Hàng xách tay có phải hàng nhập lậu? Mức phạt hàng hóa xách tay nhập lậu mới nhất? Mở cửa hàng bán hàng xách tay có đăng ký hợp pháp được không? Bán hàng xách tay có đi tù không?
Hiện nay nhiều người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng hàng hóa xách tay từ ngoại quốc về Việt Nam vì nghĩ nó có nhiều ưu điểm, lợi ích hơn so với sản phẩm nhập khẩu. Vậy hàng xách tay có phép được buôn bán tại Việt Nam hay không?
Mục lục bài viết
1. Hàng xách tay là gì? Có nên mua hàng xách tay?
Hàng xách tay là những mặt hàng công ty hay hàng chính hãng do những cá nhân nào đó mua trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam qua đường hàng không. Thông thường hàng xách tay có thể đến từ các nguồn như:
– Những người đi du lịch, công tác mua tại các cửa hàng hay siêu thị nước ngoài xách tay về.
– Du học sinh du học tại các nước.
– Tiếp viên hàng không mua tại siêu thị, công ty, các store bên nước ngoài hoặc nhập trực tiếp từ chính hãng với số lượng lớn xách về.
Vì không phải chịu thuế, không phải qua khâu trung gian nên các loại hàng xách tay thường có mức giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến hàng xách tay được ưa chuộng và lựa chọn nhiều. Nhưng còn tùy vào nguồn nhập mà các loại hàng xách tay sẽ có mức giá đắt, rẻ khác nhau. Nếu mua tận gốc xách tay về thì giá cả sẽ thấp hơn so với việc mua tại các cửa hàng, siêu thị.
Hàng xách tay vẫn phổ biến là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo thời trang… Sau này có thêm thực phẩm, bánh kẹo, thậm chí cả nước ngọt. Các “bà chủ shop” sẽ chụp hình, quay clip món hàng, đưa ra giá, những người có nhu cầu sẽ để lại lời nhắn. Khi mua hàng xách tay, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái là rất cao vì chúng thường rất ít khi có giấy tờ kèm theo nếu không mua ở những địa chỉ uy tín. Hiện nay, khá nhiều người bán nhập các món hàng giả từ Trung Quốc và lên mạng rao bán là hàng xách tay với mức giá thấp để đánh lừa người tiêu dùng.
Khi mua phải hàng dởm, người mua cũng không biết phải kiện cáo ai vì ngay từ đầu cách mua này đã không tạo ra một giao kèo chắc chắc giữa người mua và người bán, do đó các cơ quan pháp luật hay các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất khó can thiệp vào. Điều này vừa gây mất tiền oan uổng vừa gây tâm lý ức chế cho khách hàng. Có thể ngay cả khi công ty chính hãng quảng cáo, khách hàng cũng chưa chắc tin, nhưng chỉ cần người bán hàng xách tay giới thiệu trên trang mạng bán hàng của mình, phản ứng của người mua hàng hoàn toàn khác.
Hơn nữa, khi mua hàng xách tay, người dùng cũng không được đảm bảo về việc bảo hành hàng hóa và các chế độ hậu mãi khác. Đặc biệt với các món hàng như đồng hồ, hàng công nghệ, điện tử chi phí sửa chữa thay thế là rất cao nếu chẳng may chúng bị hư hỏng trong quá trình sử dụng.
2. Hàng xách tay có phải hàng nhập lậu không?
Khoản 6, Điều 3, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng hóa nhập lậu bao gồm những loại hàng hóa sau:
Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;
Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Như vậy, để xác định hàng hóa xách tay có phải là hàng hóa nhập lậu hay không thì cần phải xác định có đảm bảo các điều kiện để loại trừ là hàng nhập lậu theo quy định trên hay không. Theo đó, cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
Có thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hay không
Có giấy phép nhập khẩu không
Có giấy tờ làm thủ tục đi qua cửa khẩu, hải quan hay không, đúng chủng loại, số lượng sản phẩm không
Hàng hóa lưu thông trên thị trường có hóa đơn, chứng từ hợp pháp không
Kiểm tra tem nhập khẩu
3. Bán hàng hóa xách tay có hợp pháp không?
Theo quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có quy định các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định của Nghị định này bao gồm các hành vi sau:
a) Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh, trừ trường hợp đã được quy định tại nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác;
b) Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm;
c) Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác;
d) Hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá;
đ) Hành vi vi phạm về kinh doanh rượu;
e) Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng;
g) Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại;
h) Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;
i) Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
k) Hành vi vi phạm về thương mại điện tử;
l) Hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam;
m) Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại.
Như vậy, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là một trong những hành vi bị cấm và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, mức xử phạt như sau:
Điều 15, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:
1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:
a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.
3. Các mức phạt tiền quy định tại khoản 1 và 2 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
a) Hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu;
b) Hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu;
c) Hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;
b) Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Thậm chí, mức hình phạt có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số loại mặt hàng nhập lậu nhất định theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
…
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
…
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
…
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
…
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
…
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
…
Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1.Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
…
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
…
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
…
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
…
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
…
Như vậy, đối với những hàng hóa xách tay, người tiêu dùng không nên tìm hiểu rõ những thông tin pháp lý của loại hàng hóa này cũng như nguồn gốc, xuất xứ để tránh những rủi ro khi mua bán và sử dụng, đảm bảo quyền và lợi ích của bản thân.