Hậu quả của việc vi phạm cam kết góp vốn trong công ty TNHH theo quy định của pháp luật như thế nào?
Việc góp vốn đầy đủ và đúng hạn như cam kết khi thành lập công ty TNHH sẽ giúp các thành viên hoặc chủ sở hữu công ty tránh khỏi các hệ quả như bị phạt tiền, buộc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh hoặc vốn điều lệ,…
Theo quy định pháp luật, thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc chủ sở hữu công ty (đối với công ty TNHH một thành viên) phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản góp vốn như đã cam kết Trường hợp không góp vốn đủ và đúng hạn như đã cam kết, số vốn chưa góp sẽ được xem là nợ của thành viên đó đối với công ty. Thành viên hoặc chủ sở hữu công ty phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết này. Trong thời hạn chưa góp đủ vốn theo cam kết, thành viên sẽ có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
Trong trường hợp cam kết góp vốn thành nhiều lần:
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, thời hạn góp vốn lần cuối của mỗi thành viên không vượt quá 36 tháng kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cam kết góp vốn lần cuối, số vốn chưa góp đủ sẽ được xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Các thành viên còn lại nhận góp một phần hoặc toàn bộ số vốn chưa góp theo tỷ lệ số vốn đã góp vào công ty;
- Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;
- Huy động thêm người khác góp đủ số vốn chưa góp.
Sau khi số vốn còn lại được góp đủ, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty, dẫn đến việc công ty phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Trường hợp sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu trên mà số vốn thực góp vẫn thấp hơn so với tổng số vốn cam kết góp, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ đăng ký số vốn thực góp là vốn điều lệ của công ty khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên của công ty, tức buộc đăng ký giảm vốn điều lệ công ty.
Đối với công ty TNHH một thành viên, trong mọi trường hợp, chủ sở hữu công ty buộc phải góp đủ số vốn đã đăng ký mà không được giảm vốn điều lệ như công ty TNHH hai thành viên trở lên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Ngoài các hệ quả nêu trên, thành viên hoặc chủ sở hữu công ty có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không góp đúng hạn số vốn đã đăng ký, hoặc từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không góp đủ số vốn như đã đăng ký. Doanh nghiệp lưu ý thêm rằng mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, còn đối với cá nhân và hộ kinh doanh thì mức phạt này bằng ½ mức phạt áp dụng cho tổ chức.