Hiện nay, nhiều người bất chấp quy định của pháp luật để lưu thông những phương tiện quá khổ, quá tải, để lại nhiều hệ lụy xã hội. Vậy câu hỏi đặt ra: Hàng quá khổ là gì? Quy định về vận chuyển hàng quá khổ như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hàng quá khổ được hiểu như thế nào?
Hàng quá khổ (hay còn gọi là hàng siêu trường) là một khái niệm để chỉ những loại mặt hàng có kích thước và có trọng lượng vượt quá quy định của pháp luật trong quá trình vận chuyển. Chính vì vậy khi tiến hành vận chuyển các loại mặt hàng này thì không thể tháo rời chúng ra mà chỉ có thể vận chuyển nguyên khối gây khó khăn trong quá trình quản lý và vận hành. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì hàng quá khổ cũng có những tiêu chuẩn riêng, cụ thể như sau:
– Chiều dài hàng phải lớn hơn 20 mét;
– Chiều rộng hàng phải lớn hơn 2,5 mét;
– Chiều cao của thùng hàng được tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên lớn hơn 4,2 mét. Ngoài ra, đối với xe chở container lớn hơn 4,35 mét.
Nhìn chung thì đối với hàng quá khổ, khi tiến hành lưu thông sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn giao thông đường bộ, hơn nữa, hành vi chở hàng quá khổ là hành vi vi phạm pháp luật về khía cạnh kích thước và trọng lượng, trọng tải. Do đó khái niệm hàng quá khổ được coi là một khái niệm phổ biến trong giới vận tải tại Việt Nam.
2. Quy định của pháp luật về vận chuyển hàng quá khổ:
Để vận chuyển các mặt hàng quá khổ, thì cần phải được vận chuyển bằng loại xe chuyên dụng đáp ứng các quy định của pháp luật, luạt xe này thông thường phải có có thiết kế kích thước, tải trọng phù hợp với từng loại hàng hoá khi tiến hành vận chuyển trực tiếp và lưu thông. Đồng thời khi đưa hàng quá khổ vào vận chuyển thì cũng phải tuân thủ theo các điều kiện quy định ghi trong giấy phép lưu hành xe. Đối với trường hợp xe đầu kéo được đưa vào vận chuyển hàng quá khổ, móc nối với nhau để vận chuyển với số lượng lớn, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ quan đăng kiểm phải tiến hành xác nhận vào giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe với nội dung: “Được phép ghép nối các module với nhau và phải có giấy phép lưu hành xe do cơ quan có thẩm quyền cấp phép”.
Quy định lưu hành các loại xe chở hàng quá khổ quá tải được nêu rõ tại thông tư
– Việc lưu hành xe quá khổ trên đường bộ phải bảo đảm an toàn giao thông cũng như đảm bảo an toàn cho công trình đường bộ.
– Các chủ thể là tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện khi lưu hành xe quá khổ thì phải thực hiện các quy định sau: có giấy phép lưu hành xe quá khổ trên đường bộ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đồng thời các chủ thể đó phải tuân thủ các quy định được ghi trong giấy phép lưu hành xe;
– Đối với các chủ thể tiến hành điều khiển phương tiện vận chuyển hàng quá khổ trên đường bộ phải tuân thủ các điều kiện quy định ghi trong giấy phép lưu hành xe, đồng thời các chủ thể đó cũng phải tuân thủ chỉ dẫn của người điều hành hỗ trợ dẫn đường hoặc hộ tống;
– Các trường hợp sau đây thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có xe hỗ trợ dẫn đường, đó là khi xếp hàng hóa lên phương tiện vận chuyển có một trong các kích thước bao ngoài gồm chiều rộng > 3,5 mét và chiều dài > 20 mét. Ngoài ra, tại vị trí công trình phải gia cương đường bộ;
– Các trường hợp sau đây thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có khảo sát đường bộ, đó là khi xếp hàng lên phương tiện có một trong các kích thước bao ngoài như sau: chiều rộng > 3,75 mét hoặc chiều cao > 4,75 mét hoặc chiều dài > 20 mét đối với đường cấp IV trở xuống hoặc > 30 mét đối với đường cấp III trở lên;
3. Mức phạt đối với hành vi vận chuyển hàng quá khổ:
Nhìn chung thì để tiết kiệm đối với thời gian cũng như chi phí vận chuyển, hầu hết các bên cung ứng dịch vụ đều sẽ tiến hành luôn hoạt động cho hàng, thậm chí là góp hàng để chở một khối lượng quá tải trên nhiều phương tiện khác nhau nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và chi phí vận chuyển. Cho nên dù biết có quy định về hàng hóa tài và chở hàng quá tải là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì mục đích cá nhân cũng như để tiết kiệm thời gian và công sức thì các chủ thể ngày nay vẫn thực hiện hoạt động vi phạm pháp luật này trên các tuyến đường giao thông khác nhau, đặc biệt là các tuyến đường ít của lực lượng cảnh sát giao thông tham gia giám sát để tránh bị xử phạt hành chính. Đồng thời cũng cần phải nhìn nhận là, không có ít người dân tận dụng những phương tiện cá nhân của mình không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để chở hàng quá khổ nhằm tiết kiệm công sức và thời gian, cũng như tiết kiệm chi phí vận chuyển. Khi thực hiện hành vi đó thì họ không hề nghĩ đến những nguy hiểm cho các phương tiện xung quanh khi tham gia giao thông cùng tuyến với mình và cũng không nghĩ đến nguy hiểm cho chính bản thân mình. Vì thế họ vẫn bất chấp để thực hiện hoạt động cho hàng quá khổ quá tải. Mặc dù trong ý thức của họ nhận thức được rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị pháp luật nghiêm cấm.
Theo nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, thì tùy theo mức tải trọng vượt ngưỡng cho phép từ 10% đến trên 150% mà người lái sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 12 triệu đồng, cùng hình phạt bổ sung tương ứng là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến tối đa 05 tháng. Ngoài ra, chủ xe cũng sẽ bị xử phạt với các mức từ 2 – 20 triệu đồng (áp dụng đối với cá nhân) và từ 4 triệu đồng đến 40 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức). Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 tháng đến 05 tháng.
Đồng thời, theo quy định tại thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ, thì những người dự định sử dụng xe máy cá nhân hoặc xe thô sơ chở hàng nhưng chưa biết hành vi chở hàng quá khổ bị phạt bao nhiêu, thì cần lưu ý về kích thước hàng hóa theo Điều 19 của thông tư này, cụ thể như sau:
– Chở hàng sai thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét hoặc vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.
– Không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1,0 mét. Ngoài ra, không được vượt quá 0,4 mét về mỗi bên bánh xe.
4. Một số lưu ý khi sử dụng phương tiện vận chuyển hàng quá khổ:
Thứ nhất, đối với tài xế thì cần lưu ý một số vấn đề, đó là tài xế thì cần phải đảm bảo có sự am hiểu và thông thạo về các tuyến đường cũng như có sức khỏe tốt trong quá trình làm việc và vận hành hàng quá khổ, bởi đây là một công việc được đánh giá vô cùng khó khăn và vất vả. Bên cạnh đó thì tài xế cũng cần phải có đầy đủ am hiểu về quy định của pháp luật và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi lưu thông trên các tuyến đường để tránh gây tổn hại đến các công trình đường bộ khi tiến hành vận chuyển hàng quá khổ, tránh trường hợp bị phạt và những rủi ro khác không đáng có. Ngoài ra thì đối với những tài xế khi vận chuyển hàng quá khổ thì cần phải có những giấy phép đáp ứng theo quy định của pháp luật trong quá trình lưu hành đối với từng loại xe, Đồng thời thì cũng phải đắp ứng được đầy đủ những quy định và thực hiện đúng yêu cầu trong giấy phép lưu hành xe mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp. Đối với các loại xe tiến hành vận chuyển hàng quá khổ thì cần phải được kiểm định định kỳ theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo về chất lượng trong quá trình lưu thông đường bộ.
Thứ hai, đối với hàng quá khổ quá tải, càng hóa cần được sắp xếp tương thích với phương tiện chuyên chở. Cần có những biện pháp cần thiết để đảm bảo hàng hóa thật chắc chắn nhằm hướng đến sự an toàn trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, cần sử dụng cẩu đúng tải trọng hàng hóa khi lên xuống hàng. Ngoài ra, hàng hóa cần được tài xế kiểm tra thường xuyên xuyên suốt quá trình vận chuyển. Tránh rủi ro không đáng có thì chỉ nên lựa chọn những đơn vị đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép sử dụng đường bộ để vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải.
Thứ ba, các đơn vị lựa chọn phải có hệ thống phương tiện vận tải chuyên dụng để đảm bảo vận chuyển được hết tất cả các loại hàng đến nơi an toàn. Nên sử dụng dịch vụ vận chuyển của đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Đồng thời, đơn vị đó phải có đội ngũ nhân viên cùng quy trình giao nhận chuyên nghiệp. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo đơn vị vận chuyển tính toán chính xác khoản phí phải trả. Mức phí phải được công khai minh bạch về cách tính và đảm bảo không phát sinh phí khi vận chuyển.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ;
– Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.