Trong trường hợp vợ chồng bất đồng quan điểm với nhau thì có được xem là căn cứ để ly hôn hay không? Bài viết sau đây sẽ phân tích các quy định pháp luật có liên quan về việc ly hôn khi bất đồng quan điểm.
Mục lục bài viết
1. Hai vợ chồng bất đồng quan điểm có được ly hôn không?
Trong cuộc sống gia đình thường ngày, mâu thuẫn, bất đồng quan điểm là những điều không thể tránh khỏi và là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm rạn nứt tình cảm vợ chồng. Một khi những mâu thuẫn đó không được giải quyết, chúng sẽ tích tụ dần và khiến cho đời sống vợ chồng trở nên mệt mỏi, không muốn tiếp tục cuộc sống hôn nhân và tìm lối thoát cho bản thân mình. Đó là ly hôn.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về hai trường hợp ly hôn: Ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình.
1.1. Ly hôn đơn phương:
Trường hợp ly hôn đơn phương được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Khi một trong hai bên vợ chồng yêu cầu ly hôn mà các nỗ lực hòa giải tại Tòa án không thành, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ cho thấy rằng một trong hai bên đã có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng, làm cho đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng và không thể tiếp tục kéo dài, đồng thời mục đích của hôn nhân không thể đạt được.
Quy định này đã cho phép vợ, chồng được đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, khác với thuận tình ly hôn được Tòa án xem xét trên cơ sở tự nguyện, thuận tình của cả hai bên thì ly hôn đơn phương lại được Tòa án xem xét dựa trên những bằng chứng, căn cứ mà bên có yêu cầu đơn phương ly hôn đưa ra để chứng minh rằng “hôn nhân đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.”
Để giải thích cho căn cứ này, Nghị quyết
– Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
+ Vợ chồng không yêu thương, tôn trọng, quan tâm và hỗ trợ nhau họ chỉ coi đối phương như một phần của trách nhiệm và bỏ qua mong muốn và nhu cầu riêng của người kia, mặc dù đã nhận được sự nhắc nhở và hòa giải từ gia đình hoặc các tổ chức liên quan nhiều lần.
+ Vợ chồng ngược đãi, hành hạ nhau, có những hành vi bạo hành về thể chất hoặc các hành vi khác làm tổn hại danh dự, phẩm chất và uy tín của đối phương, đã được gia đình hoặc các cơ quan, tổ chức liên quan nhắc nhở và hòa giải nhiều lần.
+ Vợ chồng không chung thủy trong hôn nhân, có quan hệ ngoại tình mặc dù đã nhận được sự khuyên bảo từ vợ hoặc chồng, gia đình hoặc các tổ chức liên quan, nhưng vẫn tiếp tục hành động hành vi ngoại tình.
– Để có cơ sở nhận định rằng đời sống hôn nhân không thể tiếp tục kéo dài, thì cần dựa trên tình trạng trầm trọng hiện tại của mối quan hệ vợ chồng như đã nêu ở trên. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở và đã nỗ lực hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có hành vi ngoại tình hoặc sống ly thân, bỏ mặc nhau, hoặc tiếp tục ngược đãi và xúc phạm nhau, thì có cơ sở để kết luận rằng cuộc sống hôn nhân không còn có khả năng tiếp tục.
– Mục đích của hôn nhân không đạt được là khi tình nghĩa vợ chồng không còn, không có sự công bằng trong việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi, không có sự tôn trọng đối với danh dự, nhân phẩm, và uy tín của đối phương, không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhau, và không hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Như vậy, khi nộp đơn để đơn phương ly hôn nếu có bất đồng quan điểm tại Tòa án thì bạn phải chứng minh rằng những bất đồng đó khiến cho cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và không thể tiếp tục kéo dài thì Tòa án mới giải quyết cho ly hôn.
Một điểm cần lưu ý đối với trường hợp đơn phương ly hôn này được nhấn mạnh tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 rằng người chồng sẽ không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
1.2. Ly hôn thuận tình:
Điều kiện ly hôn thuận tình được quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: Trong trường hợp cả vợ và chồng đều đồng ý ly hôn và đã đạt được thỏa thuận về phân chia tài sản cũng như việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con, Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của vợ và con cái, Tòa án sẽ phải can thiệp để giải quyết vấn đề ly hôn.
Như vậy, khi cuộc sống gia đình trở nên bế tắc, những mâu thuẫn, bất đồng không được giải quyết và vợ chồng cùng có yêu cầu ly hôn, nếu Tòa án đã xem xét đầy đủ các yếu tố tự nguyện, có thỏa thuận về tài sản, nuôi con, cấp dưỡng trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người vợ và con thì Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn.
