Với những ưu điểm nổi trội, khả năng tiện lợi và tiết kiệm thời gian trên những chặng đường dài, dịch vụ hàng không đang là lựa chọn hàng đầu cho những chuyến du lịch, công tác,...Vậy giấy tờ cần chuẩn bị khi đi máy bay là gì? Hành khách sử dụng giấy tờ giả đi máy bay bị xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hành khách sử dụng giấy tờ giả đi máy bay bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 18 Nghị định 92/2015/NĐ-CP, thì sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay là một trong những hành vi bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không trong thời hạn từ 03 đến 12 tháng; đối với trường hợp đã bị xử phạt nhưng vẫn vi phạm thì sẽ bị cấm vận chuyển trong thời hạn trên 12 tháng đến 24 tháng.
Ngoài ra, hành khách sẽ bị cấm đi máy bay khi có một trong các hành vi sau:
+ Hành khách gây rối;
+ Không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
+ Phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay;
+ Cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng;
+ Sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay;
+ Có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay.
1.1. Xử phạt hành chính:
Căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng: hành vi sử dụng giấy tờ nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay giả hoặc giấy tờ nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay mang tên người khác vào khu vực cách ly, lên tàu bay hoặc cho người chưa thành niên vào khu vực cách ly, lên tàu bay sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) đến 5.000.000 đồng (năm triệu đồng).
Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định 162/2018/NĐ-CP, hành vi sử dụng Thẻ kiểm soát an ninh hàng không, Giấy phép kiểm soát an ninh hàng không hoặc Thẻ giám sát viên an ninh hàng không, an toàn hàng không giả mạo sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) đến 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).
Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả là tịch thu tang vật được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính an ninh, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội thì hành vi sử giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
1.2. Xử lý hình sự:
Hành vi sử dụng giấy tờ giả, tài liệu giả đi máy bay mà vượt quá mức xử phạt hành chính thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng khung hình phạt tương ứng.
Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật, thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
– Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
+ Sử dụng tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với các trường hợp sau:
+ Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
– Ngoài ra hình phạt bổ sung đối với hành vi sử dụng tài liệu giả là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2. Những giấy tờ nhân thân cần xuất trình khi đi máy bay:
2.1. Đi máy bay nội địa cần xuất trình giấy tờ gì?
Căn cứ quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định chi tiết về an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 28/2020/TT-BGTVT và Thông tư 41/2020/TT-BGTVT, theo đó công dân Việt Nam khi làm thủ tục hàng không cho các chuyến bay trong nước, có thể xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
– Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời;
– Thẻ thường trú, thẻ tạm trú;
– Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân;
– Giấy chứng minh, chứng nhận của Công an nhân dân;
– Giấy chứng minh, chứng nhận của Quân đội nhân dân;
– Thẻ Đại biểu Quốc hội;
– Thẻ Đảng viên;
– Thẻ Nhà báo;
– Giấy phép lái xe ô tô, mô tô;
– Thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia;
– Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn;
– Thẻ nhận dạng của các Hãng hàng không Việt Nam.
Theo quy định tại Mục 2 Phần 1 Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 83 Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định: Trong trường hợp không có không có căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hay các giấy tờ khác theo quy định, công dân Việt Nam có thể dùng giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận để thay thế.
Lưu ý: Giấy xác nhận phải đảm bảo có các thông tin sau:
– Cơ quan xác nhận, người xác nhận;
– Ngày, tháng, năm xác nhận;
– Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú của người được xác nhận;
– Lý do xác nhận.
Giấy xác nhận nhân thân phải được dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
* Đối với hành khách là trẻ em:
– Hành khách mang quốc tịch nước ngoài: hộ chiếu;
– Hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
+ Hộ chiếu (nếu có);
– Giấy khai sinh (Bản chính hoặc bản sao có chứng thực);
– Giấy chứng sinh (đối với trường hợp dưới 1 tháng tuổi chưa có giấy khai sinh);
– Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng (có giá trị sử dụng trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xác nhận);
Lưu ý: Trẻ em dưới 14 tuổi khi đi các chuyến bay nội địa phải:
– Đi cùng với người đại diện theo pháp luật;
– Đi cùng với hành khách là người làm thủ tục đi tàu bay và đi cùng suốt hành trình, được đăng ký với hãng hàng không khi mua vé;
– Có cam kết của đại diện hãng hàng không vận chuyển ban đầu trong việc chăm sóc hành khách đến điểm cuối của hành trình.
2.2. Hành khách đi chuyến bay quốc tế cần xuất trình giấy tờ gì?
Khi làm thủ tục đi các chuyến bay quốc tế, hành khách phải xuất trình:
– Hộ chiếu hoặc giấy thông hành;
– Giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam như:
+ Thị thực rời;
+ Thẻ thường trú;
+ Thẻ tạm trú;
+ Căn cước công dân (nếu Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau)…
* Đối với hành khách là trẻ em:
Căn cứ theo Phụ lục XIV về giấy tờ nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay ban hành kèm theo Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 41/2020/TT-BGTVT như sau:
– Đối với trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:
+ Hộ chiếu hoặc giấy thông hành;
+ Thị thực rời;
+ Thẻ thường trú, thẻ tạm trú;
+ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân.
– Đối với trẻ em dưới 14 tuổi không có hộ chiếu riêng hoặc kèm hộ chiếu của cha mẹ, phải có:
+ Giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh (nếu dưới 01 tháng tuổi) (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);
+ Giấy xác nhận của tổ chức xã hội nếu trẻ em đó được tổ chức này nuôi dưỡng còn giá trị.
Trường hợp là trẻ em không có hộ chiếu riêng thì họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ.
Lưu ý:
– Trẻ em dưới 14 tuổi đi các chuyến bay quốc tế bắt buộc phải có người đại diện theo pháp luật đi cùng hoặc có giấy
– Đối với trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ cần có visa và hộ chiếu mà không bắt buộc có người đại diện đi cùng.
3. Một số lưu ý khi chuẩn bị giấy tờ đi máy bay:
– Các giấy tờ phải còn giá trị sử dụng;
– Các giấy tờ xuất trình phải là bản chính có ảnh đóng dấu giáp lai, ngoại trừ Giấy khai sinh và giấy chứng sinh có thể sử dụng bản chính hoặc bản sao có chứng thực;
– Người lớn tuổi, thai phụ cần chuẩn bị giấy miễn trừ trách nhiệm và giấy xác nhận sức khỏe đủ điều kiện an toàn bay.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Nghị định 92/2015/NĐ-CP quy định về an ninh hàng không;
– Nghị định 162/2018/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính an ninh, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội;
– Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định chi tiết chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam;
– Thông tư 41/2020 sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư số 13/2019/TT-BGTVT.