Hạn mức chỉ định thầu. Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường nào?
Hạn mức chỉ định thầu. Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chúng tôi là đơn vị Bệnh viện hiện nay có nhu cầu làm thầu mua thuốc thêm, trước đó đã tiến hành đấu thầu mua thuốc bằng hình thức mua sắm trực tiếp dựa trên kết quả đấu thầu của tỉnh nhưng hiện giờ số lượng sử dụng đã hết muốn mua bổ sung thì áp dụng hình thức đấu thầu nào cho hợp lý ? Và hình thức chỉ định thầu có phải là hợp lý nhất hay không? Nếu chỉ định thầu thì chia nhỏ thành các gói trong một dự án mà mỗi gói có giá trị không quá 1 tỷ có được hay không hay là cả dự án có giá trị không quá 1 tỷ mới áp dụng được hình thức chỉ định thầu ? Mong quý công ty giúp chúng tôi giải đáp thắc mắc này! Xin trân trọng cảm ơn quý công ty?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo như bạn trình bày thì Bệnh viện của bạn đã đấu thầu mua thuốc bằng hình thức mua sắm trực tiếp dựa trên kết quả đấu thầu của tỉnh và nay có nhu cầu mua thuốc thêm. Căn cứ các quy định trong Luật đấu thầu 2013 về các hình thức đấu thầu thì bệnh viện của bạn có thể thực hiện các hình thức sau:
Chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật đấu thầu 2013:
“Điều 22. Chỉ định thầu
1. Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
……. "
Theo quy định tại Điều 79 Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau:
"Điều 79. Chỉ định thầu rút gọn
Chỉ định thầu rút gọn áp dụng đối với việc mua thuốc trong các trường hợp sau đây:
1. Gói thầu nằm trong hạn mức được chỉ định thầu quy định tại Điều 54 của Nghị định này;
2. Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm phát sinh đột xuất theo nhu cầu đặc trị được Bộ Y tế ban hành nhưng chưa đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
3. Thuốc chưa có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động chuyên môn trong trường hợp cấp bách như: Dịch bệnh, thiên tai, địch họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh;
4. Thuốc đã có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, cần mua gấp nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động chuyên môn trong trường hợp cấp bách;
5. Thuốc đã có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đã được duyệt nhưng trong năm nhu cầu sử dụng vượt số lượng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt."
Mua thuốc tập trung theo quy định tại Điều 49 Luật đấu thầu 2013 và hướng dẫn tại Điều 29 Thông tư số 11/2016/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
“Điều 29. Quy định chung về mua thuốc tập trung
……
3. Các quy định chung về mua thuốc tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương:
a) Hình thức lựa chọn nhà thầu: đấu thầu rộng rãi trong nước;
b) Phương thức lựa chọn nhà thầu: một giai đoạn hai túi hồ sơ;
c) Đánh giá hồ sơ dự thầu: sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với từng thuốc (là một phần của gói thầu).
… .. "
Theo quy định trên, bệnh viện cũng có thể thực hiện mua thuốc tập trung cấp quốc gia, địa phương theo hình thức đấu thầu rộng rãi với phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Chào hàng cạnh tranh theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 11/2016/TT-BYT
“Điều 13. Chào hàng cạnh tranh
1. Các gói thầu được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh khi có đủ các Điều kiện sau đây:
a) Giá trị của gói thầu không quá 05 tỷ đồng;
b) Thuốc thuộc Danh Mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành hoặc những thuốc thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật, chất lượng thuốc đã được tiêu chuẩn hóa và tương đương về chất lượng;
c) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được người có thẩm quyền phê duyệt;
d) Trường hợp mua từ nguồn ngân sách nhà nước thì phải có dự toán mua thuốc được phê duyệt. Trường hợp mua thuốc từ nguồn thu khác thì cơ sở y tế phải bảo đảm nguồn vốn để thanh toán theo tiến độ thực hiện gói thầu.
…. "
Mua sắm trực tiếp theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 11/2016/TT-BYT:
“Điều 14. Mua sắm trực tiếp
1. Gói thầu được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp khi đáp ứng đủ các Điều kiện sau đây:
a) Nhà thầu đã trúng thầu cung cấp thuốc thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;
b) Gói thầu có các thuốc tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó. Trường hợp thuốc thuộc gói thầu mua sắm trực tiếp là một trong nhiều thuốc thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó thì quy mô của thuốc áp dụng mua sắm trực tiếp phải nhỏ hơn 130% quy mô của thuốc cùng loại thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;
……. "
Pháp
Như vậy, bạn có thể thực hiện đấu thầu lần tiếp theo bằng một trong các hình thức trên. Việc thực hiện hình thức nào hợp lý nhất thì còn phụ thuộc vào điều kiện của bệnh viện, mục đích và các loại thuốc mà bệnh viện cần,..
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Về hạn mức chỉ định thầu với đấu thầu mua thuốc được quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định:
“Điều 54. Hạn mức chỉ định thầu
Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:
1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.”
Như vậy, nếu thực hiện hình thức chỉ định thầu mua thuốc thì gói thầu phải có giá trị không quá 1 tỷ đồng. Đây là hạn mức chỉ định thầu với một gói thầu chứ không phải một dự án thầu.