Hóa đơn điện tử được xem là giải pháp cho các doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay, hóa đơn điện tử mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cho cơ quan quản lý thuế. Vậy hành vi hàng về trước hóa đơn về sau thì có bị coi là vi phạm pháp luật hay không?
Mục lục bài viết
1. Hàng về trước hóa đơn về sau có vi phạm hay không?
Về thời điểm xuất hóa đơn, căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (sau được sửa đổi tại Nghị định 41/2022/NĐ-CP), có quy định về thời điểm lập hóa đơn cụ thể như sau:
– Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động bán hàng hóa, trong đó bao gồm cả hoạt động bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, tài sản sung công quỹ Nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia, theo quy định của pháp luật hiện nay được xác định là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt người bán đã thu được tiền hay chưa thu được tiền trên thực tế từ người mua;
– Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ theo quy định hiện nay được xác định là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ trên thực tế, không phân biệt bên cung cấp dịch vụ đã thu được tiền hay chưa thu được tiền từ người sử dụng dịch vụ. Trong trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc thu tiền trong khi cung cấp dịch vụ, thì thời điểm lập hóa đơn trong trường hợp này sẽ được xác định là thời điểm người cung cấp dịch vụ thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc/thu tiền tạm ứng để bảo đảm thực hiện hợp đồng cung ứng các loại dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế, thẩm định giá, thiết kế kỹ thuật, khảo sát, tư vấn giám sát, lập dự án đầu tư xây dựng);
– Trong trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao đối với từng hạng mục, từng công đoạn dịch vụ khác nhau, thì theo quy định của pháp luật, mỗi lần giao hàng đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, loại hình dịch vụ được giao tương ứng.
Theo đó thì có thể thấy, thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động mua bán hàng hóa được xác định là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu/chuyển giao quyền sử dụng hàng hóa đó cho người mua. Đồng thời, hóa đơn đối với hoạt động mua bán hàng hóa cần phải được lập đúng thời điểm theo quy định của pháp luật, không phân biệt được người bán đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Và dựa theo nguyên tắc tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thì trong quá trình mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán bắt buộc phải lập hóa đơn để giao cho người mua (trong đó bao gồm cả trường hợp hàng hóa và dịch vụ dùng để khuyến mại, hàng hóa và dịch vụ dùng để quảng cáo, các loại hàng mẫu, hàng hóa và dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, dùng để trao đổi, trả thay lương cho người lao động theo quy định của pháp luật và dùng trong hoạt động tiêu dùng nội bộ, xuất hàng dưới các hình thức cho vay, hình thức cho mượn hoặc hoàn trả lại hàng hóa), và đồng thời bắt buộc phải ghi đầy đủ các nội dung căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trong trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì bắt buộc phải sử dụng theo định dạng chuẩn dữ liệu của Cơ quan thuế căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Tóm lại, về nguyên tắc, hàng về trước hóa đơn về sau sẽ vi phạm quy định của pháp luật về thời điểm lập hóa đơn căn cứ theo quy định tại Điều 9 và Điều 4 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
2. Hàng về trước hóa đơn về sau bị xử phạt như thế nào?
Theo điều luật phân tích nêu trên, hành vi để hàng về trước và hóa đơn về sau là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thời điểm lập hóa đơn và nguyên tắc lập hóa đơn. Theo đó, hành vi để hàng về trước và hóa đơn về sau sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, việc hàng về trước hóa đơn về sau là một trong những hành vi xuất hóa đơn không đúng thời điểm. Mức xử phạt được áp dụng cụ thể như sau:
Cụ thể:
STT | Hành vi | Mức phạt |
1 | Lập hóa đơn sai thời điểm tuy nhiên không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ. | Cảnh cáo |
2 | Lập hóa đơn sai thời điểm tuy nhiên không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế. | Phạt tiền từ 03 triệu đồng – 05 triệu đồng |
3 | Lập hóa đơn sai thời điểm (ngoại trừ 2 trường hợp trên). | Phạt tiền từ 04 triệu đồng – 08 triệu đồng |
Tuy nhiên cần phải lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Trong trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền sẽ được xác định bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức trong cùng một hành vi vi phạm.
3. Hóa đơn về sau có ngày ký khác với ngày lập thì hóa đơn thì có hợp lệ không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thì thời điểm lập hóa đơn sẽ được hiển thị theo định dạng ngày/tháng/năm dương lịch. Mặt khác, thời điểm lập hóa đơn thì ngày ký hóa đơn cũng sẽ được xác định là thời điểm người bán và người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử, thời điểm đó cũng sẽ được hiển thị theo định dạng ngày/tháng/năm của năm dương lịch. Trong trường hợp, hóa đơn có ngày lập và ngày ký khác nhau thì thời điểm kê khai thuế của bên bán sẽ được xác định là thời điểm bên bán lập hóa đơn. Như vậy, ngày lập hóa đơn và ngày ký khác nhau thì hóa đơn đó vẫn được coi là hóa đơn hợp lệ.
Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp vẫn hoàn toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp doanh nghiệp chậm chuyển dữ liệu hoặc doanh nghiệp không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế. Khi đó, mức xử phạt sẽ được quy định cụ thể tại Điều 30 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Điều luật này quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về vấn đề chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử. Theo đó, mức phạt đối với hành vi chậm chuyển dữ liệu hoặc không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế được ghi nhận như sau:
– Đối với hành vi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá hạn từ 01 ngày đến 05 ngày làm việc thì mức xử phạt sẽ từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
– Hành vi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá hạn từ 06 ngày đến 10 ngày làm việc thì mức xử phạt là 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
– Hành vi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá hạn từ 11 ngày làm việc trở lên thì sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
– Hành vi chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
– Hành vi không chuyển dữ liệu điện tử cho cơ quan thuế sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, mức xử phạt nêu trên là mức xử phạt áp dụng đối với tổ chức. Trong trường hợp cá nhân vi phạm hoặc hộ kinh doanh vi phạm thì mức xử phạt sẽ được xác định bằng 1/2 mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trong cùng một hành vi vi phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ;
– Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ;
– Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ và Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định miễn, giảm thuế;
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
THAM KHẢO THÊM: