Bảo hiểm tiền gửi được xem là một trong những dịch vụ quan trọng bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền, các khoản tiền gửi của khách hàng sẽ được bảo đảm, được bồi thường trong trường hợp các tổ chức tín dụng bị phá sản. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì hạn mức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tối đa được xác định là bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Hạn mức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tối đa là bao nhiêu?
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm quyền lợi cho khách hàng khi các tổ chức và cá nhân tham gia gửi tiền tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đây là một yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng cho khách hàng. Việt Nam cũng đã và đang hướng tới mục tiêu nói trên. Bảo hiểm tiền gửi có thể hiểu đơn giản là dịch vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền, các khoản tiền gửi của khách hàng sẽ được bảo đảm, đồng thời sẽ được bồi thường trong trường hợp tổ chức tín dụng đó bị phá sản hoặc tổ chức tín dụng không có khả năng chi trả tiền gửi.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Quyết định 32/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, có quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đó, số tiền tối đa mà các tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của pháp luật bảo hiểm tiền gửi, trong đó bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trong quá trình phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm được xác định là 125.000.000 đồng.
Theo đó thì có thể nói, hạn mức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tối đa hiện nay cho một người gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng/ngân hàng sẽ được xác định là 125.000.000 đồng. Vì vậy, trong trường hợp tổ chức tín dụng tuyên bố phá sản, người gửi tiền tiết kiệm có thể nhận lại khoản tiền bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125.000.000 đồng, cùng với các khoản tiền đền bù thông qua quá trình thanh lý tài sản của các tổ chức tín dụng phá sản.
2. Phí bảo hiểm tiền gửi được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Văn bản hợp nhất Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2019 có quy định về phí bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, phí bảo hiểm tiền gửi được quy định cụ thể như sau:
- Thủ tướng Chính phủ là chủ thể có thẩm quyền quy định cụ thể về khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
- Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, cơ quan có thẩm quyền đó là Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ quy định cụ thể về mức phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức và cá nhân tham gia chế độ bảo hiểm tiền gửi, dựa trên cơ sở kết quả đánh giá và dựa trên cơ sở kết quả phân loại của các tổ chức này;
- Phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật sẽ được tính dựa trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng và các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;
- Phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật sẽ được tính hằng quý, và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Tổ chức tham gia chế độ bảo hiểm tiền gửi bắt buộc phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất trong khoảng thời gian 20 tháng đầu tiên của quý tiếp theo phát sinh nghĩa vụ nộp tiền;
- Phí bảo hiểm tiền gửi sẽ được thực hiện chế độ hạch toán độc lập vào chi phí hoạt động của các tổ chức tham gia chế độ bảo hiểm tiền gửi.
Đồng thời, cần phải lưu ý về thủ tục trả tiền bảo hiểm. Căn cứ theo quy định tại Điều 26 của Văn bản hợp nhất Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2019 có quy định về thủ tục trả tiền bảo hiểm. Theo đó:
- Trong khoảng thời gian 10 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, các tổ chức tham gia chế độ bảo hiểm tiền gửi cần phải nộp thành phần hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cho các tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật;
- Thành phần hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm bao gồm dầu giấy tờ và văn bản khác nhau, trong đó bao gồm văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm theo mẫu do pháp luật quy định, danh sách người được bảo hiểm tiền gửi, số tiền gửi của từng cá nhân được bảo hiểm tiền gửi, số tiền bảo hiểm đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả trên thực tế;
- Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày nhận đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định của pháp luật, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ tiến hành thủ tục kiểm tra các loại giấy tờ tài liệu, chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả trên thực tế. Trong khoảng thời gian 10 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra sổ sách và chứng từ có liên quan, tổ chức bảo hiểm tiền gửi bắt buộc phải đưa ra phương án trả tiền sao cho phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình đưa ra phương án trả tiền bảo hiểm thì cần phải lưu ý quy định của pháp luật, phương án trả tiền bảo hiểm đó sẽ được gửi cho người được bảo hiểm chi trả, đồng thời thông báo công khai về địa điểm thanh toán, thời gian thanh toán, phương thức trả tiền bảo hiểm trên 03 số báo liên tiếp tại cùng một tờ báo Trung ương/hoặc trên cùng một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, nơi đặt các chi nhánh của các tổ chức tham gia chế độ bảo hiểm tiền gửi, đồng thời cần phải được thông báo công khai trên 01 số báo điện tử của Việt Nam phải tiến hành thủ tục niêm yết danh sách đối với những người được chi trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo ban đầu;
- Khi nhận được tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm tiền gửi cần phải xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ có liên quan, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi đó, các loại giấy tờ chứng minh khoản tiền được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia chế độ bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể trực tiếp chi trả tiền bảo hiểm cho người tham gia chế độ bảo hiểm hoặc cũng có thể ủy quyền cho các tổ chức khác tham gia bảo hiểm tiền gửi thực hiện;
- Sau khoảng thời gian 10 năm được tính bắt đầu kể từ ngày các tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thông báo lần thứ nhất về việc chi trả các khoản tiền bảo hiểm có liên quan, những khoản tiền bảo hiểm khi không có người đến nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu cho nhà nước, sử dụng các khoản tiền đó để bổ sung trực tiếp vào nguồn vốn hoạt động của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi, người có quyền sở hữu đối với khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không có quyền yêu cầu các tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả các khoản tiền bảo hiểm đó sau khi đã hết khoảng thời gian nêu trên.
3. Các loại tiền gửi không được bảo hiểm gồm những gì?
Các loại tiền gửi không được bảo hiểm căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Văn bản hợp nhất Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2019 bao gồm:
- Các loại tiền gửi được gửi tại các tổ chức tín dụng của chủ thể là cá nhân, và cá nhân đó là người sở hữu với tỷ lệ trên 5% vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng đó;
- Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng của các chủ thể là cá nhân, cá nhân đó được xác định là thành viên trong hội đồng thành viên, thành viên trong hội đồng quản trị, thành viên trong ban kiểm soát, tổng giám đốc/giám đốc, phó tổng giám đốc/phó giám đốc của các tổ chức tín dụng, hoặc tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam của các cá nhân, cá nhân đó giữ chức vụ tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, giám đốc hoặc phó tổng giám đốc của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam;
- Tiền mua các loại giấy tờ có giá vô danh, các loại giấy tờ này được phát hành bởi các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, các loại tiền gửi được quy định tại Điều 19 của Văn bản hợp nhất Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2019 sẽ không được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Quyết định 32/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm;
– Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Bảo hiểm tiền gửi do Văn phòng Quốc hội ban hành.
THAM KHẢO THÊM: