Trong trường hợp nào hành vi cố ý gây thương tích với người khác thì bị xử lý hình sự và trong trường hợp nào thì chỉ bị xử lý vi phạm hành chính? Bài viết dưới đây sẽ phân tích về vấn đề trên.
Mục lục bài viết
1. Hành vi cố ý gây thương tích người khác bị xử lý thế nào?
1.1. Hành vi cố ý gây thương tích được hiểu như thế nào?
Trước tiên để tìm hiểu người có hành vi cố ý gây thương tích bị xử lý theo quy định hiện hành như thế nào ta cần xác định thế nào là hành vi cố ý gây hương tích theo đó:
Hành vi cố ý gây thương tích có thể được hiểu là hành vi của một hoặc nhiều người có hành vi tác động vật lý như đá, đấm, đâm, chém,… lên những vùng không trọng yếu của cơ thể như tay, chân, vai của bị hại gây ra hậu quả thương tích cho người bị hại.
1.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo đó:
Người nào cố ý thực hiện hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà hậu quả gây ra tổn thương cho cơ thể người đó với tỷ lệ thương tích từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì sẽ bị áp dụng hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm:
– Sử dụng các vật liệu như vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để gây thương tích cho bị hại:
+ Vũ khí: là những thiết bị, phương tiện hoặc một tổ hợp các phương tiện được chế tạo, sản xuất mà có thể gây sát thương hoặc nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy tài sản, vũ khí có thể bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
+ Vật liệu nổ: là các vật được chế tạo có chứa thuốc nổ mà khi có tác động vật lý hoặc hóa học đối với vật này có thể gây nổ và nguy hại tới tính mạng, sức khỏe của người khác.
+ Hung khí nguy hiểm: là trường hợp người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác đã sử dụng phương tiện có tính chất nguy hiểm mang như các loại dao, các vật dụng sắc nhọn hoặc các vật cứng như gạch, đá… để thực hiện hành vi phạm tội
+ Dùng thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người: là trường hợp người phạm tội nhằm mục đích gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà đã dùng thủ đoạn có nguy cơ gây nguy hại cho nhiều người khác như xịt hơi cay, thuốc mê vào trong nhà, nơi làm việc mà biết trong nhà, nơi làm việc có nhiều người; bỏ thuốc mê vào đồ ăn, thức uống; bỏ thuốc sâu với liều lượng ít vào bể chứa nước uống nhằm để cho người khác uống, tuy nhiên trong trường hợp này người phạm tội biết là không thể gây ra cái chết cho nạn nhân nếu gây ra cái chết cho nạn nhân tùy tính chất nguy hiểm của hành vi để truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng.
– Dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm: Axit nguy hiểm là các axit khi trực tiếp tiếp xúc với loại chất này với cơ thể con người có khả năng gây tổn thương cho các bộ phận cơ thể của con người. Hóa chất nguy hiểm ở đây được nêu là một loại hóa chất nhưng không thuộc họ axit có khả năng gây tổn hại cho sức khỏe của con người
– Người có hành vi gây thương tích đối với đối tượng là trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ mà người thực hiện hành vi biết họ đang có thai, những người già yếu, mắc bệnh hoặc người khác mà họ không có khả năng tự vệ;
– Người có hành vi gây thương tích đối với đối với những người đã sinh ra mình như ông, bà, cha, mẹ; và người đã dạy dỗ là thầy giáo, cô giáo của mình; hoặc người nuôi dưỡng cha nuôi, mẹ nuôi; hoặc bác sĩ, y sĩ chữa bệnh cho mình;
– Có tổ chức là hình thức gây thương tích cho người khác bởi nhiều người cùng bàn bạc thống nhất với nhau và có sự câu kết chặt chẽ với nhau để cố ý thực hiện hành vi phạm tội;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn tức là người phạm tội có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái công vụ và biến chức vụ, quyền hạn trở thành công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm một cách dễ dàng hơn.
– Người đang trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam; hoặc đang chấp hành án phạt tù có thời hạn theo bản án của Tòa án; hoặc đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Thuê gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc được thuê để gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác : Trong trường hợp này, người phạm tội không trực tiếp có hành vi phạm tội mà thuê người khác làm hoặc được người khác thuê để gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo yêu cầu.
Cần chú ý: Nếu người thuê chỉ thuê nhằm mục đích gây thương tích ví dụ chỉ rõ chỉ được gây thương tích ở vùng tay chân nhưng người được thuê lại thực hiện hành vi vượt quá ví dụ dùng dao đâm vào ngực của nạn nhân làm nạn nhân tử vong thì người thuê chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, còn người được thuê thuộc trường hợp thực hiện hành vi vượt quá phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập về hành vi vượt quá đó cụ thể trong trường hợp này bị truy cứu tội giết người.
– Có tính chất côn đồ tức là vì những nguyên cớ nhỏ nhặt trong đời sống mà sẵn sàng có hành vi hống hách, hách dịch gây thương tích cho người khác;
– Người có hành vi gây thương tích đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Như vậy, nếu có hành vi gây thương tích cho người khác mà thỏa mãn cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
2. Khi nào hành vi cố ý gây thương tích bị xử phạt vi phạm hành chính?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình theo đó:
Áp dụng mức xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với những đối tượng thực hiện hành vi vi phạm sau đây: Thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng chưa đủ cấu thành tội cố ý gây thương tích đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Như vậy, trong trường hợp người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác nhưng không thỏa mãn cấu thành quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người đó sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
Bộ luật Hình sự năm 015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.