Đánh nhau không chỉ là hành vi gây "sứt mẻ" tình cảm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy hành vi đánh nhau theo Nghị định 144 bị xử phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hành vi đánh nhau theo Nghị định 144 bị xử phạt thế nào?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì hành vi đánh nhau bị xử phạt như sau:
– Người nào có hành vi đánh nhau dẫn đến gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, ở trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
– Người nào có hành vi đánh nhau mà có sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ở đây chính là rượu, bia, các chất kích thích và vũ khí khác (nếu có).
– Người nào có hành vi tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc cố ý gây tổn hại cho sức khỏe người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm.
– Người nào có hành vi tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác đánh nhau mà gây rối, làm mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Người nào có hành vi đánh nhau để gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Người nào có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (đánh nhau) nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm.
– Người nào có hành vi đánh nhau dẫn đến gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, các công cụ hỗ trợ hoặc các công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ở đây chính là vũ khí thô sơ, các công cụ hỗ trợ hoặc các công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương mà người có hành vi đánh nhau mang theo người.
2. Người nào có thẩm quyền xử phạt hành vi đánh nhau theo Nghị định 144:
Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, những người sau đây có thẩm quyền xử phạt hành vi đánh nhau theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ;
– Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân;
– Trưởng Công an cấp xã;
– Trưởng đồn Công an;
– Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất;
– Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế;
– Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động;
– Thủy đội trưởng;
– Trưởng Công an cấp huyện;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
– Trưởng phòng Công an cấp tỉnh;
– Giám đốc Công an cấp tỉnh;
– Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
– Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ;
– Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Bộ đội biên phòng;
– Đồn trưởng Đồn biên phòng;
– Hải đội trưởng Hải đội biên phòng;
– Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy biên phòng Cửa khẩu cảng;
– Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
– Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng;
– Người có thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sau:
+ Người nào có hành vi đánh nhau để gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;
+ Người nào có hành vi Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bao gồm những người sau:
+ Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ;
+ Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển;
+ Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển;
+ Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển;
+ Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển;
+ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
+ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
3. Đã bị xử phạt hành vi đánh nhau theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP có phải truy cứu trách nhiệm hình sự:
– Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt hành vi đánh nhau, nếu xét thấy hành vi đánh nhau có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ của vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
– Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi đánh nhau, nếu hành vi đánh nhau được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì:
+ Người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi đánh nhau phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó.
+ Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ của vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
– Trong trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt hành chính hành vi đánh nhau thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi đánh nhau phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
– Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người mà có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Trường hợp mà không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.
– Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020, nếu như cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì:
+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi đánh nhau.
+ Chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt hành chính hành vi đánh nhau cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020.