Thế nào là mua sắm thường xuyên? Các hình thức lựa chọn nhà thầu áp dụng đối với mua sắm thường xuyên? Hạn mức áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu? Điều kiện áp dụng hình thức mua sắm thường xuyên? Chia tách gói thầu mua sắm thường xuyên có vi phạm không? Quy trình thực hiện gói thầu mua sắm thường xuyên?
Việc mua sắm nhằm duy trì các hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp là hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu, cũng như các văn bản pháp luật của Bộ Tài Chính. Để đảm bảo việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật đấu thầu, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, công khai và hiệu quả kinh tế đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến các hạn mức áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm thường xuyên.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là mua sắm thường xuyên?
- 2 2. Các hình thức lựa chọn nhà thầu áp dụng đối với mua sắm thường xuyên:
- 3 3. Hạn mức áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu:
- 4 4. Điều kiện áp dụng hình thức mua sắm thường xuyên:
- 5 5. Chia tách gói thầu mua sắm thường xuyên có vi phạm không?
- 6 6. Quy trình thực hiện gói thầu mua sắm thường xuyên:
1. Thế nào là mua sắm thường xuyên?
Mua sắm thường xuyên được hiểu là việc thực hiện các gói thầu nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp bằng các nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước (theo
Nội dung mua sắm đối với hoạt động mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, tổ chức bao gồm:
Mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác theo tiêu chuẩn và định mức áp dụng đối với các cơ quan, các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
Mua sắm thiết bị, máy móc để đảm bảo điều kiện lao động an toàn, phòng cháy chữa cháy và để phục vụ các hoạt động chuyên môn;
Mua sắm phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, xe đạp, phương tiện đường thuỷ và các loại phương tiện khác;
Mua sắm nhiên liệu, hoá chất, dược liệu, vật tư tiêu hao, các vật phẩm đảm bảo hoạt động thường xuyên;
Mua sắm đồng phục, quân phục, trang phục đặc thù của các ngành, các lĩnh vực, đồ bảo hộ lao động theo quy định của pháp luật, bao gồm cả mua sắm nguyên vật liệu, bản thiết kế và chi phí may đo);
Mua sắm các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: máy móc, thiết bị, phần cứng, phần mềm, các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, bao gồm cả phần lắp đặt, chạy thử, bảo hành thuộc dự án CNTT sử dụng vốn sự nghiệp theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách;
Mua sắm các sản phẩm in ấn, tư liệu, ấn phẩm, ấn chỉ, các loại biểu mẫu…; sách, văn hoá phẩm, các sản phẩm, dịch vụ tuyên truyền, truyền thông, giới thiệu phục vụ cho công tác chuyên môn;
Các dịch vụ phi tư vấn bao gồm: Thuê bảo trì phương tiện làm việc, phương tiện giao thông thuộc sở hữu của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; thuê bảo trì, sửa chữa máy móc, phương tiện làm việc….; dịch vụ sửa chữa nhỏ lẻ đối với trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị….; dịch vụ thuê nơi làm việc, thuê xe phục vụ di chuyển cần thiết….; dịch vụ vệ sinh; dịch vụ bảo vệ; dịch vụ tổ chức sự kiện; dịch vụ đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; dịch vụ tổ chức hội thảo……
Các dịch vụ tư vấn bao gồm: Tư vấn lựa chọn công nghệ, tư vấn thực hiện một hoặc một số nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu….
Bản quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền sở hữu trí tuệ…
Các loại tài sản, hàng hoá, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn khác nằm trong dự toán mua sắm và nhằm mục đích duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, tổ chức….
Các loại tài sản, hàng hoá, dịch vụ phi tư vấn, tư vấn nêu trên đây đều được gọi chung là tài sản, hàng hoá, dịch vụ và được coi là nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 58/2016/TT-BTC.
Luật sư
2. Các hình thức lựa chọn nhà thầu áp dụng đối với mua sắm thường xuyên:
Các hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng đối với mua sắm thường xuyên bao gồm:
Chỉ định thầu
Chào hàng cạnh tranh (theo quy trình thông thường và quy trình rút gọn)
Đấu thầu rộng rãi
Đấu thầu hạn chế
Mua sắm trực tiếp
Tự thực hiện
Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt
3. Hạn mức áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu:
Thứ nhất, hạn mức áp dụng chỉ định thầu theo quy trình rút gọn:
Chỉ định thầu theo quy trình rút gọn được áp dụng đối với các gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không vượt quá 100.000.000 đồng (theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC)
Thứ hai, hạn mức áp dụng chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn:
Quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn được áp dụng đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hoá, dịch vụ thông dụng, đơn giản, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hoá thuộc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không vượt quá 200.000.000 đồng (theo quy định tài Khoản 2 Điều 19 Thông tư 58/2016/TT-BTC)
Thứ ba, hạn mức áp dụng chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường:
Quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường được áp dụng đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hoá, dịch vụ thông dụng, đơn giản, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hoá thuộc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 200.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng (theo quy định tài Khoản 1 Điều 19 Thông tư 58/2016/TT-BTC)
Thứ tư, các gói thầu có giá gói thầu từ hai tỉ đồng trở lên hoặc các gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật, không đủ điều kiện áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác thì Chủ đầu tư xem xét, lựa chọn hình thức Đấu thầu rộng rãi.
Các Chủ đầu tư, Bên mời thầu cần lưu ý khi áp dụng quy định của pháp luật về đấu thầu, phân biệt giữa hạn mức áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển và các gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Đồng thời, cần đảm bảo chế độ đăng tải các thông tin trong đấu thầu lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đúng thời hạn quy định.
4. Điều kiện áp dụng hình thức mua sắm thường xuyên:
Tóm tắt câu hỏi:
Anh chị cho em hỏi: Bên em là đơn vị sự nghiệp công lập được giao mua sắm thiết bị như: máy tính và thiết bị văn phòng từ nguồn chi không thường xuyên, thì có áp dụng hình thức mua sắm thường xuyên không? Em muốn áp dụng hình thức hàng hoá thông dụng có sẵn trên thị trường được không? Vì mua sắm thường xuyên áp dụng chào hàng cạnh tranh rút gọn với gói dưới 200 triệu đồng, hàng hoá thông dụng áp dụng chào hàng cạnh tranh rút gọn hạn mức dưới 1 tỷ đồng?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 46 Luật đấu thầu 2013 quy định điều kiện áp dụng mua sắm thường xuyên như sau:
“Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng mua sắm thường xuyên đối với hàng hóa, dịch vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên;
2. Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mua sắm thường xuyên để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị.”
Như bạn trình bày, đơn vị bạn được giao mua sắm thiết bị như: máy tính và thiết bị văn phòng từ nguồn chi không thường xuyên thì đơn vị bạn sẽ không đủ điều kiện áp dụng hình thức mua sắm thường xuyên.
Do bạn không nói rõ hạn mức gói thầu của đơn vị bạn, do đó bạn có thể tham khảo thêm quy định tại Luật đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Thông tư 58/2016/TT-BTC để lựa chọn hình thức đầu thầu phù hợp có thể là chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh,…
5. Chia tách gói thầu mua sắm thường xuyên có vi phạm không?
Tóm tắt câu hỏi:
Cơ quan chúng tôi là đơn vị sự nghiệp công lập. Tháng 4 năm 2016 chúng tôi được giao kế hoạch thực hiện một mô hình trình diễn khuyến nông. Có tổng vốn đầu tư của dự án là 116.160.000 đồng. trong đó mua con giống là 9.600.000 đồng. mua thức ăn chăn nuôi thủy sản là 106.560.000 đồng. Khi thực hiện mua thức ăn thủy sản chúng tôi chia tách làm 2 đợt đợt 1: 23.040.000 đồng, đợt 2 là 83.520.000 đồng. Mọi thủ tục hợp đồng và thanh toán tiền cho bên bán đã được cơ quan chủ quản thanh toán xong. Bây giờ cơ quan chủ quản phát hiện chúng tôi mua hàng hóa của 1 đơn vị cung ứng và có tổng giá trị hơn 100 triệu đồng nhưng lại tách thành 2 đợt là cố ý lách luật. Xin Luật sư tư vấn dúp liệu chúng tôi làm như vậy có vi phạm không , nếu vi phạm thì khắc phục như thế nào. Xin chân thành cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Điều 46 Luật đấu thầu 2013 quy định về điều kiện áp dụng gói thầu thường xuyên. Theo đó, Cơ quan bạn là đơn vị sự nghiệp công lập, nếu cơ quan bạn sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên để mua các hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa mua sắm thường xuyên nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị mình thì đơn vị của bạn sẽ đủ điều kiện để áp dụng hình thức mua sắm thường xuyên.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC thì đối với gói thầu mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) thì sẽ áp dụng hình thức chỉ định thầu. Còn đối với gói thầu mua sắm thường xuyên mà giá trị gói thầu từ 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) trở lên thì sẽ áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn theo khoản 2, Điều 19 Thông tư 58/2016/TT-BTC. Như vậy, theo như bạn trình bày thì tháng 4 năm 2016 cơ quan bạn được giao kế hoạch thực hiện một mô hình trình diễn khuyến nông. Có tổng vốn đầu tư của dự án là 116.160.000 đồng. trong đó mua con giống là 9.600.000 đồng. mua thức ăn chăn nuôi thủy sản là 106.560.000 đồng. Đối chiếu với quy định trên thì gói thầu của đơn vị bạn sẽ được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn.
Căn cứ theo điểm k, khoản 6 Điều 89 Luật đấu thầu 2013 thì cấm hành vi chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Ở đây, bạn nêu khi thực hiện mua thức ăn thủy sản đơn vị bạn chia tách làm 2 đợt: đợt 1 là 23.040.000 đồng, đợt 2 là 83.520.000 đồng. Và bên bạn mua hàng hóa của 1 đơn vị cung ứng và có tổng giá trị hơn 100 triệu đồng nhưng lại tách thành 2 đợt. Như vậy, với hành vi này của đơn vị bạn đã vi phạm điểm k, khoản 6, Điều 89 Luật đấu thầu 2013.
Và theo Điều 90 Luật đấu thầu 2013 thì khi tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Cụ thể, với hành vi vi phạm tại khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 thì đơn vị bạn sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Đồng thời, đơn vị bạn phải bồi thường thiệt hại cho phía chủ quản về hành vi vi phạm của mình.
6. Quy trình thực hiện gói thầu mua sắm thường xuyên:
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi: chuyên gia tư vấn luật theo Công văn số 9176/BTC-HCSN ngày 05/7/2016 của Bộ Tài chính, không hướng dẫn cụ thể việc mua sắm thường xuyên dưới 20 triệu đồng, vậy hiện tại việc mua sắm thường xuyên dưới 20 triệu đồng phải thực hiện như thế nào? Kính nhờ luật sư tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
– Tìm hiểu chung về việc mua sắm thường xuyên của các cơ quan, đơn vị:
Mua sắm thường xuyên là việc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 2
Điều 46
“Điều 46. Điều kiện áp dụng
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng mua sắm thường xuyên đối với hàng hóa, dịch vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên;
2. Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mua sắm thường xuyên để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị“.
