Mỗi một tác phẩm khi đến với người đọc đều để lại ít nhiều những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên như tác phẩm văn học Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tràng Giang của Huy Cận,... Sau đây là bài giới thiệu về một tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Giới thiệu một tác phẩm văn học (Truyện Kiều):
Đối với tất cả người dân Việt Nam, chúng ta có nhiều khối tài sản văn hóa, tinh thần chung và trong số đó không thể không nhắc đến đó chính là tác phẩm Truyện Kiều. Tác phẩm như một viên ngọc sáng trong kho tàng thi ca Việt Nam. Kiệt tác Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm theo thể loại truyện thơ. Toàn bộ tác phẩm gồm 3254 câu thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc. Mặc dù được viết dựa theo cốt truyện cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng Nguyễn Du đã có sự sáng tạo để tạo nên một Đoạn Trường Tân Thanh phù hợp với văn hoa của người Việt và thể hiện được những tinh hoa trong ngôn ngữ của người Việt.
Truyện xoay quanh cuộc đời của cô gái Thúy Kiều, một người sinh ra trong gia đình trung lưu lương thiện. Thúy Kiều vốn có cuộc sống êm đềm bên cha mẹ và hai người em là Thúy Vân và Vương Quan cho đến trước khi sóng gió ập đến. Cả thiên truyện được chia làm ba phần với phần một có tên là Gặp gỡ và Đính ước. Vào ngày hội Đạp Thanh, ba chị em Thúy Kiều cùng nhau đi tảo mộ. Tại đây, Kiều đã gặp nấm mồ của Đạm Tiên và tỏ lòng thương xót cho thân phận của người con gái hồng nhan, bạc mệnh. Chuẩn bị ra về, Kiều lại gặp gỡ Kim Trọng và dường như hai người đã cảm mến nhau ngay từ giây phút đầu gặp gỡ. Sau đó, hai người đã bí mật gặp nhau và cùng nhau đính ước. Phần hai có tên gọi Gia biến và Lưu lạc. Sau khi đính ước, Kim Trọng phải về quê hộ tang chú. Đúng lúc này gia đình Kiều bị vu oan, cha và em Kiều là Vương Quan bị bắt. Để cứu cha và em, Kiều đã phải bán mình để có tiền chuộc. Trước khi ra đi, Kiều đã trao lại mối duyên tình của mình cho em gái Thúy Vân. Sau khi bán mình, Kiều bị Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh lừa vào chốn lầu xanh. Sau đó, Kiều đã được Thúc Sinh cứu ra để làm vợ lẽ. Thúc Sinh là một khách làng chơi hào phóng nhưng vợ của hắn là Hoạn Thư có tính ghen tuông điên cuồng. Hoạn Thư đã bày mưu tính kế để bắt Kiều về đày đọa. Sau khi trốn thoát, Kiều đã đến nương nhờ nơi cửa Phật và được sư Giác Duyên giúp đỡ. Nhưng sư Giác Duyên vì tin lời Bạc Bà, Bạc Hạnh nên đã giao lầm Kiều vào tay kẻ xấu. Thêm một lần nữa Kiều bị rơi vào chốn lầu xanh. Tại đây, Kiều gặp được Từ Hải, một vị anh hùng đầu đội trời chân đạp đất. Không chỉ chuộc Kiều về làm vợ, Từ Hải còn giúp Kiều báo ân, báo oán. Nhưng nàng Kiều thật thà lại một lần nữa bị kẻ xấu lừa. Tin lời Hồ Tôn Hiến, Kiều đã đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Sau đó, Kiều bị bắt phải hầu rượu, đánh đàn trong tiệc mừng công của quân triều và sau cùng bị ép gả cho một viên quan thổ. Vì quá đau xót và tủi nhục cho chính mình, khi đi qua sông Tiền Đường nàng đã nhảy xuống tự vẫn nhưng may mắn được sư Giác Duyên cứu giúp. Kiều lại tiếp tục sống nương nhờ cửa Phật. Phần ba có tên gọi là Đoàn tụ. Sau khi hộ tang chú, Kim Trọng đã trở lại để tìm người yêu. Lúc này biết được sự việc Kim Trọng vô cùng đau đớn. Chàng kết duyên với Thúy Vân theo như lời dặn của Kiều nhưng trong lòng vẫn không nguôi nhớ về nàng. Kim Trọng đã đi tìm Kiều ở khắp nơi và may mắn đã cho hai người gặp lại nhau. Ngày đoàn viên của gia đình, Kiều đã quyết định “Duyên đối lứa cũng là duyên bạn bầy” để tỏ lòng kính trọng người mình yêu cũng như bảo vệ danh tiết của mình.
Về nội dung, Truyện Kiều mang đến giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo vô cùng to lớn. Đó là một bức tranh khắc họa chân thực xã hội đầy rẫy những sự bất công và tàn bạo, con người bị vùi thập, bị tha hóa chỉ vì đồng tiền. Ở xã hội đó xuất hiện quá nhiều những nhà chứa nhơ nhớp và cả những tên quan tham ô lại. Người phụ nữ sống trong xã hội ấy bị đối xử một cách tàn nhẫn, bất công, bị chà đạp lên nhân phẩm khiến cho họ sống không bằng chết. Nhưng họ vẫn giữ được nhân phẩm, vẫn thể hiện được tài năng và khát vọng tự do, khát vọng tình yêu. Về nghệ thuật, Truyện Kiều đã cho thấy được tinh hoa trong ngôn ngữ cũng như thể loại văn học của dân tộc. Tác phẩm đã sử dụng thể thơ lục bát một cách quá xuất sắc. Khi đọc tác phẩm, ta thấy một sự gần gũi, thân thuộc nhưng vẫn rất bác học. Có thể nói, nghệ thuật tự sự của tác phẩm đã có bước phát triển vượt bậc. Cho đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và có hàng ngàn công trình nghiên cứu về tác phẩm này.
Truyện Kiều không chỉ đưa văn thơ Việt Nam vươn xa ra thế giới mà còn giúp đất nước và con người Việt Nam vươn xa hơn. Truyện Kiều hoàn hảo cả về mặt nội dung và nghệ thuật, đó là điều làm nên giá trị tuyệt vời cho tác phẩm.
2. Giới thiệu một tác phẩm văn học (Tràng Giang):
Huy Cận – nhà thơ nổi tiếng đã góp mặt vào thơ ca đương thời một nỗi sầu nhân thế, một cái tôi cô đơn, buồn bã trước dòng đời. Với sự pha trộn giữa chất cổ điển và hiện đại, ông đã gửi gắm nỗi niềm ấy trong nhiều bài thơ, trong đó phải kể đến Tràng Giang. Bài thơ in trong tập “Lửa thiêng”, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Huy Cận.
Một buổi chiều thu năm 1939, khi nhà thơ đứng trước bãi Chèm – phía Nam dòng sông, trước cảnh sóng nước mênh mông, đã không kìm nén nổi cảm xúc buồn bã, cô đơn và nhớ nhà da diết nên sáng tác bài thơ Tràng giang. “Tràng giang” là một từ Hán Việt đầy trang trọng, cổ kính, chỉ một con sông dài. Lời đề từ ” Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” càng làm rõ hơn sắc thái cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Đó là nỗi buồn của con người trước một không gian mênh mông, rộng lớn có thể bao trùm cả vũ trụ.
Khổ thơ thứ nhất đã mở ra một không gian sông nước sông nước rộng lớn. Câu thơ mở đầu khổ thơ thứ nhất đã mở ra một hình ảnh sông nước mênh mang.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Dòng sông “tràng giang” đã dài nay lại như trải dài ra hơn với từng đợt sóng “điệp điệp” nối đuôi nhau vỗ vào bờ không ngừng nghỉ, không dứt. Những đợt sóng ấy như trải dài đến vô tận càng tô đậm thêm không gian rộng lớn, bao la của sông nước. Trên cái nền sông nước mênh mông ấy, hình ảnh con thuyền hiện lên thật nhỏ nhoi, cứ thế “xuôi mái nước song song”. Sự đối lập giữa không gian sông nước mênh mông với hình ảnh con thuyền nhỏ bé càng gợi lên trong chúng ta sự cô đơn, le loi. Đặc biệt, khổ thơ thứ nhất còn để lại ám ảnh sâu sắc trong lòng người đọc bởi hai câu thơ cuối của khổ thơ.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Xưa nay thuyền và nước là hai hình ảnh luôn đi liền với nhau, vậy mà ở đây dường như thuyền và nước như có một nỗi buồn chia lìa đang đón đợi. Bởi thế mà cảnh vật ấy càng khiến cho lòng “sầu trăm ngả”. Đặc biệt, giữa cảnh sông nước mênh mông ấy, hình ảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng” gợi lên trong lòng người đọc ám ảnh khôn nguôi về cõi nhân sinh, lạc lõng, bơ vơ, không biết sẽ trôi dạt về đâu bởi trăm dòng mênh mông vô định. Trong khổ thơ thứ nhất, nếu ví dòng tràng giang là dòng đời vô tận thì hình ảnh con thuyền, cành củi khô chính là hình ảnh tượng trưng cho kiếp người nhỏ nhoi, vô định. Đồng thời, khổ thơ cũng gợi lên nỗi buồn không nguôi, không dứt của tác giả.
Trong khổ thơ thứ hai, tác giả lại mở ra không gian nơi cồn nhỏ. Hai câu thơ mở đầu khổ thơ thứ hai đã vẽ nên một không gian hoang vắng, hiu quạnh.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nghệ thuật đảo ngữ cùng từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu” đặc biệt gợi cảm tác giả đã vẽ nên một bức tranh nơi cồn nhỏ vừa thưa thớt, hoang vắng, lạnh lẽo vừa gợi nên một nỗi buồn mênh mang. Sự hoang vắng, tĩnh mịch của không gian như càng được tô đậm thêm qua câu thơ “đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Đây là một câu thơ có nhiều cách hiểu, “đâu” là đâu có, là phủ nhận âm thanh của tiếng chợ chiều hay là đâu đó, gợi lên âm thanh yếu ớt của tiếng chợ. Nhưng hiểu theo cách nào thì câu thơ vẫn gợi lên trong lòng người đọc nỗi buồn, sự hoang vắng, tàn tạ, thiếu vắng đi sự sống của con người. Nếu hai câu thơ đầu khổ hai gợi lên không gian cồn nhỏ vắng vẻ, hiu quạnh thì dường như trong câu ba và câu bốn, không gian ấy như được mở rộng cả về bốn phía làm cho cảnh vật vốn đã vắng vẻ lại càng thêm cô liêu và tĩnh mịch hơn.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu
Ở hai câu thơ, tác giả dùng “sâu chót vót” thay vì “cao chót vót” bởi lẽ chữ “sâu” không chỉ tả cảnh mà còn tả tình, nó không chỉ gợi lên một khoảng không gian rộng lớn, thẳm thẳm mà còn gợi lên cả nỗi buồn, sự cô đơn đến tột cùng của lòng người trước cái mênh mông, hoang vắng của cảnh vật. Như vậy, trong hai khổ thơ đầu của bài thơ, nỗi buồn của nhà thơ như bao phủ lên mọi cảnh vật, lên không gian rộng lớn và mênh mông. Trong khổ thơ thứ ba của bài thơ, tác giả lên trở về với không gian sông nước với khung cảnh mênh mang, đìu hiu, thiếu vắng đi sự sống của con người.
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bài vàng
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng” một lần nữa gợi lên trong người đọc hình ảnh về kiếp người, cõi nhân sinh trôi nổi, không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu. Khổ thơ với việc sử dụng nghệ thuật phủ định lặp lại nhiều lần đã nhấn mạnh sự hiu quạnh, thiếu sự sống của cảnh vật. Thuyền và cầu là những phương tiện, những hình ảnh thể hiện sự giao lưu, kết nối giữa con người với con người, giữa miền đất này với miền đất khác nhưng ở đây “không một chuyến đò”, “không một cây cầu”. Nơi đây không có bất cứ thứ gì gắn kết đôi bờ với nhau, nó thiếu đi dấu vết của sự sống, của bóng hình con người và hơn hết là tình người, mối giao hòa, thân mật giữa con người với nhau. Có lẽ bởi thế mà hai bờ của dòng sông cứ thể chạy dài, chạy dài mãi mà chẳng bao giờ gặp nhau, chỉ còn lại ở nơi đây những bờ xanh, những bãi vàng nối tiếp nhau – một bức tranh đẹp nhưng tĩnh lặng và buồn.
Trên đây là bài trình bày của tôi về bài giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.
3. Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật hay nhất:
Chắc hẳn mỗi người chúng ta đã từng đọc hoặc học về một bài thơ viết về mùa xuân như đoạn trích “Cảnh ngày xuân” (trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du) và bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải… Trong số đó chúng ta không thể không nhắc tới bài thơ “Mùa xuân chín” của tác giả Hàn Mặc Tử.
Nhan đề bài thơ là sự kết hợp tinh tế giữa danh từ “mùa xuân” với động từ chỉ trạng thái “chín”. Nhan đề ấy đã gợi hình dung về khung cảnh mùa xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Mạch cảm xúc ấy được khắc họa rõ nét qua các hình ảnh thơ và ngôn ngữ tinh tế. Đầu tiên, ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh thơ “làn nắng ửng”, “khói mờ tan”, “bóng xuân sang” đã gợi ra khung cảnh mùa xuân ấm áp. Phép nhân hóa “gió trêu tà áo biếc” kết hợp với từ láy “sột soạt” và phép đảo ngữ “Sột soạt gió trêu tà áo biếc” cho thấy những tinh tế trong quan sát của nhà thơ khi xuân đến. Ngọn gió không còn là vật vô tri vô giác mà trở nên sống động với âm thanh tình tứ, đang trêu đùa tà áo biếc. Ngoài ra, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “bóng xuân sang” còn góp phần miêu tả dáng điệu nhẹ nhàng của mùa xuân.
Trên nền thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống còn xuất hiện hình ảnh con người “Bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Lắng nghe tiếng hát ấy, nhân vật trữ tình càng thêm tiếc nuối trước độ xuân thì của người con gái “- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, / Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc cuộc chơi”. Phép ẩn dụ “xuân xanh” kết hợp cùng các từ láy “hổn hển”, “vắt vẻo” và biện pháp nhân hóa “tiếng ca vắt vẻo”, so sánh “hổn hển như lời nước mây” đã mang đến cho người đọc vẻ duyên dáng của người con gái. Vẻ đẹp ấy hòa trong tiếng hát trầm bổng, thiết tha như tô đậm khung cảnh thiên nhiên căng tràn sức sống. Đặc biệt trong khổ thơ cuối là tâm trạng chùng xuống của nhân vật trữ tình – “khách xa”. Từ láy “bâng khuâng” gợi ra cảm xúc lâng lâng, xen chút buồn tiếc nuối trong lòng. Nhân vật trữ tình lại có sự chuyển biến đột ngột trong cảm xúc khi “sực” nhớ làng và “- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc theo bờ sông trắng nắng chang chang?”. Câu hỏi cuối bài thơ cùng đại từ nhân xưng không cụ thể “chị ấy” đã phác họa nỗi niềm cô đơn, hụt hẫng cùng tấm lòng nhớ quê hương của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Trong bài thơ “Mùa xuân chín”, nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật như cách tổ chức ngôn ngữ và hình ảnh thơ độc đáo, kết hợp với nhiều biện pháp nhân hóa, cách gieo vần chân (“vàng-sang, “trời-chơi”,…) đã vẽ nên bức tranh mùa xuân từ những chất liệu như âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động của thiên nhiên và con người. Đọc bài thơ, chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng khát khao giao cảm với đời, với người của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
THAM KHẢO THÊM: