Thông thường, mối cá nhân chỉ có một quốc tịch cơ bản, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có những cá nhân có hai hoặc nhiều hơn hai quốc tịch, điều này cũng một phần dẫn đến những khó khăn trong quá trình quản lý.
Mục lục bài viết
1. Quốc tịch là gì?
Quyền có quốc tịch là một trong những quyền cơ bản đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và được khẳng định trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948: “Ai cũng có quyền có quốc tịch. Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán” (Điều 15 Tuyên ngôn nhân quyền 1948). Điều này có thể thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của quốc tịch, do đó, quốc tịch luôn là vấn đề pháp lý được các quốc gia trên thế giới ghi nhận trong các văn bản pháp luật, gọi chung là Luật Quốc tịch.
Từ phương diện pháp lý hiện đại, quốc tịch là mối quan hệ pháp lý hai chiều, được xác lập giữa cá nhân với một quốc gia nhất định, có nội dung là tổng thể các quyền và nghĩa ụ của người đó và quốc gia mà họ là công dân.
Mối quan hệ pháp luật về quốc tịch xác lập giữa cá nhân và quốc gia có đặc điểm:
– Thứ nhất, tất yếu được xác lập bằng những cách thức khác nhau. Đối với từng cá nhân, đây là mối quan hệ pháp luật tồn tại một cách bền vững, ổn định và ràng buộc người đó với nhà nước mà họ là công dân về quyền và nghĩa vụ mang tính hai chiều.
– Thứ hai, đối với mỗi cá nhân, quốc tịch chỉ có ý nghĩa ràng buộc họ với nhà nước mà họ là công dân.
– Thứ ba, quốc tịch vừa mang tính quốc tế, vừa là đối tượng điều chỉnh của luật trong nước. Đặc thù này của mối quan hệ quốc tịch xuất phát từ mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền công dân của một cá nhân khi tồn tại trong đời sống xã hội.
2. Hai quốc tịch là gì?
Hai quốc tịch là trường hợp ngoại lệ của quốc tịch cá nhân, được hiểu là tình trạng pháp lý của một người cùng một lúc là công dân của cả hai quốc gia. Nói cách khác, pháp luật của cả hai quốc gia đều coi người đó là công dân của mình, trên cơ sở đó cùng một lúc họ sẽ đồng thời được hưởng các quyền và gánh vác các nghĩa vụ công dân của cả hai quốc gia.
Tình trạng hai quốc tịch dẫn đến những trở ngại trong việc các nước thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với công dân, đồng thời người hai quốc tịch cũng không thể đủ khả năng thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ công dân đối với hai quốc gia mà họ mang quốc tịch. Bên cạnh đó, tình trạng hai quốc tịch còn gây ra những khó khăn cho thực hiện chủ quyền quốc gia đối với dân cư, gây phức tạp cho quan hệ hợp tác giữa các quốc gia về dân cư.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hai quốc tịch là:
– Xuất phát từ chủ quyền của quốc gia đối với dân cư đông thời gắn với các điều kiện kinh tế, chính trị xã hội làm xuất hiện xung đột về pháp luật giữa các quốc gia: là hiện tượng nhiều hệ thống pháp luật cùng điều chỉnh một vấn đề nhưng kết quả điều chỉnh lại khác nhau, khi quy định về các trường hợp hưởng và mất quốc tịch. Ví dụ: Đứa trẻ A có cha mẹ là công dân của nước áp dụng nguyên tắc huyết thống (Việt Nam) sinh ra trên lãnh thổ của nước áp dụng nguyên tắc nơi sinh (Mỹ). Do vậy theo luật của Mỹ đứa trẻ sẽ mang quốc tịch Mỹ, theo luật của Việt Nam thì đứa trẻ cũng có quốc tịch của Việt Nam.
– Do một cá nhân được hưởng quốc tịch mới nhưng không đương nhiên bị mất quốc tịch cũ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do luật quốc tịch của nước họ không có quy định về việc đương nhiên mất quốc tịch khi vào quốc tịch mới.
– Do những thay đổi về điều kiện thực tế của cá nhân như người đã có quốc tịch mới những chưa từ bỏ quốc tịch cũ.
Hệ quả của việc mang hai quốc tịch:
Thuận lợi : Người hai quốc tịch sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế chính trị, phúc lợi của các quốc gia mà họ là công dân, họ sẽ có những thuận lợi rất lớn trong việc xuất nhập cảnh cư trú đi lại trên lãnh thổ các quốc gia mà họ là công dân, và cùng một lúc được nhiều nước bảo hộ khi họ ở nước ngoài.
Một số các bất lợi thực tế đã xảy ra và có thể xảy ra như sau:
Thứ nhất, sự khó khăn trong việc bảo hộ ngoại giao cho công dân. Đó là: Một là, việc tiến hành bảo hộ ngoại giao người hai quốc tịch. Điều này xuất hiện tình huống một quốc gia thực hiện bảo hộ ngoại giao đối với công dân của mình ở quốc gia mà người đó cũng có quốc tịch, việc bảo hộ này là không có cơ sở. Hai là, hai quốc gia tiến hành bảo hộ ngoại giao đối với một người coi là công dân của hai nước ở nước thứ ba. Đối với trường hợp này, nước thứ ba sẽ có quyền quyết định quốc gia là công dân của ai.
Thứ hai, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của cá nhân. Trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, người có hai quốc tịch thực hiện nghĩa vụ quân sự ở lãnh thổ của một trong số các quốc gia mình mang quốc tịch hoặc phục vụ trong quân đội nước ngoài hoặc vì các lý do khác tương tự từ phía các quốc gia khác mà người đó cũng có quốc tịch thì không thể bị coi là người trốn tránh nghĩa vụ. Như vậy sẽ nảy sinh tình trạng pháp lý khó khăn cho việc thực hiện chủ quyền quốc gia đối với dân cư, thậm chí gây phức tạp cho quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong vấn đề dân cư
Giải pháp đề giải quyết vấn đề người có hai hay nhiều quốc tịch:
Để hạn chế và ngăn ngừa các trở ngại do hiện tượng hai hay nhiều quốc tịch mang lại, trong quan hệ hợp tác của mình các quốc gia đã ký kết các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương nhằm mục đích ngăn chặn, hạn chế và tiến tới loại bỏ các trường hợp hai hay nhiều quốc tịch.
Các điều ước sẽ chia thành hai loại, một loại giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa các quốc gia do việc một người có hai hay nhiều quốc tịch, còn loại kia loại trừ tình trạng hai quốc tịch. Theo các điều ước hữu quan, những người có hai hay nhiều quốc tịch sẽ có quyền tự do lựa chọn một quốc tịch trong số những quốc tịch mà họ hiện có. Trong trường hợp không lựa chọn được quốc tịch thì họ được coi là công dân của nước nơi họ cư trú thường xuyên, nơi công dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ yếu, có tài sản chủ yếu của họ.
3. Công dân Việt Nam được mang 2 quốc tịch không?
Về nguyên tắc quốc tịch, Điều 4, Luật Quốc tịch khẳng định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.” Như vậy, công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn sẽ có trường hợp ngoại lệ có hai quốc tịch, đó là các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Trường hợp đặc biệt xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài. Trường hợp này phải đáp ứng các điều kiện và phải được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài. (Khoản 3 Điều 19, Luật Quốc tịch; Điều 9, Nghị định 16/2020)
Về nguyên tắc, công dân nước ngoài đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
“….
c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.”
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
– Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tức là, trường hợp cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài chỉ áp dụng trong trường hợp có điều kiện thay thế cho điều kiện nhập quốc tịch ở trên và phải đáp ứng cả những điều kiện:
– Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
– Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
– Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.
– Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, trong trường hợp này, cá nhân vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch của mình trước khi nhập quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp 2: Trường hợp đặc biệt xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài. Trường hợp này cũng phải đảm bảo các điều kiện được coi là trường hợp đặc biệt để trình Chủ tịch nước xem xét việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:
Cá nhân là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; cá nhân có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; cá nhân có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện sau thì được trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài (Khoản 5, Điều 23, Luật Quốc tịch; Điều 14 Nghị định 16/2020).
– Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
– Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
– Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.
– Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, trong trường hợp này, cá nhân vừa có quốc tịch của nước ngoài, vừa có quốc tịch Việt Nam sau khi trở lại.
Trường hợp 3: Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. (Khoản 1, Điều 37, Luật Quốc tịch)
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam