Công ty chứng khoán đóng vai trò vô cùng quan trọng trên thị trường, đây là loại hình công ty trung gian kết nối các doanh nghiệp và các nhà đầu tư với nhau, cung cấp các thông tin về thị trường chứng khoán, dữ liệu ngành, cổ phiếu, giao dịch ... cho các nhà đầu tư. Vậy pháp luật quy định về giới hạn vay nợ của công ty chứng khoán như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giới hạn vay nợ của công ty chứng khoán như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 của Thông tư 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, có quy định cụ thể về hạn chế vay nợ của công ty chứng khoán. Cụ thể như sau:
– Tỷ lệ tổng nợ dựa trên vốn chủ sở hữu của loại hình công ty chứng khoán sẽ không được vượt quá 05 lần. Giá trị tổng nợ theo quy định sẽ không bao gồm các khoản tiền sau đây:
+ Tiền gửi giao dịch chứng khoán của các khách hàng. Đây được xem là số tiền mà các khách hàng gửi vào tài khoản giao dịch chứng khoán của công ty chứng khoán. Tuy nhiên trên thực tế, trong việc tính toán giá trị tổng nợ, số tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng sẽ không được tính vào. Lý do số tiền này không được tính là tiền gửi của khách hàng không được coi là nợ của công ty chứng khoán, số tiền gửi giao dịch của khách hàng chỉ được xem là tiền mà công ty chứng khoán giữ cho khách hàng một cách thụ động để thực hiện các giao dịch chứng khoán của khách hàng;
+ Quỹ khen thưởng phúc lợi. Quỹ khen thưởng phúc lợi được xem là loại quỹ được tạo ra để thưởng cho các nhân viên trong công ty chứng khoán hoặc nhằm mục đích đáp ứng các mục tiêu phúc lợi cho nhân viên trong công ty chứng khoán. Quỹ khen thưởng phúc lợi không được tính vào giá trị tổng nợ của công ty chứng khoán, vì quỹ này không phải là nợ của công ty chứng khoán đối với bên thứ ba;
+ Dự phòng trợ cấp mất việc làm. Dự phòng trợ cấp mất việc làm được xem là khoản tiền dự phòng mà công ty chứng khoán dành ra để trợ cấp cho các nhân viên làm việc trong công ty chứng khoán trong trường hợp người lao động bị mất việc làm vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình tính toán giá trị tổng nợ, số tiền dự phòng này sẽ không được tính vào vì đây không phải là khoản nợ của công ty chứng khoán đối với bên thứ ba;
+ Dự phòng bồi thường thiệt hại của các nhà đầu tư. Đây là khoản tiền dự phòng mà công ty chứng khoán tiền ra để bồi thường cho các nhà đầu tư trong trường hợp có thiệt hại xảy ra trên thực tế xuất phát từ lỗi của công ty chứng khoán. Tuy nhiên, trong quá trình tính giá trị tổng nợ của công ty, số tiền dự phòng bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư này cũng sẽ không được tính, vì đây không phải là khoản nợ của công ty chứng khoán đối với bên thứ ba.
– Nợ ngắn hạn của công ty chứng khoán tối đa sẽ được xác định bằng tài sản ngắn hạn;
– Công ty chứng khoán chào bán các loại trái phiếu sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Luật chứng khoán năm 2019, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, đồng thời cần phải đảm bảo tuân thủ tỷ lệ được quy định cụ thể tại khoản 1 và khoản 2 Điều 26 của Thông tư 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.
Tóm lại, pháp luật hiện nay đã quy định giới hạn vay nợ của công ty chứng khoán. Theo đó, tỷ lệ tổng nợ trên số vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán hiện nay được giới hạn không được phép vượt quá 05 lần.
2. Hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Quyết định 87/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, có quy định cụ thể về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán. Theo đó, công ty chứng khoán bắt buộc phải tuân thủ quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ.
Khoản mục vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán nêu tại Điều 9 của Quyết định 87/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, sẽ được xác định theo báo cáo tài chính kiểm toán hoạt được xác định theo báo cáo tài chính được soát xét gần nhất tuy nhiên không vượt quá 06 tháng kể từ thời điểm tính toán. Trường hợp các công ty chứng khoán được điều chỉnh tăng vốn điều lệ giữa 02 kỳ báo cáo kiểm toán và soát xét, khoản mục vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán được xác định trong trường hợp này là tại báo cáo tài chính được lập tại kỳ gần nhất.
Cụ thể như sau:
– Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán sẽ không được phép vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán đó;
– Tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán đối với một khách hàng nhất định cũng không được phép vượt quá 3% vốn chủ sở hữu của loại hình công ty chứng khoán;
– Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán đối với một loại chứng khoán nhất định không được phép vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán;
– Tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán cũng không được phép vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết.
3. Hạn chế giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Quyết định 87/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, có quy định cụ thể về vấn đề hạn chế giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán. Cụ thể như sau:
– Công ty chứng khoán theo quy định của pháp luật sẽ không được phép cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ khi thuộc một trong những trường hợp sau:
+ Đối với các loại cổ phiếu, chứng chỉ quỹ do chính công ty chứng khoán đó bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn kể từ thời điểm công ty chứng khoán ký kết hợp đồng bảo lãnh đến hết sáu tháng tính từ khi hoàn tất đợt phát hành;
+ Đối với các loại cổ phiếu của công ty niêm yết sở hữu từ 50% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán, đối với cổ phiếu của công ty niêm yết, cổ phiếu của các công ty đăng ký giao dịch do công ty chứng khoán sở hữu từ 50% trở lên vốn điều lệ;
+ Đối với cổ phiếu của chính công ty chứng khoán đã phát hành;
+ Khi có khách hàng không đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định tại hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ và các quy định tại Quyết định 87/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán;
+ Khách hàng được xác định là các nhà đầu tư nước ngoài;
+ Khi các khách hàng là những đối tượng được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 13 của Quyết định 87/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán.
– Trong trường hợp chứng khoán không còn nằm trong danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ, công ty chứng khoán sẽ không được thực hiện thủ tục cho vay mới đối với các loại chứng khoán này, đồng thời cũng không được tính chứng khoán này làm tài sản có thực của khách hàng trên hệ thống tài khoản giao dịch ký quỹ của công ty tuy nhiên vẫn được coi chứng khoán này là tài sản đảm bảo cho các khoản vay giao dịch ký quỹ, trừ khi có thỏa thuận khác với bên khách hàng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Chứng khoán năm 2019;
– Thông tư 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán;
– Quyết định 87/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán.
THAM KHẢO THÊM: