Trên thực tế, vẫn còn hiều trường hợp người phải thực hiện nghĩa vụ cố tình tẩu tán để trốn tránh về nghĩa vụ trả nợ của mình. Vậy đối với hành vi tẩu tán tài sản để trốn nợ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hành vi tẩu tán tài sản để trốn nợ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 131 Bộ Luật Dân sự 2015 trong trường hợp giao dịch dân sự nhằm tẩu tán tài sản bị Tòa án tuyên là vô hiệu sẽ phát sinh những hậu quả pháp lí như sau:
+ Giao dịch dân sự sẽ bị vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời Điểm giao dịch được xác lập.
+ Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì buộc các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận của nhau.
+ Bên được xác định là có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì trong trường hợp giao dịch tẩu tán tài sản thì sẽ bị Tòa án tuyên vô hiệu. Sau khi bị tuyên vô hiệu thì các bên trong giao dịch này sẽ không phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự kể từ thời Điểm được xác lập, bên cạnh đó thì các bên còn có nghĩa vụ bắt buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu trước thời Điểm có giao dịch diễn ra và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Ngoài ra, hành vi tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản được xác định là hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự. Người có hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và buộc người đó phải khôi phục lại tình trạng ban đầu do thực hiện hành vi vi phạm theo Điểm a, Khoản 5, Điểm a Khoản 8 điều 64
2. Xác định hành vi tẩu tán tài sản để trốn thi hành án thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án 2019 về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án. Căn cứ vào kết quả để xác minh điều kiện thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Đối với trường hợp người phải thi hành án được xác định là không có thu nhập hoặc có thu nhập những chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án;
– Nếu như người phải thi hành án phải thi hành đối với nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được thì phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác;
– Nếu trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
Như vậy, căn cứ vào quy định được nêu trên thì cơ quan thi hành án sẽ phải tiến hành xác minh về điều kiện để thi hành án.
3. Một số bản án liên quán đến đến tẩu tán tài sản để trốn nợ:
3.1. Bản án 113/2018/ds-pt ngày 31/08/2018 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
Ngày 31 tháng8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 55/2018/TLPT-DS ngày 06 tháng 6 năm 2018,về việc“Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2018/DS-ST ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 115/2018/QĐ-PT ngày 06-8-2018, giữa các đương sự:
– Nguyên đơn:Ông Dương C và bà Lê Thị Thanh T, vắng mặt.
Trú tại: Thôn X, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn: Ông Nguyễn Huy H.
Địa chỉ: Đường H, Phường A, TX B, tỉnh Đắk Lắk – Có mặt.
– Bị đơn:Bà Ngô Thị Thanh T1.
Trú tại: Thôn H, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt và có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt.
– Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn H – Chi cục trưởng.
Địa chỉ: TDP A, TT K, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.
Chi cục THADS huyện K – vắng mặt và có văn bản từ chối tham gia tố tụng. mặt.
2. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đắk Lắk – PGD E.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T – Chủ tịch HĐQT.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Khắc Văn T – Trưởng phòng giao dịch, có
Địa chỉ: Đường N, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
3. Bà Đặng Thị Mỹ P.
Trú tại: Buôn W, thị trấn K, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện, đơn thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, quá trình làm việc tại Tòa án và tại phiên tòa nguyên đơn ông bà Dương C – Lê Thị Thanh T và người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn, ông Nguyễn Huy H trình bày nội dung như sau:
Vào ngày 18/3/2017 bà Ngô Thị Thanh T1 đã thỏa thuận chuyển nhượng cho vợ chồng ông bà Dương C – Lê Thị Thanh T 01 lô đất diện tích 4.170m2, thửa đất số 39, tờ bản đổ số 11, địa chỉ thửa đất tại thôn Xuân Đoàn, xã P, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 486911 mang tên Nguyễn Khoa L (do Ủy ban nhân dân huyện K cấp ngày 10/01/2007), nhưng đã C lý biến động mang tên Ngô Thị Thanh T1. Giá thỏa thuận chuyển nhượng là 580.000.000đ (Năm trăm tám mươi triệu đồng). Tại thời điểm thỏa thuận chuyển nhượng thì lô đất trên đang được bà T1 thế chấp để vay tiền tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – chi nhánh Đắk Lăk – phòng giao dịch E. Sau khi thỏa thuận xong việc chuyển nhượng thì vợ chồng ông C đã cùng bà T1 đến ngân hàng trả số tiền 580.000.000đ mà bà T1 đang nợ ngân hàng để làm thủ tục xóa thế chấp (bà T là người trực tiếp nộp tiền cho Ngân hàng). Sau đó hai bên đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng và nộp hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất đai huyện K để làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên, hồ sơ chuyển nhượng bị trả lại vì đất đã bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do không thực hiện được việc sang tên quyền sử dụng đất nên vợ chồng ông C khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Ngô Thị Thanh T1 tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn tất thủ tục sang tên QSD đất vì lý do khi giữa các bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng thì đất chưa bị kê biên và không có tranh chấp. Trường hợp Tòa án xác định hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu thì ông yêu cầu Tòa án buộc Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – Chi nhánh Đắk Lăk – Phòng giao dịch E hoàn trả cho ông C và bà T số tiền 580.000.000đồng. Không yêu cầu bà T1 phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả.
– Tại bản tự khai ngày 12/10/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn bà Ngô Thị Thanh T1 trình bày:
Bà công nhận vào ngày 18/3/2017 bà đã thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Dương C và bà Lê Thị Thanh T, nội dung và giá cả chuyển nhượng đúng như đại diện nguyên đơn đã trình bày. Bà công nhận tại thời điểm thỏa thuận chuyển nhượng thì lô đất trên đang được bà thế chấp để vay tiền tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – chi nhánh Đắk Lăk – phòng giao dịch E. Sau khi thỏa thuận chuyển nhượng ông C và bà T đã đứng ra trả số tiền 580.000.000 đồng mà bà đang nợ tại ngân hàng nhằm mục đích xóa thế chấp, để đảm bảo điều kiện chuyển nhượng. Sau khi xóa thế chấp thì hai bên đã hoàn tất việc ký kết, công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và vợ chồng ông C đã nộp hồ sơ để làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất, nhưng không thực hiện được. Lỗi dẫn tới không hoàn tất thủ tục sang tên quyền sử dụng đất không phải là do bà. Bà đề nghị Tòa án xem xét công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà và ông C, bà T có hiệu lực pháp luật, để đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn.
– Tại bản tự khai ngày 19/12/2017 và biên bản lấy lời khai ngày 16/01/2018 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Đặng Thị Mỹ P trình bày:
Trong quá trình buôn bán với nhau, bà Ngô Thị Thanh T1 có nợ của bà 10 tấn cà phê nhân xô trị giá 460.000.000 đồng, do bà T1 không trả nợ nên đầu năm 2017 bà đã khởi kiện bà T1 tại Tòa án. Đồng thời với việc khởi kiện, để tránh việc bà T1 tẩu tán tài sản nên bà đã có đơn yêu cầu và Tòa án đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm thực hiện hành vi chuyển nhượng, chuyển đổi, thế chấp đối với lô đất nói trên. Tòa án đã tiến hành xét xử vụ án và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà đã có đơn yêu cầu Thi hành án và Chi cục Thi hành án đã tiến hành kê biên lô đất để Thi hành án. Do có tranh chấp giữa vợ chồng ông C với bà T1 nên Chi cục Thi hành án đã tạm hoãn việc Thi hành án và tạm giao lô đất trên cho bà quản lý, thu hoạch. Quan điểm của bà là không chấp nhận yêu cầu, ý kiến của nguyên đơn và bị đơn, đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông C với bà T1 là vô hiệu để đảm bảo quyền lợi cho bà.
