Bài viết dưới đây về Hành động, lời nói, cử chỉ của Đăm Săn và Mtao Mxây sẽ giúp các em học sinh So sánh lời nói, cử chỉ, hành động của hai nhân vật Đăm Săn và Mtao Mxây trong tác phẩm cũng như hỗ trợ, hướng dẫn các em hoàn thành tốt bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Phân tích hành động, lời nói, cử chỉ của Đăm Săn và Mtao Mxây hay nhất:
Văn học dân gian Việt Nam như một vườn hồng mang đầy đủ hương sắc, có vị trí quan trọng trong nền văn học nước nhà. Nếu như truyện cổ tích mang đến cho chúng ta những bài học giàu giá trị nhân văn về cuộc sống, về cách làm người qua những nhân vật hiền lành, dù bất hạnh nhưng đầy bản lĩnh tài năng như Cô Tấm Thạch Sanh,… hay truyền thuyết giúp ta hiểu thêm về lịch sử dân tộc, về khát vọng mà cha ông ta gửi gắm qua những vị anh hùng như Thánh Gióng, Sơn Tinh,… hay ca dao, dân ca là những tiếng thơ ngọt ngào mang dư vị, nghĩa tình yêu thương,… Thì đến với văn học sử thi, ta lại càng hiểu hơn về những người anh hùng sử thi bản lĩnh, mang cốt cách và sức mạnh của cả cộng đồng.
Sử thi Đăm Săn là một trong những sáng tạo hào hùng của những người con dân tộc Ê-đê yêu dấu. Tác phẩm không chỉ giàu giá trị nội dung mà còn khắc họa hình ảnh những nhân vật sử thi đầy ấn tượng. Trong số đó, Mtao Mxây và Đăm Săn là những nhân vật tiêu biểu. Bằng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc, bức chân dung của hai nhân vật được dựng lên một cách rõ nét, đặc biệt là trong lời nói, hành động.
Về ngôn ngữ, dù cả Đăm Săn và Mtao Mxây đều là những tù trưởng của cộng đồng nhưng lời nói của họ lại thể hiện rõ sự trái ngược nhau. Nếu như ngôn ngữ của Đăm Săn mang phong thái hào sảng, uy nghi, đại diện cho cuộc chiến chính nghĩa, thì ngôn ngữ của Mtao Mxây lại bộc lộ sự run sợ, hèn nhát của một kẻ xấu xa, tiêu biểu cho cuộc chiến phi nghĩa. Khi biết Mtao Mxây đến cướp vợ mình, Đăm Săn không chỉ bảo vệ danh dự của bản thân mà còn bảo vệ cho sự an toàn của cộng đồng và người vợ mà chàng yêu thương. Không do dự, chàng tiến thẳng đến nhà Mtao Mxây để giành lại vợ – nàng Hơ Nhị, Hơ Bhị yêu quý. Chàng khiêu chiến với Mtao Mxây bằng một thái độ đường hoàng, ngôn từ thể hiện khí phách của một bậc anh hùng. Lời thách đấu của Đăm Săn vang lên đầy dứt khoát và chính trực:
“Ơ diêng! ơ diêng! Xuống đây ta thách ngươi đấu sức với ta đấy”. Trong lời nói của chàng, ta thấy rõ ràng sự tự tin, quyết đoán của một vị tù trưởng oai hùng, người sẵn sàng đối mặt với kẻ thù bằng tinh thần thượng võ.
Trái lại, Mtao Mxây lại buông lời giễu cợt, ngang ngược: “Ta không xuống đâu, diêng ơi! Ta còn bận ôm vợ của hai chúng ta trên này cơ mà”. Hắn không những làm điều xấu mà còn đang cố tình khiêu khích đối phương bằng thái độ ngạo mạn, hèn hạ, trái ngược hoàn toàn với sự chính trực của Đăm Săn. Trong lời nói đã phần nào thể hiện được phẩm chất và tính cách của nhân vật.
Khi cuối cùng phải đối mặt với Đăm Săn, Mtao Mxây vẫn không giấu nổi sự lo sợ, hắn nghi ngờ, dè chừng và rụt rè nói: “Ngươi không được đâm ta khi ta đang đi xuống đó nghe”. Trước sự hèn nhát ấy của kẻ thù, Đăm Săn chỉ khinh bỉ đáp lại: “Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi nhỉ? Ngươi xem đến con trâu của nhà ngươi trong chuồng, ta cũng không thèm đâm nữa là”. Lời lẽ đầy kiêu hãnh ấy không chỉ thể hiện sự khinh miệt của Đăm Săn dành cho kẻ địch mà còn phản ánh quan niệm của cộng đồng Ê Đê về phẩm chất đích thực của một người anh hùng: ngay thẳng, dũng cảm và đầy khí phách.
