Giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Cục sở hữu trí tuệ có thẩm quyền đăng ký những bản quyền gì?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về chức năng, nhiệm vụ của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật sở hữu trí tuệ khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Vấn đề sở hữu trí tuệ là vấn đề đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm trong xã hội hiện nay. Chúng ta đang ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo vệ quyền cũng như là lợi ích liên quan đến các sản phẩm trí tuệ, tác phẩm sáng tạo của mình, và chính mọi người trong xã hội cũng đang dành sự tôn trọng nhiều hơn tới các tác giả và những tác phẩm của họ. Vậy để tránh quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình bị xâm phạm, Nhà nước cần can thiệp và có một cơ quan đứng ra để bảo vệ, và quản lý những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Ở nước ta hiện nay cơ quan quản lý những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ chính là Cục sở hữu trí tuệ, qua đây Luật Dương Gia xin gửi đến bạn bài viết Giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam như sau.
Thứ nhất, tóm lược về Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam có tên viết tắt là NOIP (National Office of Intellectual Property of Vietnam).
Trang web chính thức: http://www.noip.gov.vn
Số điện thoại liên hệ: 024.3858.3069 – 024.3858.5157
Địa chỉ email: [email protected]
Có trụ sở tại: Số 386 Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam. Các văn phòng đại diện đặt tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng
Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh: số 17 – 19 Tôn Thất Tùng (Tòa nhà Hà Phan), phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Thứ hai, về lịch sử hình thành của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
Tiền thân đầu tiên của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam là Phòng Sáng kiến cải tiến kỹ thuật được thành lập năm 1959. Đến năm 1973, phòng này được đổi tên thành Phòng Sáng chế phát minh.
Sau đó đến năm 1982, căn cứ theo Nghị định số 125/HĐBT về việc sửa đổi tổ chức bộ máy của ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Phòng Sáng chế phát minh thay đổi cơ cấu trở thành Cục Sáng chế. Cục Sáng chế được xây dựng dựa trên cơ sở của Phòng Sáng chế phát minh trước đó, thực hiện công việc quản lý các hoạt động liên quan đến sáng chế, sáng kiến cũng như việc bảo hộ các sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Đến năm 1993, Nghị định số 22-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Chính phủ ban hành đổi tên Cục Sáng chế, đồng thời tổ chức , củng cố lại các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng thống nhất về nguyên tắc hơn.
Đến năm 2003, Cục Sở hữu trí tuệ chính thức có tên như hiện nay sau Nghị định số 54/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học và Công nghệ do Chính phủ quy định. Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và tổ chức hoạt động thực hiện các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, về chức năng, nhiệm vụ của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam
Căn cứ theo quy định tại Quyết định 69/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học công nghệ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, theo đó chức năng, nhiệm vụ của Cục sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể như sau:
– Chức năng của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 69/QĐ-BKHCN, Cục Sở hữu trí tuệ có các chức năng cụ thể như sau:
+ Cục sở hữu trí tuệ thực hiện chức năng tham mưu cho Bộ Khoa học và công nghiệp thống nhất quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ.
Việc quản lý và thực hiện các chính sách liên quan đến Sở hữu trí tuệ của đất nước là một việc hết sức quan trọng, chính vì vậy, Cục sở hữu trí tuệ là cơ quan thực hiện chức năng cố vấn, thiết kế, đề xuất kế hoạch thực hiện cho Bộ Khoa học và công nghiệp trong việc thực hiện quản lý các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ sao cho nhất quán và thống nhất trên cả nước, cũng như đưa ra những định hướng trong việc phát triển các hoạt động phát minh, sáng chế, đăng ký sở hữu ở Việt Nam.
+ Cục sở hữu trí tuệ là cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là tiến hành quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến xác lập quyền cho các đối tượng sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.
Cục sở hữu trí tuệ là cơ quan trực tiếp quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến sở hữu trí tuệ cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký quyền sở hữu hoặc các vấn đề khác liên quan đến phát minh, sáng chế của mình. Trên thực tế, cục Sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Hà Nội và các văn phòng đại diện tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh người có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính liên quan có thể đến trực tiếp, hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện, email tới những địa chỉ này để thực hiện công việc của mình.
– Nhiệm vụ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Nhiệm vụ của Cục Sở hữu trí tuệ được ghi nhận tại Điều 2 Quyết định 69/QĐ-BKHCN, cụ thể Cục sở hữu trí tuệ có các nhiệm vụ chính như sau:
+ Chủ trì và đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thực hiện đưa ra các dự thảo liên quan đến các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình, đề án, chiến lược quy hoạch phát triển trong vấn đề sở hữu trí tuệ.
+ Hướng dẫn thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, và các chiến lược, kế hoạch đưa ra về sở hữu trí tuệ trên thực tiễn thực hiện.
+ Thực hiện, phối hợp thực hiện các công tác liên quan đến giáo dục, tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân đối với sở hữu trí tuệ.
– Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chuyên môn nghiệp vụ trong phạm vi quản lý của mình.
+ Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với quyền sở hữu công nghiệp của họ.
+ Tổ chức thực hiện các công tác liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp như là xác lập quyền sở hữu, đăng ký hợp đồng chuyển giao, và các thủ tục khác liên quan đến văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
+ Tổ chức các hoạt động đào tạo bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ có các cán bộ, cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện nghiệp vụ liên quan đến đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
+ Quản lý hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp và giám định sở hữu công nghiệp trên phạm vi cả nước, cụ thể như là: hướng dẫn, kiểm tra, chấp hành các quy định pháp luật; cấp và thu hồi Chứng chỉ dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, thẻ Giám định viên; cấp, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, ghi nhận hoặc xóa tên các tổ chức này nếu không còn hoạt động.
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến xác lập quyền sở hữu công nghiệp của cá nhân, tổ chức.
+ Thực hiện, triển khai, quản lý hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động phát minh, sáng kiến.
+ Thực hiện các công tác hợp tác quốc tế liên quan đến Sở hữu trí tuệ, cũng như xử lý các tranh chấp về sở hữu trí tuệ có liên quan đến các quốc gia khác.
+ Xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu thông tin, website, công cụ tra cứu,.. đáp ứng việc công bố đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, đảm bảo nhu cầu tiếp cận thông tin liên quan đến sở hữu trí tuệ cho các đối tượng có nhu cầu.
+ Tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp và các tranh chấp thương mại liên quan trong phạm vi được ủy quyền; cung cấp ý kiến chuyên môn trong việc giải quyết tranh chấp hoặc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
+ Tư vấn về xác lập, bảo vệ, quản lý, phát triển giá trị của quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ thực hiện việc xác nhận và chuyển giao sáng chế để thúc đẩy phát triển kinh doanh, sản xuất.
+ Hướng dẫn kiểm tra, việc thực hiện các quy định pháp luật về việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ; đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm; tổ chức hội thảo lấy ý kiến để hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
+ Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, thống kê về sở hữu công nghiệp.
+ Tổng hợp, báo cáo đánh giá các hoạt động sở hữu trí tuệ để báo cáo Bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ để trình lên báo cáo Chính phủ, đồng thời đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
+ Tổ chức thực hiện, quản lý các chương trình đầu tư về phát triển sở hữu trí tuệ và các dự án khác do Cục sở hữu trí tuệ thực hiện.
+ Quản lý các hoạt động thu phí và lệ phí trong lĩnh vực quản lý công nghiệp.
+ Xây dựng và tổ chức các kế hoạch cải cách hành chính phù hợp với tình hình thực tế, và phù hợp với chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Nhà nước.
+ Quản lý về nhân sự, biên chế của Cục, cũng như các loại tài sản, hồ sơ, tài liệu được giao quản lý.
+ Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ phân công.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về vấn đề “Giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam“. Ngoài ra bạn có thể tham khảo các dịch vụ khác của Luật Dương Gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như sau:
Dịch vụ của Luật Dương Gia:
– Tư vấn các vấn đề pháp luật về sở hữu trí tuệ miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
– Tư vấn và hỗ trợ đại diện cho khách hàng trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
– Tư vấn và hỗ trợ đại diện cho khách hàng giải quyết các vi phạm sở hữu trí tuệ.
– Tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.