan hệ nhân thân sau khi ly hôn:
Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng là những quyền liên quan đến lợi ích tinh thần gắn liền với nhân thân của vợ chồng trong quan hệ vợ chồng, không có nội dung kinh tế, không định giá được bằng tiền và không thể chuyển giao cho người khác.Quyền nhân thân giữa vợ và chồng có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, quyền nhân thân giữa vợ và chồng phát sinh trên cơ sở kết hôn, gắn liền với quan hệ vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân. Các quyền và nghĩa vụ này chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Tức là, quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ được bắt đầu bằng việc đăng ký kết hôn. Theo đó, vợ và chồng sẽ có thêm các quyền về hôn nhân gia đình theo quy định của pháp luật. Còn sau khi quyết định, bản án của Tòa án giải quyết ly hôn có hiệu lực hoặc khi một trong hai bên bị tuyên bố là đã chết thì quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng chấm dứt.
Thứ hai, quyền nhân thân là quyền gắn liền với cá nhân và không thể là đối tượng chuyển dịch cho người khác, quyền này có tính độc lập, cá biệt hoá cá nhân này với cá nhân khác, không thể trộn lẫn. Vì vậy, quyền nhân thân của vợ chồng không thể chuyển giao cho người khác, không thể do người khác thực hiện thay mà chỉ phụ thuộc giữa vợ chồng.
Thứ ba, các quyền nhân thân giữa vợ và chồng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Quyền nhân thân của cá nhân được quy định cụ thể tại BLDS và được cụ thể hóa tại Luật HN&GĐ với chủ thể cụ thể là vợ chồng. Quyền nhân thân của vợ chồng được pháp luật quy định trong các quy phạm pháp luật nên có thể thấy quyền này đã được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện.
Thứ tư, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng thể hiện mỗi liên hệ tình cảm giữa vợ và chồng. Điều 19 HN&GĐ năm 2014 quy định về tình nghĩa vợ chồng:
“1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác. Nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, quan tâm, chăm sóc nhau được điều chỉnh bằng các nguyên tắc đạo đức, truyền thống và theo phong tục, tập quán của người Việt Nam rồi sau đó được nâng dần lên thành luật.”
Vi phạm những quy tắc đạo đức chỉ bị xã hội lên án, vi phạm các quy tắc pháp luật sẽ bị xử phạt theo quy định. Về nghĩa vụ chung sống, có thể hiểu rằng hôn nhân trước hết là cuộc sống chung giữa người đàn ông và người phụ nữ: chung nhà, chung bàn ăn và chung chăn gối. Tất nhiên, vợ và chồng không nhất thiết phải ở chung, ăn chung, ngủ chung một cách liên tục, thường xuyên trong suốt thời kỳ hôn nhân; song, ít nhất giữa họ luôn phải có mối liên hệ sâu đậm về phương diện sinh hoạt vật chất và thân xác. Luật HN&GĐ năm 2014 ghi nhận một cách rõ ràng nghĩa vụ chung sống; tuy nhiên, không thể nói rằng mục đích của hôn nhân đã đạt được một khi hai bên kết hôn không thực sự chung sống với nhau. Việc không chung sống liên tục trong một thời gian dài có thể dẫn đến những khó khăn trong việc duy trì cơ sở đạo lý và cơ sở thực tế của quy tắc suy đoán con chung của vợ chồng.
Thứ năm, các quyền và nghĩa vụ nhân thân thể hiện tính dân chủ, bình đẳng giữa vợ, chồng: Vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn chỗ ở, nơi cư trú theo Điều 20 Luật HN&GĐ 2014: “Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.” Vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn tín ngưỡng: Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau. Ngoài ra, vợ chồng còn có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn việc làm, tham gia vào công tác xã hội theo quy định tại Điều 23 Luật hôn nhân và gia đình: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vậy quan hệ pháp luật HN&GĐ chủ yếu là các quan hệ nhân thân mang tính chất lâu dài, bền vững được nhà nước quy định cụ thể, chặt chẽ và phù hợp trong Luật HN&GĐ năm 2014.
2. Quan hệ giữa vợ và chồng sau ly hôn:
Cũng như các trường hợp ly hôn không có yếu tố nước ngoài, việc ly hôn sẽ được coi là căn cứ làm chấm dứt quan hệ vợ chồng. Việc chấm dứt này có thể xuất phát từ yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc do cả hai bên yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và phải được toà án công nhận bằng bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của các đương sự. Sau khi bản án hoặc quyết định của Toà án có hiệu lực thì quan hệ vợ chồng sẽ chính thức chấm dứt.
3. Quan hệ giữa cha, mẹ và con cái sau ly hôn:
Ly hôn làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng không làm chấm dứt quan hệ giữa cha, mẹ và con chung. Việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái là quyền lợi đồng thời là nghĩa vụ của cha mẹ trước và sau khi ly hôn. Tuy nhiên, sau khi ly hôn sẽ làm phát sinh một vài vấn đề trong quan hệ giữa cha mẹ và con chung. Ví dụ như sau khi ly hôn, đương nhiên con cái không thể chung sống được với cả cha lẫn mẹ. Do vậy, việc giao con chưa thành niên cho một trong hai người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục là điều cần thiết. Khi quyết định giao con chưa thành niên cho ai (trong hai vợ chồng) nuôi dưỡng Toà án phải xem xét đến hoàn cảnh thực tế của mỗi bên, nhằm đảm bảo lợi ích về mọi mặt cho đứa trẻ. Bên cạnh vấn đề giao con cho ai nuôi thì việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, thay đổi nuôi con sau ly hôn... cũng là những vấn đề mới phát sinh trong quan hệ cha mẹ, con cái sau khi ly hôn nói chung và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.
4. Quan hệ tài sản:
Cũng giống như quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng cũng sẽ chấm dứt kể từ sau khi bản án hay quyết định của Toà án về việc ly hôn có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, việc chia tài sản sau ly hôn là vấn đề hết sức phức tạp, từ việc chia tài sản chung của vợ chồng đến việc xác định tài sản riêng của các bên trong thời kỳ hôn nhân...Đặc biệt, việc giải quyết quan hệ tài sản trong ly hôn có yếu tố nước ngoài còn gặp khó khăn hơn nữa bởi việc xác định khối tài sản khi tài sản đó ở nước ngoài, việc lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp tài sản là bất động sản ở nước ngoài. Do đó, khi giải quyết vấn đề tài sản trong ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam phải kết hợp việc vận dụng các văn bản pháp luật trong nước, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, đôi khi cả pháp luật nước ngoài.
Đối với trường hợp ly hôn có liên quan đến tài sản là bất động sản ở nước ngoài thì việc giải quyết vấn đề tài sản tuân theo pháp luật nơi có tài sản. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không có những điều khoản cụ thể và riêng biệt về quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, thông thường khi giải quyết vấn đề này, Thẩm phán sẽ áp dụng pháp luật chung về điều kiện, căn cứ ly hôn. Ví dụ thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Tòa án Việt Nam sẽ áp dụng Luật HN&GĐ Việt Nam, BLDS Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan để giải quyết các vấn đề hậu quả pháp lý của việc ly hôn nói chung, bao gồm quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.