Hai đối thủ trong trận chiến, mỗi người mang một tính cách riêng, đại diện cho hai phe đối lập: chính nghĩa và gian tà. Ngay từ trong trận đấu, Mtao Mxây đã cố gắng phô trương bản thân, ra vẻ mình là kẻ học rộng, tài giỏi chẳng kém ai. Hắn huênh hoang khoe khoang trong từng đường múa: “Có cậu ta học cậu, có bác ta học bác, có thần Rồng ta học thần Rồng”, dù trong lòng không giấu nổi sự run sợ trước khí thế của Đăm Săn. Nhưng dù cố gắng thể hiện đến đâu, Mtao Mxây vẫn không thể che giấu sự yếu kém của mình. Khi biết bản thân sắp không trụ nổi, hắn hoảng hốt cầu cứu Hơ Nhị, van nài nàng quăng cho một miếng trầu như thể bấu víu vào chút hy vọng mong manh. Đến khi gần thất bại, bộ mặt hèn nhát của hắn cuối cùng cũng lộ rõ. Hắn buông lời cầu xin đầy thảm thiết: “Ơ diêng, ơ diêng! Để ta làm lễ cầu phúc cho diêng một con trâu. Ta cho thêm diêng một con voi nữa”. Nhưng tất cả đều vô ích. Cuối cùng, Mtao Mxây gục ngã, trở thành kẻ bại trận, trong khi Đăm Săn giành chiến thắng vẻ vang giữa tiếng hò reo vang dội của mọi người. Lời kêu gọi mạnh mẽ của chàng vang lên đầy khí thế: “Ơ ngàn chim sẻ, ơ vạn chim ngói! Ơ tất cả tôi tớ bằng này! Các ngươi có đi với ta không?”.
Không chỉ qua ngôn từ mà trong từng hành động, từng cử chỉ, sự đối lập giữa Đăm Săn và Mtao Mxây càng trở nên rõ rệt. Trận chiến diễn ra căng thẳng, quyết liệt, một màn đối đầu giữa một chiến binh dũng mãnh và một kẻ nhát gan chỉ biết khoác lác. Trong hiệp đấu đầu tiên, khi cả hai so tài bằng khiên, Mtao Mxây là người ra đòn trước. Nhưng hắn chỉ lộ rõ sự kém cỏi, thiếu bản lĩnh: “Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô”, mỗi bước đi đều nặng nề, vụng về. Trái lại, Đăm Săn vẫn giữ được sự bình tĩnh, thản nhiên đối diện với kẻ thù, không hề nao núng. Đến lượt chàng phản công, sức mạnh của Đăm Săn bùng nổ. Chàng múa khiên, rung trời chuyển đất: “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía Đông, vun vút qua phía Tây”. Trong khi đó, Mtao Mxây chỉ biết hoảng loạn bỏ chạy, bước thấp bước cao, khốn khổ lẩn tránh hết bãi này sang bãi khác, từ Tây sang Đông, hiện rõ bộ dạng của kẻ thất bại.
Qua trận đấu hiệp hai, lần này, Đăm Săn nhanh tay cướp lấy miếng trầu của Hơ Nhị, tiếp tục múa khiên “Chàng múa trên cao, gió như bão… Khi chàng múa nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, bật đồi tranh bật rễ bay tung”. Được sự giúp sức của ông trời, chàng lại càng bừng tỉnh, sức mạnh càng lớn, vung cái chày trúng ngay tai Mtao Mxây, hắn lúc này buộc phải tháo chạy trong hoảng hốt, sợ hãi, lo lắng cho tính mạng của mình. “Mtao Mxây tháo chạy. Hắn tránh quanh chuồng lớn… hắn tránh quanh chuồng trâu”. Cuối cùng, đầu hắn bị cắt, đem bêu khắp ngoài đường.
Cuộc chiến này không chỉ là màn đối đầu giữa hai tù trưởng mà còn là sự phân định rạch ròi giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa người anh hùng chân chính và kẻ tiểu nhân bạc nhược. Trong trận đấu sinh tử ấy, chiến thắng thuộc về Đăm Săn – biểu tượng của sức mạnh, danh dự và tinh thần thượng võ.
Cả lời nói, cử chỉ và hành động của hai nhân vật được tác giả miêu tả rất chi tiết, tỉ mỉ thông qua ngôn ngữ linh hoạt và giàu sức gợi. Qua đó, tác giả muốn làm nổi bật hình ảnh người anh hùng sử thi Đăm Săn hội tụ đầy đủ những nét đẹp của một vị tù trưởng buôn làng: dũng cảm, tự tin, tài năng, tốt bụng. Hình tượng người anh hùng sử thi đại diện cho vẻ đẹp cộng đồng, chiến đấu vì hạnh phúc, hòa bình, ấm no, thịnh vượng cho buôn làng Tây Nguyên. Bằng nghệ thuật đối lập, văn phong miêu tả tinh tế, sử dụng bút pháp phóng đại, tác giả dân gian đã xây dựng nên hai hình tượng nhân vật tiêu biểu, để lại ấn tượng trong lòng người đọc.
2. Phân tích hành động, lời nói, cử chỉ của Đăm Săn và Mtao Mxây ấn tượng:
“Sử thi Đăm Săn” là niềm tự hào của người Tây Nguyên, khắc họa hình tượng người anh hùng đại diện cho sức mạnh cộng đồng trong công cuộc bảo vệ buôn làng. Trong đoạn trích, hai nhân vật Mtao Mxây và Đăm Săn được miêu tả bằng ngôn ngữ hào hùng của sử thi nhưng với hai sắc thái đối lập: Đăm Săn được ca ngợi, còn Mtao Mxây bị phê phán và châm biếm.
Ngôn ngữ của nhân vật Đăm Săn thể hiện bản lĩnh chính trực của một anh hùng. Khi Mtao Mxây cướp vợ chàng, Đăm Săn không khoanh tay chịu nhục mà quyết chiến để giành lại danh dự cũng như bảo vệ sự an toàn của buôn làng và người vợ yêu quý. Trái lại, Mtao Mxây xảo trá, hèn nhát, buông lời khiêu khích đầy trơ trẽn: “Ta không xuống đâu… tay ta còn đang bận ôm vợ hai chúng ta trên này cơ mà”. Hắn sợ bị đánh lén, nhưng Đăm Săn không thèm làm điều đó, chàng khinh bỉ hắn, ví hắn chẳng khác gì một con vật yếu ớt: “Như con gà làng mới mọc cựa… chưa ai giẫm phải mà đã gãy mất cánh”.
Sự tương phản giữa hai nhân vật càng được thể hiện rõ nét qua cử chỉ và hành động. Mtao Mxây khoác lên mình bộ giáp lộng lẫy, nhưng dáng đi lại do dự, yếu ớt: “Khiên hắn lạch xạch như quả mướp khô”. Hắn huênh hoang nhận mình là tướng giỏi nhưng rốt cuộc vẫn phải tháo chạy nhục nhã trước Đăm Săn và cầu xin tha mạng. Ngược lại, Đăm Săn mang khí chất oai phong của một người anh hùng. Chàng cho kẻ thù múa khiên trước, rồi khi xông trận, sức mạnh chàng bùng nổ: “Mỗi lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh… vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”.
Trận chiến kết thúc với chiến thắng vang dội của Đăm Săn. Chàng không chỉ giành lại danh dự cho mình mà còn khẳng định vị thế anh hùng trong cộng đồng, buôn làng Tây Nguyên. Sự đối lập giữa chàng và Mtao Mxây không chỉ là cuộc đấu cá nhân mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về chính nghĩa và phi nghĩa, phẩm chất cao đẹp và sự hèn hạ, ánh sáng và bóng tối.
3. Phân tích hành động, lời nói, cử chỉ của Đăm Săn và Mtao Mxây đặc sắc:
Đăm Săn là bộ sử thi nổi tiếng, là niềm tự hào của nhân dân Tây Nguyên. Đăm Săn là nhân vật chính, đại diện, biểu trưng cho sức mạnh của các cộng đồng người Tây Nguyên trong buổi đầu xây dựng và bảo vệ buôn làng. Vì thế, người Tây Nguyên dùng những ngôn từ, hình ảnh đẹp nhất để ca ngợi sự dũng mãnh của chàng.
