Chuyển hình thức thầu khi vượt quá giá trị chỉ định thầu? Gói thầu 280 triệu có được áp dụng chỉ định thầu? Áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp dưới 100 triệu đồng? Trường hợp nào được áp dụng hình thức chỉ định thầu?
Đấu thầu là việc lựa chọn ra một nhà thầu thực hiện triển khai, thực hiện một công việc hoặc cung cấp một dịch vụ cụ thể có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Trong một số trường hợp thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể lựa chọn ra một nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về các điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu và hạn mức áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Trong một số trường hợp luật định thì các gói thầu có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu. Cụ thể bao gồm:
+ Khi có sự cố bất khả kháng hay để đảm bảo bí mật nhà nước nên cần thực hiện ngay gói thầu để xử lý kịp thời hoặc khắc phục hậu quả; thực hiện gói thầu để kịp thời tránh gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc tránh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách.
+ Nhu cầu cấp bách triển khai gói thầu để đáp ứng mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo.
+ Do phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ nên phải lựa chọn chính nhà thầu đã thực hiện trước đó để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn hoặc để mua sắm hàng hóa mà không thể lựa chọn bất kỳ nhà thầu nào khác; các gói thầu vì mục đích thử nghiệm, nghiên cứu; gói thầu để mua bản quyền sở hữu trí tuệ.
+ Gói thầu chỉ định cho tác giả thiết kế kiến trúc công trình có đủ điều kiện năng lực theo luật định được tuyển chọn hoặc trúng tuyển để cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế xây dựng; gói thầu để thi công mà từ giai đoạn sáng tác đến khi thi công đều gắn chặt với quyền tác giả, áp dụng với những công trình xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoàng tráng và tác phẩm nghệ thuật.
+ Chỉ định một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để thực hiện gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom, mìn, vật nổ để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng.
+ Để giá gói thầu nằm trong hạn mức mà Chính phủ cho phép và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm thực hiện gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Việc đưa ra hình thức chỉ định thầu khi các gói thầu thuộc một trong các trường hợp trên và trong một số trường hợp phải đáp ứng thêm điều kiện như việc thu xếp vốn phù hợp, đáp ứng được tiến độ thực hiện gói thầu; có quyết định đầu tư hoặc có dự toán hoặc có kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đấu thầu phải có tên nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu; việc chỉ định thầu chỉ được thực hiện trong thời hạn luật định tính từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký hợp đồng.
Trong các trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu là chỉ định thầu trên, việc chỉ định thầu để giá gói thầu nằm trong hạn mức được Chính phủ quy định cụ thể. Theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì hạn mức áp dụng hình thức chỉ định thầu như sau:
+ Các trường hợp áp dụng hạn mức chỉ định thầu không vượt quá 500 triệu đồng gồm:
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;
- Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn;
- Gói thầu cung cấp dịch vụ công.
+ Đối với các gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên (gồm các trang thiết bị dành cho cơ quan và nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước theo luật định, vật tư, vật liệu sử dụng thường xuyên; quần áo là đồng phục;…) thì hạn mức chỉ định thầu không quá 100 triệu đồng.
+ Các trường hợp áp dụng hạn mức chỉ định thầu không vượt quá 01 tỷ đồng bao gồm:
- Gói thầu để mua sắm hàng hóa;
- Gói thầu để mua thuốc hoặc vật tư y tế;
- Gói thầu để mua sản phẩm công;
- Gói thầu để xây lắp;
- Gói thầu hỗn hợp.
Vậy nên, gói thầu muốn áp dụng hình thức chỉ định thầu thì cần phải thuộc một trong các trường hợp đã quy định tại Luật Đấu thầu và kèm theo một số điều kiện riêng trong từng trường hợp.
Các gói thầu đáp ứng được điều kiện chung và điều kiện riêng trong từng trường hợp để được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thì vẫn có thể lựa chọn áp dụng theo các hình thức lựa chọn nhà thầu khác. Việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác được nhà nước khuyến khích.
Ngoài áp dụng đối với các gói thầu trên, việc chỉ định thầu còn áp dụng cho các nhà đầu tư trong các trường hợp như: có duy nhất nhà đầu tư đăng ký thực hiện; trong lĩnh vực thu xếp vốn, bí mật thương mại, sở hữu trí tuệ, công nghệ có duy nhất nhà đầu tư đủ khả năng để thực hiện; khi thực hiện dự án thì nhà đầu tư đưa ra được dự án khả thi và có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Có hai quy trình trong việc thực hiện hình thức chỉ định thầu: quy trình chỉ định thầu thông thường và quy trình chỉ định thầu rút gọn. Quy trình chỉ định thầu thông thường gồm có 05 giai đoạn: sau khi lập, thẩm định, duyệt hồ sơ yêu cầu việc lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ yêu cầu được bán cho những nhà thầu nhất định; nhà thầu khi biết nội dung hồ sơ yêu cầu thì chuẩn bị hồ sơ đáp ứng được những yêu cầu đó; tiếp theo là giai đoạn đánh giá hồ sơ và đưa ra việc thẩm định, đánh giá và chuẩn duyệt kết quả chỉ định thầu; cuối cùng nếu kết quả chỉ định thầu đạt yêu cầu thì sẽ tiến tới ký kết hợp đồng.
Quy trình chỉ định thầu rút gọn (chỉ áp dụng trong trường hợp để xử lý kịp thời hoặc khắc phục hậu quả do sự kiện bất khả kháng; thực hiện gói thầu để kịp thời tránh gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc tránh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách hoặc trường hợp áp dụng hạn mức chỉ định thầu): gói thầu được giao trực tiếp cho nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm sau đó việc hoàn thiện tất cả thủ tục chỉ định thầu diễn ra trong vòng 15 ngày và đi đến ký kết hợp đồng. Trường hợp thực hiện hình thức chỉ định thầu có hạn mức chỉ định thầu thì ngoài việc thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn vẫn có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu thông thường.
Luật sư
Nếu trong trường hợp chỉ định thầu trái phép thì có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan nhà nước khi phát hiện ra sai phạm về đấu thầu trong trường hợp áp dụng chỉ định thầu khi không đủ điều kiện hay áp dụng vượt hạn mức chỉ định thầu luật cho phép sẽ đưa ra các hình thức xử lý khác nhau.
Khi chỉ định thầu trái phép mà gây ra thiệt hại thực tế thì chắc chắn phải bồi thường và khắc phục hậu quả. Việc bồi thường thiệt hại áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu mà gây thiệt hại được thực hiện theo nguyên tắc bồi thường của pháp luật dân sự. Trong đó, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có lỗi thì phải bồi thường và bồi thường đối với mọi thiệt hại mà mình gây ra.
Mức độ nặng nhất trong trường hợp vi phạm chỉ định thầu là bị xử lý hình sự. Hành vi chỉ định thầu trái pháp luật có thể sẽ cấu thành nên tội phạm quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, mức hình phạt cao nhất trong tội này có thể lên tới 20 năm tù giam; ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị cấm làm công việc nhất định hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn từ 01 đến 05 năm và có thể bị tịch thu tài sản.
Mục lục bài viết
1. Chuyển hình thức thầu khi vượt quá giá trị chỉ định thầu:
Tóm tắt câu hỏi:
Chúng tôi có gói thầu dịch vụ công thực hiện rất nhiều công việc liên quan đến hoạt động địa chính. Giá trị lên tới 1,5 tỷ đồng, đúng theo quy định thì là chỉ định thầu nhưng chúng tôi lại không thực hiện được do dự toán đặt ra có hạn mức lớn. Vậy chúng tôi có thể lựa chọn hình thức khác hay không? Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 của Luật đấu thầu 2013
“…e) Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.”
Đây thuộc một trong những trường hợp áp dụng chỉ định thầu, tuy nhiên do dự toán cao và cũng tại quy định
“Điều 54. Hạn mức chỉ định thầu
Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:
1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.”
Mặt khác tại Khoản 3 Điều 22 Luật đấu thầu 2013
“3. Đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều này và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại khoản 2 Điều này nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các điều 20, 21, 23 và 24 của Luật này thì khuyến khích áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác.”
Như vậy, vì hạn mức không nằm trong giới hạn áp dụng chỉ định thầu, bên bạn có thể chuyển sang hình thức khác phù hợp cho gói thầu của mình.
2. Gói thầu 280 triệu có được áp dụng chỉ định thầu?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Tôi đang phải làm hồ sơ mua phần mềm phục vụ sản xuất kinh doanh cho máy tính của nhà cung cấp đã được cấp trên chỉ định, trị giá 280 triệu. Luật sư tư vấn tôi có làm hồ sơ chỉ định thầu được không? Căn cứ văn bản nào? Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Chỉ định thầu là một trong bảy hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu được áp dụng để đảm bảo bí mật nhà nước, xử lý ngay và khắc phục trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết; đảm bảo tính tương thích về công nghệ và trong hạn mức quy định của pháp luật.
Gói mua phần mềm cho máy tính phục vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị bạn thuộc gói mua sắm hàng hóa thông dụng, có đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa, cần đảm bảo tính tương thích về công nghệ, không thuộc dự toán mua sắm thường xuyên của đơn vị, giá trị gói thầu là 280 triệu nhưng lại không nói rõ là sử dụng vốn của nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị hay sử dung nguồn vốn ngoài nhà nước (huy động vốn, vốn vay, vốn của đơn vị):
– Trường hợp sử dụng nguồn vốn của nhà nước: Điều 19, Thông tư 58/2016/TT-BTC, quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường được áp dụng đối với gói thầu quy định tại khoản 1, Điều 18 Thông tư 58/2016/TT-BTC có hạn mức từ trên 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.
– Trường hợp sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước: Căn cứ Điều 54, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định hạn mức chỉ định thầu được áp dụng với gói thầu có giá trị không quá 500 triệu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Như vậy, dựa trên nguồn vốn mà đơn vị sử dụng, bạn có thể xem xét trên trường hợp thực tế của đơn vị mình để xác định hình thức đấu thầu phù hợp.
3. Áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp dưới 100 triệu đồng:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi xin hỏi, tôi chuẩn bị thực hiện 1 số gói thầu xây lắp thuộc nguồn vốn thường xuyên dưới 100 triệu, tôi muốn thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Vậy thì tôi cần phải chuẩn bị những thủ tục gì? Tôi có cần phải lập dự toán không hay chỉ cần nộp báo giá rồi đi thẩm định giá là có thể chỉ định thầu?.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu năm 2013 và Điều 54
Căn cứ theo khoản 2 Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về quy trình chỉ định thầu rút gọn sẽ được thực hiện như sau:
+ Bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được chủ đầu tư xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác;
+ Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng;
+ Ký kết hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.
Từ đó, bạn bắt buộc phải thực hiện thủ tục lập dự toán cũng như các thủ tục cụ thể nêu trên để thực hiện chỉ định thầu rút gọn.
4. Trường hợp nào được áp dụng hình thức chỉ định thầu?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào Quý Công ty! Rất mong Quý Công ty giải đáp giúp sớm vướng mắc sau: Theo Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu thì hạn mức chỉ định thầu gồm 2 trường hợp:
1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Tuy nhiên, theo Thông tư 58/2016/TT-BTC hướng dẫn việc mua sắm tài sản thường xuyên từ NSNN thì quy định hạn mức chỉ định thầu là 100 triệu đồng. Vì vậy tôi có thắc mắc như sau: Dịch vụ công sử dụng kinh phí thường xuyên có là loại dịch vụ phải điều chỉnh theo Thông tư 58/2016/TT-BTC không? Nếu phải điều chỉnh thì có mâu thuẫn với Nghị định 63/2014/NĐ-CP không vì theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP cho phép hạn mức 500 triệu đồng nhưng Thông tư 58/2016/TT-BTC chỉ giới hạn 100 triệu đồng?
Hiện nay ở cơ quan tôi (sở Tài nguyên và Môi trường) thường có hoạt động thanh tra môi trường đột xuất, khi đó Sở thường chỉ định Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường trực thuộc trực tiếp thực hiện lấy và phân tích mẫu, kinh phí từ sự nghiệp môi trường cấp hàng năm cho Sở. Vì nếu phải đấu thầu thì mất nhiều thời gian, không kịp thời. Theo quy định thì đây là dịch vụ sự nghiệp công (là 1 loại dịch vụ công). Như vậy, nếu giá trị công việc lớn hơn 100 triệu đồng thì có áp dụng chỉ định thầu được không? Rất mong sớm nhận được giải đáp của Quý Công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định hạn mức chỉ định thầu như sau: Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC chỉ định thầu áp dụng với hai trường hợp:
– Trường hợp 1: Theo quy định của Khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu 2013.
– Trường hợp 2: Các khoản mua sắm phục vụ cho hoạt động thương xuyên của cơ quan đơn vị có giá trị không quá 100 triệu đồng.
Như vậy, Thông tư 58/2016/TT-BTC áp dụng cho cả hai trường hợp gồm chi phí cho hoạt động thường xuyên và gói thầu có giá trị trong hạn mức của Nghị định 63/2014/NĐ-CP (Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công).
Luật sư tư vấn trường hợp áp dụng chỉ định thầu: 1900.6568
Theo như bạn trình bày, Cơ quan bạn (Sở Tài nguyên và môi trường) thường có hoạt động thanh tra môi trường đột xuất, sở thường chỉ định trung tâm quan trắc và môi trường trực thuộc thực hiện lấy mẫu và phân tích mẫu kinh phí từ sự nghiệp cấp hàng năm (dịch vụ công) thuộc trường hợp quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 2 Thông tư 58/2016/TT-BT, nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa khi sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước gồm Nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường hợp giá trị công việc của hoạt động này là hơn 100 triệu cần xác định có thuộc khoản chi phí thường xuyên hay không?
+ Nếu thuộc khoản chi phí thường xuyên thì sẽ không được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu mà phải áp dụng theo hình thức chào hàng cạnh tranh theo quy định tại điều 19 Thông tư 58/2016/TT-BTC :
“Điều 19. Quy trình chào hàng cạnh tranh
1. Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu tại Khoản 1 Điều 18 có giá gói thầu từ trên 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
2. Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu tại Khoản 1 Điều 18 có giá gói thầu không quá 200 triệu đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.”
+ Nếu trường hợp là khoản chi phí không thường xuyên thì sẽ áp dụng theo hình thức chỉ định thầu thông thường theo quy định tại Điều 16 Thông tư 58/2016/TT-BTC.