Quy định về góp vốn và phân chia lợi nhuận? Căn cứ phân chia lợi nhuận kinh doanh? Cách phân chia lợi nhuận của các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh? Phân chia lợi nhuận khi hợp tác kinh doanh?
Tóm tắt câu hỏi:
A buôn bán kinh doanh sau 3 năm bắt đầu có uy tín và lãi suất tăng lũy tiến vì A sau 3 năm đã có thương hiệu trên thị trường.B muốn góp vốn với A để làm ăn..giả sử tổng tài sản hàng hóa A có là 170 triệu, B góp 70 triệu thì lợi nhuận sẽ phân chia như thế nào vì A sẽ làm toàn bộ B chỉ góp tiền.Giả sử trước khi có B lợi nhuận là 30 triệu chưa kể lương của A, sau khi có B lãi là 45 triệu. Rất mong sớm nhận được tư vấn của Công ty?
Luật sư tư vấn:
Do bạn không nêu rõ hình thức kinh doanh trong trường hợp này là hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp nên không thể nêu rõ quy định cụ thể về việc phân chia vốn góp. Xảy ra 2 trường hợp để giải quyết tình huống của bạn như sau:
“Trường hợp 1: Nếu hình thức kinh doanh của bạn là hình thức thành lập doanh nghiệp thì 2 bên góp vốn theo hình thức góp vốn trong doanh nghiệp cụ thể là góp vốn trong công ty TNHH hai thành viên.”
Điều 50 Luật doanh nghiệp 2014 quy đinh về quyền của thành viên góp vốn trong công ty TNHH 2 thành viên:
“Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.”
Nếu có thỏa thuận, lợi nhuận kinh doanh sẽ được chia theo thỏa thuận nếu khi góp vốn hai bạn có thỏa thuận về lợi nhuận.Trong trường hợp không có thỏa thuận thì phần lợi nhuận sẽ được phân chia theo quy định của luật doanh nghiệp cụ thể là chia theo tỉ lệ phần vốn góp.
Như vậy, trước khi phân chia tài sản theo phần vốn góp thì phải trả tiền lương cho người lao động. Trọng trường hợp này, với số tiền lợi nhuận là 45 triệu sẽ trích ra 1 phần để trả lương cho A. Sau khi trả lương cho A số tiền còn lại mới đem ra phân chia theo phần vốn góp.
“Trường hợp 2: Nếu bạn không kinh doanh theo hình thức thành lập doanh nghiệp thì bạn có thể chia tỉ lên vốn góp theo
Hợp đồng hợp tác kinh doanh thể hiện sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các chủ thể kinh doanh, tự nguyện, bình đẳng về địa vị pháp lý khi ký kết hợp đồng. Để việc kinh doanh tiến hành thuận lợi, tránh những tranh chấp không đáng có về sau, nội dung hợp đồng khi thỏa thuận phải có đầy đủ các điều khoản, thể hiện rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của đôi bên.
Như vậy, trong trường hợp 2 bạn thỏa thuận phân chia vốn góp theo hợp đồng hợp tác kinh doanh thì việc phân chia lợi nhuận sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của 2 bên sao cho phù hợp nhất với công sức và tài sản mà các bên bỏ ra. Lưu ý khi thỏa thuận hai bạn nên thỏa thuận cụ thể và rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên để tránh sau này gây ra tranh chấp không đáng có.
Mục lục bài viết
1. Quy định về góp vốn và phân chia lợi nhuận:
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi luật sư! Năm 2010 gia đình tôi cùng bác trai có đầu tư 1 số vốn để kinh doanh xăng dầu. Vốn ban đầu để mua mặt bằng xây dựng do bác trai tôi đầu tư là 164 triệu, nhưng sổ đỏ lại do bố tôi đứng tên. Phần vốn dùng để xây dựng và hoàn thành các thủ tục doanh nghiệp là 550 triệu có từ các nguồn : dùng sổ đỏ (của mặt bằng xây dựng) để thế chấp vay vốn ngân hàng + bác trai tôi 90 triệu + phần còn lại của gia đình tôi.
Tổng số tiền mà bác tôi đầu tư đều không có giấy tờ. Doanh nghiệp đi vào hoạt động lấy tên của bác tôi, còn trên mọi giấy tờ, chứng từ đều đứng tên bố tôi. Tôi có vấn đề thắc mắc muốn hỏi hãng luật như sau: Bác tôi có những quyền lợi gì ở cây xăng? bác tôi yêu cầu gia đình tôi chuyển tên sổ đỏ sang cho bác tôi, vậy yêu cầu đó có hợp lý không. Tổng số tiền từ khi bắt đầu đến khi cây xăng đi vào hoạt động là 700 triệu (bác trai 253 triệu).
Cho tôi hỏi cách phân chia lợi nhuận giữa gia đình tôi và bác trai? (Trong quá trình kinh doanh bác tôi đều không tham gia, bố mẹ tôi là 2 người trực tiếp bán hàng) Mong sớm nhận được giải đáp. Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Bạn không trình bày rõ ràng là bạn thành lập mô hình công ty gì, về bản chất đó là tài sản thực góp vốn để kinh doanh. Tuy nhiên, cần có ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới được pháp luật công nhận.
Theo bạn nói, bác bạn có đầu tư vào cây xăng, thì ít nhiều bác cũng có cổ phần trong đó và được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ góp vốn. Bạn chưa trình bày chi tiết rằng người đại điện theo pháp luật hiện tại là ai nên chưa thể xác định được quyền cũng như trách nhiệm gì đối với hoạt động góp vốn đối với công ty.
Bác bạn yêu cầu gia đình bạn chuyển tên sổ đỏ sang cho bác bạn, yêu cầu đó không có cơ sở pháp lý. Giả sử nếu tài sản mà do gia đình bạn góp vốn vào công ty thì sẽ phải chuyển quyền sử dụng đất sang cho công ty, nhưng bác bạn nếu chỉ là thành viên góp vốn thì không thể có cơ sở chuyển sang cho bác bạn.
Việc phân chia lợi nhuận giữa gia đình bạn và bác trai còn căn cứ vào tỷ lệ góp vốn giữa các thành viên góp vốn. Luật doanh nghiệp 2014 thì:
Điều 69. Điều kiện để chia lợi nhuận
Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.
Điều 132. Trả cổ tức
1. Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo các điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.
2. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
2. Căn cứ phân chia lợi nhuận kinh doanh:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư! Tôi có một câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn: ông A góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn một căn nhà được các thành viên thỏa thuận định giá là 1,5 tỷ đồng nhưng thực tế giá trị của căn nhà đó chỉ ở mức 800 triệu đồng mà thôi. Vậy thì lúc chia lợi nhuận, ông A sẽ được hưởng phần lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp của ông A là 1,5 tỷ hay 800 triệu thưa luật sư?
Luật sư tư vấn:
Do bạn không nói rõ thời điểm ông A góp vốn là lúc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hay trong lúc công ty trách nhiệm hữu hạn này đã đi vào hoạt động nên chúng ta sẽ xét hai trường hợp cụ thể:
Trường hợp thứ nhất là khi ông A góp vốn vào thời điểm thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo đó, việc định giá tài sản góp vốn được các thành viên định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. (khoản 2 Điều 37, Luật Doanh nghiệp 2014).
Trường hợp thứ hai là khi ông A góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn khi công ty đó đang hoạt động thì giữa hội đồng thành viên và ông A sẽ tiến hành thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, thành viên Hội đồng thành viên cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. (khoản 3 Điều 37, Luật Doanh nghiệp 2014).
Về phần chia lợi nhuận thì theo quy định tại khoản 3 Điều 50, Luật Doanh nghiệp 2014 thì các thành viên được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Tức là phần lợi nhuân được chia cho các thành viên sau thuế sẽ phụ thuộc vào giá trị số vốn góp mà không phụ thuộc vào giá trị thực của tài sản góp vốn.
3. Cách phân chia lợi nhuận của các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh:
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào Luật sư. Tôi có một vấn đề xin nhờ Luật sư giúp đỡ. Công ty tôi kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, bên tôi có ký kết hợp đồng liên kết liên doanh với cửa hàng xăng dầu khác (thực chất là hợp đồng thuê cửa hàng xăng dầu nhưng chuyển đổi về hợp đồng hợp tác kinh doanh). Nội dung hợp đồng liên kết có điều khoản: bên kia họ chỉ góp vốn bằng tài sản là cửa hàng xăng dầu, bên công ty tôi chịu trách nhiệm về sửa chữa, quản lý và toàn bộ hoạt động của cửa hàng.
Và bên tôi chịu trách nhiệm kê khai thuế cho hoạt động cửa hàng đó luôn. Lợi nhuận sẽ được phân chia cố định cho bên kia hàng tháng cụ thể trong hợp đồng. Vậy Luật Sư cho tôi hỏi: 1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia lợi như vậy có được không? 2. Công ty tôi chịu trách nhiệm về quản lý cũng kê khai thuế cho cửa hàng đó được không? Cảm ơn Luật sư nhiều!
Luật sư tư vấn:
Hợp đồng hợp tác kinh doanh hay hợp đồng BCC là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế mà nội dung của hợp đồng được quy định tại điều 29 Luật Đầu tư 2014 với những nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
– Xác định mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
– Xác định mức độ, giá trị, nội dung đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
– Xác định về tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
– Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
– Các trường hợp thực hiện sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
– Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Đồng thời Điều 504, Điều 505 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng hợp tác cũng có quy định Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm và nội dung của hợp đồng hợp tác cũng có những nội dung nêu trên của Điều 29 Luật Đầu tư 2014.
Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như việc phân chia lợi nhuận của các bên là phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
4. Phân chia lợi nhuận khi hợp tác kinh doanh:
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi. Hiện tại em đang muốn mở 1 quán cafe nhưng em hợp tác với 1 người nữa. Vốn bỏ ra là mỗi bên 50%, nhưng em vừa bỏ vốn vừa là người thiết kế, chọn mặt bằng. Tất tần tật, bên kia chỉ bỏ vốn ra thôi. Giờ em phải chia lợi nhuận như thế nào ạ và cái rủi ro thì chia sao vậy. Nhờ chuyên gia tư vấn giúp em.
Luật sư tư vấn:
Hợp tác kinh doanh là hình thức các bên cùng đóng góp về tài sản, nguồn lực để tạo lợi nhuận trong quá trình kinh doanh. Lợi nhuận thu được sẽ tương ứng với phần góp vốn hoặc công sức bỏ ra của các bên. Việc kinh doanh góp vốn sẽ được thể hiện ở hình thức góp vốn hoặc hợp tác kinh doanh giữa bạn và người còn lại.
Trường hợp 1. Hai bên thống nhất góp vốn theo hình thức thành lập doanh nghiệp
Lợi nhuận sau khi thu được sẽ được phân chia tương ứng với tỷ lệ vốn góp sau khi trừ đi các khoản nghĩa vụ tại chính với các cá nhân, cơ quan tổ chức liên quan.
Dựa vào mô hình hợp tác kinh doanh, bạn có thể góp vốn theo hình thức của Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Căn cứ theo quy định tại Điều 50 Luật doanh nghiệp 2014 quy đinh về quyền của thành viên góp vốn trong công ty TNHH 2 thành viên :
“Điều 50. Quyền của thành viên
…
3. Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, nếu giữa bạn và người góp vốn cùng có thỏa thuận, lợi nhuận kinh doanh sẽ được chia theo thỏa thuận nếu khi góp vốn hai bạn có thỏa thuận về lợi nhuận.Trong trường hợp không có thỏa thuận thì phần lợi nhuận sẽ được phân chia theo quy định của luật doanh nghiệp cụ thể là chia theo tỉ lệ phần vốn góp.
Trường hợp 2. Hợp tác theo hình thức ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh
Hợp đồng hợp tác kinh doanh thể hiện sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các chủ thể kinh doanh, tự nguyện, bình đẳng về địa vị pháp lý khi ký kết hợp đồng. Căn cứ khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư 2014 quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
9. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
Như vậy, việc phân chia lợi nhuận sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau trong hợp đồng. Các bên trong hợp đồng có thể phân chia lợi nhuận theo các hình thức sau:
– Phân chia sản phẩm
– Phân chia doanh thu
– Phân chia lợi nhuận trước thuế thu nhập
– Phân chia lợi nhuận sau thuế thu nhập