Hạn chế của các quy định pháp luật về bội chi ngân sách nhà nước. Pháp luật bội chi ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế cần phải sửa đổi.
Hạn chế của các quy định pháp luật về bội chi ngân sách nhà nước. Pháp luật bội chi ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế cần phải sửa đổi.
Pháp luật bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) ở Việt nam hiện nay, bên cạnh những ưu điểm của như đã nêu trên, nó còn nhiều những hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, hoàn thiện, cụ thể:
Thứ nhất, về bội chi và phương pháp tính bội chi NSNN
Luật ngân sách Nhà nước 2002 và văn bản hướng dẫn quy định bội chi ngân sách nhà nước là bội chi ngân sách trung ương (NSTW) và được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước. Bảo đảm bố trí ngân sách để chủ động trả hết nợ khi đến hạn. Chi NSTW bao gồm chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền do Chính phủ vay. Như vậy, khoản chi ngân sách này được phản ánh 2 lần trong ngân sách: lần thứ nhất, sử dụng nguồn vay để thực chi cho các nhiệm vụ như chi đầu tư, dự trữ,… lần thứ hai, được phản ánh trong chi trả nợ gốc khi đến hạn trả nợ vay. Do đó, mức bội chi ngân sách nhà nước của Việt Nam thường cao hơn so với phương pháp tính bội chi ngân sách theo thông lệ quốc tế.
Bội chi được tính bằng số vay mới trong năm, chi ngân sách nhà nước bao gồm toàn bộ chi trả nợ; không trừ đi trả nợ gốc. Phạm vi tính bội chi ngân sách nhà nước còn chưa phản ánh đầy đủ các khoản vay của Chính phủ như: vay bằng trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thuỷ lợi,…
Thứ hai, về phạm vi tính bội chi ngân sách:
Theo quy định của pháp luật hiện hành: Bội chi ngân sách nhà nước không phản ánh khoản vay bằng phát hành trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thuỷ lợi; khoản vay về cho vay lại,… Tuy nhiên, những khoản vay này được tính vào nghĩa vụ nợ của Chính phủ, nợ công và được bố trí để trả nợ. Nhiều nước trên thế giới đều thực hiện nguyên tắc phản ánh đầy đủ các khoản vay thuộc nghĩa vụ nợ của Chính phủ vào cân đối NSNN.
Hiện nay, Chính phủ thực hiện vay ngoài nước với 2 mục tiêu được xác định là: (1) vay ưu đãi từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước để đầu tư các chương trình, dự án thuộc kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp; (2) vay ưu đãi, vay thương mại của các nước và các tổ chức quốc tế để thực hiện cho vay lại đối với các dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn (bao gồm cả các dự án cơ sở hạ tầng). Khoản vay về cho vay lại này không tính vào bội chi ngân sách nhà nước. Về lâu dài, nên bỏ cơ chế Chính phủ vay về cho vay lại, các doanh nghiệp tự vay trên thị trường vốn và tự bố trí nguồn trả nợ; trường hợp thật cần thiết thì Nhà nước bảo lãnh. Trước mắt, khi còn tiếp tục thực hiện cơ chế vay về cho vay lại thì thực hiện theo dõi và quản lý thông qua Quỹ tích luỹ trả nợ, không phản ánh vào cân đối NSNN (không tính vào bội chi NSNN) vì đây là khoản vay đã xác định được nguồn để trả nợ, mặt khác đối tượng nhận vay chủ yếu là các doanh nghiệp, không phải là đối tượng của NSNN.
Thứ ba, về giới hạn mức huy động vốn của ngân sách cấp tỉnh.
Quy định hiện hành có quy định giới hạn mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không quá 30% (100% đối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) Đối với khoản vay của chính quyền địa phương để đầu tư dự án có khả năng thu hồi vốn thì không tính vào giới hạn dư nợ trên theo đúng quy định.
Thực hiện chính sách này đã tạo điều kiện cho các địa phương chủ động huy động thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội ở địa phương, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hoà,… đã thực hiện khá tốt cơ chế này để phát triển cơ sở hạ tầng mà vẫn đảm bảo nguồn trả nợ.
Thứ tư, chưa có quy định cụ thể về quản lý vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN.
Quản lý vốn đầu tư phát triển là một nội dung quan trọng trong quản lý chi NSNN. Hiện nay, chưa có quy định đầy đủ về quản lý vốn đầu tư phát triển (lập dự toán, phân bổ vốn, thanh toán và quyết toán vốn, dự án đầu tư), mà chỉ được quy định ở các văn bản dưới Luật (Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ), dẫn đến tính pháp lý không cao, trong tổ chức thực hiện còn tình trạng bố trí vốn cho nhiều dự án chưa đúng với quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa đủ thủ tục, chưa căn cứ vào nguồn lực và còn dàn trải, làm cho dự án đầu tư triển khai chậm, kéo dài thời gian thực hiện, giảm hiệu quả vốn đầu tư NSNN.
Thứ năm, về các quy định khác có liên quan đến quản lý NSNN có tác động đến tình trạng bội chi NSNN
Đất nước ta đang trong quá trình phát triển, quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, trình độ lao động chưa cao, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế… Chính vì vậy nguồn thu NSNN chưa lớn và không thưc sự vững chắc, một số nguồn thu lớn vẫn phụ thuộc vào giá cả thị trường thế giới (thu từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu …) điều đó đã gây khó khăn cho công tác tăng thu, giảm chi và kiềm chế bội chi NSNN ở nước ta.
Những quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng thất thu, trốn thuế, công tác kiểm tra, giám sát việc thu chi ngân sách cũng là nguyên nhân tác động xấu đến bội chi ngân sách Nhà nước.
Lãi suất vay trong thời gian qua còn cao, thời gian vay còn ngắn, ít có những khoản vay dài hạn, trong khi đó nhiều khoản vay được dùng để xây dựng đầu tư cơ bản với thời gian thu hồi vốn dài đã gây khó khăn cho công tác thu ngân sách. Mặt khác nhiều dự án đầu tư không mang lại hiệu quả, nhiều chủ dự án không có khả năng trả nợ, tình trạng tham ô, tham nhũng ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực còn diễn ra phổ biến cũng là những nguyên nhân gây thất thoát lãng phí trong việc sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Đối với những khoản vay nước ngoài, mặc dù được ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn với khối lượng tương đối lớn, tuy nhiên đây là những khoản vay theo chương trình, theo những điều khoản đã được định sẵn trong các hợp đồng vay nợ mà bên đối tác đưa ra, vì vậy mà nếu như ta không có sự chuẩn bị kỹ càng, xem xét kĩ tính khả thi của từng dự án, thẩm định, duyệt dự án một cách rõ ràng thì có thể gây ra hiệu quả không được như mong đợi gây thất thoát và thiệt hại cho NSNN khi phải thực hiện điều kiện của đối tác và lại đè nặng lên NSNN khi phải chi để trả nợ cho các khoản vay trước đó.
Riêng đối với việc cân đối ngân sách Nhà nước hiện nay, thì tình trạng ngân sách trung ương cân đối hộ ngân sách địa phương bằng những chỉ tiêu, những định mức quy định cho từng địa phương. Chính những quy định này đã làm mất đi tính sáng tạo chủ động trong hoạt động thu, chi của các địa phương. Mặt khác chính hệ thống ngân sách lồng ghép hiện đang áp dụng ở nước ta (nghĩa là ngân sách cấp trên phải “ôm” cả ngân sách cấp dưới) đang tạo ra sự ỷ lại, thụ động, trông chờ của địa phương vào sự phân bổ ngân sách của cấp trên. Đây là một nhược điểm rất lớn trong cơ chế quản lý ngân sách ở nước ta khi đã bỏ “nền kinh tế bao cấp” để phát triển nền kinh tế thị trường. Hậu quả rõ ràng nhất là việc cân đối ngân sách địa phương như hiện nay, nhất là đối với các tỉnh điều tiết ngân sách về trung ương đã làm nguồn lực ngân sách nhà nước bị phân tán khiến ngân sách trung ương luôn trong tình trạng khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển, trong khi địa phương không có sự chủ động trong quản lý ngân sách.
Ngoài ra hiện vẫn còn những đề mục chi trả nợ gốc trong cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước, phản ánh sai bản chất các nghiệp vụ tài chính ngân sách, khiến cho công đoạn thủ tục còn rườm rà gây chậm trễ trong việc thu, chi ngân sách ảnh hưởng đến công tác quản lý và hoạch định mức bội chi ngân sách nhà nước của chúng ta.