Thẻ tín dụng là một trong những công cụ vô cùng thuận tiện trong thời đại hiện nay, không chỉ đơn giản hóa việc thanh toán mà còn giảm rủi ro khi phải mang quá nhiều tiền mặt bên người. Nếu có mong muốn sở hữu một chiếc thẻ tín dụng thì điều đầu tiên bạn nên tìm hiểu chính là hạn mức tín dụng.
Mục lục bài viết
1. Hạn mức tín dụng là gì?
Căn cứ theo điều 1 quyết định số 43/QĐ-NH14 về mua bán hạn mức tín dụng giữa các tổ chức tín dụng quy định: “Hạn mức tín dụng là một công cụ để thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hạn chế mức dư nợ tín dụng tối đa đến với nền kinh tế của tổ chức tín dụng.”
Tuy nhiên trên thực tế, hạn mức tín dụng là giới hạn mức cho vay tối đa trong hoạt động của tổ chức tín dụng; số dư nợ cho vay hay là số dư nợ tối đa vào một thời điểm nhất định, thường là ngày cuối quý, cuối năm được quy định trong kế hoạch tín dụng của ngân hàng.
Từ những phân tích trên có thể hiểu đơn giản hạn mức tín dụng chính là số tiền tối đa mà một tổ chức tín dụng có thể cho khách hàng vay vào một thời điểm nhất định. Đây cũng là đặc trưng của hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, có rất nhiều người hay nhầm lẫn hạn mức tín dụng và hạn mức thẻ tín dụng. Tuy nhiên, đây là khái niệm hoàn toàn khác biệt. Hạn mức thẻ tín dụng là số tiền tối đa mà bạn có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng mà không bị phạt. Điều này có nghĩa là nếu bạn sử dụng vượt hạn mức sẽ có khả năng trả thêm phí. Hạn mức thẻ tín dụng được ngân hàng quy định dựa vào lịch sử tín dụng, thu nhập, tài sản đảm bảo hoặc uy tín của bạn ngay lúc xét duyệt. Ngoài ra, mỗi loại thẻ tín dụng sẽ có hạn mức khác nhau tùy vào mục đích của thẻ.
Hạn mức tín dụng được dịch sang tiếng Anh có nghĩa Line of Credit.
2. Những yếu tố để ngân hàng xác định hạn mức tín dụng:
Hầu như các tổ chức ngân hàng không cho phép khách hàng tiêu dùng vượt quá hạn mức cho phép. Nếu có thì cũng chỉ ở một mức độ cho phép nhất định. Vì vậy biết được cách tính hạn mức thẻ tín dụng sẽ giúp khách hàng biết cách chi tiêu hợp lý. Hạn mức tiêu dùng sẽ được tính bằng:
Mức thu nhập hàng tháng
Đây là một yếu tố chính và quan trọng nhất để ngân hàng xem xét hạn mức tín dụng của khách hàng. Nếu mức lương hàng tháng càng cao và ổn định sẽ được hưởng một mức hạn thẻ dụng cao từ ngân hàng.
Lịch sử tín dụng chủ sở hữu thẻ tín dụng
Lịch sử tín dụng của bạn như thế nào? Nếu gặp phải bất cứ những vấn đề như hồ sơ quá hạn hoặc nợ xấu thì chắc chắn hạn mức tín dụng sẽ không còn cao nữa. Vì thế khi bạn có khoản vay từ bất kì ngân hàng nào cần chú ý trả nợ đúng hạn. Để tránh ảnh hưởng đến lịch sử thẻ tín dụng của mình.
Dựa trên hạn mức các thẻ tín dụng trên cùng 1 chủ sở hữu
Khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng từ nhiều ngân hàng khác nhau. Tại ngân hàng mở thẻ tín dụng mới ở đó họ sẽ căn cứ vào lịch sử tín dụng của các thẻ mà bạn đã sử dụng. Nếu uy tín và không có khoản nợ quá hạn nào thì chắc chắn hồ sơ của khách hàng sẽ được phê duyệt một cách dễ dàng.
3. Đặc điểm của hạn mức tín dụng:
- Thời hạn duy trì hạn mức cho vay được tính từ thời điểm hạn mức cho vay bắt đầu có hiệu lực, cho đến thời điểm hạn mức cho vay đó hết hiệu lực hoặc hạn mức cho vay khác thay thế.
- Ngân hàng, khách hàng căn cứ vào phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhu cầu vay vốn của khách hàng, tỉ lệ cho vay tối đa so với tài sản đảm bảo, khả năng nguồn vốn của ngân hàng để tính toán và thỏa thuận một hạn mức tín dụng duy trì trong thời hạn nhất định hoặc chu kì sản xuất kinh doanh.