2. Thủ tục ly hôn:
Thủ tục ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình về cơ bản không có quá nhiều điểm khác biệt. Vợ, chồng nếu muốn ly hôn có thể tham khảo các bước sau:
2.1. Chuẩn bị hồ sơ:
Người có yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau để được Tòa án giải quyết ly hôn. Hồ sơ bao gồm:
– Đăng ký kết hôn (bản chính). Trường hợp không còn giấy đăng ký kết hôn bản chính thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi vợ, chồng đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao;
– Bản sao có chứng thực CMND/CCCD hoặc các loại giấy tờ tùy thân khác của vợ và chồng;
– Nếu có tài sản chung và yêu cầu phân chia tài sản chung khi ly hôn thì chuẩn bị giấy tờ có chứng thực chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung này…;
– Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu;
– Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con nếu có con chung.
Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh vợ, chồng bị bạo hành, ngược đãi, ngoại tình… thì cũng cần cung cấp cho Tòa án để Tòa án có thể giải quyết yêu cầu ly hôn một cách hợp tình, hợp lý.
Điểm khác biệt duy nhất về hồ sơ của hai hình thức ly hôn này nằm ở nội dung của đơn ly hôn:
– Trường hợp đơn phương ly hôn sẽ dùng Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP.
– Trường hợp thuận tình ly hôn sẽ dùng Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình.
2.2. Nộp đơn xin ly hôn:
Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thủ tục ly hôn cấp sơ thẩm sẽ được giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Theo đó, trong trường hợp một bên yêu cầu ly hôn, Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ là Tòa án tại nơi mà bên đó cư trú, làm việc.
Cần lưu ý rằng, khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chỉ cho phép vợ chồng được nhờ nộp án phí, nộp đơn xin ly hôn mà không cho phép được ủy quyền ly hôn cho người khác tham gia tố tụng. Trong trường hợp không thể tham gia tố tụng, vợ, chồng có thể gửi đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
2.3. Thời gian giải quyết yêu cầu ly hôn:
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự, một vụ ly hôn thuận tình sẽ có thời gian giải quyết từ 2 đến 3 tháng tình từ ngày Tòa án thụ lý đơn. Còn trong trường hợp đơn phương ly hôn, thời gian giải quyết có thể kéo dài từ 4 đến 6 tháng và có thể kéo dài hơn nếu phát sinh tranh chấp về phân chia tài sản, quyền nuôi con…
2.4. Án phí giải quyết ly hôn:
Mức án phí khi ly hôn được quy định cụ thể tại Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14:
– Đối với những vụ việc ly hôn không có tranh chấp về tài sản, mức án phí là 300.000 đồng;
– Đối với những vụ việc ly hôn có tranh chấp về tài sản thì ngoài mức án phí 300.000 đồng đương sự còn phải chịu án phí với phần tài sản có tranh chấp. Mức án phí này sẽ được xác định theo giá trị tài sản tranh chấp.
3. Hướng dẫn cụ thể quy trình ly hôn:
3.1. Đối với ly hôn đơn phương:
Bước 1: Tòa án thụ lý đơn ly hôn.
Bên muốn ly hôn đơn phương sẽ phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu để nộp cho Tòa án có thẩm quyền (như đã nêu ở trên).
Bước 2: Hòa giải tại Tòa.
Sau khi nhận được hồ sơ, tài liệu, Tòa án sẽ xem xét có nhận và thụ lý vụ án ly hôn không sau khi nhận được hồ sơ, tài liệu đơn phương ly hôn. Nếu Tòa án xét thấy có căn cứ để thụ lý đơn ly hôn đơn phương thì người nộp đơn được yêu cầu nộp án phí tạm ứng và tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải thành thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành nếu hòa giải không thành thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Bước 3: Mở phiên tòa sơ thẩm trong trường hợp hòa giải không thành.
Quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng sẽ chấm dứt khi Tòa án ra bản án.
3.2. Đối với ly hôn thuận tình:
Bước 1: Tòa án thụ lý đơn ly hôn.
Vợ và chồng chuẩn bị hồ sơ nêu trên và nộp hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu thuận tình ly hôn và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn sau khi đã xem xét đơn ly hôn thuận tình và các căn cứ để chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng. Vợ và chồng sẽ phải nộp lệ phí tạm ứng.
Bước 3: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Nếu hòa giải không thành thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận ly hôn. Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết việc dân sự.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
-
Nghị quyết
02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng quy định của Luật HN&GĐ 2000; -
Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự;
-
Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
-
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.