Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp. Vậy hành vi làm giả báo cáo tài chính bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt hành chính hành vi làm giả báo cáo tài chính:
1.1. Quy định đối với thông tin trong báo cáo tài chính:
Điều 101 Thông tư
– Thông tin trình bày trên Báo cáo tài chính phải phản ánh được trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Để đảm bảo được sự trung thực, thông tin phải có 3 tính chất là đầy đủ, khách quan, không có sai sót.
+ Thông tin được coi là đầy đủ khi bao gồm tất cả những thông tin cần thiết để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính hiểu được bản chất, hình thức và những rủi ro của các giao dịch và sự kiện. Đối với một số khoản mục thì việc trình bày đầy đủ còn phải mô tả thêm những thông tin về chất lượng, các yếu tố và tình huống có thể ảnh hưởng tới chất lượng và bản chất của khoản mục.
+ Trình bày khách quan là không thiên vị khi lựa chọn hoặc mô tả những thông tin tài chính. Trình bày khách quan phải đảm bảo được tính trung lập, không chú trọng, nhấn mạnh hoặc là giảm nhẹ cũng như có các thao tác khác mà làm thay đổi mức độ ảnh hưởng của thông tin tài chính là có lợi hoặc không có lợi cho người sử dụng Báo cáo tài chính.
+ Không sai sót có nghĩa là không có sự bỏ sót ở trong việc mô tả hiện tượng và không có sai sót ở trong quá trình cung cấp những thông tin báo cáo được lựa chọn và áp dụng. Không sai sót không có nghĩa là phải hoàn toàn chính xác trong tất cả các khía cạnh, ví dụ, việc ước tính những loại giá cả và giá trị không quan sát được khó xác định là chính xác hay là không chính xác. Việc trình bày một ước tính sẽ được coi là trung thực nếu như giá trị ước tính được mô tả rõ ràng, bản chất và những hạn chế của quá trình ước tính được giải thích và không có sai sót ở trong việc lựa chọn số liệu phù hợp trong quá trình ước tính.
– Thông tin tài chính phải thích hợp để giúp cho người sử dụng Báo cáo tài chính dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định kinh tế.
– Thông tin tài chính phải được trình bày một cách đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu như thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể sẽ làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng các thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc là cả hai, của những khoản mục có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính của một đơn vị cụ thể.
– Thông tin phải đảm bảo được có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu.
– Thông tin tài chính phải được trình bày nhất quán và có thể so sánh giữa những kỳ kế toán; So sánh được giữa các doanh nghiệp với nhau.
Như vậy, báo cáo tài chính phải phản ánh được trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu có hành vi làm giả báo cáo tài chính thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
1.2. Mức xử phạt hành vi làm giả báo cáo tài chính:
Như đã phân tích ở mục trên, nếu có hành vi làm giả báo cáo tài chính thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 11 Nghị định 41/2018/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính, Điều này quy định Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
+ Lập báo cáo tài chính không đầy đủ các nội dung hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định;
+ Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
+ Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo đúng quy định;
+ Áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán trừ các trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
+ Không lập báo cáo tài chính theo đúng quy định;
+ Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu ở trên sổ kế toán và chứng từ kế toán;
+ Lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng về chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
+ Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu ở trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu ở trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận về thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, hành vi làm giả mạo báo cáo tài chính (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Thêm nữa, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định 41/2018/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 của Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 của Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 của Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 của Điều 57; khoản 1, khoản 2 của Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức đã có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, cá nhân có hành vi làm giả mạo báo cáo tài chính (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, còn đối với tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi làm giả báo cáo tài chính:
Người thực hiện hành vi làm giả báo cáo tài chính sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng nếu như đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Căn cứ Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 thì nếu người thực hiện hành vi làm giả báo cáo tài chính mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải đối mặt với những hình phạt sau:
– Phạt cải tạo không giam giữ: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi làm giả báo cáo tài chính, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng người này đã từng bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm giả báo cáo tài chính mà còn vi phạm.
– Phạt tù:
+ Bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi làm giả báo cáo tài chính, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng người này đã từng bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm giả báo cáo tài chính mà còn vi phạm.
+ Bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm, nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi làm giả báo cáo tài chính, thuộc một trong những trường hợp sau đây:
++ Vì mục đích vụ lợi;
++ Có tổ chức;
++ Dùng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
++ Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng cho đến dưới 1.000.000.000 đồng.
+ Bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi làm giả báo cáo tài chính gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư
– Nghị định 41/2018/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP;
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017.