– Trong phạm vi hạn mức tín dụng còn lại, khách hàng được rút tiền vay để mua hàng dự trữ hoặc tài trợ cho các chi phí kinh doanh khác.
– Cho vay theo hạn mức tín dụng thường được áp dụng đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn – trả nợ thường xuyên, có đặc điểm sản xuất – kinh doanh, luân chuyển vốn không phù hợp với phương thức cho vay từng lần, có uy tín với ngân hàng.
– Về cơ chế tác động, hạn mức tín dụng được sử dụng để khống chế tổng dư nợ tín dụng, qua đó khống chế tổng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế. Do vậy, cơ chế tác động của nó mang tính áp đặt ở dạng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm không được vượt quá đối với hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM).
- Qua việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng, Ngân hàng Trung ương điều chỉnh khả năng tạo tiền của các NHTM phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, tránh tình trạng tổng khối lượng cung tiền tăng quá mức trong lưu thông. Lúc này, Ngân hàng Trung ương phải theo dõi hoạt động cho vay của các NHTM, nếu NHTM cho vay vượt quá hạn mức tín dụng quy định sẽ bị xử phạt.
4. Quy định về cách tính hạn mức tín dụng:
Hiện nay, có hai cách tính hạn mức tín dụng phổ biến sau:
– Dựa vào chênh lệch nguồn và sử dụng nguồn:
Hạn mức tín dụng = Nhu cầu Vốn lưu động kỳ kế hoạch – Vốn tự có – Vốn huy động khác
Trong đó:
(1) Vốn tự có = Tài sản lưu động – Nợ ngắn hạn phải trả.
(2) Nhu cầu vốn lưu động (VLĐ) kỳ kế hoạch = (Tổng chi phí sản xuất kỳ kế hoạch)/(Vòng quay VLĐ kỳ kế hoạch)
(3) Vòng quay VLĐ kỳ kế hoạch = (Doanh thu thuần kỳ kế hoạch)/(Bình quân tài sản lưu động kỳ kế hoạch)
Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng thương mại sẽ xét cấp hạn mức tín dụng dựa vào phương thức:
– Xác định hạn mức tín dụng dựa vào lưu chuyển của tiền tệ:
Các ngân hàng thương mại sẽ xét cấp hạn mức tín dụng dựa vào bảng
Lưu ý: Trình tự xác định hạn mức tín dụng thông qua lưu chuyển tiền tệ.
+ Xác định lưu chuyển tiền tệ ròng trong kỳ dự toán.
+ Tính thặng dự / thâm hụt
+ So sánh với số dư tiền tối thiểu trong kỳ dự toán để xác định kế hoạch giải ngân / thu nợ.
+ Xác định hạn mức tín dụng.
5. Có được vay vượt hạn mức tín dụng hay không?
Trên thực tế, các tổ chức tín dụng nước ngoài có thể cho khách hàng vay vượt hạn mức tín dụng nếu khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 13/2018/QĐ-TTg như sau:
– Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn;
– Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Triển khai các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế – xã hội quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ.
+ Triển khai các Chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
+ Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
– Dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đã được tổ chức tín dụng thẩm định là đảm bảo khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ và quyết định cấp tín dụng; đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Khách hàng và người có liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có dấu xác nhận của tổ chức tín dụng, bao gồm:
– Văn bản của tổ chức tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan theo mẫu tại Phụ lục đính kèm Quyết định này;
– Các hồ sơ, tài liệu chứng minh tổ chức tín dụng đã đáp ứng Điều kiện tại điểm a Khoản 2 Điều 3 Quyết định này;
– Văn bản thẩm định của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, dự án, phương án vay vốn của khách hàng;
– Văn bản phê duyệt cấp tín dụng đối với khách hàng của cấp có thẩm quyền của tổ chức tín dụng đề nghị;
– Văn bản đề nghị được cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng của khách hàng;
– Hồ sơ pháp lý liên quan đến khách hàng đề nghị cấp tín dụng, bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 03 năm liền trước năm đề nghị, các tài liệu liên quan khác;
– Hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng, bao gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản phê duyệt, chấp thuận dự án, phương án của cấp có thẩm quyền.
+ Các tài liệu có liên quan khác.
– Báo cáo về tình hình quan hệ tín dụng và nhu cầu cấp tín dụng vượt giới hạn của một khách hàng và người có liên quan theo Mẫu biểu số 01 tại Phụ lục đính kèm Quyết định 38/2018/QĐ-TTg.