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 58/2016/TT – BTC quy định về Nội dung mua sắm bao gồm: “Mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy; Mua sắm phương tiện vận chuyển: Ô tô, xe máy, tàu, thuyền, xuồng và các phương tiện vận chuyển khác (nếu có); Mua sắm nguyên nhiên liệu, xăng dầu, hóa chất, dược liệu, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư, vật liệu tiêu hao, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên; May sắm trang phục ngành, trang phục phục vụ hoạt động đặc thù của ngành, lĩnh vực theo quy định (như: quần áo bác sỹ, y tá, quần áo bệnh nhân, phạm nhân và các loại trang phục đặc thù của ngành nghề khác), bảo hộ lao động (gồm cả mua sắm vật liệu, mẫu thiết kế và công may); Mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin gồm: Máy móc, thiết bị, phụ kiện, phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác, bao gồm cả lắp đặt, chạy thử, bảo hành (nếu có) thuộc dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn sự nghiệp theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, ấn chỉ, tem; văn hóa phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm, dịch vụ để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ; Dịch vụ phi tư vấn bao gồm: Thuê các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; sửa chữa thường xuyên nhỏ, lẻ nhà cửa, công trình xây dựng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ bản; dịch vụ thuê trụ sở làm việc, nhà trạm, ô tô phục vụ công tác, vệ sinh công nghiệp; dịch vụ xử lý chất thải; dịch vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ thẩm định giá (nếu có); dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định; dịch vụ đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các dịch vụ phi tư vấn khác; Dịch vụ tư vấn bao gồm: Tư vấn lựa chọn công nghệ, tư vấn để lập, phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu và các dịch vụ tư vấn khác trong mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị; Bản quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ (nếu có); Các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn khác được mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị“.
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 58/2016/TT – BTC quy định về Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: “đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt“.
– Vấn đề mua sắm thường xuyên dưới 20 triệu đồng được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn:
Điều 15 Thông tư 58/2016/TT – BTC quy định về Các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu như sau:
“Điều 15. Các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu
1. Các gói thầu quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu, gồm:
a) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
b) Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm Mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;
c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;
d) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ Điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình.
2. Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).
3. Việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy định tại Điểm b, c, d Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải đáp ứng đủ các Điều kiện sau đây:
a) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
b) Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;
c) Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trừ gói thầu quy định tại Khoản 2 Điều này)“.
Như vậy, theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư 58/2016/TT – BTC đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) thuộc trường hợp áp dụng chỉ định thầu. Chiếu theo tình huống của bạn việc mua sắm thường xuyên dưới 20 triệu đồng được chỉ định thầu.
Chỉ định thầu trong trường hợp này phải đáp ứng các điều kiện là: Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày (Khoản 3 Điều 15 Thông tư 58/2016/TT – BTC).
Ngoài ra, Điều 17 Thông tư 58/2016/TT – BTC quy định về Quy trình chỉ định thầu rút gọn như sau:
“Điều 17. Quy trình chỉ định thầu rút gọn
1. Đối với gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 15, trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước:
Cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm: Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu, trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng. Trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu. Kết quả chỉ định thầu phải được công khai theo quy định.
2. Đối với gói thầu quy định tại Khoản 2 Điều 15:
a) Bên mời thầu căn cứ vào Mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được người có thẩm quyền xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác;
Luật sư
b) Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng;
c) Ký kết hợp đồng: Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.
3. Đối với các gói thầu được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này; nếu cơ quan, đơn vị thấy cần thiết phải tổ chức chỉ định thầu thông thường để bảo đảm Mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước thì tổ chức thực hiện chỉ định thầu thông thường“.
Như vậy,với gói thầu mua sắm thường xuyên dưới 20 triệu thì quy trình được thực hiện theo Khoản 2 Điều 17 Thông tư 58/2016/TT – BTC về quy trình chỉ định thầu rút gọn. Theo đó, bên mời thầu căn cứ vào Mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được người có thẩm quyền xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác; Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng; Ký kết hợp đồng: Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác. Còn nếu cơ quan, đơn vị thấy cần thiết phải tổ chức chỉ định thầu thông thường để bảo đảm Mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước thì tổ chức thực hiện chỉ định thầu thông thường.