Xâm phạm bí mật kinh doanh được coi là hành vi xâm vi cạnh tranh không lành mạnh. Vậy xâm phạm bí mật kinh doanh là gì? Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh bao gồm những hành vi nào? CÙng bài viết dưới đây tìm hiểu.
Mục lục bài viết
1. Xâm phạm bí mật kinh doanh là gì?
Xâm phạm bí mật kinh doanh là hành vi tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó; hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh; hành vi vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó; hành vi tiếp cận, thu thập các thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm hoặc bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của các cơ quan nhà nước, hoặc sử dụng những thông tin đó nhằm mục đích kinh doanh, mục đích xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm.
2. Xác định bí mật kinh doanh:
Bí mật kinh doanh theo định nghĩa tại khoản 10 Điều 3
Thứ nhất, thông tin đó không phải là hiểu biết thông thường, có nghĩa là công chúng nói chung và các đối tượng quan tâm không thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin bằng các biện pháp, phương tiện thông thường.
Thứ hai, có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ được hoặc không sử dụng thông tin đó. Giá trị kinh tế mà thông tin đem lại xuất phát từ yếu tố bí mật, không phổ biến của nó. Một khi thông tin được tiết lộ, ai cũng biết, giá trị thương mại của thông tin và lợi thế cạnh tranh nó đem lại cho chủ sở hữu sẽ không còn. Đặc điểm này cũng đòi hỏi thông tin phải có giá trị ứng dụng về mặt kinh doanh nói chung, không nhất thiết phải gắn liền với tiến bộ khoa học – công nghệ và tiêu chí này sẽ được đánh giá trên hoàn cảnh thực tế. Lấy ví dụ thông tin là danh sách khách hàng hay đối tác kinh doanh của một doanh nghiệp có thể coi là một bí mật kinh doanh của doanh nghiệp đó, vì thông tin có thể đem lại lợi thế cạnh tranh mặc dù không thể hiện yếu tố “trí tuệ” hay “sáng tạo”. Đây cũng là một khía cạnh giải thích cho việc đặt bí mật kinh doanh vào khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ ba, được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Đặc điểm cuối cùng này đòi hỏi chủ sở hữu hay người nắm giữ bí mật kinh doanh hợp pháp (thông qua hợp đồng, ủy quyền) phải bảo mật thông tin bằng các biện pháp cần thiết, nhằm ngăn cản công chúng và các đối tượng quan tâm tiếp cận, tìm hiểu, thu thập và phổ biến thông tin. Điều đó cũng có nghĩa là về chủ quan, bản thân chủ sở hữu cũng phải ý thức được tính chất bí mật của thông tin. Nếu chủ sở hữu không có ý thức bảo mật, vô ý do cẩu thả hoặc chủ động cung cấp thông tin cho người khác, thì cho dù bí mật kinh doanh có giá trị thực sự, pháp luật cũng sẽ từ chối bảo hộ.
3. Xác định các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh:
Luật cạnh tranh quy định các dạng hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh bao gồm:
Thứ nhất, hành vi tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
Đây là dạng xâm phạm bí mật kinh doanh điển hình, khi bên vi phạm chủ động tiếp cận, thu thập thông tin bằng cách phá vỡ lại các biện pháp bảo mật của người có bí mật. Pháp luật cạnh tranh nghiêm cấm việc tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được sự đồng ý của người sở hữu bí mật kinh doanh đó. Ví dụ: hành vi truy cập một cách trái phép vào hệ thống mà nguồn (máy tính) lưu trữ bí mật kinh doanh thuộc sở hữu của một doanh nghiệp khác.
Thứ hai, hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh.
Dạng hành vi này chủ yếu hướng đến các đối tượng thứ ba, không trực tiếp chiếm đoạt bí mật kinh doanh từ chủ sở hữu hay người nắm giữ hợp pháp bí mật nhưng có thể tiếp nhận từ người trực tiếp chiếm đoạt, những người thứ ba khác hoặc từ các nguồn công khai sau khi bí mật đã được bộc lộ. Kể cả trong trường hợp người này tiếp nhận thông tin một cách ngay tình, pháp luật cũng không cho phép họ tiếp tục sử dụng hay lưu truyền thông tin cho người khác.
Có thể nêu ra ví dụ tương đối phổ biến của hành vi này như: một cá nhân sau một thời gian làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất và nắm được bí mật kinh doanh của doanh nghiệp đó, đã tiết lộ cho doanh nghiệp khác hoặc sử dụng cho chính mình để thành lập một doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng thông tin về bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh.
Thứ ba, hành vi vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó.
Hợp đồng bảo mật là hợp đồng mà theo đó một bên hợp đồng được quyền tiếp cận thông tin bí mật về kinh doanh của một chủ sở hữu nhưng có nghĩa vụ phải bảo mật thông tin đó. Bên có nghĩa vụ bảo mật làm lộ thông tin về bí quyết kinh doanh cho bên thứ ba thì bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh theo quy định của điều luật. Ngoài ra, điều luật cũng quy định bất kì hành vi nào lợi dụng quan hệ sẵn có để lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có trách nhiệm bảo mật nhằm lấy được thông tin bảo mật về bí mật kinh doanh và sau đó tiết lộ thông tin đó cho người thứ ba thì cũng bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh.
Thứ tư, hành vi tiếp cận, thu thập các thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm hoặc bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của các cơ quan nhà nước, hoặc sử dụng những thông tin đó nhằm mục đích kinh doanh, mục đích xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm.
Quy định này bao gồm hai trường hợp:
– Trường hợp thứ nhất, doanh nghiệp tiếp cận, thu thập bất luận trái phép hay được phép bí mật kinh doanh của doanh nghiệp khác thông qua các hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: đăng kí kinh doanh, đăng kí bảo hộ nhãn hiệu, luận chứng kinh tế kỹ thuật… và sau đó sử dụng những thông tin này để kinh doanh hoặc lập hồ sơ xin phép thành lập liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm.
– Trường hợp thứ hai, dùng các biện pháp chống lại biện pháp bảo mật của các cơ quan nhà nước về bí mật kinh doanh và sử dụng những thông tin bí mật này phục vụ mục đích và hoạt động kinh doanh của mình.