Trong đoạn trích này, cả hai nhân vật Mtao Mxây và Đăm Săn đều được khắc họa bằng ngôn ngữ hào hùng của sử thi, song lại mang hai sắc thái đối lập. Nếu như Đăm Săn hiện lên với cảm hứng ngợi ca, thì Mtao Mxây lại bị miêu tả với thái độ châm biếm, phê phán. Cả hai đều là những người tài giỏi, nhưng ngôn ngữ và hành động của họ đã thể hiện sự khác biệt rõ rệt trong bản chất.
Ngôn ngữ của Đăm Săn là ngôn ngữ của một bậc anh hùng đại diện cho chính nghĩa. Khi Mtao Mxây ngang nhiên cướp vợ của chàng, Đăm Săn không thể khoanh tay đứng nhìn. Vì danh dự, chàng quyết tâm khiêu chiến, mang theo tinh thần thượng võ của một người anh hùng thực thụ. Trái lại, Mtao Mxây hiện lên với bộ mặt xảo trá, hèn nhát. Hắn buông lời khiêu khích đầy trơ trẽn: “Ta không xuống đâu… Tay ta còn đang bận ôm vợ hai chúng ta ở trên này cơ mà”. Đồng thời, hắn cũng sợ Đăm Săn sẽ đánh lén mình. Nhưng Đăm Săn không phải kẻ tiểu nhân, chàng đường đường chính chính thách đấu, thể hiện sự khinh bỉ đối với Mtao Mxây – cũng chính là thái độ chung của cộng đồng Ê Đê đối với kẻ cướp bóc hèn mạt ấy. Chàng xem hắn chẳng khác gì một con vật yếu ớt: “Như con gà làng mới mọc cựa… chưa ai giẫm phải mà đã gãy mất cánh”. Ngôn ngữ của hai nhân vật đều nhằm khiêu khích đối phương, nhưng trong khi Đăm Săn thể hiện tinh thần thượng võ thì Mtao Mxây lại chỉ bộc lộ sự thấp hèn, ti tiện.
Không chỉ khác biệt trong lời nói, cả dáng vẻ lẫn vũ khí của hai nhân vật cũng được miêu tả tương phản rõ nét. Mtao Mxây khoác lên mình bộ giáp đẹp đẽ: “Khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng”, thế nhưng dáng đi lại do dự, lưỡng lự “giữa một đám đông mịt mù như trong sương sớm”. Tác giả còn châm biếm hắn với hình ảnh “khiên hắn lạch xạch như quả mướp khô”, gợi lên sự yếu đuối, kém cỏi. Dù ngoài miệng huênh hoang “Có cậu, ta học cậu… có thần Rồng, ta học thần Rồng”, hắn tự nhận mình là tướng quân xâm lược, nhưng rốt cuộc, Mtao Mxây lại thất bại ê chề trước Đăm Săn. Hắn tháo chạy trong nhục nhã và cuối cùng, buộc phải quỳ gối cầu xin tha mạng.
Ngược lại với Mtao Mxây, Đăm Săn được miêu tả với những ngôn ngữ khác. Cử chỉ, hành động và lời nói của chàng đều rất oai phong. Chàng hiện ra thách đấu với Mtao Mxây bằng một tinh thần thượng võ.
Chàng cho kẻ thù múa khiên trước. Vẻ đẹp của chàng trong chiến đấu được miêu tả “Mỗi lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh… vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”.
Tác giả dân gian đã miêu tả hành động của Đăm Săn rất tỉ mỉ. Chàng hiện lên như một đấng thần linh, đối lập hoàn toàn với hình ảnh Mtao Mxây trong đoạn trích. Khiên của Mtao Mxây “kêu lạch xạch như quả mướp khô” thì khi Đăm Săn múa “Chàng múa trên cao, gió như bão…”
Trận chiến kết thúc với chiến thắng vẻ vang của Đăm Săn. Chàng không chỉ đòi lại danh dự cho bản thân mà còn khẳng định vị thế của người anh hùng chân chính giữa cộng đồng. Sự đối lập giữa Đăm Săn và Mtao Mxây không chỉ đơn thuần là cuộc đối đầu cá nhân mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự đối kháng giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa phẩm chất cao đẹp và sự hèn hạ, giữa ánh sáng và bóng tối.
THAM KHẢO THÊM: