Luật quản lý ngoại thương năm 2017 được ban hành có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2018, trong đó quy định cụ thể về hạn ngạch thuế quan. Bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ các quy định liên quan đến hạn ngạch thuế quan. Mời bạn đọc tham khảo:
Mục lục bài viết
1. Hạn ngạch thuế quan là gì?
Hạn ngạch thuế quan bao gồm hạn ngạch thuế quan xuất khẩu và hạn ngạch thuế quan nhập khẩu. Trong đó:
Hạn ngạch thuế quan xuất khẩu: là biện pháp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng để tiến hành quyết định số lượng, khối lượng cũng như trị giá của hàng hóa xuất khẩu với thuế suất cụ thể.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu: là biện pháp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng để tiến hành quyết định số lượng, khối lượng cũng như trị giá của hàng hóa nhập khẩu với thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất ngoài hạn ngạch.
Bên cạnh đó tại Điều 11 Thông tư 12/2018/TT-BCT quy định về các danh mục hàng hóa quản lý theo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu bao gồm:
STT | Tên hàng hóa | Mã HS |
1 | Đường tinh luyện, đường thô | 1701 |
2 | Muối | 2501 |
3 | Thuốc lá nguyên liệu | 2401 |
4 | Trứng gia cầm | 0407 (Không bao gồm trứng đã thụ tinh để ấp thuộc các mã HS: 04071110, 04071190, 04071911, 04071919, 04071991 và 04071999) |
Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quyết định và công bố như sau:
– Đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm, đường tinh luyện, đường thô thì lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của năm tiếp theo sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định và
– Đối với mặt hàng là thuốc lá nguyên liệu: lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của năm tiếp theo sẽ do Bộ Công Thương quyết định trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.
– Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu sẽ được quyết định hàng năm trên cơ sở tiến hành cam kết quốc tế sẽ do Công Thương chính thức công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm và quy định phương thức điều hành đối với từng mặt hàng.
Đối với hàng hóa quản lý theo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu sẽ được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu:
– Thương nhân được Bộ Công Thương cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hoặc được Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu: được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu ghi trong Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hoặc ghi trong thông báo quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.
– Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan: đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Lưu ý: mức thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan hay thuế suất nhập khẩu ngoài thuế quan sẽ do Chính phủ quy định.
2. Quy định về hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, nhập khẩu:
Căn cứ theo Điều 21 Luật quản lý ngoại thương năm 2017, việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
– Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu dựa theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu được áp dụng khi Điều ước quốc tế do Việt Nam tham gia có quy định áp dụng các biện pháp này thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi ra khỏi hay vào lãnh thổ Việt Nam sẽ bị áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
– Đối với số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa được dùng để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu: sẽ không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.
– Nguyên tắc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu:
+ Đảm bảo tính công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa.
+ Đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.
3. Thẩm quyền để áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan:
Tại Điều 22 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan như sau:
– Đối với từng hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định lượng hạn ngạch thuế quan.
– Bộ công thương có thẩm quyền công bố việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan và quyết định phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan.
4. Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan:
4.1. Các đối tượng được xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan:
Hiện nay, Nhà nước quy định về các đối tượng được xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan theo Điều 14 Thông tư 12/2018/TT-BCT, bao gồm:
– Trường hợp mặt hàng thuốc lá nguyên liệu: Thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thuốc lá điếu.
– Trường hợp mặt hàng đó là trứng gia cầm: thương nhận có nhu cầu muốn nhập khẩu trứng gia cầm.
– Trường hợp mặt hàng là muối: thương nhân có nhu cầu muốn sử dụng muối trong sản xuất kinh doanh được chấp thuận, xác nhận của các cơ quan quản lý.
– Trường hợp mặt hàng là đường thô, đường tinh luyện: áp dụng, thực hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Công Thương trên cơ sở trao đổi ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.
4.2. Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan:
Bước 1: Thương nhận chuẩn bị hồ sơ để xin cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan bao gồm:
– Bản chính đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu (mẫu quy định tại Phụ lục XIII kèm theo Thông tư 12/2018/TT-BCT).
– Bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhận.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Thương nhận chuẩn bị hồ sơ theo quy định trên và nộp cho Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu), địa chỉ tại 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Cách thức nộp hồ sơ: trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân trên cơ sở lượng hạn ngạch thuế quan công bố hàng năm và đăng ký của thương nhân.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ thì Bộ Công Thương thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ. Thời gian giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân.
Cuối cùng, Bộ Công thương hoàn thiện việc cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân. Thời gian giải quyết là trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm phân giao theo quy định. Nếu như không cấp giấy phép, Bộ công thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho thương nhân biết.
Lưu ý: trách nhiệm của thương nhân phải đảm bảo báo cáo định kỳ hàng quý hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhập khẩu theo yêu cầu của Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu).
5. Mẫu đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu:
TÊN THƯƠNG NHÂN
Số: …
V/v: Đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng … năm …
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-
…, ngày … tháng … năm …
ĐƠN ĐĂNG KÝ
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm …
Kính gửi: Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu)
1. Tên thương nhân (ghi rõ tên tiếng Việt đầy đủ và tên viết tắt): …………
Điện thoại: ……… Fax: ……… E-mail: ……..
2. Địa chỉ giao dịch: ………
3. Địa chỉ cơ sở sản xuất chính: …………..
4. Sản phẩm có sử dụng mặt hàng hạn ngạch thuế quan làm nguyên liệu đầu vào: …………..
5. Nhu cầu sử dụng mặt hàng hạn ngạch thuế quan cho sản xuất (công suất thực tế/ công suất thiết kế): …………..
Căn cứ Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, (Thương nhân) báo cáo tình hình nhập khẩu mặt hàng … trong năm … và đăng ký nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm … như sau:
Mô tả hàng hóa (HS) | Thông tin chi tiết | Năm … | Đăng ký HNTQ năm …. | ||
HNTQ Bộ CT cấp năm …. | Thực hiện nhập khẩu 3 quý | Ước thực hiện nhập khẩu năm …. | |||
Ví dụ: Thuốc lá nguyên liệu (HS 2401) | – Lượng (tấn) | ||||
– Trị giá (Nghìn USD) | |||||
– Xuất xứ |
Thương nhân cam đoan những kê khai trên đây là đúng, nếu sai xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu theo HNTQ năm … cho mặt hàng nêu trên với số lượng là: …
Người đứng đầu thương nhân
(Ký tên và đóng dấu)