Trong cuộc sống hôn nhân gia đình hiện nay, việc lập di chúc chung của vợ chồng không chỉ đảm bảo sự an toàn cho tài sản, mà còn thể hiện tình cảm và sự quan tâm giữa vợ chồng với nhau. Vậy hai vợ chồng có được phép lập di chúc chung hay không?
Mục lục bài viết
1. Quy định về quyền lập di chúc chung của hai vợ chồng:
1.1. Hiểu như thế nào về di chúc chung vợ chồng?
Pháp luật hiện nay chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào về khái niệm di chúc chung của vợ chồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 29 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, có quy định, vợ chồng hoàn toàn bình đẳng với nhau trong việc sử dụng, chiếm hữu hoặc định đoạt tài sản chung mà không có bất kỳ sự phân biệt nào giữa lao động có thu nhập và lao động không thu nhập trong gia đình. Xuất phát từ phương diện nhân đạo cho nên pháp luật luôn luôn tạo nên sự bình đẳng trong mối quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng. Cụ thể, tài sản chung của vợ chồng bao gồm những đối tượng cơ bản sau:
– Các loại tài sản do vợ chồng cùng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, tài sản có được từ hoạt động sản xuất và kinh doanh, thu nhập có được từ lao động hoặc lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân, và những nguồn thu hợp pháp khác phát sinh trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật;
– Tài sản chung của vợ chồng được xác định là tài sản được tặng cho hoặc thừa kế chung trong thời kỳ hôn nhân, các loại tài sản khác mặc dù là tài sản riêng nhưng vợ chồng đều thừa nhận đó là tài sản chung;
– Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được trong thời kỳ kết hôn với nhau tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp một bên vợ hoặc chồng được tặng cho riêng hoặc được nhận thừa kế riêng quyền sử dụng đất đó, hoặc bất động sản có được bằng các giao dịch dân sự phát sinh từ tài sản riêng;
– Tài sản của vợ chồng được sở hữu chung hợp nhất theo quy định của pháp luật và được sử dụng với mục đích nhằm đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu của cả gia đình, và thực hiện nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm của cả hai vợ chồng;
– Tài sản sẽ được xem là tài sản chung của vợ chồng khi một trong hai bên vợ chồng không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh đó là tài sản riêng, hay nói cách khác, nếu không chứng minh được đó là tài sản riêng thì sẽ coi là tài sản chung.
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, thì có thể nói việc lập di chúc chung của cả hai vợ chồng cũng không có bất kỳ quy định cụ thể nào. Pháp luật hiện nay đặt ra chế định riêng về di chúc, và cũng không có bất kỳ quy định nào nghiêm cấm hành vi vợ chồng lập di chúc chung. Theo nguyên tắc thì người dân sẽ được quyền làm những điều mà pháp luật không cấm. Trên thực tế, việc sửa đổi và thay thế, bổ sung hoặc hủy bỏ di chúc đều cần đến sự đồng ý của một bên vợ chồng còn lại. Trường hợp, một trong hai vợ hoặc chồng đã qua đời thì người còn lại sẽ chỉ được bổ sung hoặc sửa đổi di chúc có liên quan đến phần tài sản của mình. Do đó cho nên việc xác định tài sản và phân chia sẽ gặp nhiều khó khăn hơn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vì thế có thể hiểu: Di chúc chung của vợ chồng là việc người lập di chúc quyết định về phân chia tài sản chung của cả hai người sau khi vợ chồng qua đời. Căn cứ theo quy định tại Điều 33 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì có thể nói, tài sản chung của vợ chồng được xác định là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của cả hai vợ chồng theo quy định của pháp luật. Vì thế cho nên di chúc chung của vợ chồng chính là sự thể hiện ý chí chung thống nhất của cả hai vợ chồng với mục đích chuyển giao tài sản chung hợp nhất của cả hai vợ chồng cho người khác sau khi hai vợ chồng qua đời.
Nhìn chung thì, di chúc chung là văn bản mà hai vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau viết ra nhằm quản lý tài sản và được coi là tài liệu sau khi một trong hai người đã khuất. Điều này nhằm đảm bảo rằng mong muốn của cả hai bên sẽ được thực hiện và tránh tranh chấp tìm ẩn đằng sau kéo theo những hệ lụy không đáng có. Tuy nhiên để có thể đảm bảo tính pháp lý và hiệu quả của di chúc chung, trong quá trình lập phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật xoay quanh vấn đề này.
1.2. Hai vợ chồng có được phép lập di chúc chung không?
Trước đây, căn cứ theo quy định tại Điều 663 của Bộ luật dân sự năm 2005 có ghi nhận, vợ chồng có thể lập di chúc chung để tiến hành hoạt động định đoạt tài sản chung theo quy định của pháp luật, ngoài ra thì di chúc chung của vợ chồng sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm người sau cùng qua đời hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết.
Tuy nhiên theo quy định hiện nay, Bộ luật dân sự năm 2015, không có bất cứ điều khoản nào ghi nhận cụ thể về việc lập di chúc chung của vợ chồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 625 của Bộ luật dân sự năm 2015 có ghi nhận, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi cá nhân đó qua đời. Và không có bất kỳ quy định nào nghiêm cấm việc vợ chồng lập di chúc chung. Đồng thời thì pháp luật cũng có quy định về đối tượng được lập di chúc bao gồm:
– Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật, có tinh thần minh mẫn và sáng suốt trong quá trình lập di chúc, không bị lừa dối hoặc đe dọa bởi bất kỳ chủ đề nào;
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi vẫn có quyền lập di chúc nếu có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.
Ngoài ra pháp luật còn quy định về một số quyền của người lập di chúc như sau:
– Có quyền chỉ định người thừa kế theo mong muốn của mình và có quyền truất quyền hưởng di sản thừa kế của người thừa kế;
– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế nhất định;
– Dành một phần trong khối di sản để di tặng hoặc thờ cúng theo nguyện vọng của bản thân;
– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế và chỉ định người giữ di chúc, chỉ định người quản lý di chúc và người phân chia di sản.
Như vậy thì có thể nói, pháp luật không có quy định nào nghiêm cấm vợ chồng lập di chúc chung. Do đó việc lập di chúc chung hay di chúc riêng của vợ chồng tùy thuộc vào ý chí của mỗi gia đình. Vì vậy nếu như có nguyện vọng và nhu cầu thì hai vợ chồng hoàn toàn vẫn có thể được lập di chúc chung. Hành vi này không bị coi là vi phạm quy định của pháp luật.
Tuy nhiên bản di chúc chung này sẽ có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn đầy đủ các điều kiện căn cứ theo quy định tại Điều 630 của Bộ đội từ năm 2015. Trong trường hợp hai vợ chồng mong muốn được lập di chúc chung, thì bản di chúc đó vẫn phải được lập thành hai bản, và mong muốn chia tài sản của hai vợ chồng được thể hiện trong các bản di chúc là đồng nhất với nhau.
2. Quy định về sửa đổi di chúc chung của hai vợ chồng:
Hiện nay căn cứ theo quy định tại Điều 640 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề sửa đổi và bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc. Tuy nhiên pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể nào đề cập đến trường hợp di chúc chung của hai vợ chồng sửa đổi hoặc hủy bỏ. Cụ thể vấn đề sửa đổi hoặc bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc được ghi nhận đối với những bản di chúc thông thường như sau:
– Người lập di chúc có quyền sửa đổi hoặc bổ sung, có quyền hủy bỏ hoặc thay thế di chúc đã lập vào bất cứ thời điểm nào theo nguyện vọng của bản thân;
– Trong trường hợp người lập di chúc mong muốn được bổ sung di chúc, thì di chúc đã lập trước đó và phân bổ sung sẽ có hiệu lực pháp luật như nhau, nếu như một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung có mâu thuẫn với nhau thì theo quy định của pháp luật hiện nay, chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật, còn phần di chúc bị bổ sung sẽ không còn hiệu lực;
– Trường hợp người lập di chúc tiến hành hoạt động thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước đó sẽ bị hủy bỏ và di chúc sau sẽ có hiệu lực trên thực tế.
Theo đó có thể nói, trong trường hợp vợ hoặc chồng lập di chúc chung, một bên còn lại đã qua đời và một bên vẫn còn sống thì vẫn hoàn toàn có quyền sửa đổi di chúc theo nguyện vọng của bản thân. Tuy nhiên người còn sống chỉ có thể sửa đổi hoặc bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình mà không có quyền thay đổi bản di chúc đối với tài sản của những người đã qua đời.
3. Quy định về hiệu lực di chúc chung của hai vợ chồng:
Khác với quy định được ghi nhận tại Bộ luật dân sự năm 2005 trước đó, hiện nay tại Điều 643 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hiệu lực của di chúc. Theo đó di chúc sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế. Di chúc sẽ không có hiệu lực toàn bộ hoặc di chúc không có hiệu lực một phần trong một số trường hợp cơ bản dưới đây:
– Những người được xác định là người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
– Các đối tượng là cơ quan hoặc tổ chức được chỉ định làm người thừa kế chấm dứt tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
– Di chúc không có hiệu lực trên thực tế và nếu như di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế, hoặc nếu như di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì theo quy định của pháp luật hiện nay, phần di chúc đối với phần di sản còn lại vẫn sẽ có hiệu lực;
– Khi di chúc có phân công hợp tác tuy nhiên phần này không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại, thì chỉ phần đó không có hiệu lực, những phần còn lại vẫn sẽ có hiệu lực. Ngoài ra khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản khác nhau thì bản di chúc sau cùng sẽ có hiệu lực.
Căn cứ theo quy định tại Điều 611 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời điểm mở thừa kế sẽ được xác định là thời điểm người có tài sản chết. Như vậy, nhìn chung thì có thể nói, di chúc chung của vợ chồng sẽ phát sinh hiệu lực trong những trường hợp cơ bản sau đây:
– Một trong hai người qua đời. Nếu như một trong hai vợ chồng qua đời thì di chúc chung sẽ tự động có hiệu lực trên thực tế. Điều này có nghĩa là các điều khoản và các quyết định trong di chúc chung sẽ được thực thi, và áp dụng trên thực tế sau khi người vợ hoặc người chồng đó qua đời;
– Cả hai vợ chồng cùng qua đời. Trong trường hợp cả hai vợ chồng đều qua đời thì di chúc chung cũng sẽ phát sinh hiệu lực trên thực tế. Điều này đồng nghĩa với việc các điều khoản và quyết định trong di chúc chung của hai vợ chồng sẽ được thực hiện theo mong muốn của cả hai vợ chồng.
Như vậy thì, di chúc chung của hai vợ chồng sẽ phát sinh hiệu lực sau khi một trong hai vợ chồng qua đời và khi cả hai vợ chồng cùng qua đời, nhằm mục đích thực hiện và tuân theo sự sắp đặt mà hai vợ chồng đã đặt ra và được ghi nhận trong di chúc chung.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.