Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn có sự phát triển mạnh mẽ. Trên thị trường chứng khoán diễn ra sôi động các giao dịch mặt hàng hóa của thị trường chứng khoán. Vậy hàng hóa của thị trường chứng khoán là gì?
Mục lục bài viết
1. Hàng hóa của thị trường chứng khoán là gì?
Chứng khoán được hiểu là một loại tài sản, gồm các loại như sau:
– Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ.
– Chứng khoán phái sinh.
– Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký.
– Các loại chứng khoán khác pháp luật có quy định.
Thị trường chứng khoán trên thực tế được hiểu là nơi diễn ra các giao dịch của các loại chứng khoán được phát hành và tiến hành trao đổi gồm người mua, người bán và người trung gian. Thị trường chứng khoán hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi các loại chứng khoán, phục vụ cho nền kinh tế.
Bản chất của thị trường chứng khoán là nơi mua bán, chuyển nhượng hàng hóa, trong đó là quyền sở hữu về vốn và tài sản của những người sở hữu chứng khoán.
Vậy hàng hóa trong thị trường chứng khoán được hiểu là gì? Như phân tích bên trên, hàng hóa được giao dịch, mua bán trên thị trường chứng khoán bao gồm các loại sau: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; chứng quyền, chứng quyền bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; chứng khoán phái sinh;….
2. Các loại hàng hóa của thị trường và ví dụ cụ thể:
2.1. Cổ phiếu:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định cổ phiếu là một loại chứng khoán nhằm xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Bên cạnh đó, tại Điều 121
Nội dung của cổ phiếu gồm các thông tin sau:
– Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty.
– Loại cổ phẩn cũng như số lượng cổ phần.
– Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
– Ngày phát hành cổ phiếu, số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông.
– Tổng mệnh giá số cổ phần được ghi trên cổ phiếu, trong đó cũng ghi nhận mệnh giá của mỗi cổ phần.
– Trường hợp đối với cổ đông là cá nhân, ghi nhận thông tin họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân; đối với cổ đông là tổ chức thì ghi nhận tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính.
Ví dụ: Công ty cổ phần A có 3 cổ đông là A, B và C. Cổ đông A đóng góp 50% cổ phần, cổ đông B và C mỗi người góp 25% cổ phần.
2.2. Trái phiếu:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Đặc điểm của trái phiếu:
– Là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành.
– Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100 nghìn đồng và bội số của 100 nghìn đồng.
– Trái phiếu gồm các loại như sau:
+ Trái phiếu chuyển đổi: đây là loại trái phiếu được phát hành bởi công ty cổ phần, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính tổ chức phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
+ Trái phiếu có bảo đảm: đây là loại trái phiếu sẽ được bảo đảm thanh toán một phần hoặc toàn bộ lãi, gốc khi đến hạn bằng chứng tài sản của tổ chức đã phát hành ra; hoặc thanh toán bằng tài sản của bên thức ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
+ Trái phiếu kèm chứng quyền: do công ty cổ phần phát hành và có kèm theo chứng quyền, loại trái phiếu này sẽ cho phép người sở hữu chứng quyền mua cổ phiếu phổ thông của tổ chức phát hành dựa trên điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
Để trái phiếu được chào bán ra công chúng cần những điều kiện bao gồm:
– Tại thời điểm đăng ký chào bán, mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.
– Hoạt động kinh doanh trước năm đăng ký chào bán liên tục trong 02 năm phải có lãi, bên cạnh đó không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
– Xây dựng phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu và do Đại hội đồng cổ đông thông qua.
– Số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn tối thiểu là 15%.
– Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành cam kết cùng nhau nắm giữ được ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
– Tổ chức phát hành trái phiếu đảm bảo không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay kết án về một trong những tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích.
– Ngoại trừ tổ chức phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán, các trường hợp khác phải có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng.