– Người đại diện theo ủy quyền Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam ông Khắc Văn T trình bày:
Công ty TNHH NS Thanh T1 do bà Ngô Thị Thanh T1 là đại diện có vay vốn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – chi nhánh Đắk Lăk – phòng giao dịch E theo hợp đồng tín dụng số 17.127.0016/HĐTDHM/NHCT502 – THANHTRA ngày 17/3/2017, số tiền vay là 3,5 tỉ đồng, có tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 486911 diện tích 4.179m2, thửa đất số 39, tờ bản đồ số 11. Ngày 28/3/2017 Công ty TNHH Thanh T1 có trả số tiền 580.000.000đ và việc Ngân hàng xuất tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 486911 cho bà T1 là phù hợp với quy định của pháp luật. Ngân hàng không liên quan đến thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Lê Thị Thanh T với bà T1. Do đó yêu cầu hoàn trả lại số tiền 580.000.000đồng cho bà T là không có căn cứ nên ngân hàng không chấp nhận.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2018/DS-ST ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 147, các Điều 157, 158, 165, 166 và 271 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 188, 191 Luật đất đai năm 2013; các Điều 122, 123, 131, 407, 500, 501, 502, 503 Bộ luật dân sự và
1. Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông, bà Dương C – Lê Thị Thanh T với bà Ngô Thị Thanh T1 vô hiệu.
2. Bác yêu cầu của ông Dương C và bà Lê Thị Thanh T đối với yêu cầu buộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – chi nhánh Đắk Lăk – phòng giao dịch E trả lại số tiền 580.000.000 đồng.
3. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Ông C và bà T phải chịu 500.000 đồngchi phí xem xét thẩm định tài sản, được khấu trừ trong số tiền 1.000.000 đồng tạm ứng đã nộp.
Bà Ngô Thị Thanh T1 phải nộp 500.000 đồngchi phí xem xét thẩm định tài sản.
Hoàn trả cho ông C và bà T 500.000 đồng chi phí xem xét thẩm định sau khi thu được của bà T1.
4. Về án phí: Ông Dương C và bà Lê Thị Thanh T phải nộp 300.000 đồngán phí dân sự sơ thẩm và 13.600.000 đồng án phí dân sự có giá ngạch, được khấu trừ 6.800.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện K. Ông C và bà T còn tiếp tục phải nộp 7.100.000 đồng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyền yêu cầu thi hành án, quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 04/5/2018, nguyên đơn là ông Dương C và bà Lê Thị Thanh T có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 17/5/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk kháng nghị với nội dung: Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk hủy Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm,người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn xin thay đổi nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hủy bản án sơ thẩm vì bản án vi phạm thủ tục tố tụng, giải quyết vụ án chưa triệt để làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, thẩm phán, Hội đồng xét xử, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Qua phân tích đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự, đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, giải quyết vụ án chưa triệt để, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Dương C và bà Lê Thị Thanh T, hủy Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu được thu thập có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, của luật sư, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng: Ngày 25/7/2017, Chi cục Thi hành án dân sự huyện K ra “Quyết định về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản” đối với 03 thửa đất của bà Ngô Thị Thanh T1 để đảm bảo cho việc thi hành án đối với 03 bản án, 02 quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trong đó có bản án giữa bà T1 và bà Đặng Thị Mỹ P. Tại biên bản về việc giao bảo quản tài sản ngày 09/8/2017, Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk đã giao cho bà Đặng Thị Mỹ P và ông Nguyễn Hữu L cùng quản lý các tài sản của bà Ngô Thị Thanh T1 trong đó có thửa đất diện tích 4.170m2, thửa đất số 39, tờ bản đổ số 11(là tài sản mà bà T1 đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho vợ chồng ông C – bà T). Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm không xác định ông Nguyễn Hữu L là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ việc bảo quản, chăm sóc thu hoạch sản phẩm trên đất, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
[2] Về nội dung:
– Tại phiên tòa, phía nguyên đơn khẳng định: Số tiền 580.000.000 đồng nộp vào ngân hàng là do vợ chồng ông C trả (người trực tiếp ký vào giấy nộp tiền là bà T) với mục đích trả nợ thay cho bà T1 để bà T1 được xóa thế chấp lô đất diện tích4.170m2 nói trên để đảm bảo việc chuyển nhượng, nhưng đại diện phía Ngân hàng lại xác định số tiền trên là do trực tiếp bà T1 trả và bà T1 là người ký vào giấy trả tiền tại Ngân hàng để Ngân hàng xuất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lô đất diện tích 4170m2 cho bà T1 làm thủ tục xóa thế chấp, tuy nhiên tại phiên tòa đại diện Ngân hàng không cung cấp được các chứng cứ để chứng minh cho lời khai của mình. Hơn nữa, Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trong hồ sơ không thể hiện rõ tài liệu, chứng cứ nào do ai cung cấp (biên bản lần hai đánh máy giống lần một). Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ còn thiếu, chưa xác minh làm rõsự mâu thuẫn nêu trên để xác định số tiền 580.000.000 đồng nộp vào Ngân hàng là do bà T1 nộp hay do vợ chồng ông C nộp.
– Nội dung tại Giấy sang nhượng đất (viết tay) thể hiện việc bà T1 thỏa thuận chuyển nhượng lô đất diện tích 4170m2 cho vợ chồng ông C – bà T với số tiền 580.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có công chứng) lại thể hiện số tiền chuyển nhượng là 100.000.000 đồng, là đã có mâu thuẫn mà Tòa án cấp sơ thẩm chưa tiến hành đối chất làm rõ sự việc này để xác định có dấu hiệu tẩu tán tài sản hay không, là còn thiếu sót.
– Về xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu: Cấp sơ thẩm nhận định rằng do hợp đồng giữa vợ chồng ông C – bà T với bà T1 vô hiệu nên hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, cụ thể: Bà T1 phải trả cho vợ chồng ông C – bà T số tiền 580.000.000 đồng mà vợ chồng ông C đã thực hiện việc thanh toán số tiền nợ của bà T1 tại Ngân hàng, bà T1 phải trả lại lô đất diện tích 4170m2 cho vợ chồng ông C – bà T, tuy nhiên do lô đất này đang bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện K kê biên để Thi hành án, nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để buộc vợ chồng ông C giao trả đất cho bà T1. Nhưng, cấp sơ thẩm không tiến hành làm rõ hậu quả của hợp đồng vô hiệu có gây thiệt hại cho các bên đương sự không?, và xác định lỗi của bên gây thiệt hại để xác định nghĩa vụ khi có thiệt hại xảy ra là thiếu sót, giải quyết vụ án chưa triệt để làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.
[3] Về xác định nghĩa vụ chịu án phí: Án sơ thẩm xác định ông C và bà T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm căn cứ vào xác nhận của chính quyền địa phương xác nhận gia đình ông C – bà T có hoàn cảnh khó khăn nên giảm 50% số tiền án phí sơ thẩm là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh, làm rõ có phải vợ chồng ông C – bà T có thuộc trường hợp gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hay không là thiếu sót.
[4] Do Tòa án nhân dân huyện Krông Năng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự; xác định thiếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, chưa rõ ràng dẫn đến việc giải quyết vụ án không khách quan, toàn diện và triệt để, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên cần chấp nhận yêu cầu xin thay đổi nội dung kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DSST ngày 19/4/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Krông Năng giải quyết lại theo thủ tục chung.
[5] Về án phí và chi phí định giá:
– Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí định giá: Do hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại nên án phí dân sự sơ thẩm và chi phí định giá sẽ được quyết định lại khi vụ án được tiếp tục giải quyết.
– Về án phí dân sự phúc thẩm: Do được chấp nhận kháng cáo nên nguyên đơn khôngphải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 308, khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự;áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận Quyết định kháng nghị số 327/QĐKNPT-VKS-DS ngày a17/5/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Chấp nhận yêu cầu xin thay đổi nội dung kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.
Tuyên xử:
[1] Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DSST ngày 19/4/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Krông Năng giải quyết lại theo thủ tục chung.
[2] Về án phí và chi phí định giá:
– Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí định giá: Do hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại nên án phí dân sự sơ thẩm và chi phí định giá sẽ được quyết định lại khi vụ án được tiếp tục giải quyết.
– Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Dương C và bà Lê Thị Thanh T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, được nhận lại số tiền 300.000 đồng mà ông C và bà T đã nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai số AA/2017/0002577 ngày 08/5/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
3.2. Bản án 190/2018/DS-PT ngày 15/10/2018 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
Ngày 15 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 164/2018/TLPT-DS ngày 24 tháng 8 năm 2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 147/2018/DS-ST ngày 11/07/2018 của Tòa án nhân dân huyện C bị kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 237/2018/QĐ-PT ngày 06 tháng 9 năm 2018, giữa các đương sự:
– Nguyên đơn: Ông Nguyễn Minh T, sinh năm 1964 (có mặt)
Địa chỉ: ấp C, xã H, huyện N, tỉnh Cà Mau.
– Bị đơn: Ông Tô Văn S, sinh năm 1971 (vắng mặt)
Địa chỉ: ấp M, xã T, huyện C, tỉnh Cà Mau.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Trần Thị K, sinh năm 1974 (vắng mặt)
2. Ông Hồ Văn C, sinh năm 1976 (không triệu tập)
3. Bà Phan Thị Bé H, sinh năm 1976 (không triệu tập)
Cùng địa chỉ: ấp Công T, xã T, huyện C, tỉnh Cà Mau.
4. Chị Huỳnh Thị M, sinh năm 1982 (có mặt)
5. Anh Đặng Văn K, sinh năm 1982 (có mặt)
Cùng địa chỉ: ấp M, xã T, huyện C, tỉnh Cà Mau.
6. Bà Dương Thị C, sinh năm 1975 (vắng mặt)
Địa chỉ: ấp C, xã H, huyện N, tỉnh Cà Mau.
7. Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Cà Mau (không triệu tập)
Địa chỉ: Khóm 2, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau.
8. Ủy ban nhân dân huyện C, tỉnh Cà Mau (không triệu tập)
Địa chỉ: Khóm 2, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn ông Nguyễn Minh T và bà Dương Thị C thống nhất trình bày: Vào ngày 12/10/2015, ông bà có nhận thế chấp của ông S và bà K 02 phầnđất liền kề có diện tích là 2.925,8 m2 và 4.392,4 m2, tọa lạc ấp M, xã T, huyện C,tỉnh Cà Mau với giá là 100.000.000 đồng bao gồm cả căn nhà cấp 4. Đến ngày 20/12/2015, ông S và bà K làm hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hai phần đất trên và nhà cho ông bà với giá là 395.000.000 đồng nhưng không có xác nhận, công chứng của cơ quan có thẩm quyền, ông bà cũng đã giao đủ tiền cho ông S và bà K. Sau đó, ông T cùng với ông S đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện C để trả nợ cho ông S, bà K. Ông S đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông S cho ông bà quản lý cho đến nay. Sau khinhận chuyển nhượng 02 tháng, ông bà có cho anh H thuê đất 01 năm 06 tháng để canh tác nuôi tôm. Đến ngày 09/3/2017, các bên làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng tại Văn phòng công chứng Huỳnh Thắng L. Sau đó, ông bà biết được phần đất này đã có quyết định kê biên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C. Hiện tại, phần đất này ông đang cho vợ chồng anh Đặng Văn K thuê để canh tác nuôi tôm. Nay ông bà yêu cầu ông S và bà K tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng cách làm thủ tục chuyển tên quyền sử dụng đất cho ông bà theo hợp đồng chuyển nhượng đã ký vào ngày 09/3/2017.
Bị đơn ông Tô Văn S và bà Trần Thị K thống nhất trình bày:
Ông bà thống nhất theo lời trình bày của ông T và bà C. Vào ngày12/10/2015, ông bà có thế chấp cho ông T và bà C hai phần đất nêu trên với giá là100.000.000 đồng. Đến ngày 20/12/2015, ông bà làm hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hai phần đất trên và bao gồm cả căn nhà cho ông T và bà C với giá là395.000.000 đồng, trong đó giá đất là 200.000.000 đồng, giá căn nhà là 195.000.000 đồng. Khi chuyển nhượng hai bên có làm hợp đồng, ông bà với ông T, bà C cùng ký tên trong hợp đồng nhưng không có công chứng theo quy định. Đến ngày 09/3/2017, ông bà với ông T, bà C mới làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng tại Văn phòng công chứng Huỳnh Thắng L. Ông bà đã nhận đủ tiền chuyển nhượng đất và nhà từ ông T và bà C. Ông bà không hay biết việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện C ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án đối với khoản tiền 273.647.000 đồng mà ông bà nợ ông Hồ Văn C và bà Phan Thị Bé H. Nay ông bà đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo yêu cầu của ông T và bà C.Bà Phan Phương A là đại diện của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C trình bày:
Hiện nay Chi cục Thi hành án dân sự huyện C đang thụ lý thi hành án bản án số 191/201/DS-ST ngày 28/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện C, người được thi hành án là ông Hồ Văn C và bà Phan Thị Bé H, người phải thi hành án là ông Tô Văn S và bà Trần Thị K, số tiền phải thi hành án là 273.647.000 đồng. Sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án thì Chi cục Thi hành án dân sự huyện C đã làm các thủ tục theo quy định của pháp luật, ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của ông S và bà K để thi hành án, có thông báo trên báo Pháp luật. Chi cục Thi hành án dân sự huyện C áp dụng biện pháp bảo đảm bằng quyết định về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng đối với tài sản của ông S và bà K. Nay Chi cục Thi hành án dân sự huyện C đề nghị Tòa án nhân dân huyện C tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 09/3/2017 có công chứng số 002281, quyển số 01-TP/CC-SCC/HĐGD giữa ông Tô Văn S (bên chuyển nhượng) với ông Nguyễn Minh T cùng vợ là bà Dương Thị C (bên nhận chuyển nhượng) vô hiệu.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Hồ Văn C và bà Phan Thị Bé H thống nhất trình bày:
Theo bản án có hiệu lực pháp luật số 191/2016/DSST ngày 28/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện C buộc ông S và bà K trả cho ông bà số tiền 273.674.000 đồng, ông bà yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện C thi hành khoản tiền nêu trên. Chi cục Thi hành án dân sự huyện C tiến hành thủ tục kê biên toàn bộ tài sản nhà và đất của ông S, bà K nhưng đến ngày 09/3/2017, ông S và bà K lại lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông T, bà C được Văn Phòng Công chứng Huỳnh Thắng L công chứng là không đúng theo quy định pháp luật. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên có dấu hiệu tẩu tán tài sản để trốn nghĩa vụ thi hành án. Do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C và bà H nên ông bà yêu cầu Tòa án nhân dân huyện C tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 09/3/2017 có công chứng số 002281, quyển số 01-TP/CC-SCC/HĐGD giữa ông Tô Văn S với ông Nguyễn Minh T, bà Dương Thị C vô hiệu. Ông bà không yêu cầu các bên còn lại phải bồi thường thiệt hại, tổn thất cho ông bà.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Đặng Văn K trình bày:
Vào ngày 06/3/2017, anh và vợ là Huỳnh Thị M có lập hợp đồng thuê phần đất của ông T tọa lạc ấp M, xã T, huyện C, tỉnh Cà Mau với giá là 36.000.000 đồng, thời hạn thuê là 05 năm, anh chị đã giao đủ tiền cho ông T. Hợp đồng thuê đất có hai bên ký tên nhưng không có xác nhận, công chứng của cơ quan có thẩm quyền. Đến tháng 9 năm 2017, vợ chồng anh chị có cất 01 nhà căn nhà sàn trên phần đất thuê bằng cây lá địa phương để ở, trị giá căn nhà khoảng 15.000.000 đồng. Khi thuê đất anh chị không biết là đất có tranh chấp. Sau khi thuê đất, anh chị có cải tạo đất để nuôi tôm, cua và sò huyết. Đối với hợp đồng thuê đất giữa anh chị với ông T thì anh chị không yêu cầu Tòa án giải quyết, nếu sau này có tranh chấp thì anh chị khởi kiện thành vụ kiện khác. Hiện tại sống trên phần đất này có vợ chồng anh chị và 02 người con là Đặng Ái D sinh năm 2008 và Đặng Thảo V sinh năm 2014. Các con của anh chị còn nhỏ không có đóng góp gì có liên quan đối với hợp đồng thuê đất và căn nhà cất trên đất.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số:147/2018/DS-ST ngày 11/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện C đã quyết định:
Căn cứ các Điều 26, 35, 39, 147, 157, 266, 271 và 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ các Điều 117, 119, 122, 124, 131, 500, 501, 502, 503 Bộ luật Dân sự.
Căn cứ Điều 167 Luật Đất đai.
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Bác toàn bộ yêu cầu của ông Nguyễn Minh T, bà Dương Thị C đối với ông Tô Văn S và bà Trần Thị K về việc buộc ông S và bà K tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là phải thực hiện việc chuyển tên 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Tô Văn S sang cho ông Nguyễn Minh T đứng tên.
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, ông Hồ Văn C và bà Phan Thị Bé H.
Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 09/3/2017 đã được Văn phòng Công chứng Huỳnh Thắng L công chứng số 002281, quyển số01-TP/CC-SCC/HĐGD giữa ông Tô Văn S (bên chuyển nhượng) với ông Nguyễn Minh T cùng vợ là bà Dương Thị C (bên nhận chuyển nhượng) vô hiệu.
Buộc ông Nguyễn Minh T, bà Dương Thị C trả lại cho ông Tô Văn S và bà Trần Thị K 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Tô Văn S đứng tên bao gồm giấy số AO 908095 và giấy số AO 908096 được Ủy ban nhân dân huyện C cấp ngày 17/3/2009; đồng thời trả cho ông S và bà K 02 phần đất có tổng diện tích theo đo đạc thực tế M1M2M3M4M5M6M7M8M1 là 8050,1m2, có tứ cận như sau:
Phía Đông cạnh M2M3M4 giáp đất ông Nguyễn Văn Gi;
Phía Tây cạnh M5M6M7M8M1 giáp Kênh Cả Đ – Quốc Lộ 1A;
Phía Nam cạnh M4M5 giáp đường lộ bê tông – đất ông Nguyễn Văn Gi;
Phía Bắc cạnh M1M2 giáp đất ông Huỳnh Văn Nh.
Phần đất tọa lạc tại ấp M, xã T, huyện C, tỉnh Cà Mau.
Buộc ông Tô Văn S và bà Trần Thị K trả lại cho ông Nguyễn Minh T và bà Dương Thị C số tiền 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng).
Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Án phí dân sự sơ thẩm: buộc ông Nguyễn Minh T, bà Dương Thị C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000 đồng, án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 10.000.000 đồng, tổng cộng là 10.300.000 đồng, đối trừ số tiền tạm ứng án phí ông T dự nộp là 9.875.000 đồng theo biên lai thu tiền số0003523 ngày 16 tháng 5 năm 2017, ông T phải nộp tiếp số tiền 425.000 đồng.
Ông Tô Văn S, bà Trần Thị K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 10.000.000 đồng. Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, ông Hồ Văn C và bà Phan Thị Bé H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Ông C và bà H được nhận lại số tiền tạm ứng án phí cho yêu cầu độc lập là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số0003844 ngày 09 tháng 10 năm 2017.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo bản án theo luật định.
Ngày 25/7/2018 Viện kiểm sát nhân dân huyện C kháng nghị với nội dung theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì các đương sự không phải chịu án phí dân sự có giá ngạch nên đề nghị sửa bản án sơ thẩm, không buộc vợ chồng ông S và vợ chồng ông T phải chịu án phí dân sự có giá ngạch.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm:
Về việc tuân theo pháp luật Tố tụng dân sự trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án và tại phiên tòa của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau vẫn giữ nguyên nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện C.
Xét giữa nguyên đơn và bị đơn thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập sau thời gian có Quyết định cưỡng chế kê biên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C là trái với quy định của pháp luật, trái với Điều 6 của hợp đồng (phần cam đoan của các bên) đã được công chứng. Phần đất này đã bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện C ra quyết định cưỡng chế kê biên nhưng các bên vẫn thực hiện việc chuyển nhượng là giao dịch dân sự giả tạo nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba. Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 09/3/2017 đã được Văn phòng Công chứng Huỳnh Thắng L công chứng số 002281, quyển số 01-TP/CC-SCC/HĐGD giữa ông Tô Văn S (bên chuyển nhượng) với ông Nguyễn Minh T cùng vợ là bà Dương Thị C (bên nhận chuyển nhượng) vô hiệu là có căn cứ.
[2] Tuy nhiên trên phần đất ông S chuyển nhượng cho ông T, ông T đã cho vợ chồng anh K thuê, quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, mặc dù anh K không có đơn yêu cầu độc lập nhưng phần đất anh K đang quản lý, sử dụng, có làm nhà trên phần đất này nhưng cấp sơ thẩm không tuyên buộc anh K tháo dỡ di dời nhà để giao lại phần đất cho ông S và bà K nên bản án không có khả năng thi hành án khi án có hiệu lực vì mối quan hệ chuyển nhượng cầm cố giữa vợ chồng ông T, vợ chồng ông S và vợ chồng anh K có liên quan với nhau. Trong trường hợp này nếu cấp sơ thẩm có ghi rõ ý kiến của anh K là không tranh chấp, không khởi kiện, đồng ý giao đất cho ai thắng kiện, mặc dù có ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của vợ chồng anh K thì vẫn buộc được nghĩa vụ của anh K, anh K vẫn có quyền khởi kiện vợ chồng ông T để yêu cầu vợ chồng ông T thanh toán lại hợp đồng thuê đất.
[3] Tại phiên tòa phúc thẩm giữa ông T và anh K, chị M không thỏa thuận được việc anh K, chị M tháo dỡ nhà, giao đất cũng như thanh toán số tiền liên quan đến hợp đồng thuê đất nên bản án sơ thẩm không thể thi hành án được, cần hủy án sơ thẩm. Do hủy án sơ thẩm nên không xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện C.
Án phí dân sự phúc thẩm các đương sự không phải chịu do Viện kiểm sát kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 11
Hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 147/2018/DS-ST ngày 11/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện C.
Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Cà Mau để thụ lý xét xử lại theo thủ tục chung.
Án phí dân sự sơ thẩm giữ lại để giải quyết vụ án.
Án phí dân sự phúc thẩm ông Nguyễn Minh T, bà Dương Thị C, ông Tô Văn S và bà Trần Thị K không phải chịu.
Bản án phúc phẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Dân sự 2015
Nghị định 82/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.