Hạn đăng ký xe là gì? Pháp luật quy định như thế nào về hạn đăng ký xe? Đăng ký xe máy, ô tô muộn có bị phạt không? Trình tự, thủ tục đăng ký xe máy, ô tô hiện nay.
Đăng ký xe máy là nghĩa vụ của người sử dụng phương tiện giao thông để đảm bảo phương tiện giao thông của mình có đầy đủ thông tin về chủ xe, về thông số của xe… Việc đăng ký xe phải đảm bảo được thực hiện trong thời hạn quy định để xe lưu thông có đầy đủ giấy tờ chứng minh, tránh những lỗi về xe thiếu giấy tờ xe. Vậy hạn đăng ký xe là gì? Hạn đăng ký xe được quy định như thế nào? Và nếu đăng ký xe máy, ô tô muộn thì có bị phạt không?
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
–
–
– Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
– Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng;
– Thông tư số 229/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
– Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường.
Mục lục bài viết
1. Hạn đăng ký xe là gì?
Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hạn được xác định là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Theo đó có thể hiểu được hạn đăng ký xe là khoảng thời gian được quy định để thực hiện việc đăng ký xe, việc đăng ký xe được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phải đăng ký trong thời hạn được quy định.
2. Pháp luật quy định như thế nào về hạn đăng ký xe?
Căn cứ theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA thì việc đăng ký xe là nghĩa vụ bắt buộc, là trách nhiệm phải thực hiện của người mua xe và Thông tư cũng quy định rõ về thời hạn phải đăng ký xe sau khi mua xe. Theo quy định tại Điều 6 Thông tư này thì chủ xe có trách nhiệm đăng ký xe tại cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục cấp đăng ký, cấp biển số xe trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày mua xe. Thời gian này cũng áp dụng đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sở hữu xe thông qua chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế…
3. Đăng ký xe máy, ô tô muộn có bị phạt không?
Theo quy định của Thông tư số 58/2020/TT-BCA thì việc đăng ký xe là trách nhiệm, là nghĩa vụ của chủ xe. Do đó, nếu chủ xe không thực hiện nghĩa vụ đăng ký xe máy, ô tô hoặc là quá hạn đăng ký mà vẫn chưa thực hiện đăng ký thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Khi quá hạn đăng ký xe máy, xe ô tô mà chủ phương tiện xe vẫn chưa thực hiện đăng ký thì khi tham gia giao thông sẽ không có Giấy đăng ký xe. Theo đó, khi xe máy hoặc ô tô chưa đăng ký đúng hạn sẽ chủ phương tiện sẽ bị xử lý vi phạm về việc điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định của pháp luật hiện hành. Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì người có hành vi điều khiển xe không có Giấy đăng xe theo quy định bị phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng.
Đối với trường hợp mua lại xe máy, ô tô cũ hoặc phương tiện đó được chuyển nhượng, tặng cho, được thừa kế mà không làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển từ tên chủ xe cũ sang tên mình trong Giấy đăng ký xe mới. Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, đối với hành vi quá hạn mà không làm thủ tục đăng ký sang tên xe thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng đối với cá nhân và phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ của phương tiện xe máy, xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe mô tô.
Bên cạnh đó, đối với hành vi chậm đăng ký xe khiến cho chủ phương tiện điều khiển xe không có Giấy đăng ký thì người điều khiển xe máy, xe ô tô hay xe gắn máy có thể bị tạm giữ phương tiện không có Giấy đăng ký xe. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 32 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì để ngăn chặn vi phạm hành chính xảy ra đối với người điều khiển phương tiện giao thông không có Giấy đăng ký xe theo quy định của pháp luật thì người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 và khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Như vậy, chậm đăng ký xe máy, ô tô dẫn đến việc quá hạn mà người điều khiển xe máy, ô tô không có Giấy đăng ký xe thì không chỉ bị phạt tiền mà còn bị tạm thu giữ phương tiện giao thông.
4. Trình tự, thủ tục đăng ký xe máy, ô tô hiện nay:
Để đảm bảo xe lưu thông trên đường có đầy đủ giấy tờ và không mắc lỗi vi phạm hành chính thì chủ phương tiện phải thực hiện đăng ký xe máy hoặc ô tô trong thời gian quy định. Theo đó, để đăng ký xe máy, ô tô thì người đăng ký phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
4.1. Kê khai và nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy, ô tô:
Để thực hiện nộp lệ phí trước bạ đối với phương tiện giao thông thì người đăng ký phải làm hồ sơ khai lệ phí trước bạ theo quy định tại Phụ lục I được ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Cụ thể các giấy tờ bao gồm:
– Tờ khai lệ phí trước bạ được ban hành tại Mẫu số 02/LPTB;
– Bản sao Hợp đồng mua bán/ hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng xe máy, ô tô hợp pháp;
– Đối với trường hợp mua lại xe cũ hoặc nhận chuyển nhượng từ chủ cũ thì phải có Bản sao Giấy đăng ký xe máy, ô tô của chủ cũ;
– Đối với ô tô và các loại đầu kéo, máy kéo, các loại xe tương tự thì phải có Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp;
– Bản sao các giấy tờ chứng minh thuộc diện được miễn lệ phí trước bạ (nếu có).
Sau khi hoàn tất hồ sơ kê khai nộp lệ phí trước bạ thì người đăng ký phải thực hiện đóng lệ phí trước bạ tại cơ quan thuế – Chi cục Thuế cấp quận/ huyện nơi đăng ký quyền sở hữu xe. Tuy nhiên, hiện nay người nộp thuế có thể nộp qua hình thức online tại cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế nếu người đó nộp hồ sơ online tại trang web đó.
Theo đó, mức nộp lệ phí trước bạ hiện được quy định tại Nghị định số 140/2016/NĐ-CP, được thể hiện dưới dạng công thức sau:
Số tiền nộp lệ phí trước bạ = Giá tính lệ phí trước bạ x Mức thu lệ phí trước bạ (%)
4.2. Lập hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký xe máy, ô tô:
Sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ thì người đăng ký tiến hành lập hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký xe máy, ô tô. Theo đó, hồ sơ đăng ký xe được quy định tại Thông tư số 58/2020/TT-BCA bao gồm các giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký xe máy, ô tô theo Mẫu số 01 được ban hành kèm theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA;
– Giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe do nhà sản xuất cung cấp;
– Bản gốc hoá đơn, chứng từ mua bán xe giữa đại lý với người mua và Bản phô tô Hoá đơn, chứng từ giữa nhà sản xuất với đại lý bán xe;
– Giấy tờ chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ về ngân sách nhà nước. Trong trường hợp được miễn lệ phí trước bạ thì phải có xác nhận của cơ quan thuế có thẩm quyền;
– Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân hoặc Sổ hổ khẩu đối với chủ phương tiện đăng ký là cá nhân. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu chủ xe là tổ chức.
Sau khi hoàn tất hồ sơ nêu trên thì người đăng ký phải nộp hồ sơ đăng ký xe máy, ô tô tại Phòng cảnh sát giao thông thuộc cơ quan Công an cấp tỉnh nơi đăng ký thường và hoàn tất nghĩa vụ tài chính về lệ phí đăng ký xe. Mức lệ phí đăng ký xe máy/ ô tô được quy định cụ thể tại Điều 5 Thông tư số 229/2016/TT-BTC phù hợp với từng giá trị của xe và từng địa phương đăng ký.
4.3. Nhận Giấy chứng nhận đăng ký xe máy, ô tô:
Thời gian nhận Đăng ký xe được ghi trên giấy hẹn mà Phòng cảnh sát giao thông cấp cho người dân đăng ký xe máy, ô tô khi thu nhận hồ sơ. Cán bộ nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn chủ phương tiện giao thông đến cơ quan bảo hiểm để mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 58/2020/TT- BCA thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan công an có thẩm quyền nhận hồ sơ hợp lệ thì chủ xe nhận được Giấy chứng nhận đăng ký xe lần đầu, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký xe.