– Sau khi kết thúc đợt chào bán, phải có cam kết, thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
– Mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
Ví dụ: mua trái phiếu của công ty A với mệnh giá 500.000 đ có thời hạn trong 2 năm. Điều này tức là đang cho doanh nghiệp A vay 500.000 đ trong thời gian 2 năm với lợi suất 10%/năm.
2.3. Chứng khoán phái sinh:
Căn cứ tại Khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định là một công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, và khi đó xác nhận quyền và nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản là cơ sở nhất định theo một mức giá trong một khoảng thời gian đã được xác định.
Chứng khoán phái sinh có đặc điểm nổi bật như sau:
– Chứng khoán phái sinh chỉ được thành lập trên tốt thiểu một tài sản cơ sở, có giá trị gắn với giá trị của phần tài sản đó.
– Chứng khoán phái sinh thể hiện sự cam kết về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong tương lai giữa hai bên khi tham gia vào hợp đồng.
– Chứng khoán phái sinh chủ yếu là đầu tư vào sự biến động giá trị của tài sản.
Ví dụ: Bên A bán 1 hợp đồng phái sinh tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn 1 tháng cho bên B vào tháng 12/2021 theo giá 1500 (điểm). Đến tháng 1/2022, VN30 tăng lên 1550 điểm nên bên A thanh toán cho bên B theo chênh lệch thỏa thuận ban đầu với số tiền: (1550 – 1500)*100.000 = 5.000.000đ.
2.4. Chứng chỉ quỹ:
Chứng chỉ quỹ là một loại chứng khoán nhằm xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
Mệnh giá của chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng.
Để được chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng cần các điều kiện sau:
– Tổng giá trị chứng chỉ quỹ tối thiểu là 50 tỷ đồng khi đăng ký chào bán.
– Xây dựng được phương án phát hành và phương án đầu tư vốn thu được từ đợt chào bán chứng chỉ quỹ.
– Do ngân hàng giám sát.
– Sau khi kết thúc đợt chào bán, chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng phải được niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán, ngoại trừ trường hợp chào bán chứng chỉ quỹ mở.
Ví dụ: Chứng chỉ quỹ Techcombank là một quỹ đầu tư trái phiếu TCMF, khi mua chứng chỉ quỹ nhà đầu tư có cơ hội đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu tốt đem về nguồn thu nhập lâu dài và ổn định.
2.5. Chứng quyền:
Hiện nay, chứng quyền được phát hành cùng với trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, nhằm mục đích cho phép người sở hữu chứng quyền có thể có quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
Bên cạnh đó, có loại chứng quyền có bảo đảm bởi công ty chứng khoán phát hành, khi đó người sở hữu mua hoặc bán chứng khoán cơ sở đối với tổ chức phát hành có bảo đảm theo một mức giá đã được xác định tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã ấn định.
Ví dụ: Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát phát hành chứng quyền CHPG giá 1,000đ/chứng quyền, kỳ hạn 1 năm. Người sở chứng chứng quyền này sẽ được mua cổ phiếu HPG với giá 45,000đ/cp.
3. Tổng quan về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam:
Tại Việt Nam, với sự ra đời của hai Trung tâm giao dịch chứng khoán tại Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 7 năm 2000) và Thành phố Hà Nội (tháng 3 năm 2005) đã có bước tiến đánh dấu sự phát triển và hoàn thiện thị trường tài chính quốc gia.
Sau hơn 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một kênh huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển. Thị trường chứng khoán ngày càng đa dạng về mặt hàng hóa giao dịch. Thị trường chứng khoán Việt Nam không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, hiện nay hình thành các khu vực thị trường phát triển mạnh mẽ như:
– Thị trường cổ phiếu.
– Thị trường trái phiếu.
– Thị trường chứng khoán phái sinh….
Hoạt động của thị trường chứng khóa tại Việt Nam ngày càng phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ về quản trị công ty, năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước được tăng cường và được công khai, minh bạch.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Chứng khoán 2019.
– Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán.